Huyền sử thiên đô – từ chối chọn trường quay Trung Quốc

16/06/2010 11:00 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(TT&VH) - Đoàn phim Huyền sử thiên đô (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: NSƯT Phạm Thanh Phong – Đặng Tất Bình) vừa chính thức ra mắt chiều qua (15/6) tại HN. Bao nhiêu kỳ vọng có được một bộ phim về Lý Công Uẩn nhân dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long đều đặt vào đoàn phim này…
 
20 tập đầu (trong tổng số 70 tập) của  Huyền sử thiên đô sẽ trình chiếu trên kênh VTV3 vào lúc 21h thứ Năm, thứ Sáu hằng  tuần từ tháng 10 - 12/2010. Tới nay, phim  đã quay được 2 tập đầu tiên.  
 
Huyền sử thiên đô: Hoàn  toàn thuần Việt  

Kịch bản Huyền sử thiên đô của tác  giả Nguyễn Mạnh Tuấn dày hơn 3.500  trang, không chỉ ghi lại thời khắc dời đô từ Hoa Lư về Đại La mà còn lý giải ý tưởng này như một quá trình nhận thức tất yếu, đúc kết từ thực tế của Lý Công Uẩn. Bối  cảnh phim diễn ra từ năm 1004 – 1009.  Khi đó vua Lê Đại Hành không còn mạnh  mẽ, quyết đoán như thời kỳ đầu gây dựng nhà Lê. Tướng quân Lý Công Uẩn theo  lệnh vua Lê Đại Hành đi dẹp loạn. Năm 1009, Lý Công Uẩn được cả triều đình  tôn lên làm vua... Cùng những nhân vật  lịch sử được khắc họa sắc nét, là những  mối tình đầy lãng mạn... 


Cảnh trong phim Huyền sử thiên đô
Bộ phim có hơn 60 nhân vật chính, phụ có tên và hàng trăm nhân vật không đặt  tên. Hàng chục nhân vật chính có danh tính trong chính sử (Lý Công Uẩn (Công  Dũng đóng), Lê Đại Hành (Duy Thanh),  Lê Long Đĩnh (Trung Dũng), công chúa Cúc Phương (Thu Quỳnh), Phụng Càn Chí Lý hoàng hậu (Giáng My), Thuận Thánh Minh Đạo hoàng hậu (NSƯT Hà  Xuyên)...) và rất nhiều nhân vật hư cấu  nghệ thuật (nữ tướng Giáng Bình (BB  Phạm), võ tướng Xôn Sa Ma (Rich-ting)...).  

Giữa năm 2008, Công ty Sao Thế Giới  đã lên kế hoạch đầu tư cho Huyền sử thiên đô. Sau đó, kịch bản đã được VTV  nghiệm thu. Hãng phim Truyện I đóng  vai trò nhà sản xuất.  

Trong quá trình thực hiện Huyền sử  thiên đô, đoàn phim đã có các chuyến khảo sát trường quay ở Trung Quốc.  Tuy nhiên, đoàn phim nhận ra rằng  những bối cảnh trường quay này không  phù hợp vì Huyền sử thiên đô cần những  bối cảnh thuần Việt. Bối cảnh chính cố đô Hoa Lư, hoàng cung nhà tiền Lê, nhà của các đại thần thành Đại La, vùng chiến trận... đều được thiết kế, tạo dựng trong nước với sự tư vấn của các chuyên gia. Phim trường được dựng ở Cổ Loa, Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Huế, Bình Thuận... Đạo diễn Tất Bình cho biết, bộ phim về thời kỳ đầu Lý Công Uẩn dựng nghiệp, không có nhiều cung điện, đền đài hoành tráng nên chúng ta có thể hoàn toàn chủ động được bối cảnh mà không cần thuê trường quay ở nước ngoài.

Số phận phim Trần Thủ Độ ra sao?

Bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – cho biết, nhiều năm nay, Ban chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội rất mong muốn bên cạnh những công trình đang gấp rút hoàn thành để hướng tới sự kiện này có một bộ phim về Thái tổ Lý Công Uẩn như là nén hương thành kính tri ân công đức của ngài. Sẽ có một số bộ phim đề tài lịch sử sắp sửa ra mắt, nhưng TP. Hà Nội rất kỳ vọng ở Huyền sử thiên đô.

Được biết, bên cạnh Huyền sử thiên đô, một dự án phim lịch sử khác tốn khá nhiều giấy mực của báo chí cũng do Hãng phim Truyện I thực hiện là: Trần Thủ Độ, được chính thức khởi quay từ năm 2009. Nhưng trong khi Huyền sử thiên đô mới đi được khoảng 1/40 quãng đường (mới quay được 2 tập trên tổng số 70 tập phim) và đã đặt lịch phát sóng, số phận Trần Thủ Độ còn chưa biết ra sao! NSƯT Đặng Tất Bình cho biết, đến tháng 9/2010, Hãng phim Truyện I phải giao cho TP. Hà Nội phim Trần Thủ Độ. Tuy nhiên, hãng phim chỉ làm nhiệm vụ sản xuất theo đơn đặt hàng của TP. Hà Nội, còn thời điểm trình chiếu phim này do TP. Hà Nội quyết định.

20 tập phim Huyền sử thiên đô sẽ chắc chắn ra mắt tháng 10 – 12/2010, trong khi đoàn phim tiếp tục thực hiện theo phương thức “cuốn chiếu” những tập còn lại. Một lần nữa, những dự án phim khởi động từ khá lâu, thậm chí chúng ta đã có tới 10 năm để chuẩn bị, nhưng rồi vẫn rơi vào tình cảnh “nước tới chân mới nhảy”. Hy vọng, những dự án này sẽ xứng đáng với nhiều tỷ đồng đầu tư (dù không được tiết lộ và dù là theo phương thức “xã hội hóa”)...

Thu Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm