24/11/2009 10:03 GMT+7 | Truyền hình thực tế
Thật sự có quá nhiều nhận xét về bộ phim đang được xem là Hot nhất hiện nay – Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt. Người xem vẫn đón xem, người chê vẫn cứ chê và những nhận xét, những ý kiến của một bộ phận khán giả nào đó vẫn liên tục được gửi cho báo giới…
Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt, được làm lại từ kịch bản phim truyền hình Full House của đài KBS - Hàn Quốc. Phim đã lên sóng được gần 10 tập. Vì Ngôi nhà hạnh phúc mới đi được gần một phần hai chặng đường nên chúng ta vẫn chưa vội kết luận phim "thực sự hay" hay "thực sự dở". Nhưng, với số tập phim đã trình chiếu vào khung giờ vàng trên sóng VTV3 cũng đủ để chúng ta cảm nhận được "một chút hay", "một chút dở" của bộ phim được ca ngợi là đình đám nhất năm 2009 này.
Những tập đầu phát sóng, Ngôi nhà hạnh phúc Việt không gây được sự thích thú cho người xem nhưng có thể bỏ qua được những hạt sạn của phim. Dù sao, hình ảnh đẹp, sự nỗ lực của ekip làm phim cũng “nói đỡ” cho những khoảng trống mà so với nguyên bản thật khó lấp đầy.
Nhưng tại tập 8, cảnh Vương Hoàng và Minh Minh đi dạo trên bờ biển Phan Thiết, thực sự đã làm những khán giả khó tính thấy "gai mắt ngứa tai" bởi sự hợm hĩnh nhưng lại quá ngô nghê của mình (theo đánh giá từ góc độ người xem).
Đỉnh điểm của sự chán và bực, là sau khi bị “tra tấn” bởi một đoạn đối thoại có dung lượng gần hai phút giữa hai nhân vật Vương Hoàng và Minh Minh. Hai diễn viên chính tranh luận với nhau về Ngôi nhà hạnh phúc của cả hai phiên bản Hàn Quốc (trực tiếp nói) và phiên bản Việt Nam (ngầm ý). Cặp vợ chồng trẻ cãi nhau, họ tranh luận về bộ phim và đưa ra những tuyên ngôn "xanh rờn". Có thể kể, ví dụ như lời thoại của Minh Minh khi thách đố Vương Hoàng “ nếu phiên bản Ngôi nhà hạnh phúc được Việt hoá, làm lại thì anh có dám đảm nhận vai Young Jae mà Bi Rain đã đóng hay không?”,... Hay câu nói "tuyên ngôn thực lực" của Vương Hoàng cũng khiến người xem..ngã ngửa khi anh ta cao giọng nói : "phim của tôi đóng chưa phim nào thất bại đâu đấy".
Câu thoại này của nhân vật Vương Hoàng, dù là tuyên ngôn về khả năng diễn xuất của nhân vật người nổi tiếng Vương Hoàng trong phim, nhưng người xem chẳng kém thông minh mà không nhận ra lời nói đó như đang ca ngợi ngầm về diễn xuất của Lương Mạnh Hải trong bộ phim truyền hình có "chất lạ" và hút khán giả Bỗng dưng muốn khóc và bộ phim điện ảnh ra rạp dịp Tết Nguyên đán 2008 Đẹp từng centimet thất bại về nghệ thuật nhưng vẫn thu về bạc tỉ cho nhà sản xuất.
Những lời thoại lồng ghép cho nhân vật Vương Hoàng phát ngôn, trở nên vô duyên hết sức khi giải thích rằng người đóng vai Young Jae là Bi Rain đóng đã rất thành công, chắc sẽ chịu nhiều áp lực (lý do này ai cũng biết không nhất thiết phải nói ra). Lại một sự giải thích cho Lương Mạnh Hải, như kiểu anh đã phải chịu áp lực như thế nào khi bị rất nhiều khán giả yêu phiên bản Ngôi nhà hạnh phúc của Hàn Quốc phản đối vào vai Young Jae Việt Nam trên các diễn đàn về điện ảnh.
Người xem băn khoăn, không biết những lời phát biểu đầy tính biện hộ của nhân vật Vương Hoàng, trong đoạn phim đi dạo bãi biển ở tập 8 này có khẳng định được diễn xuất thực sự thăng hoa của Lương Mạnh Hải, khi anh trở thành Young Jae, vai diễn mà Bi Rain đã đóng hay không?
Liệu câu phát ngôn của nhân vật Vương Hoàng, giải thích cho sự khó khăn của diễn viên vào vai Young Jae có làm người xem thông cảm, vui vẻ chấp nhận “thưởng thức” những cái dở mà Ngôi nhà hạnh phúc Việt có thể sẽ vấp phải, và có thể sẽ ..trưng bày ra trên bàn tiệc hình ảnh của mình hay không ?
Và không ít khán giả cũng đặt dấu hỏi, không biết đạo diễn Vũ Ngọc Đãng có phải lại muốn “nhấn mạnh” cho người khác biết rằng, Lương Mạnh Hải là lựa chọn hoàn hảo nhất của anh cho vai nhân vật nam chính trong bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng này không nữa ?
Đoạn phim phát triển, nằm ngoài kịch bản phim gốc đã trở nên vô duyên và thừa thãi, mang đến cho người xem một sự ấm ức, khó chịu. Cách “nhắc khéo” này còn gặp ở tập 7, khi nhân vật Minh Minh nhắc tới phim Đẹp từng centimet của đạo diễn Vũ Nọc Đãng, như thể để khán giả nhớ đừng quên Bác Đãng đã từng làm mưa làm gió cả màn ảnh rộng lẫn màn ảnh nhỏ.
Phải thừa nhận cách “nhắc khéo” phim này trong phim khác không phải một thủ thuận mới. Hiệu quả của nó, tất nhiên cũng có nhưng với phim của Vũ Ngọc Đãng, thường ăn khách nhưng một số không nhỏ những người thích, hoặc am hiểu về phim ảnh luôn nhận xét rằng, phim của anh giống một Clip ca nhạc, một MV được đầu tư phần diễn xuất sâu hơn…
Bộ phận khán giả khó tính này, họ thấy chuyện cứ để diễn viên nói khơi khơi những câu dẫn dắt, buộc người ta “vượt thời gian, trở về quá khứ” trong tâm trạng chẳng mấy thoải mái quả là điều đáng để bực mình.
Dẫu biết tác giả có quyền nhận xét về tác phẩm của chính mình, vì tất nhiên, máu thịt của họ, văn chương của họ, sáng tạo của họ, họ phải thấy hay nhất. Nhưng nói như thế nào để hợp lý và không gây phản cảm cho người xem lại đòi hỏi sự khéo léo của chính những người thích “văn mình..”. Chuyện tự vỗ ngực khen bản thân ta, nếu không tế nhị và đủ độ gia giảm, sẽ khiến tác giả và chính tác phẩm của mình trở nên vô lối và có chút ngông nghênh trong mắt người thưởng thức. Nhấn mạnh, chỉ là trong mắt của những người không vỗ tay ủng hộ, không câm nín dài lâu để xem cho xong chứ lời nhận xét này, có thể không phải là lời khẳng định cho số đông người khác.
Điều dễ thấy ởNgôi nhà hạnh phúc là bộ phim ít nhân vật, các sự kiện kịch tính chỉ có thể vẽ ra đến thế. Điểm thu hút lớn nhất của phim, là những cuộc đôi co cãi vã rất đáng yêu của hai nhân vật chính. Vì vậy, nếu diễn xuất của diễn viên vào hai vai này không hoàn hảo, lôi cuốn sẽ dễ gây nhàm chán cho chính những khán giả từng khao khát chờ đợi một Ngôi nhà hạnh phúc của Việt Nam.
Không biết là có lỗi không, khi ai đó nói lên ý kiến thật của mình – mang hơi hướng phản đối vì với những gì đã có, được thể hiện từ tập 1 đến nay thì đỉnh cao của nỗ lực mà nhà sản xuất và ekip làm phim đạt được cũng chỉ là như vậy. Nói nhiều nữa, họ cũng có cố hơn được đâu….
Tiếc cho sự kỳ vọng của người xem, tiếc cho chính những nỗ lực mà ekip làm phim đã dốc trọn cho Ngôi nhà hạnh phúc, vì chỉ tính sơ trong một xóm trọ, hay thăm dò ý kiến của khoảng nửa hộ dân cư ở một khu tập thể thì đều thấy, người xem có thốt lên rằng họ…hơi chán khi xem bộ phim này.
Biết là so sánh sẽ luôn khập khiễng, vì thật sự tiêu chí so sánh, điều kiện so sánh chẳng hề liên quan đến nhau nhưng số người xem nhận xét cặp Bi Rain và Song Hye Kyo của Việt Nam….kém quá cũng lại hơi nhiều.
Lương Mạnh Hải dù rất cố gắng, phải nói anh diễn tốt hơn những vai trước nhưng cảm giác Vương Hoàng vẫn thiếu chút gì đó, vẫn chưa chạm tới ngưỡng của sự thành đạt, của sự khờ dại trong tình yêu, của sự ngông nghênh đầy trẻ con của một chàng công tử…
Người ta chỉ thấy sự đanh đá, đôi co với đàn bà chứ chẳng có chút gì đó lạnh lùng, đáng yêu, dễ thương kiểu nam tính của nhân vật người nổi tiếng Vương Hoàng nên tính thuyết phục trong diễn xuất của Mạnh Hải đã giảm sút đáng kể.
Còn Minh Hằng - một ca sĩ đóng phim dù cố gắng bộc lộ sự đáng yêu và nhí nhảnh của nhân vật Ji Eun (tức Minh Minh) nhưng người xem lại chỉ thấy một diễn xuất đều đều, không có cá tính, mọi cử chỉ, ngôn từ đều bí bách. Nói đúng hơn, nhìn Minh Minh của Minh Hằng, không thể nói ai cũng nhận ra ngay sự đáng yêu của nhân vật này.
Hai nhân vật từ đầu đến cuối ở mỗi tập phim cứ thay nhau cười nói đều đều, lườm nguýt, dậm chân, khuôn mặt biểu cảm có thể xem là kém làm khán giả phải mệt mỏi đuổi bắt và chờ đợi một sự chuyển biến trong diễn xuất nhưng tuyệt nhiên không thấy...
Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt, mặc dù chịu áp lực rất lớn từ nhiều phía nhưng không đồng nghĩa với việc có áp lực sẽ có thành công và ai đứng ở vị trí người xem đều phải bỏ phiếu ủng hộ bộ phim này.
Sự cố gắng và thành công của một tác phẩm, được khán giả nhìn nhận như thế nào thì hãy để người xem công bằng khách quan nhận xét. Nếu người sáng tạo tự biên, tự diễn, tự biện hộ, tự cho mình là đúng, bắt khán giả phải công nhận cái hay trong tác phẩm của mình họ sẽ tự giết chết tác phẩm của chính mình.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất