Chuyện về những người “sửa chữa”… tâm hồn

23/02/2012 10:20 GMT+7 | Y tế


(TT&VH) - Có những vị bác sĩ, niềm hạnh phúc lớn lao nhất là được lắng nghe câu chuyện quá khứ của bệnh nhân, những người đã sống với ánh mắt vô hồn, trống rỗng, ám ảnh và hoang tưởng. Và để có được hạnh phúc đó, chỉ có tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia và cả hy sinh mới có thể sửa chữa, tìm lại những tâm hồn bị… đánh mất.

Bác sĩ Nguyễn Văn Cầu, PGĐ BV Tâm thần Trung ương 2 (TTTW2) đưa chúng tôi đi đến Khoa Phục hồi chức năng (PHCN) cho bệnh nhân tâm thần (BNTT), nơi mà những bệnh nhân này có thể chạm đến “cánh cửa”… nhân cách.

Tình yêu thương chân thật

Một buổi trưa tháng 2, có mặt tại Khoa PHCN của BV TTTW2 tọa lạc trên quốc lộ 1, phường Tân Phong, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trước mắt chúng tôi là hình ảnh nhiều BNTT đang được điều trị bằng liệu pháp tâm lý xã hội. Hiện, BV đang điều trị cho khoảng 1.300 bệnh nhân, trong đó có đến hơn 300 bệnh nhân bị gia đình bỏ rơi.

Trong căn phòng tràn ngập tiếng nhạc, nữ bệnh nhân Nguyễn Kim Khánh, 50 tuổi, vừa bấm những phím nhạc trên cây đàn organ vừa ríu rít khoe với chúng tôi là chị đã chơi được nhiều bản nhạc như: Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Trống cơm… mà bài nào cũng được bác sĩ khen hay. “Tôi ở đây được 6 năm, tôi mê học đàn lắm, được lên sân khấu biểu diễn mấy lần rồi” - chị tươi cười nói.

Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh bên bức tranh Lương tâm cắn rứt của BNTT L.V.T

Bác sĩ Nguyễn Văn Cầu cho biết: “Đây là liệu pháp tâm lý xã hội rất quan trọng, chiếm 50% hiệu quả điều trị để giúp bệnh nhân bình phục, trở lại trạng thái hành vi ứng xử bình thường. Trong đó phần tác nhân rất quan trọng chính là sự thấu cảm, chia sẻ của các bác sĩ, nhân viên ở BV”.

Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh, Trưởng Khoa PHCN, kể từ khi bước vào ngành y (năm 1977) cho đến tháng 6/2012, bác sĩ Khanh sẽ về hưu và cả quảng đường 35 năm phục vụ đều dành hết cho các BNTT tại BV TTTW2 này.

Bác sĩ Khanh tâm sự: “Tổ nghề đã chọn tôi làm công việc này. Tôi không thể nhớ nỗi hơn 30 năm qua, đã bao nhiêu lần tôi bị đuổi đánh, bị nhổ nước bọt, bị chửi bới, bị nhìn bằng cặp mắt mang hình “viên đạn” trước những cơn gia tăng cảm xúc của bệnh nhân. Nhưng đổi lại, tôi cũng có niềm an ủi, động viên, sau khi bệnh nhân ổn định lại đến xin lỗi vì những hành vi không đúng của mình. Nhưng niềm vui sướng nhất là khi chúng tôi không để cho bệnh nhân hoàn toàn bị “tan rã” nhân cách, giúp cho họ tìm lại được tâm hồn, được sống bình thường như bao người khác”.

Và hạnh phúc giản dị

Nhắc đến ngày 27/2, ngày Thầy thuốc Việt Nam, bác sĩ Khanh cười nói: “Chẳng có hoa trong ngày 27/2 đâu, nhưng tôi và các đồng nghiệp khác lại nhận những tin nhắn chúc mừng mà chẳng biết của ai. Nhưng cảm thấy vui và được an ủi khi thỉnh thoảng đi đây đó bên ngoài BV, bất chợt có người gọi: “Bác sĩ ơi, nhớ em không?” hay “Bác sĩ còn đánh đàn và hát với bệnh nhân như trước nữa không?”. Nhưng tôi có một bệnh nhân mà tôi yêu thương nhất từ khi vào viện năm 1999 là L.V.T, 52 tuổi. Cứ đến ngày 27/2 L.V.T lại vẽ tặng tôi một đóa hồng. L.V.T đã điều trị chứng tâm thần hoang tưởng và ở lại BV 9 năm qua, T. mê vẽ lắm. Đem tranh đến tặng tôi và cười nói: “Tối hôm nay em bị “nhiễm từ” nên vẽ không đẹp lắm, bác sĩ thông cảm nha”. Chứng hoang tưởng vẫn đeo đẳng L.V.T mãi”.

Bác sĩ Khanh đưa chúng tôi tới phòng vẽ và cho chúng tôi xem nhiều bức tranh của các BNTT, mỗi bức tranh đều mang những tư tưởng, suy nghĩ phức tạp, trong đó có bức tranh của L.V.T mang tên “lương tâm cắn rứt” và những bức tranh của L.V.T được đăng trên nội san Chuyên ngành Tâm thần rất nhiều. “Cha mẹ L.V.T chết hết rồi, chỉ còn trông chờ vào người anh ruột. Tôi buồn là chưa giúp L.V.T hết bệnh, không biết sau này cuộc sống của L.V.T sẽ ra sao” - bác sĩ Khanh buồn nói.

Bác sĩ Khanh còn nhớ mãi bệnh nhân tên H.T, sinh năm 1954, bị tâm thần phân liệt thể đơn thuần (một thể nặng nhất trong các loại bệnh tâm thần) từ năm 1986 và bệnh nhân bị “tan rã” nhân cách rất nhanh. Đến năm 2005, bệnh nhân đó bị gia đình hoàn toàn bỏ rơi và sống luôn trong BV. “Dù mất dần nhận thức nhưng H.T nói vẫn nhớ gia đình da diết và nhờ tôi đi tìm lại thân nhân. Sau đó, bệnh của H.T bước vào giai đoạn cuối và đã ra đi vào tháng 1 vừa qua. Trước đó tôi tìm lại hồ sơ của H.T, đã đi tìm thân nhân, động viên họ vào gặp H.T lần cuối và đưa về an táng tại Gia Lai. Đó là một ký ức buồn nhưng tôi tin H.T đã mãn nguyện và tôi đã giữ được lời hứa với bệnh nhân” - bác sĩ Khanh kể lại.

Và còn nhiều câu chuyện nữa của vị bác sĩ “già” khi cả cuộc đời làm nghề thầy thuốc gắn liền với những BNTT. Trong những câu chuyện đó là những vui, buồn lẫn lộn nhưng chất chứa một tình yêu thương, sự hy sinh của một người thầy thuốc Việt Nam hết lòng đối với bệnh nhân.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm