Cải lương với thuyết minh tiếng Anh

16/08/2011 13:27 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau những kịch nói, tuồng, chèo và múa rối, cuối cùng cũng tới lúc nghệ thuật cải lương trên sân khấu Hà Nội phải dùng tới tiếng Anh. Cụ thể, trong vở diễn Mệnh đế vương ra mắt ngày 14/8 vừa qua, Nhà hát cải lương Hà Nội đã thí điểm để du khách nước ngoài nghe thuyết minh tiếng Anh qua hệ thống tai nghe chuyên dụng.

Tính ra, ở sân khấu thủ đô, nghệ thuật cải lương lại là loại hình... chậm tiếp cận với tiếng Anh. Bù lại, cách làm của Nhà hát Cải lương Hà Nội khá tỉ mỉ và cặn kẽ khi dịch toàn bộ lời thoại và làn điệu của vở diễn ra tiếng Anh, chứ không dừng ở bản tóm tắt song ngữ, giới thiệu sơ lược trước vở diễn hay treo phụ đề điện tử như cách làm của tuồng, chèo...

Trả tiền vé bằng… góp ý

Mệnh đế vương là câu chuyện “thuần Việt” xoay quanh bi kịch của công chúa Lý Chiêu Hoàng và được dàn dựng bởi đạo diễn NSƯT Quang Hùng - Giám đốc Nhà hát. Tối 14/8/2011, 3 hàng ghế đầu (gần 40 chỗ) tại rạp Chuông Vàng được trang bị tai nghe riêng cho khách nước ngoài sử dụng khi xem. Giá vé 100.000 đồng, vậy nhưng đa phần khách tới đây theo dạng giấy mời. Điều kiện duy nhất: xem xong, họ được mời gặp lãnh đạo Nhà hát để cho biết cảm nhận của mình.

“Tôi nói thật: Nhà hát rất cầu thị và muốn thẩm định chính xác về cách làm này. Vì vậy, mong các bạn bỏ qua những lời xã giao và thẳng thắn... khen chê. Nhìn chung, các ý kiến đưa ra khá tích cực, còn chúng tôi cũng rút được một số kinh nghiệm cho mình. Chẳng hạn, do có độ “co giãn” khi diễn xuất, Nhà hát nên bố trí người đọc thoại trực tiếp bằng tiếng Anh thay cho việc... bật đĩa thu âm lời dịch. Hoặc, vở diễn hay nhưng thời gian dài 90 phút cũng gây chút trở ngại cho những du khách ở xa hoặc muốn tranh thủ thăm phố cổ về đêm”, NSƯT Quang Hùng cho biết.

Cảnh trong vở diễn Mệnh đế vương

Hơn 80 năm tồn tại giữa khu phố cổ, rạp Chuông Vàng của Nhà hát Cải lương Hà Nội từng có lúc được so sánh là “hom giỏ” thu hút lượng khách nước ngoài vốn dĩ rất phổ biến tại đây. Để rồi, cùng với cảnh trượt dốc chung của sân khấu truyền thống, cả khách “ta” lẫn khách “Tây” tới đây cũng thưa dần, dù địa chỉ này vẫn đỏ đèn vào các đêm cuối tuần. Nhiều đêm, người trong nghề phải chạnh lòng khi thấy mấy vị khách tóc vàng, mắt xanh bỏ tiền mua vé vào rạp xem chừng 15 phút, lượn thêm một vòng ngắm nhà hát rồi lẳng lặng bỏ đi...

“Khách nước ngoài chưa hiểu thì ta phải “bê” cải lương tới gần họ hơn. Nhất là khi nghệ thuật đờn ca tài tử - cái gốc của cải lương - đang được đệ trình lên UNESCO để công nhận là di sản phi vật thể” - NSƯT Quang Hùng giải thích về sự lựa chọn của mình.

Và để dự án được triển khai một cách bài bản, Nhà hát đang tổ chức dịch sang tiếng Anh phần lời thoại của khá nhiều chương trình biểu diễn. Theo đó, một số chương trình tổng hợp những trích đoạn cải lương nổi tiếng như Kim Vân Kiều, Lưu Bình Dương Lễ... có độ dài 60 phút cũng sẽ được triển khai xây dựng để khách nước ngoài có thể vào rạp và xem cùng với những khán giả Việt Nam qua một hệ thống tai nghe riêng tới từng ghế ngồi.

Có “hàng tốt” mới “rao”…

Phải kiên nhẫn mới có thương hiệu

Vấn đề thu hút khách du lịch quốc tế phụ thuộc khá nhiều vào thương hiệu. Ở góc độ này, nhiều đơn vị sân khấu truyền thống vẫn đi sau múa rối nước.

Cuối những năm 1990, rối nước cũng gặp khó khăn hệt như nhiều đơn vị sân khấu truyền thống bây giờ. Họ cũng phải cắn răng chấp nhận hoàn cảnh để dần tạo được thói quen thưởng thức rối nước của khách du lịch. Đó là hai bài học mà nghệ thuật tuồng chúng tôi cần tiếp thu: kiên nhẫn và bình tĩnh (NSND Hoàng Khiềm, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng VN, trao đổi cùng TT&VH).

Ai cũng hiểu, việc chuyển ngữ cho các loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... đều không hề đơn giản. Bởi khác với kịch nói, các loại hình kịch hát này sử dụng khá nhiều làn điệu, điển tích, từ Hán Việt... theo quy ước đặc thù. Đó cũng là lý do khiến tới nay, Mệnh đế vương gần như là vở diễn đầu tiên được dịch 100% ra tiếng Anh cho du khách. Rất công phu tìm người chuyển ngữ và trau chuốt lại bản dịch, vậy nhưng lãnh đạo Nhà hát vẫn thẳng thắn thừa nhận: theo thời gian, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn thao tác này.

Thực tế cho thấy, kết hợp sử dụng bảng phụ đề tiếng Anh từ năm 2003 nhưng Nhà hát Tuồng TƯ vẫn chưa kéo được nhiều du khách nước ngoài tới các buổi diễn của mình. Tương tự, dù thí điểm dựng hẳn một phiên bản Đời cười trực tiếp bằng tiếng Anh (các diễn viên được tập và rèn phát âm chuẩn) nhưng việc “chào hàng” của Nhà hát Tuổi Trẻ cũng không có nhiều tiến triển.

Lý do vẫn là cái vòng luẩn quẩn: du khách tới Việt Nam thường mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống hơn là kịch hiện đại, trong khi sân khấu truyền thống lại cần quá nhiều yếu tố để hấp dẫn khách ngoại quốc, chứ không chỉ trông chờ vào tiếp thị. Thậm chí, có cả những ý kiến cho rằng chuyện khó “bắt tay” với du lịch thuộc về vấn đề cạnh tranh giữa rối nước với các loại hình sân khấu khác.

Bởi thế, theo lời lãnh đạo Nhà hát Cải lương Hà Nội, những chương trình biểu diễn có thuyết minh tiếng Anh vẫn đang được xây dựng hoàn thiện nhất ở mức có thể, trước khi đơn vị này tổ chức diễn báo cáo và gặp gỡ các đơn vị du lịch để tìm “đầu ra”. Theo ông Hùng, quá trình này có thể bắt đầu sau khoảng 1 tháng nữa.

Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm