Bộ Thông tin Truyền thông không có ý định quản lý blog

27/11/2008 19:32 GMT+7 | Cuộc sống Số

(TT&VH Online) - Đó là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn tại Hội thảo xây dựng thông tư về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân (blog). Ông cho rằng, có thể coi đây là thông báo hơn là thông tư quản lý vì thực tế luật đã có đầy đủ rồi.
Cục trưởng Cục PTTH, ông Lưu Vũ Hải trình bày nội dung Thông tư khá ngắn gọn

Theo ông Doãn, thực tế luật của Việt Nam đã có đủ để điều chỉnh các hành vi trên blog. Thông tư này chỉ là hướng dẫn cho các blogger biết hoạt động thế nào cho đúng và là cơ sở để các nhà cung cấp dịch vụ có thể kinh doanh tại Việt Nam.

 

Tại buổi Hội thảo lấy ý kiến của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cùng một số cơ quan chức năng về xây dựng thông tư, ông Doãn khẳng định việc 1 số người cho rằng Bộ hay Việt Nam đang cố gắng quản lý blog là sai. Ông khẳng định, không ai có ý định can thiệp vào chuyện riêng từ của người dân, nhất là trên blog.


Sự quan tâm đặc biệt của các bên, nhất là từ phía báo chí khiến Ban tổ chức Hội thảo bất ngờ

Ông Doãn cho biết: "Chúng tôi luôn nhận được các câu hỏi liên quan đến vấn đề này ở các diễn đàn, hội nghị có liên quan đến Internet nhưng tôi luôn nói rằng, chúng tôi chỉ muốn hướng dẫn cho blogger biết cần phải làm gì, làm thế nào để mọi người có thể hoạt động tốt nhất và có lợi cho sự phát triển của Internet Việt Nam. Hãy hiểu thông tư này giống như một thông báo bởi về cơ bản, những quy định đã có sẵn trong luật báo chí, xuất bản, thậm chí là luật dân sự hình sự cả rồi".

 

Về thông tư dự thảo lần 5 này, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình cho biết, trên cơ sở góp ý của các bên trong 4 lần dự thảo trước, Cục đã có những điều chỉnh cơ bản để Thông tư có thể ngắn gọn, dễ hiểu nhất đối với đối tượng được hướng dẫn.


Rất nhiều ý kiến của đại biểu đã được nêu ra và vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng

Cơ sở để Thông tư đi vào thực tế được viện dẫn từ luật, nghị định đã có sẵn, ví dụ Nghị định 97, luật báo chí, luật xuất bản. Thông tư sẽ chỉ rõ cho blogger thấy những gì đã bị cấm trên Internet nói chung và áp dụng sang blog nói riêng. Ngoài ra, Thông tư cũng sẽ nêu những điều được khuyến khích đưa lên blog mà Chính phủ Việt Nam mong muốn blogger thực hiện.

Đại diện Vinagame khá bức xúc và cảm thấy quá thiệt thòi so với các dịch vụ của nước ngoài

Cụ thể hơn, Cục này đưa ra một số thông tin để blogger hiểu rõ hơn như: Cấm lợi dụng blog để cung cấp, truyền đi hoặc đặt đường liên kết trực tiếp những thông tin vi phạm các quy định tại điều 6, Nghị định 97; Cấm tạo blog giả mạo cá nhân, tổ chức khác, sử dụng trái phép tài khoản blog của cá nhân khác, thông tin sai sự thật có tính chất lừa đảo; Truyền bá các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, nghệ thuật, các xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản;  Sử dụng thông tin, hình ảnh của cá nhân vi phạm ác quy định tại điều 31, điều 38 của Bộ luật Dân sự; Cung cấp thông tin trên blog vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, giao dịch thương mại điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan.


Đại diện của Vinasa băn khoăn về tính cụ thể của Thông tư và mong muốn các doanh nghiệp nước ngoài cũng phải bị quản lý tương tự như doanh nghiệp Việt Nam

Ngoài ra, Chủ thể blog sẽ phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin được cung cấp, lưu trữ, truyền đi trên blog của mình và đảm bảo không vi phạm quy định của pháp luật. Riêng đối với nhà cung cấp dịch vụ, ngoài việc có những biện pháp quản lý, xử lý blog, blogger, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ còn phải thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động của mình theo quy định ở điểm d, khoản 2, Điều 11, Nghị định 97 theo định kỳ 6 tháng/lần.


Mặc dù đã trả lời hàng chục câu hỏi bên lề nhưng Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn vẫn chưa thỏa mãn được giới báo chí

Theo ông Đỗ Quý Doãn, nếu không có gì thay đổi, Thông tư này sẽ có hiệu lực vào tháng 12 năm nay. Thể thao & Văn hóa Online sẽ có thông tin cụ thể hơn về dự thảo này trong bài viết tới.


Mạnh Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm