14/03/2009 14:01 GMT+7 | Tin di sản
(TT&VH) - Với mục đích… buôn sắt vụn, một người dân đã bỏ 225 triệu đồng tiền túi để trục vớt một chiếc tàu nằm ở độ sâu 10m giữa lòng sông Hồng. Chiếc tàu này hiện đang bị thu giữ. Câu chuyện hy hữu đó hiện đang trở thành sự kiện thời sự tại xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, Hưng Yên…
“Thông thường, mỗi năm tôi làm được vài ba chuyến như vậy. Lỗ bù lãi chịu, nếu may mắn “ăn” được xác tàu có nhiều gỗ tốt chưa mục, nhiều gang sắt phế liệu... thì cũng lãi được vài chục triệu thôi. Cục quản lý đường sông chẳng bao giờ ngăn cản, mà còn khuyến khích việc này. Họ bảo là công việc của chúng tôi còn tạo thuận lợi cho việc lưu thông đường sông nữa” - anh Chuông phân bua về việc làm của mình.
“Thân chiếc tàu ngập suốt 4 mét đất. Tất cả máy hút đưa xuống đều tắc, không thể hút nổi hàng trăm khối đất đang ngập lên chiếc tàu” - anh Chuông kể tiếp -“Tôi phải mượn thêm máy hút, đồng thời thuê thêm 2 con máy “thổi” để “thổi” cho đất mềm ra. Gần một tháng trời, mỗi máy một ngày nuốt gần 30 lít dầu”.
Ròng rã một tháng, tới khi xác tàu được tách rời ra khỏi phần đất rắn dưới lòng sông thì cũng là lúc anh Chuông tiêu hết số vốn 140 triệu đồng của mình. Đâm lao phải theo lao, anh giục vợ ở nhà vay thêm của Ngân hàng Thái Bình hơn 80 triệu đồng nữa để thuê 2 chiếc máy cẩu vớt tàu dưới lòng sông lên.
Thu giữ tàu cổ
Con tàu mà anh Chuông vớt lên có chiều dài ước chừng 30m, rộng chừng 5m, có 2 sàn và dùng máy động cơ ở phía đuôi. Đa phần, gỗ tàu cũng đã ngấm nước, nên trong quá trình trục vớt, chiếc tàu bị gãy làm đôi.
“Trên thân tàu, chúng tôi tìm được một ít đồ cũ, đáng kể nhất là có 1 pho tượng quan âm bằng sứ men rạn màu trắng, trên đó không hề có chữ gì. Có cả một ít mảnh bát đĩa còn sót lại, chắc bởi lúc đưa tàu lên, thân tàu lật nghiêng nên có gì bên trong cũng rơi cả xuống lòng sông” - anh Chuông kể.
Có thể là một tàu cổ chạy bằng hơi nước
Hiện tại, phần thân chiếc tàu cổ này vẫn được cố định tại bờ sông Hồng thuộc xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, dưới sự bảo vệ của chính quyền xã. Theo những thông tin mới nhất, vào ngày 17/3 tới đây, Cục Di sản văn hóa và chính quyền địa phương sẽ có có buổi họp về vấn đề này.
Có mặt tại khu vực trục vớt, ông Phạm Trung Hiếu, Giám đốc Bảo tàng Hưng Yên, cho biết: Trong số những đồ vật vớt được, tôi đặc biệt chú ý tới một chiếc hòm gỗ có kích thước 45x45cm. Nhìn hình dạng, có thể chiếc hòm này dùng để đựng các dụng cụ làm đồ mộc trên tàu. Điều quan trọng là thân hòm có khắc chữ Giang Nam bằng tiếng Hán. Có điều này, cộng với việc nhìn kết cấu thân tàu, tôi dự đoán đây là một chiếc tàu cổ được đóng vào thế kỷ XIX.
Theo lời ông Hiếu, rất có thể, chiếc tàu cỗ này chạy bằng hơi nước - loại tàu được các thương nhân Trung Quốc hay sử dụng - và là loại tàu chở hàng. Hàng chở trên tàu là củ nâu - thứ củ khá phổ biến trong nghề dệt tại Trung Quốc. “Tôi không dám chắc đây là chiếc tàu chở hàng tới Phố Hiến (Hưng Yên) vì cảng Phố Hiến vào thời cuối thế kỷ XIX đã bắt đầu suy tàn. Nhưng trong thế kỷ XIX, nhiều chiếc tàu của thương nhân Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành buôn bán với Việt Nam. Và điều đặc biệt, nếu tôi không nhầm, trong lịch sử khảo cổ của chúng ta vẫn rất hiếm trường hợp phát hiện ra những chiếc tàu hơi nước như vậy” - ông Hiếu cho biết.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất