Bước nhảy hoàn vũ: Giám khảo đã sai?

08/05/2011 05:56 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(TT&VH Cuối tuần) - Trong 2 vòng thi đầu tiên, khi các thí sinh còn chưa kịp bộc lộ tiềm năng với bộ môn khiêu vũ thì BGK của cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ đã thể hiện nhiều “vấn đề” của những người cầm cân nảy mực qua cách nhận xét, chấm điểm. TT&VH Cuối tuần và cựu HLV trưởng đội tuyển Dance Sport TP.HCM Vũ Hoài Anh tiếp tục bình luận về Bước nhảy hoàn vũ, tâm điểm của cuộc bình luận lần này chính là BGK.

* Xem đêm thi thứ hai có thể thấy rõ sự mâu thuẫn giữa các thành viên BGK với nhau và mâu thuẫn giữa chính nhận xét với điểm số mà họ dành cho các thí sinh, xin cho biết ý kiến của chị?

- Tôi thấy rằng mâu thuẫn đó xuất phát từ nhiều vấn đề, chẳng hạn như thành phần BGK, hiểu biết của giám khảo về khiêu vũ hay cách sử dụng từ chuyên môn… Đã có khá nhiều sự nhầm lẫn trong phần nhìn nhận, nhận xét của giám khảo dành cho các tiết mục thi trong vòng này.

* Xin chị hãy nói cụ thể từng trường hợp, trước hết là tiết mục mở màn của Nguyên Vũ.

- Nguyên Vũ khiến tôi ngạc nhiên so với dự đoán của tôi lúc đầu, anh đã làm tất cả để không còn là “baby face” với cách hóa trang và sự xuất hiện khá táo bạo, tôi bất ngờ và đánh giá cao. Thường thì các thí sinh vẫn để cho bạn nhảy - vũ công chuyên nghiệp - xuất hiện trước và nhảy solo một đoạn để “đốt” thời gian nhưng Nguyên Vũ đã tự tin xuất hiện một mình và mặc dù khi đó cậu ấy không sử dụng vũ hình của Pasodoble nhưng thân dáng và tinh thần đã được thể hiện một cách xuất sắc, trung thành với tinh thần, xuất xứ văn hóa của vũ điệu và cả nội dung biên đạo. Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất về phần thể hiện của Nguyên Vũ lại là… giám khảo Đức Huy, khi vị này cho rằng anh đã “hơi thiếu tự tin” một cách chung chung. Nhưng vượt qua cả nhạc sĩ Đức Huy, giám khảo Trần Tiến mới mang lại sự bất ngờ đáng nể nhất khi ông khuyên rằng “Đừng quan tâm đến Pasodoble như thế nào bởi đây là bản Bolero của Ravel!”. Tiết điệu Bolero không liên quan đến một đoạn nhạc hay ca khúc nào có cái tên là Bolero. Tiết điệu Bolero sử dụng khuông nhịp 4/4, khuông nhịp này lại phù hợp áp dụng cho vũ điệu Rumba, và không phải thể thức nhịp trong nhạc nền mà Nguyên Vũ đã sử dụng trong bài thể hiện của mình. Sự bất ngờ và hoang mang này có-lẽ-có-thể chấp nhận được bởi để bắt đầu cho mỗi phần nhận xét của mình, nhạc sĩ Trần Tiến vẫn thường xuyên “cảnh cáo” trước rằng ông “không biết gì về khiêu vũ cả”.

Anh Khoa được điểm cao nhất khi nhảy một điệu dân vũ Bulgaria. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

* Tôi nghĩ nhạc sĩ Trần Tiến đã nhầm bản nhạc trích từ bộ phim Cướp biển vùng Caribe của Klaus Badelt với bản nhạc có tên là Bolero của nhà soạn nhạc Ravel…

- Cần phải chuẩn hóa khi nói về thể loại nhạc bởi thể loại nhạc quyết định vũ điệu. Phải nói rằng đây là một chương trình rất có ý nghĩa khi phổ biến, định hình được cho khán giả những kiến thức sơ đẳng về khiêu vũ nhưng nên cẩn trọng để giới thiệu cho đúng và mặc dù là một chương trình giải trí thì không nên nói quá nhiều về chuyên môn nhưng dù nói ít thì vẫn phải nói đúng. Nhạc sĩ Trần Tiến còn nói bản nhạc Nhật Bản mà Vũ Thu Phương sử dụng là ở trong Dạ yến - một bộ phim Trung Quốc. Sự nhầm lẫn còn có ở cả MC Thanh Bạch khi anh giới thiệu bài Hit The Road Jack là thuộc thể loại R&B trong khi đây là một bài Blues kinh điển.

* Với tiết mục của Huy Khánh tôi cũng thấy có sự không thống nhất trong cách gọi tên điệu nhảy mà anh thể hiện, chị thấy thế nào?

- Đó là một điển hình về sự không thống nhất về thuật ngữ. Các động tác của Huy Khánh là vũ điệu Jive nhưng 2 giám khảo Đức Huy và Trần Tiến lại gọi là Jitterbug. Jitterbug là một vũ điệu thuộc dòng American Style (vốn là tiền thân của các bước nhảy thịnh hành ở Sài Gòn trước 1975, cùng với Lindy Hop và Swing), Jive là sự tổng hợp trong đó có Jitterbug và nhiều dòng vũ điệu khác để kết cấu thành, để từ đó hình thành vũ điệu có xuất xứ Hoa Kỳ duy nhất trong dòng 5 vũ điệu Latin thuộc hệ thống Internetional Style.

Tương tự, trong bài thể hiện của ca sĩ Thu Minh, chị đã quyết định đưa vào biên đạo nét ảnh hưởng của phong cách đường phố hiện đại, trong đó có phối hợp với một số vũ hình Chacha của Ballroom Dancing. Sự phối hợp ảnh hưởng này được thể hiện qua phong cách, trang phục, ngôn ngữ biên đạo, và nhạc nền với DJ. Nhưng tại Việt Nam, chúng ta có thói quen gọi chung chung nhảy múa hiện đại là Hip Hop, giống như trước đây người ta cứ gọi đi bar với club là đi nhảy disco trong khi ở đó toàn chơi nhạc và nhảy techno. Chính Thu Minh cũng liều lĩnh khi gọi đó là nhảy Hip Hop, và điều này đã khiến chị, rất đáng tiếc, phải nhận về hai nhận xét hoàn toàn mâu thuẫn của hai giám khảo chuyên môn. Trong khi kiện tướng Khánh Thi cho rằng tinh thần một cô “tiểu thư phố thị” nhảy Hip Hop vẫn không nhất thiết phải quá “đường phố”, thì giám khảo Chí Anh lại cho rằng nếu nói về Hip Hop thì Thu Minh đã sai kỹ thuật hoàn toàn. Vậy, Thu Minh đã “Hip Hop” đủ hay chưa? Câu trả lời không được đưa ra một cách thống nhất nhưng, rất tiếc, bài thể hiện rất xuất sắc của chị đã không đạt số điểm xứng đáng từ hội đồng giám khảo.

* Có vẻ như có một sự hiểu lầm về chính nội dung thi của vòng này: Free Style.

- Free Style là tự do nhưng đừng hiểu là muốn nhảy gì thì nhảy. Free Style trong khiêu vũ là những bài nhảy có kịch bản, ý tưởng, kết cấu nội dung hẳn hoi trong đó sử dụng ngôn ngữ của tất cả các vũ điệu, thậm chí đang nghe nhạc Foxtrot nhưng đi bước Rumba cũng được, hoặc phối hợp ảnh hưởng Salsa trong Samba… Đây chính là yếu tố “mở” của Ballroom Dancing, khiến nó linh hoạt luân chuyển, hòa nhập dễ dàng với các nền văn hóa và tính thời đại, giúp loại hình khiêu vũ này tồn tại mạnh mẽ cho đến ngày nay dưới hệ thống International Style. Với trường hợp của Thu Minh, cô ấy đã làm được điều đó khi đưa âm nhạc, hình thái của Hip Hop vào nhưng thân dáng, vũ hình vẫn là nhảy múa hiện đại và Ballroom Dancing. Trong bài diễn của Thu Minh, người ta vẫn thấy yếu tố kết nối giữa hai bạn diễn, đan xen “cú pháp” của nhảy múa hiện đại qua âm nhạc và động tác độc lập không kết nối điển hình của nhảy múa hiện đại. Do đó, hẳn nhiên đây là một bài Free Style chứ không phải bài Hip Hop.

Một trường hợp khác là Anh Khoa, người được điểm cao nhất đêm thi (38 điểm), cũng khiến tôi ngạc nhiên khi anh và bạn nhảy đã thể hiện điệu dân vũ Bulgaria thuần túy vào bài thể hiện. Điều này vẫn được sử dụng trong các format chương trình như So You Think You Can Dance. Nhưng với Dancing With The Stars, việc ứng dụng các ảnh hưởng trường phái trong bài thể hiện Free Style chỉ dừng ở mức độ phối hợp. Anh Khoa đã thể hiện rất xuất sắc bài nhảy của mình, đặc biệt trong điều kiện sức khỏe như vậy. Cá nhân tôi nghiêng mình trước nỗ lực nghiêm túc của người nghệ sĩ, nhưng hơi hoang mang về định nghĩa Free Style của chương trình. Tương tự, phần thể hiện rất công phu và đầy bất ngờ của Đại Nghĩa lại, đáng tiếc, không có một dấu vết nào của Ballroom Dancing.

* Về phần thi của Kim Hiền, tôi thấy cô ấy nhảy không tốt nhưng lại được BGK khen và có điểm số khá cao (35 điểm), chị nhận xét thế nào về trường hợp này?

- Phần biểu diễn của Kim Hiền có âm nhạc thuyết phục, tinh thần, trang phục, trang điểm đều lạ lẫm, quyến rũ nhưng không khỏa lấp được sự lúng túng của Kim Hiền. Tôi đánh giá cao biên đạo của vũ công nước ngoài trong tiết mục này khi đưa được nhiều yếu tố khiêu vũ vào, đây là Jazz Dance nhưng đã được xử lý tinh tế với những nét rất rõ của Ballroom Dancing dù rất ít nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao. Kim Hiền đã bước ra khỏi không gian an toàn của mình và đây là điều công chúng chờ đợi ở các ngôi sao của họ, nhưng mặt trái là cô chưa có tốc độ tốt để thực hiện được điệu nhảy này. Sự lúng túng rõ rệt của Kim Hiền trong bài thể hiện khiến tôi càng ngạc nhiên với sự dễ “tha thứ” và hào phóng của BGK. Có thể nói, Kim Hiền đã chấp nhận thử thách của cuộc chơi, và điều này, đương nhiên, đi cùng cả những tính toán khinh suất, và việc đó cần được nhìn nhận và đánh giá khách quan để Kim Hiền và bạn nhảy rút kinh nghiệm về điều chỉnh chiến lược trong các buổi sau. Biên đạo xuất sắc, kỹ thuật tồi, cuối cùng thì công chúng vẫn phải xem một tiết mục có thể nói là vụng về nhất trong đêm.

* Vậy nhận xét chung của chị về BGK?

- Trước hết thành phần BGK chưa hợp lý. Dancing With The Stars hay So You Think You Can Dance ở Mỹ thì giám khảo chuyên môn chỉ cần 1 người, 1 người là đạo diễn hay nhà sản xuất thuộc ngành giải trí, người còn lại là ca sĩ hoặc nhạc sĩ, và tất cả họ đều có hiểu biết về âm nhạc, diễn xuất, thậm chí cả vũ đạo. Ở đây cán cân bị lệch đột ngột qua phần âm nhạc khi sử dụng 2 vị nhạc sĩ và họ đều chưa nói được gì về âm nhạc cả, trừ một lần… nói sai. 2 vị giám khảo chuyên môn là Chí Anh và Khánh Thi thì lâu lâu lại mâu thuẫn với nhau. Bộ tứ này đang không hỗ trợ cho nhau mà đang đứng tách bạch, chưa thể gọi là một hội đồng giám khảo được.

* Còn nhận xét riêng từng người?

- Đức Huy không đi đến cùng những câu nhận xét mà lại bỏ lửng và thường nói “tôi thấy bài này thiếu thiếu” nhưng lại không nói được nó thiếu… cái gì. Trần Tiến thường mở đầu bằng câu tôi thì tôi không biết gì về khiêu vũ cả, hẳn nhiên, đây là điều… ai cũng biết, nhưng liệu có hợp lý không khi ông đã được BTC tín nhiệm đặt vào “ghế nóng” để quyết định chất lượng chương trình? Trong khi các thí sinh như Nguyên Vũ, Kim Hiền, Anh Khoa, đã liều lĩnh quăng mình vào cuộc thi và bước ra khỏi không gian an toàn của mình trong bài thể hiện, dù thành công hay không (và họ cũng là những người không-biết-gì-về-khiêu-vũ-cả) thì có vẻ chính vị giám khảo này đã không thể bước ra khỏi vấn đề của riêng mình từ tuần trước. Có vẻ nhạc sĩ Trần Tiến đang rất có vấn đề về gọi tên các bộ phận cơ thể, mặc dù luôn quan tâm đến yếu tố cực kỳ quan trọng này của khiêu vũ - một bộ môn nghệ thuật hình thể.

Bù lại, giám khảo Khánh Thi, qua một mùa đầu tạo nhiều dư luận đa chiều, chị đã xuất sắc điều tiết được luồng ý kiến của 3 giám khảo còn lại, và cân chỉnh hài hòa giữa tính chuyên môn của một kiện tướng quốc gia và sự thân thiện cần có của một chương trình giải trí. Có lẽ cũng chính vì điều này, nữ kiện tướng đã nhường vị trí “diva ghế nóng” cho vị đồng giám khảo Trần Tiến.

Giám khảo Chí Anh, trong hầu hết các phần nhận xét, chính là vị giám khảo mà khán giả trông chờ được lắng nghe một cách nghiêm túc nhất. Từ tác phong, thần thái lẫn tính khách quan, xác đáng của anh đều xứng hợp với vị trí giám khảo chuyên môn. Đáng tiếc là gần nửa sau chương trình, anh bất ngờ vào vai “người đàn ông bí ẩn” và tỏ ra kiệm lời hơn, anh ngưng đột ngột nhiều lần trong lời phân tích chuyên môn, và thậm chí chỉ “bí ẩn” cười và tuyên bố “hãy chờ điểm số”.

* Cảm ơn chị và hẹn gặp lại trong buổi bình luận tiếp của chúng ta về chương trình này.

Dương Vân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm