Gặp người bắn Trung tướng Mỹ Keith Lincoln Ware (Kỳ 1)

24/08/2009 06:55 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Sau khi vào Chư tan Kra (Kon Tum) tìm mộ chôn tập thể của mấy trăm liệt sĩ Hà Nội thuộc Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư 312, các lính cựu của đơn vị này đã vui vẻ kết nạp chúng tôi là “quân danh dự” của tiểu đoàn.

Trung tướng Mỹ Keith Lincoln Ware
Đợt 27/7 năm nay, mấy anh em lại ngồi với nhau, và kể cho chúng tôi nghe rằng, những đồng đội của họ cũng đã từng khiến Trung tướng Keith Lincoln Ware, một trong những vị tướng Mỹ cao cấp nhất trên chiến trường miền Nam thiệt mạng vì đụng độ trên mặt trận. Nếu như trong chiến tranh chống Pháp, sĩ quan cao cấp nhất bị bắt là De Castries mới chỉ là Thiếu tướng, thì tướng như Keith Lincoln Ware còn trên một bậc. Nhưng không rõ vì sao những câu chuyện này không nhiều  người biết tới?


Chúng tôi gọi điện hỏi một sĩ quan của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, anh có phần lúng túng: “Lần đầu tiên nghe thấy chuyện này!” Lần đầu tiên sao? Vậy chúng ta bắt đầu tìm kiếm.

Một trong bốn Trung tướng Mỹ chết trận tại Việt Nam

Trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh Việt Nam, có hơn một chục  tướng và đô đốc Mỹ mất mạng. Nhiều nguyên nhân dẫn tới cái chết của những viên tướng này, gồm bị giết, bị tai nạn và gặp bạo bệnh.

Theo tờ Freelance Star, tướng đầu tiên bị giết trong chiến tranh Việt Nam là Trung tướng Bruno A. Hochmuth, 56 tuổi, chỉ huy Sư đoàn 3 bộ binh. Hochmuth thiệt mạng khi chiếc máy bay chở ông này bị bắn nổ và rơi xuống Huế vào ngày 14/11/1967. Hochmuth là người Texas, lãnh đạo Sư đoàn 3 từ tháng 3/1966. Ông này gặp “vận đen” khi đang đi thị sát chiến trường. Một viên phi công bay hộ tống Hochmuth kể lại, chiếc máy bay chở ông ta đang bay ở độ cao hơn 300m thì bất ngờ nổ làm hai mảnh. Tất cả những người đi trên chuyến bay gồm hai phi công, một trưởng nhóm công tác và một phiên dịch viên người Việt đi cùng ông tướng này đều thiệt mạng. Hochmuth là tướng chỉ huy sư đoàn đầu tiên của lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng trong một cuộc chiến.

Tướng không quân đầu tiên tử nạn được xác định là Trung tướng Robert Worley, chỉ huy Không đoàn 7 của Không lực Mỹ. Tờ Virgin Islands Daily News nói rằng, Worley bị bắn hạ ngày 23/7/1968 khi đang điều khiển một chiếc RF-4C bay cách Đà Nẵng khoảng gần 100km. Viên tướng 48 tuổi này chính là một trong những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong các vụ ném bom ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Khác với số phận hẩm hiu của những người tùy tùng, viên phi công bay cùng với Worley đã được hệ thống cứu hộ đẩy ra ngoài chiếc máy bay bị bắn hạ và sống sót.

Tướng đầu tiên bị bắn chết dưới đất là Thiếu tướng William R. Bond, chỉ huy Lữ đoàn Bộ binh nhẹ 199. Ông này trúng đạn bắn tỉa và chết vào ngày 1/4/1970. Theo báo chí Mỹ, vào ngày trên, Bond hạ cánh xuống rìa vùng chiến sự D cách Sài Gòn khoảng 100km để kiểm tra việc một toán tuần tra Mỹ đã đụng độ với bộ đội Việt Nam. Tuy nhiên khi vừa bước vài bước ra khỏi chiếc trực thăng, Bond đã bị một viên đạn bắn trúng cổ. Ông này chết vài phút sau khi được đưa tới bệnh viện.

Tiếp đó là Trung tướng John A. B. Dillard, lãnh đạo Lực lượng Công binh thuộc Lục quân Mỹ. Dillard chết vào ngày 13/5/1970 khi chiếc trực thăng chở ông này bị bắn rơi gần Pleiku. Cùng thiệt mạng với ông này là Thiếu tướng C. Edward Adams Jr.

Nhân vật cuối cùng tử trận là Thiếu tướng Richard Tallman. Ngày 9/7/1972, viên tướng chỉ huy Lực lượng hỗ trợ vùng 3 tới tỉnh Bình Long để quan sát các hoạt động quân sự của quân Việt Nam Cộng hòa. Khi chiếc máy bay trực thăng chở Tallman và cộng sự vừa rời đi, một quả đạn pháo đã bất ngờ bắn trúng nhóm sĩ quan Mỹ. Kết quả là 3 sĩ quan Mỹ hộ tống Tallman chết tại chỗ. Ông này được đưa tới bệnh viện ở Sài Gòn nhưng chết trên bàn phẫu thuật.

Ngoài các tướng chết trận trên còn có các cái chết khác. Thiếu tướng Alfred Judson Force Moody bị chết vì đau tim vào ngày 19/3/1967 khi đang làm Trợ lý Sư đoàn trưởng Sư đoàn Kỵ binh bay số 1. Trung tướng William J. Crumm thiệt mạng vào ngày 24/7/1967 khi chiếc máy bay B52 chở theo ông này đâm vào một chiếc B52 khác trên biển Đông - đây là tướng Mỹ đầu tiên chết vì tai nạn tại Việt Nam. Trước đó Crumm đang lãnh đạo Sư đoàn 3 thuộc Đơn vị không quân chiến lược đóng tại Guam, Mỹ. Chung số phận, Trung tướng George William Casey, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, tử nạn vào ngày 7/7/1970 khi chiếc trực thăng UH-1H chở ông này và 7 người khác bị rơi xuống  đất. Đô đốc Rembrandt C. Robinson chết vào tháng 5/1972 do tai nạn máy bay khi đang trở về soái hạm USS Providence. Thiếu tướng Edward B. Burdett, chỉ huy Phi đoàn chiến đấu cơ chiến thuật số 388 đóng tại Sân bay Hoàng gia Korat Thái Lan, mất tích sau một sứ mạng ném bom sân bay Phúc Yên ở miền Bắc Việt Nam vào ngày 18/11/1967. Burdett sau đó được xác định đã chết vào cùng ngày 18/11. Thiếu tướng Charles Jack Girard thì chết vì bệnh lạ.

Nhân vật chính của chúng ta, Trung tướng Keith Lincoln Ware – Tư lệnh Sư đoàn 1 đã bị bắn chết vào ngày 13/9/1968. Có thể thấy ông ta là một trong bốn vị cấp Trung tướng thiệt mạng ngay tại chiến trường.

Trở thành người cầm đầu Sư đoàn Anh cả Đỏ

Theo bách khoa toàn thư mở trực tuyến Wikipedia, Keith Lincoln Ware sinh ngày 23/11/1915 ở Denver, Colorado, Mỹ. Sự nghiệp quân sự của Ware bắt đầu vào ngày 9/7/1941 khi ông ta bị gọi đi nghĩa vụ quân sự và tham dự một khóa huấn luyện cơ bản ở Camp Roberts, California. Ware tham dự Trường ứng viên sĩ quan tại Fort Benning, Georgia và được phong hàm Thiếu úy, chỉ huy một trung đội bộ binh vào tháng 7/1942 và được điều ra chiến trường.

Ware đã tham gia các chiến dịch Algeria - Pháp - Morocco và Tunisia. Các chiến dịch lớn khác gồm có cuộc tấn công Sicily, cuộc chiến Naples - Foggia ở nam Italia, cuộc đổ bộ tại Bãi biển Anzio và các bãi biển tại vùng San Tropez ở nam Pháp vào năm 1944. Sau thời gian phục vụ dài ngày ở chiến trường châu Âu, Ware được thăng lên Thiếu tá vào tháng 12/1944, chỉ huy Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Bộ binh số 15 thuộc Sư đoàn bộ binh số 3.

Ngày 26/12/1944, tiểu đoàn của Ware tổ chức tấn công một vị trí cố thủ của quân Đức đóng trên đỉnh đồi. Ông ta đã có hành động dũng cảm khi chiếm đồi và vì thế được trao tặng Huân chương danh dự. Hành động của Ware được mô tả trong quyết định trao huân chương như sau: Chỉ huy Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 15 Bộ binh tấn công một vị trí mạnh do địch nắm giữ trên một ngọn đồi gần Sigolsheim, Pháp. Ware phát hiện rằng một trong số các đại đội tấn công đã bị chặn và bị hỏa lực mạnh của địch áp chế, gặp thương vong. Nhận thấy rằng các binh sĩ cần tiếp thêm lòng dũng cảm, Thiếu tá Ware đã tự trang bị một khẩu súng tự động và tiến thẳng về phía quân địch, theo sau là 2 sĩ quan, 9 lính bộ binh và một chiếc xe tăng. Khi tiếp cận ổ súng máy địch, Thiếu tá Ware đã bắn gục hai lính bộ binh Đức và bắn đạn vạch đường vào lô cốt, giúp chiếc xe tăng bắn hỏng ụ súng; bắn chết 2 lính hỗ trợ ổ súng máy thứ 2 và buộc những kẻ khác đầu hàng. Chiếc xe tăng bắn hỏng khấu súng máy. Hết đạn, Thiếu tá Ware nhặt một khẩu súng trường M-1, bắn chết một lính Đức và bắn vạch đường vào khẩu súng máy thứ 3 nằm cách đó 50m...

Cần biết rằng Huân chương danh dự là phần thưởng quý giá nhất mà chính phủ Mỹ dành cho một quân nhân. Không giống nhiều lính quân dịch, Ware tiếp tục tại ngũ sau khi chiến tranh kết thúc. Sau 6 tháng tham gia lực lượng chiếm đóng ở Đức, Ware trở lại Trường đào tạo chỉ huy tại Fort Leavenworth. Ông ta được điều động tới trường quân sự West Point để dạy môn Tâm lý và Lãnh đạo quân đội, trước khi được điều đi học trường Đại học sĩ quan quân đội. Từ tháng 3/1955 tới tháng 6/1957, Ware được điều tới tham chiến ở chiến tranh Triều Tiên. Kết thúc chiến tranh, ông ta lại trở về Washington học tập. Ông ta trở thành một trong những cựu lính quân dịch đầu tiên được phong hàm cấp tướng. Tháng 7/1966, Ware được thăng lên cấp Trung tướng.

Lẽ ra được điều động tới Đức, Ware lại đề nghị với Bộ trưởng Lục quân cho đổi công tác và được điều tới Việt Nam. Ware tới Việt Nam một thời gian ngắn sau các cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968. Ông ta được giao làm Tư lệnh phó Quân đoàn II dã chiến. Được chuyển tới Sài Gòn ngay sau các cuộc tấn công Mậu Thân, Ware nắm quyền điều hành các lực lượng Mỹ ở đây, thành lập Lực lượng đặc biệt Ware (Task Force Ware) để đối đầu với các cuộc tấn công của bộ đội Việt Nam. Sau khi lực lượng trên bị giải tán, Ware được điều sang chỉ huy Sư đoàn 1 Bộ binh (Sư đoàn Anh cả Đỏ) hồi tháng 3/1968. Trong khoảng ngày 12 và 13/9 cùng năm, do Sư đoàn Anh cả Đỏ bắt đầu chiến đấu gần Lộc Ninh, Ware đã dùng trực thăng bay sát chiến trường để tiện chỉ huy binh lính. Tuy nhiên chiếc máy bay đã bị bắn hạ. Ware cùng 3 viên phó và tổ lái 4 người đã rơi thẳng xuống đất. Ware là tướng Lục quân Mỹ đầu tiên chết trận ở Việt Nam.

Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi nhận điện từ TP.HCM của anh Chiến, một cựu chiến binh Tiểu đoàn 7: Vào đây, tớ dẫn các bạn đi gặp người chỉ huy trận đánh ấy. Hôm nào đi thì gọi trước một buổi, tớ sẽ đợi ở gần cầu Sài Gòn, đoạn  đầu của Xa lộ Hà Nội.

(Còn nữa)

Việt Thường – Võ Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm