Từ hoàng kim tới thăng trầm

11/12/2011 06:24 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Từ ngày 10 - 22/12, vòng bán kết giải thưởng Trần Hữu Trang 2011 sẽ diễn ra tại TP.Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang với sự tranh tài của 60 thí sinh. Sau 4 năm gián đoạn, giải thưởng nhằm tìm kiếm và bồi dưỡng tài năng cho sân khấu cải lương đã trở lại. Cùng với giải Thanh Tâm (trước năm 1975), giải thưởng Trần Hữu Trang có một vị trí đặc biệt trong đời sống sân khấu cải lương khi không chỉ nuôi dưỡng những tài năng mới mà còn phản ánh khá chính xác “thể trạng” cải lương trong đời sống xã hội.

Hoàng kim Thanh Tâm

Cố NSƯT Thanh Nga (phải) trao giải Thanh Tâm cho NSƯT Bạch Tuyết (1963). Ảnh: Huỳnh Công Minh

Tối 4/4/1959, tại tửu lầu Bồng Lai (đường Lê Lợi, TP.HCM ngày nay), với sự chứng kiến của đông đảo quan khách trong giới nghệ sĩ, làng báo Sài Gòn, giải Thanh Tâm - giải thưởng đầu tiên vinh danh người nghệ sĩ cải lương - lần đầu tiên được trao cho một nữ nghệ sĩ tuổi chỉ vừa tròn 16: Thanh Nga. Sự hoành tráng, sang trọng ngay lần đầu ra mắt đã giúp giải Thanh Tâm tạo được ấn tượng khó quên cho mọi người, trở thành một sự kiện lớn, được quan tâm bàn tán của làng văn nghệ và cả xã hội lúc bấy giờ (thậm chí đêm phát giải còn được quay phim thời sự). Tất nhiên, cũng như bất kỳ giải thưởng nào, “lời ong tiếng ve” là không thể tránh khỏi, nhất là khi người nhận giải chưa phải là “nữ hoàng sân khấu” mà chỉ là một cô gái trẻ chưa mấy danh tiếng.

“Cha đẻ” của giải Thanh Tâm, ông chủ của nhật báo Tiếng Dội, Trần Tấn Quốc (bút danh Thanh Tâm) phải chăng đã đi một nước cờ khá mạo hiểm khi không chọn trao giải cho những tên tuổi ngôi sao hiện tại mà lại hướng đến lớp măng non chỉ ở dạng tiềm năng? Có lẽ ông không cần đến cái gọi là… PR, là người say mê và gắn bó với sân khấu, là một trong những người sáng lập ra trang kịch trường (tiền thân của trang văn hóa - văn nghệ) trên báo, ký giả Trần Tấn Quốc chỉ đơn thuần nghĩ đến việc nghệ thuật cải lương luôn cần có đội ngũ kế thừa đủ đầy năng lực sẵn sàng thay thế các bậc đàn anh đàn chị mà ông cụ thể qua một tiêu chí ngắn gọn: “Mỗi năm chọn một nam và một nữ nghệ sĩ triển vọng nhất để trao giải”. Thành viên ban tuyển chọn giải gồm các thành phần: các nghệ sĩ kỳ cựu (Năm Châu, Phùng Há, Bảy Nhiêu…), soạn giả tài danh (Hà Triều, Kiên Giang, Duy Lân…), và các ký giả kịch trường - thường chiếm đến 50% thành phần ban tuyển chọn (Trần Tấn Quốc, Ngọc Linh, Nguyễn Ang Ca, Phong Vân…). Dựa trên ba tiêu chuẩn: thanh (giọng ca), sắc (vẻ đẹp trên sân khấu) và đạo đức, giải Thanh Tâm không chỉ hướng đến việc phát hiện, khuyến khích những tài năng mới mà còn chú trọng đến khía cạnh tu chỉnh đạo đức, khơi gợi ý thức tự rèn luyện, hoàn thiện bản thân, tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng khán giả của các nghệ sĩ trẻ.

NSƯT Ánh Hồng, HCV triển vọng Thanh Tâm năm 1962, cho biết: “Ngày ấy, Ban tuyển chọn giải Thanh Tâm rất “kín tiếng”. Họ lặng lẽ xuống các rạp xem các vở diễn, nếu “chấm” được ai rồi thì sẽ quan tâm theo dõi quá trình hoạt động của người đó suốt cả năm. Nghệ sĩ chúng tôi cũng không ai nghĩ ngợi nhiều vì hoàn toàn không biết được ai đã “lọt vào mắt xanh” của ban tuyển chọn. Chỉ đến cuối năm khi giải được công bố, mới vỡ ra là mình trúng giải. Ngay cả các ông bà bầu có muốn “vận động hành lang” cho đào kép của mình cũng rất khó vì hoàn toàn không biết ai là “ứng cử viên”. Người nghệ sĩ nếu có mơ mộng đến giải thưởng thì hy vọng duy nhất chỉ là cố gắng thể hiện thật tốt trên sân khấu…”. Các ứng viên phải thuyết phục ban tuyển chọn qua thực tế sàn diễn với ít nhất ba loại vai khác nhau. Và cũng chính thực tế sinh động ấy mới đủ sức thuyết phục ban tuyển chọn vượt qua mọi e dè, định kiến mà đặt trọn niềm tin vào những gương mặt còn quá non trẻ, như: Thanh Nga (16 tuổi), Lệ Thủy, Bạch Tuyết (17 tuổi)…; hay nhìn được một tài năng lớn như Thanh Sang qua một vai… lão (vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long của Hà Triều - Hoa Phượng)…

Nhìn lại, có thể thấy các HCV Thanh Tâm đều có chất lượng “vàng mười” khi đều bật sáng và khẳng định được tên tuổi sau khi nhận giải. Nhiều người trong số họ đã trở thành “huyền thoại” như “Nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga, “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết, “Hoàng đế đĩa nhựa” Tấn Tài, hay NSƯT Lệ Thủy, Thanh Sang, Mỹ Châu… Đáng tiếc, đến năm 1968 vì tình hình thời cuộc, giải Thanh Tâm đã không còn được duy trì, xem như “kết thúc sứ mạng lịch sử” trong thời hoàng kim của cải lương.

Thăng trầm Trần Hữu Trang

Ra đời năm 1991, giải thưởng Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức, được kỳ vọng sẽ kế tục giải Thanh Tâm. Điểm khác biệt trong quá trình tuyển chọn giữa hai giải thưởng này là ở giải Trần Hữu Trang, BTC trao quyền bình chọn cho khán giả Top 15 nghệ sĩ được yêu thích. 15 nghệ sĩ này sẽ tiếp tục phô diễn tài năng trong “đêm chung kết” trước một ban tuyển chọn gồm những nghệ sĩ kỳ cựu (NSND Phùng Há, Út Trà Ôn, Diệp Lang, NSƯT Út Bạch Lan, Bạch Tuyết…) và phóng viên báo đài. Những HCV Trần Hữu Trang các mùa giải đầu tiên, như Vũ Linh, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy (1991), Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Cẩm Thu, Phượng Hằng, Vân Hà (1992)…, đều là những gương mặt nổi bật nhất trên sàn diễn lúc bấy giờ và cũng trở thành những tên tuổi lớn kế tục xứng đáng các giải Thanh Tâm ngày trước.

NSƯT Thoại Mỹ và Kim Tử Long: HCV Trần Hữu Trang 1992

Tuy nhiên, các mùa giải về sau, sân khấu vắng dần khán giả, giải thưởng Trần Hữu Trang cũng chuyển sang kiểu thi qua các vòng. Cũng từ đây, không còn việc lựa chọn tinh hoa từ những tinh hoa nữa mà là… “đãi cát tìm vàng”. Mặc dù vẫn chọn được những gương mặt tốt nhất nhưng rõ ràng chất lượng của các thí sinh dự giải cũng giảm dần theo từng năm (cùng với sự “thông thoáng” của điều kiện dự thi?). Qua 10 lần tổ chức đã có 52 HCV triển vọng được trao nhưng nhìn lại không ít người chỉ mãi là “triển vọng” hoặc hoàn toàn mất hút.

Nói về quyết định đưa giải Trần Hữu Trang trở lại trong bối cảnh u ám của SKCL hiện nay, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo giải thưởng Trần Hữu Trang, Lê Duy Hạnh cho biết: “Khác với giải Thanh Tâm chỉ tồn tại được khi SKCL hưng thịnh, giải Trần Hữu Trang có trách nhiệm với phong trào sân khấu, nó “lên xuống” cùng với sự thăng trầm của SKCL. Cần phải duy trì nó như một phong trào, không thể vì tình hình sân khấu sa sút mà bỏ giải được. 4 năm gián đoạn qua là thời gian BTC nhìn lại và tìm hướng đi mới để giải Trần Hữu Trang thiết thực và tác động đến đời sống sân khấu nhiều hơn. Các đơn vị nghệ thuật - “tế bào gốc” của SKCL - đã có hiện tượng phân rã, suy sụp. Vì vậy, mục tiêu chính của giải Trần Hữu Trang 2011 là nhằm củng cố lại các đơn vị nghệ thuật qua việc đưa giải về tận các đơn vị, giúp đơn vị tạo cam kết gắn bó lâu dài với nghệ sĩ, tránh tình trạng diễn viên rời bỏ đoàn sau khi đoạt giải…”.

Hy vọng, với mục tiêu thực tế này, giải Trần Hữu Trang sẽ tiếp tục cùng SKCL vượt qua khúc thăng trầm.

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm