Xốc lại sân khấu hài đang nhoai xuống đáy khủng hoảng…

31/08/2011 07:23 GMT+7 | Văn hoá

Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần thứ nhất khu vực phía Bắc đã diễn ra tại TP Quảng Ninh (từ 25 - 31/8) với sự tham gia của 600 nghệ sĩ từ 22 đơn vị nghệ thuật và nhóm hài chuyên nghiệp. Nhiều đơn vị sân khấu phía Nam cũng sẵn sàng góp mặt tại liên hoan khu vực phía Nam sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Những tiết mục xuất sắc nhất của hai miền sẽ được tập hợp biểu diễn trong một đêm gala sau đó như là một sự biểu dương lực lượng lớn nhất từ trước đến nay của làng hài cả nước. Có thể nói từ sau chương trình Gặp nhau cuối tuần và Gala Cười, làng hài cả hai miền Nam - Bắc mới có một ngày hội lớn để họp mặt, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm như thế. 


Dù thực tế nhiều năm nay chất hài gần như áp đảo sân khấu kịch TP.HCM, các “sân khấu chính thống” phía Bắc cũng nhảy qua hài kịch để mở đường doanh thu, nhưng phải tới năm nay hài kịch mới có một liên hoan dành riêng cho mình. Động thái này rõ ràng là một bước tiến đáng kể trong nhận thức của nhiều người, nhất là các cấp quản lý, về vị trí, vai trò của sân khấu hài trong đời sống nghệ thuật. Trải qua thời gian dài phát triển với nhiều sự thăng trầm, sân khấu hài, vốn bị định kiến là mua vui, nhạt nhẽo, chỉ là yếu tố phụ trợ cho vở diễn, nay đã có thể được thừa nhận chính thức. Điều ấy có mở ra cơ hội cho hài kịch khẳng định giá trị chính thống thực sự của nó trên sân khấu Việt Nam chứ không phải chỉ là những màn mua vui rẻ tiền, nhí nhố như lâu nay nó vẫn bị mang tiếng?

Cùng nhìn lại những thăng trầm của hài trên sân khấu kịch Việt Nam, với những khách mời là các chuyên gia sân khấu, những người đang làm nghề, thử tìm một câu trả lời…

Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN TRẦN NGỌC TUYẾT


(TT&VH Cuối tuần) - Sân khấu hài Việt Nam vốn có nền tảng triết học. Nó khác hẳn với những tiểu phẩm hài của sân khấu thời gian gần đây! PGS-TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định khi được đề nghị đánh giá về sân khấu hài Việt Nam.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái

* Bà có nghĩ Liên hoan (LH) sân khấu hài vào thời điểm này thật đúng lúc?

- Có hai lý do, theo tôi, rất cần để tổ chức LH sân khấu hài. Thứ nhất, tổ chức để xốc trở lại sân khấu hài đang nhoai xuống đáy - thứ sân khấu mà người có trình độ chẳng ai xem, chẳng ai cười. Thứ hai, đây là thời điểm hơn bao giờ hết người dân đang cần một tinh thần hài kịch. Với tình hình thế giới, trong nước cùng một năm tài chính u ám thì việc thiếu tinh thần hài kịch cũng là một thiệt thòi cho xã hội. Bên cạnh sự u ám của xã hội đó, thang bậc đạo đức cũng có phần rối loạn. Chính vì thế xã hội cần một cuộc thay đổi. Và khi thay đổi người ta rất cần hài kịch, đúng như Marx nói: “Hài kịch là sự giã từ quá khứ một cách vui vẻ”. Trong bối cảnh cần tiếng cười như thế, tiếng cười sân khấu lại cần hơn tất cả vì nó tức thời, sân khấu là tác động trực tiếp từ người diễn viên đến người xem, ngay trước mắt họ.

* Trước khi Marx nói điều đó chúng ta đã có sân khấu hài. Và nguồn gốc, nền tảng sân khấu hài nước ta có khớp với nguyên tắc “giã từ quá khứ vui vẻ” đó không?

- Sân khấu hài Việt Nam vốn có nền tảng triết học. Đó cũng là sân khấu hài có bề dày tiếp thu từ sân khấu truyền thống với hài rối nước, tuồng, chèo, cải lương. Tất cả những điều đó đủ làm chúng ta có một sân khấu hài đích đáng. Khi người Pháp vào Việt Nam, chúng ta đã học lỏm được nghề sân khấu với cả ba thể loại chính của kịch nghệ phương Tây: bi kịch, chính kịch, hài kịch. Không phải ngẫu nhiên, ngay từ những năm 1920, ta đã có 3 vở kịch lớn của Molièrre: Kẻ hà tiện, Người biển lận, Trưởng giả học làm sang qua chuyển ngữ của Nguyễn Văn Vĩnh, được đăng đầu tiên trên Đông Dương tạp chí. Rồi chúng ta có Vũ Đình Long với bi hài kịch Chén thuốc độc, chịu ảnh hưởng rõ nét của “người thầy đầu tiên” Molièrre.

Như vậy, hài kịch Việt Nam đã có hai khuôn mặt khả ái. Đó là hài sân khấu truyền thống với rối nước, chèo, tuồng, cải lương - với tiếng cười cứu chữa phong hóa nước nhà. Chúng ta có khuôn mặt hài hiện đại nữa, khi người Pháp vào, ảnh hưởng từ sân khấu phương Tây. Trong văn học, chúng ta có Vũ Trọng Phụng với tinh thần hài kịch rất rõ (vì thế mà vừa qua sân khấu Hồng Vân dựng lại nhiều tác phẩm của nhà văn này theo mô hình chuyển thể sân khấu từ tác phẩm văn học). Nó là tiếng cười đô thị, khác hẳn với tiếng cười nông thôn dân dã của hài kịch truyền thống. Chẳng hạn trong trích đoạn Cái chết của một tang gia từ tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng in trong sách dạy văn cho học sinh phổ thông, ta thấy rõ cái hài át cả cái bi (tang gia, cái chết). Nó khiến người ta rơi vào một trong hai trạng thái, hoặc “khóc lên tiếng cười”, hoặc “cười ra nước mắt” (chơi chữ của văn hóa dân gian Việt), Nhìn lại lịch sử để thấy, vốn có truyền thống hài, sân khấu Việt Nam khởi đầu từ hài kịch, và đó thực ra là một sự khởi đầu đích đáng về mặt văn hóa. Nó hoàn toàn đúng với quan điểm “cười để giã từ quá khứ một cách vui vẻ”, giã từ hủ bại, để tiến lên.

* Vậy bà đánh giá thế nào về “bề dày thành tích” của sân khấu hài nước ta?

- Đáng tiếc, nhìn lại chiều dài lịch sử sân khấu hiện đại, ta lại thấy tỷ lệ hài kịch tuy có nhưng không nhiều. Chúng ta chỉ có duy nhất một tác giả hài kịch nổi tiếng là Lộng Chương. Sau đó, chúng ta có những cảnh hài hước khá nổi tiếng trong kịch của Lưu Quang Vũ - những mảnh hài tươi rói chất dân gian. Những cảnh này nằm lẫn cả vào chính kịch và bi kịch. Nhưng tỷ lệ hài kịch sâu sắc không nhiều.

Thập niên cuối thế kỷ 20, hài kịch len vào hình thái sân khấu nhỏ. Nhưng nếu xét cả 3 thể loại chính kịch - bi kịch - hài kịch thì hài kịch rất ít, và cũng rất ít vở đọng lại. Người ta chỉ nhớ những “xen” hài xuất sắc thôi. Đó là trường hợp tiếng cười chỉ xuất hiện xen canh lẫn với chính kịch, bi kịch. Đến đầu những năm 2000, ở miền Bắc nổi lên một thương hiệu - chương trình Đời cười của Nhà hát Tuổi Trẻ. Cùng giai đoạn, hài miền Nam khá buông tuồng, đậm chất sinh hoạt thị dân trong tiểu phẩm và tấu hài. Điều này đã kéo sân khấu hài đi xuống.

NSND Trần Tiến - hài như không

* NSND Lê Tiến Thọ cho rằng nghệ sĩ hài luôn thiệt thòi khi xét phong danh hiệu. Điều đó là do họ bị kỳ thị hay thực sự họ chưa đủ giỏi, thưa bà?

- Tôi nghĩ ít nghệ sĩ hài được phong NSND, NSƯT bởi họ chưa đủ giỏi. Chúng ta thiếu hẳn những nghệ sĩ hài mà chỉ cần bước ra sân khấu đã khiến khán giả cười, như vua hài một thời đất Bắc Trần Tiến. Ở phía Nam, chỉ có Thành Lộc, Hoài Linh là làm được điều tương tự. Có thể coi Hoài Linh như vua hài phía Nam.

Những tài năng của sân khấu hài đã ít lại còn gặp khó khăn khi không có những vai diễn hài xuyên suốt vở cho họ. Chẳng hạn, những nghệ sĩ hài miền Bắc giờ chỉ ẩn trong các chương trình hài kịch, với “thánh đường” là các chương trình giải trí truyền hình. Táo quân 30 Tết có khi là chỗ ẩn náu sáng chói nhất cho họ. Ngoài ra, trên sân khấu hàng đêm, hầu như thưa vắng vở diễn hài kịch.

* Bà nói cần LH để vực lại đội hình hài. Đồng nghĩa với việc sân khấu hài đang khủng hoảng?

- Sân khấu rõ ràng đang khủng hoảng toàn diện, nhưng trong 3 hình thái thì hài kịch khủng hoảng nhất. Nó thể hiện ở đủ thứ thiếu: thiếu diễn viên, thiếu đạo diễn, nhất là thiếu kịch bản thật sự là kịch bản hài tử tế trong chiều sâu mỹ học của cái hài. Chúng ta chỉ có một đạo diễn hài nhưng ông đã mất từ lâu đó là NSND Trần Hoạt, người chuyên trị dựng hài kịch, nhất là hài kịch của nhà viết hài kịch Lộng Chương. Ông như một cặp trời sinh với Lộng Chương. Một sinh ra để đạo diễn hài, một để viết kịch bản hài. Họ cùng nhau làm cả vở hài, chứ không phải tiểu phẩm hài kịch lẻ tẻ. Chúng ta thiếu cả âm nhạc, thiết kế sân khấu, hóa trang phục trang riêng cho hài kịch…

Khủng hoảng thế nên tiếng cười sân khấu bây giờ không khai thác xung đột mang tính hài kịch theo cách phải vận động tiến lên, để rũ bỏ cái cũ - điều mà Marx đã nói. Xã hội ta là xã hội có vẻ không biết cười theo cách đó. Tôi từng đề nghị phải tổ chức lớp học để tiếp viên Vietnam Airlines học cười, vì họ lúc nào cũng đăm chiêu, căng thẳng và quạu quọ! Sân khấu là chỗ tốt nhất để dạy người ta cười. Nên mới có người như NSND Trần Tiến, ra sân khấu chưa hành động người ta đã cười. (Ông đặc biệt thành công trong vai Đế Thích, vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ do đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi dàn dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam). Giờ chúng ta có một người rất tài hoa là Hoài Linh, nhưng vẫn chưa có những vai chính có tầm vóc lớn của một vở đích thực là hài kịch. Và Hoài Linh dù có tài năng thiên bẩm vẫn chỉ loanh quanh tấu hài, rồi lại tiểu phẩm hài, và vai diễn nhỏ. Không có vai diễn lớn, Hoài Linh cũng không thể trở thành một diễn viên hài kịch lớn. Thực sự, với Hoài Linh, tôi thấy tiếc cho một tài năng.

Chúng ta còn thiếu những hài kịch mang tinh thần hài hước lành mạnh kiểu như Cơm thầy cơm cô (Vũ Trọng Phụng), cười xong thấy có thể khóc vì chua xót. Sân khấu hài thiếu đến mức giờ phải quay về dựng những vở chuyển thể từ tác phẩm văn học giai đoạn 1930 -1945 của dòng văn học hiện thực phê phán, mà Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan là những nhà văn tiêu biểu.

* Hài không thể khóc, nhưng những vở chính kịch nhiều khi lại lạm dụng hài khiến khán giả khóc không nổi. Bà thấy điều này ra sao?

- Mới đây, Nhà hát kịch Việt Nam có một vở chính kịch mà thành hài - Hàng rào của hai nhà. Trong vở diễn khán giả thấy con cười khi bố chết, thấy nhà hàng xóm có tang thì nô nức đi xem, với những cái cười chẳng mấy có duyên… Tôi thấy giật mình vì đã có hiện tượng thích hài quá nên lạc lối sang hài. Thoạt tiên xem thì có thể thú vị, nhưng ngẫm lại, người ta sẽ phân vân và hồ nghi rằng có nên cười hay không? Phân vân đó chính là phân vân về giá trị, thang giá trị đạo đức. Rõ ràng là không nên cười kiểu đó, nói theo ngôn ngữ miền Nam là cười như thế là trật lấc. Xem xong, có người lo lắng, hài kịch thế này thì nguy, gây cười kiểu này chẳng trúng trật vào đâu, dù kịch bản đã đụng đến vấn đề tha hóa về đạo đức trong ứng xử giữa người và người ở nông thôn ngày nay. Còn với diễn viên, khi họ diễn quá nhiều tiểu phẩm, tấu hài với cảm xúc là là mặt đất, mà chuyển sang chính kịch thì không thể cất cánh lên được. Kết quả là hỏng nghề, lụt nghề. Và trách nhiệm ở đây vẫn phải xác định trước tiên là thuộc về đạo diễn.

* Có vẻ diễn viên chỉ nên chuyển từ chính kịch sang hài thì ổn, như trường hợp của Lê Khanh chẳng hạn?

- Thực ra không chỉ riêng Lê Khanh, còn có hai người nữa chuyển từ chính sang hài kịch ngon ơ - Thành Lộc và Hoài Linh. Hồng Vân cũng là một trường hợp gần như thế. Họ đều có căn bản nghề nghiệp vững về chính kịch, lại được hành nghề trong một khung cảnh thuận lợi, điều mà sân khấu Bắc không có được, đó là mạch đập của kịch trường hàng đêm không ngừng. Mạch đập ấy ở miền Bắc đã đứt đoạn từ lâu, khiến nghệ sĩ miền Bắc không có sân khấu để “luyện chưởng”. Nếu nghệ sĩ miền Nam có thể có 30 xuất diễn trong một tháng, Thành Lộc có mùa còn diễn gấp rưỡi số đó thì miền Bắc, mạch sân khấu gần như không đập. Ở đó, người ta nhìn thấy sự xập xệ, đứt đoạn, nản lòng của nghệ sĩ kịch, có thể nói là khủng hoảng sát đáy rồi.

* Vì sao một người có thương hiệu như bà, được mời chấm hài của chương trình xã hội hóa, lại không được mời chấm trong LH này?

- Có lẽ, tôi không được mời bởi cách đánh giá có lập luận và quan điểm riêng, cũng có thể điểm tôi chấm không cao, người dự giải khó đạt huy chương. Vì thế, không được mời chấm tôi cũng thấy bình thường, thông cảm với ban tổ chức. Bây giờ, để đạt danh hiệu, nghệ sĩ (nhất là những đoàn của nhà nước) phải chắt chiu từng mảnh huy chương. Tôi cũng chẳng nỡ nào đụng đến nồi cơm của người khác, nhất là trong tình hình sân khấu chẳng mấy sáng sủa như hiện nay.

* Xin cảm ơn bà!

Bài 2: Tiếng cười khi tươi khi héo…

Kiều Trinh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm