Kỳ 1: "Phải chính là Việt Nam"

21/09/2012 14:20 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Chúng ta mất rất nhiều tiền để học hỏi phương Tây mà quên học ở tiền nhân. Tư tưởng giáo dục Việt Nam nằm trong chính con người Việt Nam. Nếu quên ông cha thì tâm hồn Việt cũng đã nhạt nhòa. Đó là ý kiến của GS Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết tại cuộc tọa đàm "Đông Kinh Nghĩa Thục và cải cách giáo dục hiện nay" diễn chiều 20/9 tại Hà Nội.

Tọa đàm có sự góp mặt rất đông hậu duệ của các nhà cải cách Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) năm xưa.

Chúng ta phải chính là Việt

"ĐKNT 100 năm trước xuất hiện như ánh sao băng trong lịch sử hiện đại Việt Nam, một đi không trở lại. Hình ảnh của nó, ánh sáng của nó, hiện tượng của nó ta chỉ ghi nhận được trong khoảnh khắc, nhưng năng lượng nó tỏa ra thì đã lan trong vũ trụ. Thứ năng lượng mà chúng ta cần và phải tiếp nhận" - GS Nguyễn Khắc Mai nhấn mạnh Dù ví von là "một đi không trở lại", nhưng các diễn giả đã chứng minh rằng: tư tưởng giáo dục tiến bộ của ĐKNT dù đã trải qua 105 năm, vẫn có giá trị đối với nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

Năm 1946, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, học giả Nguyễn Hữu Cầu, một trong những nhân vật chủ chốt của ĐKNT, nói với các học trò trước khi mất: "Nền tự do này, độc lập này đồng bào ta mới giành lại được, chúng ta phải giữ gìn trong lĩnh vực tinh thần. Chính bằng nghệ thuật và khoa học mà các dân tộc trường tồn. Chúng ta cần dõng dạc và tự hào khẳng định mình là một quốc gia. Phải làm sao thông qua nghiên cứu ngôn ngữ mà nghiên cứu dân tộc và làm sao in đậm trong tâm hồn tính cách hoàn toàn Việt Nam. Ngày nay chúng ta quá Tây, quá Tàu, chúng ta là những người giáo điều "ba rọi"…chúng ta phải chính là Việt" (trích từ bài của học giả Nguyễn Văn Tố trên báo Le Peuple, Hà Nội ngày 4/8/1946).



GS Vũ Thế Khôi phát biểu tại tọa đàm, bên cạnh là hai diễn giả: GS Chương Thâu và GS Nguyễn Khắc Mai. Ảnh: Hạ Huyền.

"Phải chính là Việt", tư tưởng đó đến tận ngày nay người Việt vẫn đang loay hoay đi tìm, trên mọi lĩnh vực, không riêng gì giáo dục. Các nhà cải cách ĐKNT đã trăn trở về chủ đề này 105 năm trước. Thành quả là "đường lối giáo dục quốc dân", kế thừa tư tưởng của các nho sĩ bình dân thời phong kiến thế kỷ 19 và tư tưởng dân quyền, dân chủ và khoa học của phương Tây.

Theo GS, nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, đường lối giáo dục này là mẫu mực của sự đổi mới "căn bản và toàn diện", một cụm từ hiện nay đã trở thành cửa miệng của ngành giáo dục. Nói như Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cháu ngoại chí sĩ Phan Chu Trinh tại tọa đàm, bà thích chữ "cải cách giáo dục" hơn là cụm từ mơ hồ kia.

Với phong trào ĐKNT, "căn bản và toàn diện" không hề mập mờ, khó hiểu như cách dùng hiện nay. "Căn bản" nghĩa là tận gốc, từ bỏ triết lý "giáo dục tĩnh" của Nho giáo, vốn chỉ tạo ra những thần dân bù nhìn, chuyển sang "giáo dục động", kết hợp Đông (đạo Nho nhân bản, văn hóa dân tộc) và Tây (giáo dục Pháp). Toàn diện là bao gồm đủ các quá trình: mục tiêu, nội dung, phương pháp; không lấy phương pháp mới để dạy nội dung cũ như hiện nay, dẫn đến "càng cải càng rối".

Mục tiêu "đào tạo ra những con người độc lập suy nghĩ, tự biết hành động của ĐKNT cũng là một tư tưởng có tính thời sự với nền giáo dục hiện nay. Ông Nguyễn Đông Hải, em trai bà Nguyễn Thị Bình, tóm gọn mục tiêu đào tạo của ĐKNT trong mấy chữ sau: "Người học thực học, người dạy thực dạy, học trò học xong có thực tài và cuối cùng, thực cống hiến cho đất nước".

"Làm cách mạng cái đầu"

Chuyên gia tâm lý học Nguyễn Đức Thạc cho rằng, tính cải cách của ĐKNT nằm ở cụm từ "Khai dân trí". Khai mở, chứ không phải "nâng cao dân trí" như chúng ta thường nói hiện nay. "Không thể trông chờ một lực đẩy nào từ bên ngoài nâng dân trí chúng ta lên, tự chúng ta phải mở rộng đầu óc của mình để tiếp thu tri thức. Hai cách dùng từ khác hẳn nhau về bản chất".

Theo GS Vũ Thế Khôi, suy nghĩ ĐKNT là một phong trào cải lương, tư sản là hoàn toàn sai lầm. "Trong những bước đầu tiên xây dựng Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ý thức kế thừa các phong trào ĐKNT và Duy Tân". Ông Vũ Thế Khôi nhắc lại lời nhà văn Nguyên Ngọc khi nhận xét về các nhà cải cách ĐKNT: "Các cụ đã vượt qua chính mình ở chỗ quyết tâm học người Pháp, vì các cụ nhận thức được ta thua họ vì thua mấy trăm năm về văn hóa và văn minh".

"Các cụ thấy rõ trước hết phải cách mạng cái đầu để ngang tầm với kẻ thù đã. Đây là cuộc cách mạng vĩ đại hơn cầm súng. Biết chấp nhận những cái không thể không chấp nhận để bảo tồn những cái không thể không bảo tồn, nay mai lấy lại nước" - GS Vũ Thế Khôi nhấn mạnh tư tưởng tiến bộ của ĐKNT.

Theo GS.TS Đặng Quốc Bảo: Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời tại Hà Nội, chỉ tồn tại trong 9 tháng, từ tháng 3 đến tháng 12/1907.

Tên gọi có ý nghĩa: Ngôi trường mở tại đất Đông Kinh mang tinh thần đại nghĩa. Trường do hai nhà cách mạng Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu chỉ đạo về tư tưởng, thục trưởng là Lương Văn Can. Nhiều học giả nổi tiếng như Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Thượng Hiền, Dương Bá Trạc… tham gia phong trào này.

Kỳ 2: "Tại sao, Việt Nam?"

Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm