Tìm lại xương cốt người lính mũ sắt Hà Nội (P1)

19/07/2009 10:47 GMT+7 | Thế giới

Phóng sự của Mạnh Cường

Sau hành trình tìm lại Chư tan kra đúng 3 tháng, những cựu binh Hà Nội lại lên đường trở vào Tây Nguyên. Thông tin tìm thấy 15 hài cốt của “lính mũ sắt” phát đi từ Sa Thầy, Kon Tum, đã  khiến họ không thể ngồi yên, dù Tây Nguyên đang mùa mưa rừng.

Lần trở lại của đoàn cựu binh, không khí đã vợi bớt phần nào nỗi đau xót cho những vong hồn đồng đội 41 năm không một nén nhang, không một lời thăm viếng. Nhưng suy tư lại nặng trĩu bội phần, bởi nhiệm vụ phải tìm bằng được những hố chôn đã vùi lấp xương cốt của hơn 200 chàng trai Hà Nội năm xưa.

Đường tìm kiếm


Hoặc bây giờ, hoặc không bao giờ        

Vào Tây Nguyên lần này, không chỉ có những người lính cũ của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 mà có cả đoàn thân nhân gia đình liệt sĩ Hà Nội khởi hành trước đó một ngày. Họ vào Tây Nguyên để tận mắt thấy đỉnh Chư tan Kra, nơi người thân nằm xuống. Đường Trường Sơn lại đón họ với đèo dốc quanh co, rừng núi điệp trùng.

Chặng dừng chân ở Phong Nha, Quảng Bình, "trưởng đoàn" Hồ Đại Đồng đã “uý lạo” anh em, mà tất thảy đều là thương binh của trận chiến năm xưa: "Những người thân của chúng ta hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, đã chiến đấu và hi sinh theo ý nguyện thống nhất Tổ quốc. Có nghĩa là hành vi của chúng ta là tự giác, có tổ chức và việc của chúng ta sau hơn 40 năm đi tìm anh em cũng phải là hành vi tự giác và có tố chức. Lần này trở lại, ngoài việc làm một lễ nhỏ với 15 bộ hi cốt vừa tìm thấy, nhiệm vụ hàng đầu của đoàn là kết hợp với lực lượng địa phương xác định những địa điểm chiến đấu để tiến tới mục tiêu đến hết ngày 30/7 giải quyết hết những phần mộ cần quy tập. Không thể để khi nhắm mắt xuôi tay mà đồng đội vẫn nằm lại Chư tan Kra, hoặc là bây giờ hoặc là không bao giờ chúng ta làm được nữa. Anh em đây đều là thương binh, chỉ với năm nữa thôi chúng ta sẽ không còn đủ sức khoẻ để làm điều này”.

Trong 15 bộ hài cốt mới thấy chỉ có 3 bộ được xác định danh tính. Nhưng đó phải là tiền đề để có thể xây dựng một khu tưởng niệm những người con Hà Nội chiến đấu hi sinh vì sự thống nhất Tổ quốc. Bởi vì trận đánh này là một trận đánh có địa chỉ, của một tập thể có địa chỉ, một bên là các thân nhân liệt sĩ vẫn sống tại Hà Nội, một bên là các liệt sĩ đã hi sinh nhưng vẫn chưa được lịch sử ghi nhận đầy đủ.

Thân nhân của liệt sĩ trên đỉnh Chư tan Kra


Nước mắt trên đỉnh Chư tan Kra

Tây Nguyên giữa mùa mưa, thời tiết bấp bênh, lúc nắng lúc mưa. Dòng Crơng-pơcơ ắp nước xanh ngắt, vậy mà thoắt mưa đã ngầu bùn đất. Mới hơn 7 giờ sáng, nắng như đổ lửa xuống cao nguyên. 29 người, trong đó 16 thân nhân liệt sĩ chủ yếu là người già, còn lại "lính mũ sắt" Hà Nội đều là thương binh đã tập kết tại làng kinh tế mới gần dưới chân Chư tan Kra. Đó cũng là nơi đội K53, đơn vị làm nhiệm vụ quy tập mộ liệt sỹ của tỉnh đội Kon Tum đứng chân.  Tăng, võng, áo mưa đi rừng, nước uống và cả hoa quả, vàng nến, hương trầm, đồ lễ viếng được chiến sĩ K53 gùi theo.

Đoàn người men theo đường yên ngựa giữa hai đỉnh cao 1124 và 996 tiến lên đỉnh Chư tan Kra. Cảnh rừng loang lổ, chỗ trơ trọi đồi nương, chỗ rậm rạp ướt át, chỗ trơn tuột. 3 tiếng đường rừng thử thách. Như hành trình đến vùng đất thiêng, cnàg lên cao thì kí ức về những người đã nằm xuống càng da diết. Câu chuyện dọc đường rừng, nuớc mắt rơi cùng với mồ hơi.

Anh Tạ Quốc Bình ở 17 Hàng Điếu, là cháu ruột liệt sĩ Tạ Tương Thuận, cách đây 4 năm, đã cùng chị gái lặn lội vào Sa Thầy suốt 20 ngày. Lúc đó, anh Bình chỉ biết đi tìm tất cả các nghĩa trang ở huyện Sa Thầy. Vì Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đổi tên liên tục và trận đánh diễn ra bí mật bất ngờ, nên ngay cả sổ tang của Quân đoàn 3 cũng không có tên Liệt sĩ Thuận. Anh Bình sang Sư đoàn 10 rồi liên hệ với Sở LĐ,TB&XH Kon Tum cũng không có. Anh quay trở lại nghĩa trang Sa Thầy, chỉ biết ôm những bó hương khóc mà không biết tìm người than ở nơi nào.

Anh Bình rất xúc động, 4 năm từ đó trôi đi cho đến đầu năm vừa rồi, gia đình nhận được thông tin của một người quen cũng là thân nhân đi tìm liệt sĩ đọc tin thấy tên Liệt sỹ Thuận tại Quân đoàn 4. Quân đoàn 4 lại giới thiệu ra Hà Nội nên anh tìm được người đồng đội mà trước đây đến nhà anh báo tin, đó là chú Thạch, “lính mũ sắt” ở ngõ Phất Lộc. Chú Thạch nói rõ, hồi đấy có lần gặp mẹ anh Thuận nhưng chỉ ôm cụ mà khóc và nói với cụ "rồi anh ấy sẽ về" mà không nói thật rằng anh Thuận đã hi sinh, vì chính sách thời đó chưa cho phép. Trong trận Chư tan Kra, trong cùng một chiến hào, Thạch là người ôm khẩu cối và Thuận ôm khẩu AK, anh Thạch bị thương còn anh Thuận hi sinh tại chỗ. Qua đó gia đình mới biết liệt sỹ Thuận hi sinh ở Sa Thầy.

Một hố tìm hài cốt


Trong đoàn có anh Nguyễn Văn Ngọc đi tìm hài cốt anh trai. Khi đi, mẹ anh dặn đi dặn lại, cố tìm được anh để bà cụ mất còn nhắm mắt. Vậy mà, đang ở giữa đường lên đỉnh Chư tan Kra anh nhận được điện thoại báo tin mẹ mất. Anh bần thần như mất hồn, miệng lẩm nhẩm: "Mong mẹ yên lòng nhắm mắt xuôi tay". Không ai cầm được nước mắt.   

Đỉnh Chư tan Kra còn lưu giữ xương cốt của những người là anh em ruột thịt trong gia đình. Năm 1968 cả ba anh em nhà họ Trương ở làng Yên Phụ, Tây Hồ là Trương Văn Khánh, Trương Đức Chính và Trương Công Dũng đã cùng sát cánh trên đỉnh núi khốc liệt này, để ngày hơm nay chỉ còn thương binh Trương Công Dũng đi tìm hai người anh cùng đơn vị “lính mũ sắt” giữa đỉnh cao gió lộng. 

9h 51 phút sáng, sau gần 3 tiếng vượt đường rừng, mâm lễ nhỏ đã được soạn ra tại một nuơng lúa bên sườn gần đỉnh Chư tan Kra. Mâm lễ có rượu, thuốc lá và bó hoa cúc trắng. Lần đầu tiên sau 41 năm. Liệu vong hồn những thanh niên Hà thành có cảm nhận được nước mắt của những người ruột thịt? Mong mỏi của các thân nhân liệt sĩ là dù được tìm thấy hay chưa thì những vong hồn liệt sĩ cũng có được nén hương tưởng nhớ đúng nơi các anh đã hi sinh. Và nguyện vọng cuối cùng mà họ nung nấu là một ngày gần đây, tất cả các anh được sẽ được Nhà nước quy tập về lại quê hương, trong lòng đất quê.

Chia sẻ với phóng viên TT&VH ngay trên đỉnh Chư tan Kra, Đại tá Hoàng Đình Nguyên, Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum, cho biết, trong lúc đội quy tập K53 đang làm nhiệm vụ bên Lào và Cămpuchia thì nhận được thông tin về trận đánh này trên báo TT&VH và từ Thượng tướng Nguyễn Thế Trị. Ban chính sách đã lập tức báo cáo về tham mưu cho Bộ chỉ huy giao cho cơ quan quân sự huyện Sa Thầy tiến hành tìm kiếm. Trong một tuần, Huyện đội Sa Thầy quy tập được 12 bộ hài cốt liệt sĩ. Nhận thấy không đủ khả năng, lực luợng và phương tiện bảo đảm cho việc quy tập, nên cơ quan quân sự Sa Thầy báo cáo bằng văn bản về Phòng chính trị, cơ quan quân sự tỉnh. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã điều đội K53 lên đường mang theo đầy đủ phương tiện, tiến hành quy tập. Sau 3 tháng ròng rã tìm kiếm, đến nay con số liệt sĩ tìm thấy vẫn dừng lại ở con số 15, trong đó có liệt sĩ Tạ Ngọc Giao được xác định rõ danh tính, là người đầu tiên đã trở về Hà Nội.



(Bài sau:
Đi vào sử xanh (P2))

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm