Những đề cử của Giải âm nhạc cống hiến lần 4

20/02/2009 09:16 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Thị trường âm nhạc Việt Nam năm 2008 có thể làm nhiều người thất vọng. Thiếu vắng những “hiện tượng âm nhạc”, các cuộc thi ca hát ào ào nhưng thưa vắng tài năng, những bài hát ra rả trên thị trường mờ nhạt cá tính và bản sắc, những live show thập thõm lo “ế độ”, những album chất lượng bị “knock-out” bởi băng đĩa lậu, ca sĩ ngôi sao sống nhờ quảng cáo và các chương trình hội nghị khách hàng v.v… Tất cả vẫn còn là hình ảnh một nền sản xuất và thị trường âm nhạc mang nặng tính nghiệp dư. Năm 2008, sự u ám của nền kinh tế toàn cầu còn phủ thêm bóng mây lên thị trường nghệ thuật nói chung, trong đó âm nhạc đại chúng, nó bị ảnh hưởng nặng nề: phòng trà ca nhạc đóng cửa hoặc vắng khách, live show hoãn hoặc hủy bỏ…

Nhưng thực tế, những gì các ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, các mắt xích trong nền sản xuất âm nhạc và công nghệ tổ chức biểu diễn Việt Nam đã làm trong năm qua không đáng để bi quan như thế, thậm chí ở một số khu vực, còn ngược lại. Và cuộc thăm dò ý kiến phóng viên cho những đề cử các hạng mục của giải Âm nhạc Cống hiến 2008 thực sự cho thấy không ít “đối thủ” ngang cơ, bởi mỗi người mỗi vẻ.
 
1. Nhạc sĩ của năm: Lưu Thiên Hương vượt qua Minh Thư vào phút cuối
 
Đề cử Nhạc sĩ của năm
 
1. Hồ Hoài Anh
2. Đỗ Bảo
3. Nguyễn Đức Cường
4. Lưu Thiên Hương
 
Lưu Thiên Hương
 
Đây chính là điều bất ngờ nhất của vòng đề cử. Với chùm ca khúc dễ thương viết cho bộ phim truyền hình “hot” nhất năm 2008 - Bỗng dưng muốn khóc - “bỗng dưng” Minh Thư gây được chú ý với khả năng sáng tác của mình. Tuy nhiên, nếu ra khỏi “bóng râm” của bộ phim, “nhạc sĩ” Minh Thư đã không vượt qua được đàn chị Lưu Thiên Hương, vốn cũng là một ca sĩ, nhưng đã từ bỏ hẳn nghiệp sân khấu để chuyên tâm thành một nhạc sĩ sáng tác, để lọt vào bảng đề cử Nhạc sĩ của Năm. Được phát hiện từ chương trình Bài hát Việt 2 năm trước, giờ đây, Lưu Thiên Hương không còn làm người ta ngại ngần khi gọi là “nữ nhạc sĩ”. Các sáng tác của Lưu Thiên Hương khá “hit” trên thị trường hiện nay qua các giọng ca Lưu Hương Giang, Đoan Trang, Hoàng Hải... Mới nhất, cô đã giành giải Bài hát được khán giả yêu thích của Bài hát Việt 2008.

Hồ Hoài Anh
Năm 2008 cũng là một năm nổi đình nổi đám của Hồ Hoài Anh, không chỉ vì anh làm giám khảo Vietnam Idol hay vì những “sóng gió” trong cuộc tình đẹp với ca sĩ Lưu Hương Giang, mà chính bằng những hoạt động âm nhạc dày đặc trong năm. Là nhà sản xuất âm nhạc và sáng tác ca khúc chính cho album Chuyển động giúp Lưu Hương Giang đến gần với khán giả phổ thông hơn - một album pop-ballad “thuần chủng” và “sạch”, khá hấp dẫn với rất nhiều bản nhanh chóng trở thành “hit”. Đồng thời cũng là nhà sản xuất dự án âm nhạc Saigon Radio của ca sĩ Hà Anh Tuấn. Chưa kể Hồ Hoài Anh còn là nhạc sĩ duy nhất nhận giải thưởng tác giả có tác phẩm mới đạt chất lượng cao do Bộ VH, TT&DL trao tặng tại cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2008.

4 năm sau thành công của vol.1 Cánh cung (2004), năm 2008 Đỗ Bảo đã cho ra mắt vol.2 Cánh cung 2 - Thời gian để yêu, tiếp tục chinh phục những công chúng trẻ yêu mến dòng ca khúc pop mang đậm chất trữ tình tự sự của anh. Các ca khúc trong album nhanh chóng được phổ biến và yêu thích: Cánh cửa mùa Xuân, Bức thư tình thứ ba, Bức thư tình thứ tư... Lặng lẽ đi con đường riêng mình bằng phong cách “Bảo pop” thông minh, mạnh suy tư lý trí vốn là điều không có nhiều trong ca khúc hiện nay.
 
Đỗ Bảo
 
Tân binh, “cơn gió lạ” của bảng đề cử Nhạc sĩ của Năm chính là Nguyễn Đức Cường, người vừa đoạt giải Ca khúc pop đương đại nổi bật của năm (chương trình Bài hát Việt 2008) với Em trong mắt tôi. Năm 2007, với Nồng nàn Hà Nội, Nguyễn Đức Cường đã giành giải Thể nghiệm sáng tạo Bài hát Việt. Lối viết mới mẻ, hiện đại, cá tính và khá... phong trần, ca khúc của Nguyễn Đức Cường không chỉ thuyết phục giới chuyên môn mà còn nhanh chóng chinh phục khán giả trẻ. Nồng nàn Hà Nội là một “hit” trên bảng xếp hạng ca khúc Việt Nam năm 2008. Cường cũng là một mẫu nhạc sĩ “hoàn hảo”: sáng tác, phối khí và biểu diễn, và ở cả 3 vai trò này, anh đã giành được 3 giải thưởng: Bài hát của tháng, giải Phối khí, giải Ca sĩ thể hiện hiệu quả cho ca khúc Em trong mắt tôi của Hội đồng nghệ thuật Bài hát Việt.
 
Nguyễn Đức Cường
 
Hai nhạc sĩ đàn anh chiếm lĩnh giải Cống hiến những năm trước ở hạng mục Nhạc sĩ của năm - Đức Trí và Võ Thiện Thanh - năm nay đã tạm “nhường một bước”, mặc dầu xét về khối lượng công việc trong năm qua họ vẫn rất đáng nể. Võ Thiện Thanh đã cho ra mắt album nhạc thời trang Việt Nam đầu tiên Listen Or Walk và “hút hồn” công chúng tuổi teen với phần âm nhạc hấp dẫn của bộ phim Giải cứu thần chết. Đức Trí, bất chấp những nghi ngại về chiến lược xây dựng hình ảnh Phương Vy, đã kịp thực hiện 1 album và 1 single ra mắt trong năm 2008. Album Lúc mới yêu của Phương Vy tuy chưa được đánh giá cao về phần âm nhạc nhưng đã có được lượng công chúng khá đông đảo và một số bản “hit”. Với Hồ Ngọc Hà, trong năm 2008, Đức Trí cũng tạm lùi về phía sau, chỉ tham gia một phần trong album Khi ta yêu nhau.
 
2. Ca sĩ (nhóm hát, ban nhạc) của năm: sức hấp dẫn nào sẽ lên ngôi?
 

2. Ca sĩ (nhóm hát, ban nhạc) của năm: sức hấp dẫn nào sẽ lên ngôi?
 
Đề cử Ca sĩ (nhóm hát, ban nhạc) của năm
 
1. Hồ Ngọc Hà
2. Mỹ Tâm
3. Hà Anh Tuấn
4. Đức Tuấn
5. Ban nhạc Unlimited
 
Bảng đề cử Ca sĩ của năm bao giờ cũng có sức hấp dẫn và “nóng” nhất bởi sự có mặt của các ngôi sao. Các ca sĩ: Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Thu Minh, Bảo Thy, nhóm Năm Dòng Kẻ, ban nhạc Ngũ Cung đã không nhận được nhiều ý kiến để có thể có mặt trong bảng đề cử.
 
Ban nhạc Unlimited
 
Với việc khởi xướng và là lực lượng chính trong live show Unlimited Symphony, ban nhạc rock Unlimited đã trở thành đại diện nhóm nhạc duy nhất có mặt trong bảng đề cử Ca sĩ của Năm và cũng là lần đầu tiên một ban nhạc trở thành ứng cử viên giải Cống hiến!
 
Hà Anh Tuấn
 
Ca sĩ Hà Anh Tuấn đã vượt qua một đồng nghiệp “ngang cơ” khác là Nguyễn Ngọc Anh trong vòng lựa chọn này. Giải vàng Giọng hát vàng ASEAN 2008 lẽ ra phải là một lợi thế của Nguyễn Ngọc Anh trong cuộc đua “Cống hiến”, nhưng có lẽ cuộc thi do chỉ bó hẹp trong phạm vi phát thanh - truyền hình nên “mất điểm”. Trong khi ấy, những nỗ lực không ngừng từ Cà phê sáng (album thực hiện với Võ Thiện Thanh) tới Saigon Radio (album thực hiện với Hồ Hoài Anh), Hà Anh Tuấn đang hoàn thiện dần trong dòng R&B và khá thành công khi nỗ lực mang lại một “cơn gió lạ” cho lực lượng nam ca sĩ.

Đức Tuấn

Chọn một lối đi riêng, độc lập, đã hai lần lọt vào bảng đề cử Ca sĩ của năm cho thấy sự kiên trì đáng khâm phục của Đức Tuấn đã được ghi nhận. Năm 2008, 2 album Tiếng hát Trương Chi (ca khúc Văn Cao), Kiếp nào có yêu nhau (nhạc Phạm Duy) của Đức Tuấn được đánh giá cao về chất lượng âm nhạc và được xem là ca sĩ hát nhạc trữ tình được giới trẻ yêu thích.

Hai nữ ca sĩ lọt vào bảng đề cử Ca sĩ của năm vô tình được đặt trong thế “so sánh ngầm”. Năm 2007 Hồ Ngọc Hà, với cú nhảy vọt trên thị trường ca nhạc, sức hấp dẫn, mới mẻ của một ngôi sao giải trí hàng đầu, đã bỏ lại các diva đang trong “khoảng lặng” để giành vị trí Ca sĩ của năm. Live show được chờ đợi cuối cùng không thành trong năm 2008 ít nhiều đã làm chậm bước tiến của Hồ Ngọc Hà trong năm qua, nói cách khác, cô buộc phải “giậm chân tại chỗ”, song vị thế trong làng giải trí thì khó suy suyển.
 
Có phần ngược lại, năm 2008 là năm kỷ lục làm việc của Mỹ Tâm. 2 album với 2 phong cách âm nhạc, 1 live show với 3 đêm diễn xuyên Việt, nhiều sáng tác lọt vào bảng xếp hạng - sự trở lại mạnh mẽ của Mỹ Tâm trong năm qua khó có ai bì kịp. Tuy nhiên, việc tổ chức live show có phần gấp gáp đã ảnh hưởng phần nào tới chất lượng, khiến Sóng đa tần chưa thể là một “live” show đúng nghĩa để đứng vào đề cử Chương trình của năm.
 
Hồ Ngọc Hà (trái) và Mỹ Tâm
 
Tối 11/3 tới đây, tại Nhà hát TP.HCM, chúng ta sẽ biết ai là người xuất sắc nhất ở các hạng mục của năm 2008 theo đánh giá của các nhà báo.

3. Chương trình của năm: Cả Dạ tiệc trắng, Sóng đa tần và Thập đại mỹ nhân "out"
 

3. Chương trình của năm: Cả Dạ tiệc trắng, Sóng đa tần và Thập đại mỹ nhân "out"

Đề cử Chương trình của năm

1.Bài hát Việt (VTV3)
2.Con đường tình ta đi (Phương Nam Phim)
3.Chuyện tình yêu (Quang Dũng)
4.Unlimited Symphony (Unlimited và Nhạc viện TP.HCM)
 
Ba live show hoành tráng nói trên của 3 ngôi sao hàng đầu trên thị trường ca nhạc đều không vượt qua được “cửa ải” vòng 1 để lọt vào bảng đề cử Chương trình của năm dù cả ba đều được ghi nhận có những nỗ lực và đầu tư khổng lồ cho live show. Ngoài ra, Vietnam Idol 2008 cũng đã bay mất hào quang hấp dẫn của lần tổ chức đầu tiên (nhận giải Chương trình của năm 2007) nên không lọt được vào vòng Đề cử. Có thể nói sự tương xứng giữa chất lượng âm nhạc (phần nghe) và quy mô tổ chức (phần xem) đã trở thành tiêu chí chung của những lá phiếu.
 
Live show Quang Dũng - Chuyện tình yêu
 
3 trong số 4 live show lọt vào đề cử Chương trình của năm 2008 đều diễn ra tại TP.HCM, “thủ đô ca nhạc” của cả nước cho thấy “cán cân” thị trường showbiz vẫn chưa thay đổi, bất chấp việc các ca sĩ có đổi chiều ra Bắc vào Nam cho các dự án sản xuất âm nhạc.
 
Đẹp đẽ và trọn vẹn cả phần nghe lẫn phần nhìn trong một tổng thể hài hòa là live show Quang Dũng - Chuyện tình yêu (đạo diễn Huỳnh Phúc Điền). Ngoài phần âm nhạc, có thể live show này còn “được điểm” nhờ hình ảnh hoàn hảo, hạnh phúc của nghệ sĩ trên sân khấu với gia đình nhỏ khá hiếm hoi trong giới showbiz hiện nay?
 
Con đường tình ta đi - live show tác giả Phạm Duy
 
Con đường tình ta đi - live show tác giả Phạm Duy (đạo diễn Phạm Hoàng Nam, Dương Thảo), một chương trình tác giả hiếm hoi trong thời gian khó của live show, vẫn luôn giữ được đẳng cấp và phong độ những chương trình tác giả vốn là “đặc sản” của Hãng phim Phương Nam. Đây cũng là live show hiếm hoi quy tụ nhiều giọng ca hàng đầu của nhiều thế hệ như Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Duy Quang, Thanh Lam, Mỹ Linh, Quang Linh, Đức Tuấn, Nguyên Thảo, Khánh Linh...
 
Live show rock - giao hưởng Unlimited Symphony

Mang một phong cách khác hẳn 2 live show trữ tình kể trên là live show rock - giao hưởng Unlimited Symphony. Sự kết hợp mới mẻ, táo bạo giữa Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện TP.HCM với ban nhạc rock Unlimited đã mang lại sự phấn khích cho khán giả và chiều sâu cho rock, đồng thời cũng mở đường cho những sự kết hợp âm nhạc khả quan trong tương lai.
 
Bài hát Việt
 
Chưa có duyên với giải Cống hiến dù luôn luôn là ứng cử viên nặng ký của giải này ngay từ năm đầu tiên, năm 2008, Bài hát Việt đã có một vị thế mới. Những gì từng được xem là “khó lọt tai” (vì quá mới) của Bài hát Việt những năm đầu tiên giờ đã “ngấm” dần. Cái công việc “trồng cây” (tìm kiếm, tôn vinh những ca khúc và nhạc sĩ Việt Nam đương đại) đã đến lúc được nhìn nhận. Hai phát hiện của Bài hát Việt - nhạc sĩ Lưu Thiên Hương và Nguyễn Đức Cường - đã trở thành ứng cử viên giải Nhạc sĩ của năm (2008). Không giới hạn ở một live show ca nhạc thông thường, Bài hát Việt đang làm nhiệm vụ của một “bệ đỡ” và “bệ phóng” quan trọng cho nhạc Việt.
 
4. Album của Năm : Tiếc cho Mù tạt (Tinna Tình), một ghi nhận cho Chưa dừng lại (Lương Bích Hữu)

4. Album của Năm : Tiếc cho Mù tạt (Tinna Tình), một ghi nhận cho Chưa dừng lại (Lương Bích Hữu)
 
Đề cử Album của Năm
1. Bóng tối ly cà phê (Saigon Movies Media - Lê Thanh Hải)
2. Cánh cung 2 - Thời gian để yêu (Dihavina - Đỗ Bảo)
3. Kiếp nào có yêu nhau (Phương Nam Phim - Đức Tuấn)
4. Trần Tiến (Dihavina - Ha Tran Productions)
5. Trở lại (Mytam Entertainment - Mỹ Tâm)
 
Năm 2008 được xem là một năm kỷ lục về số lượng album, có ca sĩ định vào Guinness bằng tốc độ mỗi tháng 1 album trong 12 tháng liền, tuy chưa thành hiện thực nhưng cũng đã kịp phát hành 7 album trong năm. Song đáng nói của album 2008 là sự đa dạng của các dòng nhạc, đặc biệt là những phong cách mới mẻ (ở Việt Nam), tính “chuẩn” (về thể loại, về hòa âm, về ý tưởng…) của từng album. 5 đề cử ở hạng mục này được xem là rất “ngang cơ”, với số phiếu thăm dò ngang ngửa - lần đầu tiên có hiện tượng “một tám một mười” giữa cả 5 đề cử như vậy tại giải Cống hiến trong suốt 4 năm qua.

Trở lại của Mỹ Tâm thực sự là sự trở lại đằm thắm và sâu sắc hơn của “nữ hoàng nhạc pop” với phong cách pop-ballad, nhanh chóng tạo thành nhiều bản “hit” trên các bảng xếp hạng của Xone-FM. Có thể xem đây là album pop-ballad chất lượng nhất của Mỹ Tâm từ kỹ thuật thu âm đến giọng hát. Cùng năm 2008, Mỹ Tâm còn phát hành album thứ hai - Nhịp đập - theo phong cách dance trẻ trung, khá hấp dẫn, tuy nhiên, qua vòng tham khảo, nó không vượt được qua Trở lại để lọt vào bảng đề cử Album của Năm.

Hai album tác giả cùng dễ dàng lọt vào danh sách đề cử, một thuộc về thế hệ “cha chú” - album Trần Tiến (HaTran Production, Dihavina sản xuất, Viết Tân Studio phát hành) - và một thuộc thế hệ nhạc sĩ trẻ - album Cánh cung 2 - Thời gian để yêu của Đỗ Bảo. Nếu album Trần Tiến là một cuộc làm mới âm nhạc vốn đã rất quen thuộc với nhiều người nghe bằng cuộc chơi đa màu sắc, gây ấn tượng (của lối hòa âm phối khí, của các giọng hát), thì Cánh cung 2 vẫn trung thành với phong cách “Bảo pop”, có thể xem là một cuộc nối dài của Cánh cung 1, có sức hấp dẫn lạ lùng với “giới trẻ văn minh”.

Riêng đứng một mình dòng nhạc bán cổ điển là ca sĩ Đức Tuấn với album Kiếp nào có yêu nhau (tình khúc Phạm Duy). Đức Tuấn đã thực hiện nhiều album theo dòng nhạc này và đây cũng là album nhạc Phạm Duy thứ hai của anh, song sự kết hợp với một ê kíp sản xuất âm nhạc mới - nhạc sĩ Việt Anh (kết hợp với một số tài năng trẻ nhạc cổ điển khác mới ở nước ngoài về Việt Nam), cùng độ chín của giọng hát, của tâm trạng, đã đưa Kiếp nào có yêu nhau trở thành album hấp dẫn nhất trong năm ở dòng nhạc này.

“Của độc” trong top 5 đề cử Album của Năm là Bóng tối ly cà phê, một album nhạc Việt với phong cách jazz “đậm đặc”, thiên về hòa tấu, của nhà sản xuất Lê Thanh Hải (vốn được biết đến nhiều hơn trên danh nghĩa nhiếp ảnh gia). Bóng tối ly cà phê hướng tới lớp công chúng nghe kỹ tính cả về chất lượng thu âm, chất lượng trình tấu của nghệ sĩ và chất lượng của tác phẩm âm nhạc.

Ra mắt rất khiêm tốn, Mù tạt - một album rock-indie “sạch sẽ”, khá hấp dẫn, đánh dấu một nỗ lực đáng nể của nữ ca sĩ - nhạc sĩ Tinna Tình, sẽ là một “cơn gió lạ” trong bảng đề cử Album của Năm giải Cống hiến 2008 nếu như nó phát hành sớm hơn vài ngày! Mù tạt phát hành tại Việt Nam từ đầu tháng 1/2009, trong khi theo qui định, chỉ những album phát hành từ 1/1/2008 đến hết 31/12/2008 mới nằm trong hệ thống bầu chọn này. Thật đáng tiếc!

Album Chưa dừng lại của ngôi sao nhạc teen Lương Bích Hữu cũng buộc phải “dừng lại” ở vòng đề cử. Ở khu vực nhạc teen đang phát triển khá nhanh trong năm 2008, Chưa dừng lại có thể là một album xuất sắc nhất. Tuy nhiên, “so bề chất lượng” với những dòng nhạc “không tuổi” thì Chưa dừng lại vẫn có một khoảng cách chưa thể kéo gần.

Còn một số album khác “mấp mé” bảng đề cử gồm: Cà phê sáng (Hà Anh Tuấn), Listen Or Walk (Võ Thiện Thanh), 365.hanoi.nk (Ngọc Khuê), Nơi em gặp anh (Hồ Ngọc Hà), Qua cơn mê (Đàm Vĩnh Hưng), Nước mắt thiên thần (Ngô Thanh Vân), I do (Thu Minh)...
 
Phạm Thị Thu Thủy
HAI VÒNG LÀM VIỆC CỦA CÁC NHÀ BÁO

Tiếp nhận những đóng góp của các đồng nghiệp, để giải thưởng Âm nhạc Cống hiến thực sự là giải thưởng của các nhà báo trên toàn quốc, kể từ giải năm nay, quy trình bầu chọn sẽ được thực hiện theo 2 vòng.

Tại vòng 1- vòng đề cử: danh sách dự kiến đề cử các hạng mục được Ban tổ chức gửi tới các nhà báo để tham khảo ý kiến, như một kênh thu thập thông tin rất tin cậy giúp cho Ban tổ chức có được danh sách đề cử ưu việt nhất. Năm nay không có hạng mục Nam ca sĩ Nữ ca sĩ của năm, thay vào đó là Ca sĩ (nhóm hát, ban nhạc) của năm. Vẫn biết đây chưa phải là phương án tối ưu nhưng là phương án khả thi nhất so với thực tế hiện nay. Số lượng đề cử trong mỗi hạng mục cũng không đồng đều mà tùy thuộc vào chất lượng.

Tại vòng 2 - vòng bầu chọn: Danh sách đề cử sau đó được gửi tới khoảng 100 nhà báo chuyên theo dõi văn hóa - văn nghệ, đặc biệt là âm nhạc, trong cả nước - đại diện cho các cơ quan truyền thông thuộc cả ba lĩnh vực báo viết, báo hình và báo tiếng - để bình chọn. Theo “truyền thống” của giải, các lá phiếu này được giữ nguyên trong phong bì dán kín và bắt đầu được kiểm công khai trước sự chứng kiến của chính các nhà báo ngay sát trước lễ trao giải. Như vậy cho đến phút chót mới biết gương mặt nào trúng giải.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm