Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc: Phim “Thái Tổ Lý Công Uẩn” sẽ tái xuất!

22/07/2009 15:47 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(TT&VH) - Những tưởng rằng Đinh Thiên Phúc sẽ phải buồn và choáng một thời gian dài sau khi dự án phim truyện nhựa “Thái tổ Lý Công Uẩn” do anh viết kịch bản, mặc dù đã có những khởi động hết sức rầm rộ, nhưng rốt cục bị dừng lại không đến được đích 1000 năm Thăng Long. Từ cuối năm 2008, người ta thấy anh mải mê làm kịch bản truyền hình: Trâu vàng như ý (6 tập), Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa ( 35 tập), và sắp tới là Mỹ nhân Sài Gòn (70 tập)… Bất ngờ gặp Đinh Thiên Phúc, anh cho biết phim Thái tổ Lý Công Uẩn sẽ trở lại, nhưng không phải dưới dạng phim truyện nhựa mà là phim truyền hình dài tập!

Tư nhân sẽ đầu tư?

Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc tâm sự:


Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc
- Tôi làm sao quên được nỗi buồn dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn bị dừng lại và tôi vẫn tìm mọi cách để thỏa tâm nguyện đau đáu của mình là đưa kịch bản phim này thành hiện thực.

Có lẽ các bậc tiền nhân đã phù hộ, run rủi cho tôi gặp được Nhà sản xuất Cát Tiên Sa. Từ lâu, nhà sản xuất này đã âm thầm chuẩn bị cho việc làm phim lịch sử. Họ đã đi khảo sát, liên kết với một số Hãng phim có kinh nghiệm làm phim lịch sử nổi tiếng ở Trung Quốc. Họ cũng đã chuẩn bị phục trang, đạo cụ, và có kế hoạch xây dựng bối cảnh ở một phim trường rộng chừng 50.000m2. Điều này cũng có nguyên nhân: ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám Đốc Công ty Cát Tiên Sa cũng là con dân gốc Hà Nội, lòng thành muốn thắp một nén tâm hương dâng lên Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nhưng sâu xa hơn, nhà sản xuất này muốn con cháu mình sẽ được xem phim lịch sử Việt Nam, thay vì phải xem phim Hàn, phim Tàu.

* Vậy Thái tổ Lý Công Uẩn sẽ được triển khai như thế nào? Là phim nhựa hay phim truyền hình?

- Chúng tôi dự định Thái tổ Lý Công Uẩn sẽ là một phim truyền hình dài tập. Bộ phim vẫn tập trung vào 2 nút thắt kịch tính chính: lên ngôi và dời đô. Đặc biệt nhấn mạnh phần dời đô. Đây có thể coi là cuộc đổi mới, cải cách vĩ đại, thể hiện tầm nhìn thiên tài của Đức Lý Thái Tổ. Thử hỏi nếu một nghìn năm trước Lý Thái Tổ không dời đô, thì vận nước bây gìờ sẽ ra sao?

KB viết lại có thể mang dáng dấp… phim chưởng!

* Như vậy, thực chất là anh sẽ phải làm lại gần như hoàn toàn so với KB phim truyện cũ?

- Tôi sẽ phát triển từ kịch bản phim truyện Thái Tổ Lý Công Uẩn, thực chất là chuyển một kịch bản dạng “chính sử” thành KB phim truyền hình dài tập dạng “dã sử”, nên sẽ phải tăng thêm phần hư cấu. Sẽ có xung đột giữa phái võ Tiêu Sơn của sư Vạn Hạnh - ủng hộ Lý Thái Tổ - và các phái võ của nhà Đinh, Lê không ủng hộ…, sẽ rất nhiều câu chuyện, tình tiết lý thú. Tôi đã có chất liệu, nếu làm có thể làm trăm tập cũng được, nhưng bước đầu làm khoảng 40 tập trở lên, lựa theo sức của mình.

* Thưa anh, sử sách ghi chép về vua Lý Thái Tổ không nhiều, vậy anh lấy “chất liệu” ở đâu để kéo dài ra thành 40 đến 100 tập phim truyền hình như thế?


Phác họa bối cảnh phim truyện “Thái tổ Lý Công Uẩn” liệu có được “tái sử dụng”?

- Cần phải nói thế này, nếu như kịch bản phim truyện “Lý Thái Tổ” dành cho 1000 năm Thăng Long như dự kiến trước đây, tôi viết căn cứ trên “chính sử” là chủ yếu. Nhưng chính sử không có nghĩa là không thể… hư cấu. Ngay cả Đại Việt sử ký Toàn thư, mở đầu viết về Lý Công Uẩn, cũng chép rằng mẹ vua là bà Phạm Thị đi chơi với thần nhân ở đền Tiêu Sơn rồi có mang sinh ra ông. Chi tiết này rõ ràng cũng là… bịa. Chúng tôi quan niệm, làm phim về lịch sử, dù có theo dạng dã sử cũng phải tôn trọng tính chân thực lịch sử, nhưng không phải vì thế mà bóp nghẹt sự hư cấu, thăng hoa. Làm phim về lịch sử không có nghĩa là biến lịch sử thành xác ướp; mà phải làm sống lại lịch sử, làm sao cho hay, cho đẹp và hấp dẫn là được. Kịch bản cũ chỉ là hồn cốt, còn để thành mấy chục tập phim truyền hình phải sáng tạo rất nhiều, phải pha trộn, biến hóa rất nhiều, thậm chí có thể mang dáng dấp của… phim chưởng để tăng tính hấp dẫn. Truyền hình dài tập cần phải như vậy.

Cố gắng kịp ra vài tập cho dịp “1000 năm”

* Như vậy là kế hoạch “chuyển thể” cho phim truyện Thái Tổ Lý Công Uẩn sẽ tương đối lớn. Cho đến thời điểm này, các anh đã chuẩn bị hoặc khởi động được cái gì chưa?

- Tất cả chỉ chờ tôi hoàn thành kịch bản, phía Cát Tiên Sa bằng cách liên kết đã sẵn sàng cho việc làm phim. Kịch bản tôi cũng đã làm xong hơn 10 tập rồi. Chúng tôi đang cố gắng trong dịp 1000 năm Thăng Long có thể ra được vài tập.

* Sau Thái tổ Lý Công Uẩn, các anh dự định làm tiếp bộ nào?

- Như đã nói, cơ trời đã run rủi khiến tôi gặp được nhà sản xuất Cát Tiên Sa Chúng tôi cùng chung quan điểm: lịch sử Việt Nam rất nhiều chuyện hay, chuyện hấp dẫn đáng để làm phim, đặc biệt là phim truyền hình dài tập. Có thể sau Thái tổ Lý Công Uẩn, chúng tôi sẽ làm tiếp bộ Ngai vàng và xã tắc, nói về vị vua đầu tiên của nhà Trần: Trần Thái Tông, người đã có câu nói nổi tiếng lưu truyền sử sách: “Ta đã bỏ ngai vàng như bỏ một đôi dép rách”.

* Vừa qua, báo chí đưa tin về 70 tập phim Mỹ nhân Sài Gòn do anh viết kịch bản đang đi tìm diễn viên. Bộ phim này có bối cảnh lùi lại hơn 50 năm, Thái tổ Lý Công UẩnNgai vàng và xã tắc còn có bối cảnh xa hơn, sẽ là thách thức lớn với các anh? Có cách nào để vượt qua những thách thức đó?

- Chỉ có một cách duy nhất: DÁM NGH Ĩ, DÁM LÀM!

* Cảm ơn anh. Chúc các anh thành công!

Nguyễn Mỹ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm