Cải lương: Còn khủng hoảng đến bao giờ? (Bài 2)

02/12/2009 08:59 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Thập niên 1990, “cơn bão video” quét qua sân khấu cải lương cuốn mọi thành phần làm nghề đến trường quay. “Bão tan” nhìn lại thì sàn diễn đã tan hoang tự bao giờ. Mọi người lục tục kéo về chấn hưng sân khấu thế nhưng khán giả thì đã bị đẩy ra xa, đã không còn thói quen đến rạp nữa rồi. Và thế là cải lương khủng hoảng!

Sân khấu cải lương: Còn lại những gì?

Cách đây không lâu, Sân khấu Vàng của cặp nghệ sĩ tài danh Minh Vương - Lệ Thủy đã dựng lại kịch bản Đêm lạnh chùa hoang, đã đưa tên tuổi hai nghệ sĩ này lên đỉnh cao ở sân khấu Kim Chung những năm 1970. Dễ dàng nhận ra những thoáng ngậm ngùi trên gương mặt nhiều khán giả đã từng thổn thức trước mối tình ngang trái của nàng quận chúa Hồ Bảo Xuyên cùng chàng lãng tử Tần Lĩnh Sơn của chính Minh Vương - Lệ Thủy hơn 30 năm trước. Vẫn là những người cũ nhưng gánh nặng tuổi tác đã lấy đi vẻ thanh xuân, tươi trẻ của đôi bạn diễn, những đường gươm cứ như múa làm nhiều bạn trẻ che miệng cười, phục trang quá “teen” của “nàng quận chúa” đã lên tuổi bà ngoại cũng làm nhiều người nhăn mặt, nhíu mày…

Sân khấu cải lương từng có một thế hệ vàng với những tên tuổi như: Út Trà Ôn, Phương Quang, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thành Được, Hữu Phước, Tấn Tài, Minh Phụng, Minh Vương, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Mỹ Châu… Và đến hôm nay dù đã lên tuổi ông bà (nhiều người đã mất), họ dường như vẫn không thể thay thế được, vẫn phải “cưa sừng làm nghé” diễn cảnh tình yêu tuổi trẻ của những cô cậu tuổi đôi mươi. Một nền nghệ thuật phát triển phải luôn hướng lên phía trước với những cái mới. Thế nhưng sân khấu cải lương thời gian qua lại có xu hướng đi thụt lùi khi hướng tới sự chuẩn mực là sân khấu của hơn 30, 40 năm về trước. Những kịch bản đã từng “làm mưa làm gió” từ trước năm 1975 như: Nửa đời hương phấn, Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Lan và Điệp, Đoạn tuyệt, Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa… vẫn luôn ăn khách mỗi khi được diễn lại (chưa kể các lớp diễn hay được rút ra biểu diễn trích đoạn trong các chương trình tổng hợp).



Cảnh sân khấu xưa với phong cách sang trọng, cảnh trí được chăm chút
đến từng chi tiết...
đã không còn được tìm thấy trên sân khấu
nhiều ước lệ hiện nay. Ảnh: Huỳnh Công Minh


Khi thành lập Sân khấu Vàng, NSƯT Minh Vương - Lệ Thủy chỉ mong muốn gợi nhớ lại “thời hoàng kim” của sân khấu cải lương, còn một nhóm nghệ sĩ khi dựng lại một kịch bản từng rất ăn khách trước năm 1975 cũng chỉ “cố gắng tái hiện lại những thủ pháp trên sân khấu xưa”… Ông Tần Nguyên, ký giả kịch trường, Chánh Văn phòng Ban Ái hữu Nghệ sĩ sân khấu TP.HCM thẳng thắn nói: “Cải lương thì phải luôn luôn đổi mới. Thời hiện đại bây giờ mà đem những kịch bản đã hát mòn từ hơn 40 năm trước ra hát lại rồi đem những ý tưởng, thủ pháp xưa lơ xưa lắc ra mà học hỏi, mà xem là chuẩn mực thì rõ ràng cải lương đang có vấn đề”.

Đã từng vượt qua khủng hoảng

Nhiều người khi nhắc tới sân khấu cải lương luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ và luyến tiếc với “cải lương xưa”. Nhưng ít ai biết rằng “cải lương xưa” cũng đã trải qua lắm thăng trầm đặc biệt trong điều kiện chiến tranh.

Ra đời trong khoảng những năm 1914-1917, nghệ thuật cải lương nhanh chóng lớn mạnh và lan tỏa khắp nơi vì sự mới mẻ nhưng lại hết sức gần gũi và quan trọng hơn nó có thể đáp ứng nhu cầu của thời đại. Loại hình âm nhạc ngũ cung trữ tình là hồn của dân tộc, kết hợp những điệu thức hát bội gắn liền với văn hóa dân tộc, còn loại hình kịch nghệ phương Tây chân thật gần gũi có khả năng tái hiện cuộc sống, lời ca diễn xướng rất phù hợp cho việc bày tỏ tâm tình cũng như kể những câu chuyện đầy ẩn ý về sự cách tân, lòng yêu nước. Cải lương nhanh chóng trở thành phương tiện chuyển tải lòng yêu nước thương nòi của con người Việt Nam, ngầm thể hiện sự chống đối với chính quyền thực dân, phong kiến. Không phải ngẫu nhiên mà hai vở tuồng đầu tiên là Kim Vân KiềuLục Vân Tiên, vốn dựa trên hai tác phẩm nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du và nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Trải qua những bước chập chững ban đầu, nghệ thuật cải lương không ngừng hoàn thiện và thể hiện thế mạnh là một loại hình “mở” của mình. Nếu hát bội phải tuân thủ tuồng tích, trình thức biểu diễn, vũ đạo đầy quy củ khô cứng thì cải lương hoàn toàn gợi mở khi “Tây Tàu gì cũng có thể đưa lên sân khấu”.

Có lẽ giai đoạn khủng hoảng đầu tiên của sân khấu cải lương được ghi nhận là vào những năm 1930 khi Đông Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới. Đời sống người dân lâm vào cảnh lao đao, cơm chẳng có mà ăn lấy tiền đâu mua vé coi hát. Hàng loạt những gánh đại ban như: Trần Đắc, Huỳnh Kỳ, Nghĩa Hiệp Ban, Đồng Thinh… đều rã gánh. Thế nhưng gánh Tân Thinh của ông bầu Trương Văn Thông vẫn sống được trong thời kỳ khốn khó nhờ nắm bắt được tâm lý khán giả. Người dân quá khổ sở nên lánh vào đạo giáo (nhiều giáo phái mới ra đời trong giai đoạn này) tìm nguồn an ủi chốn tấm linh. Nắm bắt tâm lý này, ông bầu Thông bèn tung ra hàng loạt những tuồng Tiên, tuồng Phật huyền bí như: Thích ca đắc đạo, Ngũ Nương Tiên xuất thế, Quan âm Diệu Thiện… với nhiều trò xảo thuật, phép màu (hoa sen nở theo mỗi bước chân của thái tử Tất Đạt Đa, hóa phép diệt quỷ, trừ yêu ma, tái tạo những cảnh tái thiên lập địa…). Những tuồng này nhanh chóng lôi kéo được khán giả vốn đang tìm điểm tựa nơi thần đạo. Nhiều gánh hát khác cũng bắt chước đem Tiên, Phật lên sân khấu và đều đắt khách. Loại tuồng Tiên, tuồng Phật sống khỏe một thời gian dài, khi khủng hoảng kinh tế qua đi mới mất dần sức hút.

Đến những năm 1950, sân khấu cải lương một lần nữa lâm vào khủng hoảng vì cạn kiệt ý tưởng. Khán giả đã không còn mặn mà với những kịch bản lấy cảm hứng từ truyện Tàu (Phong Thần, Tây Sương Ký, Kim Bình Mai…) cũng như truyện Tây (tiểu thuyết Pháp); những phép màu của tuồng Tiên, tuồng Phật hay công thức “đấu poignard, nhảy cửa sổ, ca vọng cổ, phựt đèn màu” của tuồng kiếm hiệp, La Mã cũng không còn sức hút.

Năm 1954, sau hiệp định Geneve, hàng loạt cán bộ cách mạng từ chiến khu được cử về thành hoạt động trong đó nhiều người sau trở thành những soạn giả tên tuổi hàng đầu của sân khấu cải lương như: Trần Hữu Trang, Mai Quân, Hà Triều, Hoa Phượng, Thu An, Phong Anh… Chính họ đã đem một luồng sinh khí tươi trẻ, tiến bộ đến cho sân khấu cải lương làm nên thời hoàng kim cho bộ môn nghệ thuật này (đến những năm 1970), với những: Nhụy hoa lan, Tuyết phủ chiều đông, Lạnh hoàng hôn… (Mai Quân), Tiếng trống sang canh, Con cò trắng, Hai chiều ly biệt… (Thu An), Nỗi buồn con gái, Khi hoa anh đào nở, Mưa rừng, Tần nương thất… (Hà Triều – Hoa Phượng), Tấm lòng của biển (Phong Anh)… “Chăm chút cho cảnh trí thật đẹp, cơi nới sân khấu, đưa tân nhạc, vũ kịch vào sân khấu, ra đời bài tân cổ giao duyên, cùng với những kịch bản mới về ý tưởng, hay và chất văn học..., tất cả đã giúp sân khấu cải lương hồi sinh và lên đến đỉnh cao”, ký giả Tần Nguyên cho biết.

Đây là thời kỳ “trăm hoa đua nở” trên sân khấu cải lương. Hàng loạt những gánh hát đại ban, trung ban đến tiểu ban được thành lập biểu diễn khắp nơi. Hàng đêm khắp Sài Gòn có không dưới 5 điểm diễn luôn đầy nghẹt khán giả. Và mỗi đoàn hát lại có phong cách riêng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khán giả: đoàn Kim Chung của ông bầu Long chuyên về tuồng hương xa, kiếm hiệp mang màu sắc diễm tình; đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân thiên về tuồng hiện đại sát với hiện thực xã hội đương thời (có cả cảnh vũ trường, quán bia ôm… trên sân khấu); đoàn Thanh Minh của bà bầu Thơ mạnh về loại tuồng tâm lý xã hội sâu sắc, sang trọng dành cho khán giả trí thức; đoàn Hoa Sen của bầu Bảy Cao thích khai thác tuồng chiến tranh (được khán giả gọi là tuồng “cắc - bùm”), đoàn Minh Tơ, Huỳnh Long là đoàn cải lương hồ quảng (sau này đổi là cải lương tuồng cổ)… Chính phong cách riêng đã tạo nên sự đa dạng và sức hút cho sân khấu cải lương thời hoàng kim.

Từ năm 1972 trở đi sân khấu cải lương dần suy yếu, các đoàn rã gánh hàng loạt vì chiến tranh ác liệt, nhiều nghệ sĩ bị bắt lính. Sau giải phóng, hòa bình lập lại, cải lương dần hồi phục và bước sang một thời kỳ đỉnh cao mới kéo dài từ 1975 đến 1985. Bên cạnh những kịch bản tiến bộ cũ được chỉnh sửa lại như: Đời cô Lựu, Con cò trắng, Tấm lòng của biển…, hàng loạt những kịch bản mới có chất lượng nghệ thuật cao phản ánh kịp thời hiện thực xã hội đất nước đã ra đời và được khán giả rất đón nhận: Tìm lại cuộc đời, Ánh lửa giữa rừng khuya, Lửa phi trường, Đôi bông tai, Khách sạn hào hoa, Cây sầu riêng trổ bông…

Và đến những năm 1990, một lần nữa sân khấu cải lương lại dần “cũ” đi. Và lần này sân khấu cải lương có “qua cơn bĩ cực” hay không vẫn là một câu trả lời chưa có hồi đáp. Chỉ biết so với hơn 50 năm trước, cải lương hiện nay gần như thiếu toàn diện những yếu tố cốt lõi của sân khấu cải lương: những soạn giả giỏi nghề, thế hệ nghệ sĩ kế thừa xứng đáng, những “ông bầu” - người làm công tác quản lý - giỏi làm ăn, đường lối phát triển đúng đắn và quan trọng nhất là sân khấu cải lương cũng đã đánh mất những khán giả “biết” thưởng thức cải lương thực thụ.

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm