Bộ ảnh độc đáo từ những “giọt máu” của thiên nhiên

13/03/2011 12:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Luôn gây bất ngờ, nhưng với bộ ảnh “mủ ngo” chụp nhựa ứa ra từ những cây thông ở Đà Lạt, nhiếp ảnh gia MPK (tên thật là Nguyễn Văn Phước) vẫn khiến người xem kinh ngạc. Sau khi hé lộ những hình ảnh đầu tiên về bộ ảnh “mủ ngo”, anh tâm sự với TT&VH về triển lãm sắp tới:

- Mình giống như một đứa con nít vậy, có cái gì đẹp là phải khoe, không giấu mãi trong lòng được. Phát hiện ra cái đẹp và mong muốn mọi người được nhìn ngắm cái đẹp, hành xử vì cái đẹp, đó cũng là ước nguyện trong suốt cuộc đời làm nhiếp ảnh của mình.

Với bộ sưu tập “mủ ngo” hay Khát, Giọt sương, Mầm... trước đây cũng vậy. Như đã hẹn với đất mẹ Đà Lạt, mỗi năm mình phải dành một món quà cho Đà Lạt. Nhiều khi nghĩ cũng buồn cười, bằng mọi giá mình phải ra được một triển lãm nào đó, rồi từ đấy nó lại nảy sinh ra một ý tưởng mới, giống như đứa con đúng 9 tháng 10 ngày phải ra đời, rồi mới lại có đứa khác được, vậy đó! Thế nên nhiều lúc bạn bè gặng hỏi sao lâu thế không thấy có gì, mình cười khà và nói chưa đủ ngày, vậy thôi.

Không dùng kỹ xảo

* Lang thang đi tìm những cây thông có nhựa ứa ra để chụp, chắc anh có nhiều kỷ niệm?

- Ồ, nhiều kỷ niệm vui lắm. Người ta gọi mình là “ khùng” cũng đúng, bởi có khi cả một ngày trời, mình cứ xoay quanh chỉ một gốc thông, cứ đứng, rồi ngồi, và cả nằm bò dưới đất để tìm ra các khía cạnh khác nhau của “mủ ngo”. Có khi tối về, thấy cánh tay sưng đỏ lên mới phát hiện ra là mình bị kiến cắn, mà kiến trong rừng thì bạn biết rồi, nó cắn đau và buốt lắm.

Bù lại, tối về coi ảnh thấy thành quả của mình cũng đáng giá, cho dù có bị kiến cắn hay bọ chét đốt cũng không hề chi. Mình thấy rất tâm đắc với bộ sưu tập này, càng đi, càng ngắm, và thấy “đã” lắm!

* Nhìn sâu vào những bức ảnh của bộ sưu tập “mủ ngo” người xem dường như nhận ra một MPK thật sâu sắc và giàu triết lý nhân văn?

- Nhiều người cũng hay nói mình không có tiêu chí sống, nhưng thực ra là có đấy chứ. Bao năm qua mình đã hòa vào thiên nhiên, tôn lên vẻ đẹp của thiên nhiên, phục vụ con người, giúp con người nhận ra những cái đẹp của thiên nhiên, khi ấy con người sẽ thấy tâm hồn bình an, lúc đó mọi người sẽ biết yêu nhau trọn nghĩa hơn.

Theo đó, nét đẹp cứu rỗi mọi cái đã bị tha hóa, trước hết mình thấy nó đã cứu rỗi được chính bản thân mình. Nhiếp ảnh với mình chính là một cuộc dạo chơi bất tận...

* Nhiều người xem ảnh của MPK thấy hình như anh có sử dụng kỹ xảo phòng tối, anh nghĩ sao?

- (Cười). Ừ, có người cũng nói như vậy, nhưng thật 100% là mình không hề xử lý kỹ xảo. Tại sao những giọt “mủ ngo” lại có nhiều màu sắc như thế? Đơn giản chỉ bởi, thời khắc mình chụp “mủ ngo” lúc nào thì bầu trời in lên màu đó.

Đối với nghệ sỹ nhiếp ảnh, quan trọng nhất khi chụp hình, đó là phải dồn hết lực, tâm trí vào sự vật thì mới đọc được sự vật đó nói lên điều gì. Mình chỉ là người ghi lại cái đẹp đó của thiên nhiên mà thôi, rồi muốn gửi cái đẹp, cái thông điệp đó đến với mọi người.

Thực ra, lâu nay, vấn đề bảo vệ thiên nhiên không phải bây giờ mới nói. Thiên nhiên giống như lá phổi của chúng ta vậy, tuy nhiên, đôi khi chỉ vì tính ích kỷ tham lam về vật chất đơn thuần mà người ta đi chặt phá rừng. Nói chúng ta phải bảo vệ thiên nhiên cũng chưa chuẩn vì thật ra, chính thiên nhiên đang bảo vệ chúng ta đấy chứ?! Đi, thấy những giọt “mủ ngo” - mình gọi đó chính là máu của thiên nhiên. Thấy cây thông bị đốn ngã mình xót xa vô cùng, thấy thương khi từng mảng thông bị khoét để lấy mủ, mình đọc được tiếng khóc kêu cứu của thông và nói lên tiếng nói của nó thôi...

Ảnh “mủ ngo” chụp nhựa của cây thông


* Bạn đọc nhiều người biết đến MPK ở lĩnh vực nhiếp ảnh, vậy còn trong âm nhạc, anh cũng tâm đắc không kém phải không?

- Đúng vậy, mình sáng tác nhạc trước cả khi chụp hình, chụp hình được 27 năm nay thì nhạc phải gần 30 năm rồi.

Sở dĩ làm nhạc là bởi mình muốn giải tỏa nỗi niềm, cảm xúc của mình thôi. Vốn dĩ mình là thằng “thất tình vặt”, thích nhiều cô gái và khi giãi bày được cảm xúc đó qua âm nhạc thì khi đó mình thấy thỏa mãn. Người ta nói nhạc của MPK có chút man mác buồn của Đà Lạt, nghe và thấy được tất cả âm thanh của núi, rừng, gió mưa Đà Lạt trong đó. Nhất là bài Nắng lạnh - bản thân cái tên bài hát cũng đã gợi sự tò mò, bởi nắng thường ở nơi khác thì là nắng gắt, oi bức, lạnh ở nơi khác thì trở thành rét, nhưng nắng lạnh thì chỉ có ở thời tiết của Đà Lạt, nhất là thời điểm sau Tết âm lịch. Trời có nắng, nhưng tiết trời vẫn lành lạnh, nắng nhưng vẫn phải mặc áo lạnh, chứ không thể mặc trang phục của mùa Hè. “Nắng lạnh” dường như làm cho con người hiền lành hơn, mọi người dường như biết yêu thương nhau hơn. Nếu bạn đến Đà Lạt vào thời điểm này sẽ cảm nhận rõ cái nắng lạnh là như thế nào? Và đó chính là ý tưởng để mình sáng tác Nắng lạnh, phải mất tròn 20 năm nuôi dưỡng ý tưởng đó mình mới cho ra đời được đó.

“Chỉ sống trong hiện tại, từng phút giây”

* Hỏi nhỏ một chút, cuộc sống của anh và bà xã thời gian gần đây ra sao?

- Tụi mình vẫn như ngày đầu mới yêu nhau, có điều bà xã công tác ở Sài Gòn, mình ở Đà Lạt, một năm gặp nhau đôi lần nên nhiều người lại lầm tưởng vợ chồng mình sống ly thân. Thực ra, tại hoàn cảnh của mỗi đứa như thế, chứ mọi thứ vẫn ổn. Mình hằng ngày vẫn cứ lang lang rong ruổi cùng thiên nhiên, đi làm việc nhưng thực ra lại là dạo chơi. Mình thích vậy!

* Dự định của anh trong thời gian tới?

- Mình là người sống không có dự định trước bao giờ, mọi thứ đều rất tự nhiên. Quan điểm sống của mình và cũng chính là phương châm sống lâu nay mình theo đuổi, đó là “sống bất vọng quá khứ, bất hoài tương lai, chỉ sống trong hiện tại, từng phút giây...!”. Bắt đầu một ngày mới bằng một ly cà phê tại góc quán cà phê Tùng, sau đó thả lỏng người và đi, như một cái bầu trống không khi đi và khi trở về đầy ắp mọi thứ...

* Xin cảm ơn anh!

Nguyệt Thu (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm