Cẩm nang là cẩm nang nào?

02/03/2012 11:31 GMT+7 | Giáo dục


(TT&VH) - Chưa năm nào thị trường cẩm nang tuyển sinh đại học lại trở nên sôi động như năm nay, khi Bộ GD&ĐT không đứng ra in cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng và “thả nổi” cho các NXB.

Để phục vụ tối đa nhu cầu của các “thượng đế”, khác với cuốn Những điều cần biết được in hàng năm chỉ gồm các thông số cơ bản về chỉ tiêu, ngành tuyển… của từng trường, năm nay, các NXB đều hướng đến một cuốn cẩm nang “N trong 1”.

Cẩm nang “N trong 1”

Tiêu biểu có thể kể đến Cẩm nang tuyển sinh 2012 do báo Thanh niên phối hợp với NXB Đồng Nai phát hành. Với 40 trang, cuốn sách này bao gồm rất nhiều thông tin về kỳ tuyển sinh năm 2011 như tỷ lệ “chọi”, điểm trúng tuyển nguyện vọng 1. Ban biên soạn cũng không quên thống kê 10 ngành đăng ký học nhiều nhất, thông tin mới về ngành nghề, cách chọn ngành để thi, những ngành nghề có thu nhập cao, những ngành nghề cần nhân lực trong 5 năm tới… và cả “bí quyết thi đậu”, tâm lý trước kỳ thi.

Tiến thêm một bước, cuốn Cẩm nang tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012 - chọn ngành cho tương lai” (do báo Tuổi trẻ và NXB Trẻ liên kết ấn hành) ngoài phần tư vấn cho thí sinh về chọn ngành, tâm lý thi cử, còn có cả mục nhận định đề thi, các thông tin về học phí, vay vốn học tập, chia sẻ về việc chọn lựa ngành nghề của những người thành đạt, nổi tiếng.

Bìa 2 trong số rất nhiều cẩm nang về tuyển sinh ĐH, CĐ 2012

Đặc biệt, cuốn cẩm nang này còn có cả mục tư vấn cho… phụ huynh về cách hỗ trợ con trong học tập, chọn ngành.

Với khá nhiều thông tin chi tiết, đa dạng nên cuốn cẩm nang này cũng dày hơn của NXB Đồng Nai với 132 trang.

Nhưng có số trang đáng nể nhất phải là bộ sách 6 cuốn của NXB Thống kê, mỗi cuốn dày khoảng trên 400 trang. Bộ sách gồm ba cuốn về hệ đại học, chia theo ba miền Bắc, Trung, Nam với tiêu đề Tìm hiểu về các trường đại học qua những số liệu tuyển sinh và ba cuốn cho hệ cao đẳng, cũng chia theo ba miền, là Tìm hiểu các trường cao đẳng trong trường đại học và cao đẳng qua những số liệu tuyển sinh.

Không chỉ chia các nhóm trường theo vị trí địa lý, cuốn cẩm nang này còn tỏ ra khá “đẳng cấp” khi có danh mục các trường có liên kết đào tạo quốc tế, các trường đào tạo theo nhóm ngành…

Mượn danh Bộ GD&ĐT

Khi Bộ quyết định không in cuốn Những điều cần biết cũng đồng nghĩa với việc thương hiệu này đang bị… bỏ rơi. Và vì thế, ngay lập tức cái tên này được nhiều đơn vị lựa chọn để đặt cho cuốn cẩm nang của mình nhằm tranh thủ sự tín nhiệm của thí sinh và các trường.

Mới đây, rất nhiều lãnh đạo sở GD&ĐT cho biết đã nhận được Thư nhỏ của một tạp chí, đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, về việc mời phát hành cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012.

Tạp chí này khẳng định: “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng đã nhiều năm qua được dư luận cũng như các tỉnh, thành, các trường… đánh giá cao và quan tâm ủng hộ mạnh mẽ. Năm nay, ấn phẩm này sẽ được tạp chí của Bộ GD&ĐT thực hiện. Ấn phẩm được chủ trì về nội dung bởi các chuyên gia trong ngành giáo dục như PGS Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, TS Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, chuyên viên Nguyễn Quốc Cường, Văn phòng cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại Thành phố Hồ Chí Minh…”

Tuy nhiên, trao đổi với TT&VH, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, thông tin mà tạp chí này gửi đến các sở là không chính xác. Năm 2012, Bộ chủ trương không có lãnh đạo nào của bộ tham gia chủ trì, biên tập các ấn phẩm về thông tin tuyển sinh. Bộ cũng không chịu trách nhiệm về thông tin được đăng tải trên bất cứ tài liệu cẩm nang nào.

Được biết, NXB Giáo dục cũng đang có kế hoạch kết hợp với Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Tây (đơn vị được Bộ giao độc quyền in Những điều cần biết những năm trước đây) chuẩn bị cho ra mắt cẩm nang tuyển sinh. Nhưng có thể thấy, hai đơn vị này đã chậm chân hơn so với tạp chí trong việc “tranh thủ” cái tên Những điều cần biết.

Thí sinh chịu thiệt

Đứng tần ngần trước cửa hiệu sách trên phố Lý Thường Kiệt, Nguyễn Phương Thảo, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú, chia sẻ, em đang tìm cẩm nang tuyển sinh, nhưng chẳng biết chọn cuốn nào. Theo Thảo, tài liệu này chỉ dùng trong thời gian ngắn, khoảng 1 tháng, nên nếu mua nhiều thì lãng phí, nhưng để chọn một cuốn lại rất khó. “Giá như Bộ cứ in Những điều cần biết như mọi năm thì em không phải suy nghĩ nhiều, chỉ cần mua cuốn đó về là đủ”, Thảo chia sẻ.

Đây cũng là băn khoăn của Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng. Theo ông Lâm, nếu Bộ vẫn đứng ra in cuốn Những điều cần biết thì thí sinh sẽ có một tài liệu chính thống để tin tưởng, còn “thả nổi” như hiện nay, tuy rất nhiều nhưng không tinh, tuy thừa nhưng vẫn thiếu.

Nhìn ở góc độ chuyên gia tâm lý, ông Lâm cho rằng, thí sinh đang băn khoăn trong việc chọn nghề, chọn trường, việc có quá nhiều cẩm nang, tư vấn một mặt giúp các em có thêm nhiều thông tin, nhưng mặt khác, cũng khiến các em càng thêm rối.

Trong khi các tài liệu cẩm nang đang tràn lan trên thị trường thì website của Bộ GD&ĐT vẫn “im hơi lặng tiếng” dù cho biết sẽ đưa thông tin về tuyển sinh đại học, cao đẳng lên cổng điện tử của mình. Và nếu Bộ có đưa thông tin lên Internet thì không phải thí sinh nào cũng có điều kiện để tiếp cận, dù hệ thống máy tính nối mạng đã được trang bị đến tất cả các trường THPT, bởi kỹ năng tra cứu thông tin của các em học sinh nông thôn, miền núi vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Hoàng Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm