Những nông dân chân đất "chơi Tuồng"

29/10/2011 11:09 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trong khi các sân khấu tuồng chuyên nghiệp ở nhiều tỉnh thành đang sống dở, chết dở, nghệ sĩ tuồng than trời vì cuộc sống khó khăn, thì ở xứ Kinh Bắc, không ít những đội tuồng của bà con vẫn sống rất khỏe nơi thôn dã. Họ không những tạo ra được những sân chơi tuồng đầy cảm hứng, mà còn tìm ra được cách thức sống mới cho tuồng trong cuộc sống hiện đại và trên hết, chính họ đã góp phần bảo tồn tuồng trong dân gian.

Tuy diễn ra trong một không gian và điều kiện sân khấu rất “khiêm tốn”, nhưng các đội tuồng không chuyên ở Bắc Ninh vẫn hoạt động không kém phần rộn rã, lại dẻo dai, bền bỉ, ăn sâu, bám chắc và hòa đồng vào nhịp sống của người dân lao động ở nhiều làng quê.

“Đất lề quê thói”

Chúng tôi đang cố giữ gìn cái vốn văn hóa truyền thống cha ông để lại - đó là câu nói chung của nhiều “nghệ sĩ nông dân” mà chúng tôi được nghe trong khi thực hiện dự án khảo sát hoạt động nghệ thuật tuồng, chèo không chuyên tại 4 huyện Tiên Du, Từ Sơn, Yên Phong và Quế Võ của tỉnh Bắc Ninh.

Với những địa phương mà tuồng vốn có từ lâu đời như Đồng Ky , Tiến Bào, Đa Hội (huyện Từ Sơn), Phú Mẫn (huyện Yên Phong) thì việc tham gia vào hoạt động này là theo kiểu “cha truyền con nối”. Việc “có chân” trong đội tuồng của thôn làng được coi là một niềm vinh dự, ai có khả năng thì diễn, nếu không cũng ở trong Ban tổ chức, có khi chỉ là giúp việc vặt mỗi khi có việc.

Mỗi đội có một ông trùm, mỗi năm bầu lại một lần, khán Tổ và bàn thờ Tổ để ở nhà ông trùm, vào ngày giỗ Tổ hay nhân dịp biểu diễn phục vụ hội làng thì cả đội và khách mời họp mặt tại nhà ông trùm, thắp hương lên bàn thờ Tổ và cùng nhau uống rượu, ăn cỗ. Việc ký kết và tổ chức biểu diễn thì do ông Đội trưởng đảm nhiệm, chức này thì có thể cứ làm mãi nếu được tín nhiệm. Diễn viên nào mà gặp khi gia đình đang có tang hoặc có việc gì “bê bối” thì không được diễn tuồng. Những quy ước “bất thành văn” này được mọi người tuân thủ rất nghiêm chỉnh, đã trở thành nếp văn hóa bao đời nay ở đất tuồng.

Các diễn viên tuồng thôn Tiến Bào (Phù Khê, Từ Sơn) hóa trang để biểu diễn

Không sống nhờ tuồng, mà là “chơi tuồng”

Dẫu danh sách những địa danh nổi tiếng một thời có đội tuồng mạnh ở Bắc Ninh đến nay có bị thu ngắn hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là nghệ thuật tuồng đã bị triệt tiêu ở những nơi tuồng đã bị mai một. Đội nhà không đủ người để diễn ư? Thế thì mời bạn diễn ở xã khác về, thậm chí ở huyện khác nữa, rồi cùng nhau uống rượu, cùng nhau “chơi tuồng”. Chính thế mà khá lâu rồi ở Bắc Ninh đã có một kiểu diễn tuồng, xem tuồng mà người ta gọi là “tuồng góp”. Đội nào thiếu kép thì mời kép, đội nào thiếu đào thì mời đào. Miễn là vào các dịp hội làng hay ngày giỗ Tổ tuồng (12 tháng 8 âm lịch), dân làng phải được xem diễn tuồng. Mà đã diễn thì phải là tuồng cổ dân mới thích, mới xem. Để đáp ứng nhu cầu đó những đội tuồng hiện nay đang hoạt động khá tốt như tuồng Tiến Bào, tuồng Đa Hội đều phải có sẵn “lưng vốn” kha khá toàn tuồng cổ như: Sơn Hậu, Đào Tam Xuân, Bách đao Từ Hải Thọ, Bao Công tra án Bàng Quý Phi, v.v...

Đã gọi là “chơi” thì không đặt vấn đề tiền nong lên hàng đầu. Nhưng đã mời đội bạn về diễn thì chuyện thù lao dăm ba triệu cũng chẳng khó khăn gì, có thể chính quyền xã chi cho một ít, phần nữa trích từ các quỹ xã hội, có khi là của các mạnh thường quân con cháu trong làng ủng hộ.

Còn người diễn thì sao? Các đội tuồng mạnh hiện nay, diễn khá thường xuyên, được mời đi diễn ở nhiều nơi như tuồng Đa Hội, tuồng Tiến Bào đều ở những địa phương mạnh về kinh tế. Hầu hết các diễn viên của đội tuồng ban ngày thì làm công việc của các ông chủ xưởng mộc hay xưởng sắt thép, ban đêm lại “hóa thân” vào nào là Bao Công, Triệu Đình Long, Đổng Kim Lân... trong tiếng trống chầu vang lên chốn sân đình.

Đây là điều khác biệt, là lợi thế hơn hẳn của các nghệ sĩ tuồng không chuyên so với các nghệ sĩ tuồng ở các nhà hát chuyên nghiệp, bởi vì họ không bị sức ép “cơm áo gạo tiền”, họ diễn tuồng là để tiếp nối truyền thống của cha ông, để giữ gìn một loại hình sân khấu đặc sắc của dân tộc, để thỏa mãn cái thú chơi văn nghệ của bản thân họ và để phục vụ cộng đồng, những người rất gần gũi với họ trong đời thường, lúc nào cũng chờ đón “rước” họ về với hội làng mình. Dù là không chuyên nhưng nhiều diễn viên tuồng ở Bắc Ninh có giọng ca và kỹ năng biểu diễn tuồng không kém chuyên nghiệp là mấy.

“Phú quý sinh lễ nghĩa”

Ở Bắc Ninh và nhiều tỉnh lân cận, nhiều gia đình khá giả, mới phất lên nhờ kinh doanh, hay trong nhà có người là quan chức, khi gia đình có việc hỷ thì mời một nhóm liền anh liền chị về hát quan họ, hay mời một đội tuồng về diễn chiêu đãi bà con, bạn bè.

Đi diễn những “hợp đồng” kiểu này thì khoản thù lao lại khá hào phóng. Đây là một kiểu “chơi tuồng” của người dân khiến cho hoạt động của các đội tuồng không chuyên ở Bắc Ninh càng trở nên thường xuyên hơn và có sức lan tỏa nhanh.


PGS-TS Lê Thị Hoài Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm