Đi và… tiếc

13/10/2011 07:16 GMT+7 | Du lịch đời sống

(TT&VH Cuối tuần) - Chưa chọn Philippines làm điểm đến bởi tôi vẫn nghĩ so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Philippines thiếu sự sầm uất đô hội của Thái Lan, không văn minh hiện đại như Singapore, không thanh bình, yên ả như Malaysia và cũng không giàu danh lam thắng cảnh như Lào, Campuchia… Chuyến đi một tuần tới 1 hòn đảo ở đất nước có hơn 7.000 hòn đảo này theo lời mời của đại diện Bộ Du lịch Philippines tại Việt Nam đã củng cố nhận định của tôi về Philippines, nhưng cũng vì thế mà tôi thấy… tiếc.

Phải nói ngay là không phải tôi tiếc công đi Philippines, mà tiếc vì tại sao thiếu những điều như đã nói ở trên nhưng Philippines vẫn làm du lịch tốt. Năm 2010, lượng du khách nước ngoài đến đây đạt 3,52 triệu người, cao hơn cả Hàn Quốc, bất chấp việc Ủy ban châu Âu đánh giá hàng không nước này là thiếu an toàn. Tổng thống đương nhiệm của Philippines còn khẳng định sẽ thúc đẩy lượng khách du lịch đến đây lên tới 6 triệu lượt vào năm 2016! Sự tự tin đó hoàn toàn có cơ sở.

Đón chúng tôi ở sân bay của Puerto Princesa, thủ phủ tỉnh Palawan, là một nữ hướng dẫn viên tuổi xấp xỉ 40, béo mập và hoàn toàn không xinh đẹp. Cô làm tôi nghĩ đến người hướng dẫn viên ở Manila, cũng không xinh đẹp và tuổi thì đã ngoài 50. Khác hẳn với hướng dẫn viên ở Việt Nam và nhiều nước khác với tiêu chuẩn hàng đầu khi tuyển dụng là: trẻ - đẹp. Nhưng tuổi tác hay ngoại hình của hướng dẫn viên du lịch cũng không khiến tôi bất ngờ bằng những sản phẩm du lịch được bán trên đảo Palawan.

Xưởng sản xuất đồ thủ công nhỏ cũng trở thành điểm du lịch

Từ sân bay về khách sạn Centro, đường đi khiến tôi liên tưởng đến những con đường khô cằn với nhà cửa thấp lè tè, thưa thớt ở Sóc Trăng, Bạc Liêu. Trời nắng nóng càng khiến cho con đường thêm nứt nẻ, bụi bặm. Centro nằm ở vị trí đắc địa khi từ đó có thể đến các điểm du lịch trên đảo Palawan bằng những cung đường ngắn nhất. Là khách sạn 4 sao, Centro có bãi cỏ dài với bể bơi, nhà hàng và những phòng họp rộng lớn nhưng nó làm tôi băn khoăn vì sau khi đi thang máy, qua một hành lang dài trải thảm sạch sẽ, sang trọng, mở cửa căn phòng của mình, tôi tưởng mình đang đi vào một phòng khách sạn kiểu hộp diêm ở khu đèn đỏ Gaylang, Singapore. Đồ nội thất trong phòng không có gì để chê ngoài việc diện tích của nó quá bé, vào đến phòng là phải bước ngay lên giường bởi chiếc giường đã chiếm gần hết diện tích phòng, khiến nếu như bạn không định ngủ thì chẳng có lý do gì ở trong căn phòng tí hon đó cả! Tại sao ở một nơi đất rộng người thưa như thế, người ta lại làm phòng khách sạn nhỏ như hộp diêm với kiến trúc toàn bê tông cốt thép? Câu hỏi của tôi được người quản lý khách sạn Centro giải đáp rằng, họ làm vậy để khách không dành nhiều thời gian ở trong phòng mà ra ngoài tận hưởng các dịch vụ khác của khách sạn, hít thở không khí tự nhiên và gần gũi thiên nhiên ngoài bãi cỏ, bể bơi và (nhất là) đi thăm thú các danh thắng xung quanh đảo Palawan. Đúng là phòng chỉ để ngủ, bởi khi đã vào phòng, bạn cũng khó mà làm việc với sóng wifi chập chờn và chậm rãi đến “lộn ruột”, và tôi đồ rằng đó cũng là chủ trương của khách sạn này.

Ngay buổi tối, chúng tôi đến một nơi mà hầu như du khách nào đặt chân đến Palawan cũng nhất định sẽ tìm đến: xem đom đóm trên sông Iwahig. Đom đóm chẳng phải thứ gì xa lạ với những người đến từ một đất nước nông nghiệp, vậy mà ai cũng ồ, à ngay từ khi ngồi chờ đến lượt xuống thuyền. Một tour “xem đom đóm” như thế giá 900 peso (khoảng 450.000 đồng). Bạn sẽ được ngồi trên chiếc thuyền banca, loại thuyền có khung gỗ giữ thăng bằng, dành cho 4 người bao gồm cả người chèo thuyền. Bạn nhất thiết phải mặc áo phao và tuyệt đối không sử dụng flash khi chụp hình để tránh làm “kinh động” bọn đom đóm. Người chèo thuyền kiêm hướng dẫn viên giới thiệu tường tận, sinh động và có duyên về những loài đom đóm có ở đây. Mái chèo nhẹ nhàng khua nước dưới ánh trăng rằm làm tôi nhớ đến miền Tây Nam bộ ở ta, cũng sông nước, cũng ánh trăng, cũng tràm, cũng đước, cũng đom đóm nhưng không có tour xem đom đóm kéo dài chỉ 20 phút nhưng “móc túi” được của khách 450.000 đồng mà khách lại rất hể hả.

Áo phao, mũ bảo hiểm chỉnh tề bắt đầu khám phá sông ngầm

Cảm giác tiếc lại tiếp tục xâm lấn tôi khi đến thăm vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesa, một trong những danh thắng đang dẫn đầu trong cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Vẫn phải áo phao chỉnh tề, chúng tôi xuống tàu đi vào khu sông ngầm, nước biển xanh và trong nhìn tới đáy, nào cá bơi, san hô, nào rong rêu…, như thể quơ tay xuống nước là chạm vào tất cả. Đến bến sông, lần lượt 10 người lên từng chiếc thuyền banca, người ngồi đầu sẽ cầm một chiếc đèn pha. Ngoài áo phao, bạn còn phải đội thêm mũ bảo hiểm để tránh bị thương khi không may va đầu vào thạch nhũ. Người chèo thuyền kiêm hướng dẫn viên thuộc làu từng vị trí thạch nhũ mang hình thù đặc biệt và chỉ dẫn du khách soi đèn cho mọi người cùng xem. Chỗ thì thạch nhũ như trái bắp khổng lồ, chỗ như cái nấm, chỗ giống mẹ bồng con, chỗ lại giống… ma,… Cảnh quan ở khúc sông ngầm dài 8km đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1999 này không làm tôi choáng ngợp bởi ở Việt Nam, động Phong Nha hay Tam Cốc - Bích Động chẳng hề thua kém, điều làm tôi thấy ngợp là cách người Philippines khai thác di sản.

Du khách nườm nượp nhưng lúc nào cũng trật tự; thoải mái thăm thú và hòa mình vào thiên nhiên nhưng phải thực hiện nguyên tắc an toàn, vệ sinh do nơi quản lý danh thắng đề ra. Hướng dẫn viên chẳng đáp ứng 2 yếu tố tưởng như tiên quyết: trẻ - đẹp nhưng họ làm việc tận tình và đầy trách nhiệm, chẳng hề trông chờ tiền “tip”. Nếu không mặc áo phao, không đội mũ bảo hiểm, bạn sẽ khó lòng thưởng thức thắng cảnh bởi người hướng dẫn tuy rất nhũn nhặn nhưng cương quyết và cực kỳ kiên nhẫn, anh ta nói câu: “Hãy giúp chúng tôi làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho bạn” cho đến khi bạn phải mặc áo phao, đội mũ mới thôi. Chẳng bao nylon, không chai nhựa lỏng chỏng đâu đó bởi nếu không có ý thức giữ gìn vệ sinh theo những tấm biển kêu gọi được đặt ở khắp nơi, bạn sẽ phải móc hầu bao chịu phạt từ 200 peso trở lên. Số tiền mỗi du khách phải trả cho một tour đi thăm sông ngầm kèm bữa ăn trưa là 1.500 peso (khoảng 750.000 đồng).

Tôi còn ngạc nhiên hơn khi được thưởng thức city tour với giá 600 peso kéo dài 4 tiếng đồng hồ bởi những nơi được ghé đến kỳ thực là… chẳng có gì đáng phải xem. Nó gồm một trại cá sấu, một ngọn đồi thấp tè có cảnh quan rất bình thường, một điểm sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ nhỏ và… một lò bánh mì. Tất cả đều có thể trở thành điểm du lịch và đều thu được tiền! Điều này làm tôi nhớ cảm giác hồi đi tour nội địa ở Bangkok với những điểm đến cũng tương tự thế này: chợ nổi họp cho khách du lịch xem chứ không phải chợ nổi mọc lên do nhu cầu buôn bán của người dân địa phương, trại hổ gồm dăm con ốm yếu lờ đờ như bị tiêm thuốc ngủ để du khách thoải mái vuốt ve chụp hình mà không sợ bị… ăn thịt, nơi làm kẹo dừa… và giá tour cũng xấp xỉ 100 USD (vào năm 2006). Đúng là càng đi càng thấy tiếc, nếu nhìn lại du lịch nước mình.

Dương Vân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm