Múa trống bồng Triều Khúc

19/12/2008 06:00 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH Cuối tuần) - Làng Triều Khúc có tên Nôm là Đơ Thao hay Kẻ Đơ. Tên gọi “Đơ Thao” thuộc tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam, Thượng Hà Tây cũ (nay là xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Làng nổi tiếng bởi những dấu ấn văn hóa cổ như các đạo sắc phong, câu đối, tục múa rồng, nói trạng... và lễ rước Bố Cái đại vương Phùng Hưng (thế kỷ XVII). Đặc biệt, Triều Khúc chính là nơi sinh ra nghệ thuật múa trống bồng, điệu múa chỉ được sử dụng trong nghi lễ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong dịp hội làng đầu xuân.

Hiện nay, làng chỉ còn lại ba người biết múa bồng. Ba người thuộc ba thế hệ khác nhau, là thày trò của nhau và đã có lúc là “cặp đĩ” khi múa bồng... Người già nhất đã lấp ló miệng lỗ, chỉ múa bồng vào buổi sáng thay cho bài tập thể dục. Người trẻ nhất đã treo bồng, bỏ múa chuyển sang làm nghề pha màu nhuộm sợi... Còn mỗi ông Hồng, người trong suốt 30 làm nghề tiêm lợn, tham gia ban... nhạc hiếu, kiêm nghề bốc mả chỉ để kiếm tiền cứu múa bồng như một kẻ bần nông sau khi hưởng lộc thánh phải nai lưng lo lễ tạ...
 
Cụ Bùi Văn Tốt

Gọi là làng cho “quê” chứ thật ra Triều Khúc chẳng thua kém trung tâm Hà Nội là bao nhiêu. Trong cái ồn ào tấp nập của người, xe qua lại là sự đằm lặng của những dấu tích cổ xưa đã nhá nhem vết cày xới của thời gian và cả sự vô lối của chính con người. Dừng chân bên đình Sắc, trốn chút gió lạnh đầu đông châm trích thịt da, chúng tôi men theo đường cổ lát gạch tìm đến nhà cụ Bùi Văn Tốt, lòng cứ thắc thỏm một mong cầu, rằng cụ vẫn mạnh khỏe, vẫn còn đưa chân, khoát tay, vỗ gió vào mặt trống, lả lơi điệu “đĩ đánh bồng” (tên gọi khác của điệu múa trống bồng) đường hoàng như thuở đương trai...

Quá trưa, chúng tôi có mặt tại nhà cụ Tốt. Căn nhà hai tầng khang trang nằm khuất sâu trong một con ngõ hẹp chỉ đủ hai người đi. Cháu ngoại cụ nghe có người gọi tên ông dẫu đang say chơi ô ăn quan cùng lũ bạn cũng nhanh nhẹn chạy ra mở cổng mời chúng tôi vào. Cụ Tốt đang ngồi sắp bằng trên phản, hai tay đặt ngửa trên đùi giống như một vị tu hành đang ngồi thiền. Cụ bị nhãng tai nên phải “chào như thét vào tai” cụ mới mấp máy môi: “Lại đến rủ rê ra đình chọi cờ phỏng? Tôi mệt, để hôm khác đi”. (Cụ tưởng mấy người già đến rủ ra đình đánh cờ tướng). Cháu gái cụ đang chơi ô ăn quan cùng các bạn dõng dạc nói thay lời chúng tôi: “Không ạ. Ông ơi! Chú cô, ở đâu ý, đến muốn xem ông múa gì á”. Nghe cháu gái nói vậy cụ Tốt “phá thiền” nhanh nhẹn hẳn. Cụ tháo kính, nheo mắt nhìn khách lạ rồi chào bằng một vòng cuộn tay trước ngực, cua một vòng chân, miệng nhại tiếng trống bồng: “Bông... bông... bồng... bông...”.

Cụ Bùi Văn Tốt sinh năm 1923 trong một gia đình nông dân nghèo, người gốc làng Triều Khúc. Vợ chồng cụ Tốt có cả thảy 5 người con, 2 trai, 3 gái. Vào những năm 1945 của thế kỷ trước, hai người con trai của cụ đã chết vì đói, chỉ còn lại ba người con gái. Ở làng, cụ Tốt thuộc vào người có phúc nhất bởi không ai, thậm chí ngay cả bản thân cụ cũng không thống kê nổi cụ có bao nhiêu cháu, chắt và cả chút nữa. Cụ quên hết thảy mọi thứ, quên tuổi mình, quên cả khuôn mặt cha mẹ, anh chị em mình vì ngày cha mẹ mất cụ còn nhỏ quá, anh em thì lưu lạc mỗi người một nơi. Cái duy nhất cụ Tốt nhớ được đó không gì khác chính là điệu múa bồng. Nói như con gái ông thì múa bồng là một phần hồn vía trong con người ông rồi. Nếu các con, các cháu muốn nghe chuyện cũ của làng, chỉ cần khơi mào bằng chuyện múa bồng, thể nào ông cũng phát tay vào đùi kể liền mạch không dứt. Cụ Tốt kể: “Ngày nhỏ, cha mẹ cho tôi đi học nhưng vì thấy nhà nghèo nên xin được ở nhà phụ giúp công việc cùng mọi người. Với lại ngày nhỏ ngại đi học lắm vì “cái chữ nó không biết mình là ai”, hình ảnh ông giáo ngày ấy giống như một ông quan làng đầy quyền uy nên rất sợ. Bù lại, với điệu múa bồng truyền thống của làng thì tôi lại quên ăn quên ngủ vì nó. Tôi học nhiều nhưng không với ai cả mà tự mình luyện cho mình. Tôi vốn là tay đánh thanh la phục vụ hội múa bồng chứ nào đâu dám mơ đến việc có chân trong cặp múa. Vì rằng, những người nam giới được chọn để giả gái cho múa bồng phải là con nhà có văn hóa ,có học trong làng mới được chọn vào. Thế nhưng, không được vào cặp múa cũng có cái hay khi hầu như tất cả những điệu bộ, đường đi của tay, bỏ bộ của chân và điệu “lẳng lơ như đĩ” tôi đều ghi vào trong trí nhớ, mỗi khi hứng thú chả kể là giữa chợ hay ngoài đồng lại “xuống thế” múa bồng như một võ sinh đang đi những đường quyền uyển chuyển không sai lấy một ly, được nhiều rất nhiều người khen ngợi”.

Năm 23 tuổi (1945) cụ Tốt chính thức được chọn vào cặp múa bồng của làng Triều Khúc và suốt từ đó cho đến năm 2005, khi mắt đã mờ, sức đã kiệt, tay chân đã yếu cụ mới xin rút khỏi đội bồng. Tuy nhiên, rút là rút vậy thôi chứ hàng ngày, mỗi khi thức giấc, những người chòm xóm vẫn thấy cụ tập thể dục bằng điệu múa bồng trên ban công gác hai ngập đầy ánh nắng và không khí trong lành. Cụ Tốt xúc động: “Ngày tôi múa bồng thiếu thốn đủ thứ. Khăn mỏ quạ chít đầu phải mượn của vợ, nếu chưa có vợ thì mượn chị, mượn mẹ. Thay vì bít tất trắng như bây giờ, chúng tôi phải lấy những miếng vải sô nhuộm cho trắng, quấn vào chân để múa. Quần áo thì hầu hết chỉ là áo the đen, chứ không được diêm dúa, màu mè, tua trên tua dưới rất đẹp như bây giờ. Vì phải giả làm con đĩ đánh bồng nên nhất thiết phải hóa trang sao cho thật giống với nữ. Nhưng khổ nỗi ngày đó không sẵn, hay nói cho đúng hơn là không có như bây giờ nên vật dụng duy nhất để nhận ra đó là nam giả nữ chính là cái khăn mỏ quạ của các bà vợ, bà mẹ cho chồng, cho con mượn. Sau cái thời “năm nào ý, chả nhớ nổi” nhà nước cho khôi phục múa tín ngưỡng trở lại mới hối người để dạy. Múa bồng Triều Khúc không giống múa bồng ở nơi khác đâu nhá. Trai là phải trai gốc làng Triều Khúc còn gái thì tuyệt nhiên không được múa. Vì ngày đó những người già sợ rể và gái làng sẽ mang điệu múa bồng của ông cha ra khỏi Triều Khúc khi lập gia đình. Cũng vì thế nên thời tôi dẫu có múa giỏi, múa dẻo, múa chuẩn đến đâu cũng chỉ nổi tiếng trong phạm vi từ đầu làng đến cuối làng thôi. Bất kể nơi nào mời chúng tôi đến múa nhân dịp này, dịp khác, cho tiền, bày lễ hẳn hoi cũng không dám nhận lời. Đó là báu vật của làng nên tuyệt nhiên chúng tôi bảo vệ đến cùng. Nhưng mà khổ nỗi, kẻ trộm nó rình chủ nhà chứ nào đâu chủ nhà biết tay nào là kẻ trộm mà rình lại. Chính vậy nên, điệu múa bồng giờ đây anh chị chắc biết là nó có ở rất nhiều địa phương rồi, nhưng mà qua cái “đài có hình” (đài truyền hình) tôi vẫn thấy không đâu múa đẹp bằng đám trai làng Triều Khúc hết... Chỉ buồn một nỗi là đám trai làng Triều Khúc năng cầu chợ làm ăn hơn là “làm đĩ đánh bồng” nhiệt tình như các cụ ngày xưa nữa. Mà các cụ thì nào còn ai đâu. Bản thân tôi sót lại cho đến ngày hôm nay cũng chịu rồi. Múa bồng giờ với tôi chỉ để tập thể dục buổi sáng thôi chứ vào hội, dễ lăn quay “chầu giời” lúc nào chẳng biết ấy chứ”.
 
(Còn nữa) 
 
Huy Thông - Yên Khương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm