Trần tình của thầy giáo làm clip "tháo gỡ chuyện khó đỡ"

05/10/2012 08:32 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Gần đây, thành viên trên các mạng xã hội xôn xao bàn luận về 2 clip hướng dẫn các bạn trẻ thoát hiểm trong 2 tình huống: bị "yêu râu xanh" quấy rối và bị cướp xe nơi vắng vẻ.

Nhiều bạn trẻ thích thú với cách giảng những bài học "tháo gỡ chuyện khó đỡ" qua mạng đầy sinh động và gần gũi. Song, có những ý kiến cho rằng, cách giải quyết trong clip hiệu quả không cao và mang tính… giải trí nhiều hơn.

Tác giả và là "diễn viên" trong các clip này là thạc sỹ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM.



Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (phải) trong một buổi tư vấn cho các bạn trẻ

"Phương pháp tư duy bình tĩnh để thoát hiểm"

Trò chuyện cùng anh đúng Ngày Nhà giáo thế giới (5/10), thầy giáo trẻ tâm sự với giọng nhẹ nhàng nhưng đầy nhiệt huyết của một nhà tư vấn chuyên nghiệp: "Mục đích chính của tôi khi thành lập dự án giảng dạy qua mạng "Tháo gỡ chuyện khó đỡ" là muốn trang bị cho các bạn trẻ những kiến thức thoát hiểm cần thiết khi gặp sự cố. 2 clip xử lý tình huống khi gặp yêu râu xanh và khi bị cướp xe nơi vắng vẻ chỉ là một phần nhỏ trong dự án dài hơi".

"Hiện nay, sau giờ học, học sinh sinh viên thường xuyên online, lên Facebook, Youtube để nghe, xem, đọc, chia sẻ thông tin… Trong khi, những clip lan tràn trên mạng hiện nay, thường là những clip giải trí và rất ít clip giáo dục. Tôi thấy có một khoảng trống trong lĩnh vực giáo dục trên mạng, nên quyết định tự viết kịch bản, rồi tự làm diễn viên, nhờ thêm các bạn sinh viên rồi chúng tôi thực hiện clip để truyền tải thông điệp giáo dục. Sau đó clip được post lên mạng bởi tôi muốn tạo dựng và cổ súy phong trào làm clip giáo dục" - thạc sỹ Hiếu chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong những clip, thạc sỹ Hiếu dạy thiên về kỹ năng trong trường hợp cụ thể. Trong khi thực tế, tình huống nguy hiểm xảy ra muôn hình vạn trạng. Chưa kể việc các cách xử lý đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng lọt tới những kẻ có ý định phạm tội, có thể chúng sẽ mau chóng "bắt bài" nạn nhân. Chúng tôi đem những thắc mắc "khó đỡ" này nhờ anh Hiếu "tháo gỡ".

Trầm tư một hồi, anh thành thực: "Đây cũng là những băn khoăn của tôi ngay từ khi xây dựng dự án. Cân nhắc một thời gian, tôi cũng cố xây dựng những mô hình để tránh tình trạng trên. Đầu tiên là mình sẽ cập nhật thường xuyên những clip bổ sung các phương pháp trong tình huống ấy. Chúng ta cũng nên xác định, số tội phạm online xem clip giáo dục là không nhiều.

Hơn thế, cái tôi muốn truyền tải trong những clip là dạy phương pháp tư duy bình tĩnh để thoát hiểm. Còn những tình huống chỉ là những ví dụ minh họa thôi. Khi gặp sự cố, điều cần thiết nhất là bình tĩnh và làm ngược với tư duy thông thường mà tội phạm nghĩ mình sẽ làm. Ví như khi một mình ở nhà mà cướp vào khống chế, thay vì hoảng sợ trước chúng thì hãy làm chúng hoảng sợ. Giả dụ như chạy vào phòng, đóng kín cửa rồi hét toáng lên. Hay người bị nạn giả như sợ hãi, hướng dẫn chúng lấy két tiền ở buồng trong. Rồi chờ chúng chủ quan, bất ngờ đẩy chúng vào buồng rồi dập cửa lại. Tất nhiên, những trường hợp tôi nêu chỉ là minh họa cho cách ứng biến bình tĩnh sẽ thoát hiểm được thôi".

Về tên gọi dự án "Tháo gỡ chuyện khó đỡ" mang phong cách rất… "sát thủ đầu mưng mủ", điều mà bị nhiều người cho là "nhảm nhí nhưng cố gây chú ý", thạc sỹ Hiếu khẳng định, sở dĩ anh chọn cái tên không mô phạm này cũng bởi nó gần gũi với học sinh, sinh viên. Điều quan trọng nhất là tên này sẽ làm nhiều người trẻ chú ý hơn và sẽ làm quá trình truyền đạt hiệu quả hơn.

"Teen đang manh động hơn"

"2 clip xử lý tình huống khi gặp yêu râu xanh và khi bị cướp xe nơi vắng vẻ chỉ là một phần nhỏ trong dự án dài hơi "Tháo gỡ chuyện khó đỡ".

Là thạc sỹ, cũng là chuyên gia tư vấn tâm lý của tổng đài 1080 nên thầy Hiếu hiểu những thay đổi lớn trong tâm tư, tình cảm các bạn trẻ. "Trước kia, bữa tối, cả nhà đoàn tụ bên mâm cơm. Sau đó, cùng xem ti vi, chia sẻ những vấn đề công việc, học hành, cuộc sống diễn ra trong ngày.

Nhưng xã hội hiện đại dẫn đến những thay đổi mang tính hệ thống. Có khi nhà có 4 người mà bữa tối ăn tới 3 lần, sau đó mỗi người về phòng riêng của mình. Điều này tưởng như nhỏ song nó tác động rất lớn tới tâm sinh lý của trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên.



Một cảnh trong clip "Đối phó yêu râu xanh"

Khi không có những điểm tựa từ hơi ấm gia đình, các em dễ có những thay đổi khó lường. Điều này dẫn tới: "Teen manh động hơn, tội phạm trẻ hóa hơn, phụ huynh lo âu hơn song cũng lúng túng hơn".

Những sự "vụn vỡ" vô hình từ mỗi gia đình và trong lòng xã hội này sẽ được giải quyết phần nào qua "Tháo gỡ chuyện khó đỡ". Anh chia sẻ, không chỉ vấn đề thoát hiểm trong những tình cảnh ngặt nghèo, các "bài giảng" của anh tới đây sẽ đề cập tới tình yêu học đường, làm gì với người lớn giả làm người thân cha mẹ rồi vào làm việc xấu, vấn đề xâm hại trẻ em… Đây cũng là những bài giảng trên lớp của anh.

"Tôi muốn chuyển thể lại nó dưới dạng clip để sinh viên của tôi cũng như đông đảo các bạn trẻ và cả những phụ huynh ứng xử tốt hơn trong nhiều trường hợp" - thạc sỹ Hiếu khẳng định chắc nịch.

Đang say mê nói về những ý tưởng mới để làm dự án giảng dạy online "Tháo gỡ chuyện khó đỡ" thêm hữu ích, thầy Hiếu chợt băn khoăn: "Công nghệ giờ phát triển nhưng ta đang không sử dụng hết tính ưu việt của nó trong lĩnh vực giáo dục. Giáo dục qua sách vở đương nhiên là tốt và cần thiết. Nhưng giáo dục trên mạng cũng nên bổ sung thêm để các em có thể học tập một cách hứng thú. Chúng ta cũng nên bỏ dần tính mô phạm thái quá đi, mà gần gũi với các em hơn, để các em thích thú hơn trong việc tiếp nhận kiến thức".

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm