19/10/2011 14:13 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo vừa trở về Việt Nam để hợp tác với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng vở opera ballet chuyển thể từ Truyện Kiều với tên gọi Định mệnh bất chợt. Trong vở nhạc kịch này, Kiều sẽ rất đa chiều qua sự kết hợp giữa opera, ballet, ngâm thơ truyền thống và kịch thoại. Theo nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo đây là tác phẩm mang màu sắc dân tộc nhiều nhất từ trước đến nay của ông.
Định mệnh bất chợt là một tác phẩm nghệ thuật đương đại tổng hợp chứa đựng trong đó nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau và sử dụng dòng nhạc tiên phong. Dự án xây dựng tác phẩm Định mệnh bất chợt đã luôn đau đáu trong lòng nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo cách đây từ rất lâu. Nhưng phải đến năm 2011, dự án mới được lên khuôn và tiến hành thực hiện cùng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.
Thác loạn trong lầu Ngưng Bích
Năm 2007, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo và các cộng sự đã khởi xướng dàn dựng opera ballet Định mệnh bất chợt. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ý tưởng về vở nhạc kịch này đã không trở thành hiện thực. Và hiện tại, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo đang thực hiện một dự án hoàn toàn khác.
“Về phần kịch bản, tôi đã phác họa sơ lược và sau đó có một cộng sự tham gia trong kịch bản này. Về cơ bản, việc chuyển thể Truyện Kiều sẽ là sự sáng tạo của những con người đương đại trong một tác phẩm cũng rất đương đại. Sẽ không phải là ballet cổ điển cũng như opera hát lời trong Truyện Kiều. Sẽ không đi theo lối dàn dựng cổ điển là dựa trên cốt chuyện Truyện Kiều như chúng ta vẫn biết mà chỉ là dựa trên Truyện Kiều để sáng tạo một tác phẩm đương đại. Chúng tôi sẽ chỉ hát một số câu chữ trong Truyện Kiều để khán giả hiểu được diễn biến câu chuyện. Ví dụ, khi Kiều vào lầu Ngưng Bích, sẽ có ngâm thơ với những câu như Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân... - nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo cho biết.
Với độ dài 80 phút, vở opera ballet Định mệnh bất chợt được viết cho 1 giọng nữ cao (soprano) ngâm thơ, 2 giọng nam trung (baryton), 1 giọng nam trầm (basse) cùng hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng. Tham vọng của tác phẩm chính là sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật như múa ballet, opera, ngâm thơ truyền thống, kịch thoại, video, đôi chỗ còn có sự khác lạ với rock.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo khẳng định: “Sự khác lạ khi đưa rock vào đây là để quyến rũ khán giả. Tác phẩm sân khấu để cuốn hút khán giả thì cần phải có nhiều yếu tố. Không chỉ là nghe, mà còn xem. Âm nhạc thì không thể một màu. Hơn nữa, trong khung cảnh Kiều cùng các kỹ nữ đang ở lầu Ngưng Bích với khách làng chơi thì cần có một thứ nhạc mang tính “điên loạn” một chút mới phù hợp. Có thể gọi phân cảnh này là Thác loạn trong lầu Ngưng Bích. Và nhạc rock có thể đáp ứng được trong chi tiết này nên tôi đưa vào. Sự chọn lựa của tôi là từng chữ, từng câu nhạc đều phải có ý nghĩa thì mới sử dụng chứ không phải cố ý chọn cho nó lạ, cho oai”.
Kiều chất vấn… Nguyễn Du!
Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo cho biết: “Vở diễn có 2 màn: Giấc mơ 1 và Giấc mơ 2, giữa 2 giấc mơ là diễn biến cuộc đời Kiều. Mở đầu là hình ảnh Nguyễn Du đang sáng tác thì Kiều xuất hiện. Sau khi Kiều mắc nạn vào lầu Ngưng Bích sẽ là cuộc đối thoại giữa Kiều và Nguyễn Du. Kiều sẽ chất vấn Nguyễn Du qua hình thức kịch thoại trên nền nhạc.
Đến cảnh Hoạn Thư ghen, Kiều lại hát (opera) những khúc sầu bi. Ở cảnh Từ Hải chết đứng, trong truyện là đầu rơi xuống nhưng thân thể vẫn đứng, chỉ khi Kiều lao vào ôm thì Từ Hải mới ngã xuống. Còn trong tác phẩm này, Kiều ballet sẽ múa xung quanh Từ Hải, múa rất chậm và rất lâu, để Từ Hải từ từ ngã xuống. Âm nhạc sẽ là một hành khúc tang lễ. Kết thúc 11 chương Truyện Kiều, hình tượng 3 nhân vật Từ Hải, Thúy Kiều và Nguyễn Du sẽ cùng nhau bay lên.
Vì đây là một tác phẩm nghệ thuật đương đại tổng hợp, nên trong ý tưởng của ê-kíp thực hiện, hình ảnh Thúy Kiều trên sân khấu đương đại sẽ không chỉ có một, mà có nhiều Thúy Kiều ở những vị trí khác nhau như Kiều hát opera, Kiều ngâm thơ, Kiều múa”.
Trả lời câu hỏi, nếu có những phản ứng của dư luận trong việc “đương đại hóa” hình ảnh Thúy Kiều, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo nói: “Chắc chắn sẽ có phản hồi nhiều chiều từ khán giả và tôi luôn chờ đón. Tuy nhiên, tôi chấp nhận nghe những lời phê bình chứ không phải là phán quyết. Với tôi, nghệ thuật là phải sáng tạo và hư cấu. Nếu quan tâm đến sự đúng - sai thì vô hình trung là tự hạn chế cho mình. Vì thế, chỉ nên quan tâm đến sự hay và phải làm cho thật hay. Theo tôi, Định mệnh bất chợt là một tác phẩm mang màu sắc dân tộc nhất từ trước đến nay trong các sáng tác của mình. Tôi hy vọng tác phẩm này sẽ là một sự đóng góp vào nền âm nhạc nước nhà cũng như sự tôn vinh một tác phẩm văn học sáng giá của Việt Nam”.
Tuy vậy, theo kế hoạch, sớm nhất thì tới tháng 4/2012 vở diễn mới có thể được ra mắt.
Lam Khuê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất