12/01/2012 10:49 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Từ những thông tin ban đầu của TT&VH về dự án Khám phá vịnh Hạ Long - cái nhìn xuyên 3 thế kỷ (Kiến trúc sư Đoàn Bắc và cộng sự thực hiện), nhiều độc giả quan tâm đã liên hệ và bày tỏ nhu cầu được biết rõ hơn về cách thực hiện ý tưởng độc đáo này.
Thành phẩm của dự án là bộ sưu tập 150 bức ảnh cổ về vịnh Hạ Long được KTS Đoàn Bắc sưu tầm cộng cùng một lượng ảnh mới về di sản này do anh và cộng sự đang âm thầm chuẩn bị từ gần một năm nay. Thế nhưng, đây không phải là một cuộc triển lãm ảnh đơn thuần như nhiều người lầm tưởng- bởi qua kinh nghiệm ứng dụng từ bộ ảnh Ký ức Hà Nội xưa (1831 - 195 ) nổi tiếng của Bắc trong suốt hơn một năm qua, các chủ nhân của dự án vẫn chưa hình dung hết khả năng tương tác đa dạng giữa công chúng với thành phẩm của mình.
Sau Ký ức Hà Nội xưa, KTS Đoàn Bắc muốn khám phá vẻ đẹp của vịnh Hạ Long
1. Điểm riêng của dự án: những bức ảnh sắp chụp về vịnh Hạ Long của nhóm tác giả sẽ là ảnh toàn cảnh panorama (góc rộng) 360 độ - thể loại ảnh vốn xuất hiện chưa nhiều tại Việt Nam. Nôm na, từ những bức ảnh được chụp với nhiều góc độ khác nhau tại cùng một vị trí đặt máy, một bức ảnh lớn được “ghép”thành tạo nên khoảng không gian 360 độ hình cầu, giúp người xem có cảm giác như đang đứng tại vị trí của người chụp và “xoay” tầm mắt ra khắp các hướng xung quanh.
Bùi Hồng Thắng - cộng sự chính của Bắc - là tay máy say mê thể loại panorama từ khá lâu. Đang làm việc trong ngành đồ họa, Thắng đã từng nhiều lần lang thang từ Bắc tới Nam để thực hiện những tấm ảnh panorama về cảnh vật mọi miền. Anh nói: “ứng dụng chủ yếu của ảnh panorama 360 là môi trường internet và các thiết bị máy vi tính, máy tính bảng, smartphone (điện thoại thông minh). Chỉ cần một cú click chuột trên những trang web chuyên về thể loại này, người xem gần như “lọt thỏm” giữa những không gian rộng lớn để tự mình chiêm ngưỡng từ đáy biển, sân vận động, rừng già cho tới những danh thắng nổi tiếng trên thế giới”.
150 bức ảnh cổ mà KTS Đoàn Bắc sưu tập chủ yếu được người Pháp thực hiện trong thời gian từ 1885 đến 1953. Theo phân loại, số ảnh này được thực hiện từ ba nhóm vị trí chính: trên mặt đất, dưới thuyền và từ bầu trời. Tương ứng, những tác giả của dự án này lần lượt xác định vị trí đặt máy của những tấm ảnh cũ để từ đó thực hiện “lại” những bức ảnh thể loại panorama 360 độ và những bức ảnh thông thường nhưng được chụp trong nhiều cung thời gian và điều kiện thời tiết khác nhau.
“Nếu chỉ để mô phỏng số ảnh cũ, chúng tôi không thực hiện dự án này làm gì”- Đoàn Bắc nói- “150 tấm ảnh cổ chỉ là cái cớ để dẫn người xem vào một câu chuyện mới vô cùng sống động về vịnh Hạ Long, với tầm nhìn và cảm xúc hoàn toàn khác biệt – để rồi từ đó mỗi người lần lượt có sự liên tưởng và rút ra cảm nhận cho mình về một Hạ Long trong suốt 3 thế kỷ gần đây”.
Ảnh chụp Hạ Long trong bộ sưu tầm của Đoàn Bắc, được tác giả
L. Sadoul (Pháp) thực hiện vào cuối thế kỷ 19
2. Ngoài tay máy Bùi Hồng Thắng, các cộng sự của Đoàn Bắc còn có phóng viên ảnh Việt Thanh (báo Vietnam News), nhà báo Trương Anh Ngọc (TT&VH) và Lâm Thanh, một luật sư cũng có đam mê về nhiếp ảnh. Như lời Bắc, đa phần họ đều đến với nhiếp ảnh một cách tự phát bằng sự say mê của mình. Người thứ 6 được chọn để đủ bộ “6 ông dở hơi”- vẫn theo cách gọi của anh: Lê Thanh Hải, một hướng dẫn viên du lịch đã nhiều năm đưa các đoàn khách quốc tế tới Hạ Long và am hiểu mọi.... ngóc ngách của danh thắng này.
Sơ sơ, kinh phí dự kiến để thực hiện bộ ảnh này lên tới 60.000 USD. Trong đó, khoản tốn kém nhất vẫn là việc chụp ảnh vịnh Hạ Long từ trên cao, vị trí lý tưởng để nhìn rõ vẻ đẹp của 1 trong 7 kỳ quan tự nhiên thế giới vừa được New Seven Wonders công nhận. “Cách duy nhất để thực hiện công việc này là thuê một chiếc trực thăng 24 chỗ của công ty bay dịch vụ miền Bắc. Nếu may mắn gặp điều kiện lý tưởng về thời tiết để chụp ảnh, mỗi chuyến bay chúng tôi có thể thực hiện được 10 - 15 tấm ảnh panorama 360, và cả dự án cần tới dăm chuyến bay như vậy” - Hồng Thắng nói. Còn như chia sẻ của Đoàn Bắc, hành trình chụp ảnh bằng trực thăng rất “xa xỉ” ấy là việc không thể không làm, nếu muốn thực hiện bộ ảnh panorama để “khoe” vịnh Hạ Long với thế giới một cách đàng hoàng mà không lúi xùi cẩu thả.
Vậy mà chưa đủ. Như ý tưởng của nhóm tác giả này, vịnh Hạ Long chỉ là sự khởi đầu cho hành trình “xuyên suốt Việt Nam” mà điểm đến dự kiến tiếp sau sẽ là Lào Cai. Hiện, kinh phí thực hiện dự án được trông đợi vào các nguồn xã hội hóa, mà công ty Trung tâm Điện toán truyền số liệu VDC1 là đơn vị nhận đứng ra đỡ đầu cho nhóm tác giả để tổ chức thực hiện và vận động tài trợ. “Chúng tôi hi vọng dự án sẽ sớm được khởi động, để mọi người dân Việt Nam và bạn bè thế giới đều có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hạ Long chỉ với một cú click chuột của mình” - KTS Đoàn Bắc nói.
Chiêu Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất