Tìm thấy 5 bộ hài cốt trên đỉnh Chư tan Kra

25/05/2009 09:20 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm qua 24/05, liên lạc với chúng tôi từ trên dãy núi Chư tan Kra - huyện Sa Thầy, Kon Tum, Trung uý Lê Đức Mỹ, sĩ quan BCH Quân sự huyện này cho hay: đã tìm thấy 5 hài cốt liệt sĩ đầu tiên tại dãy núi này, trong tổng số hơn 200 người đã nằm xuống.

Trung uý Lê Đức Mỹ, người đã cùng nhóm CCB tiểu đoàn 7, trung đoàn 209 đi tìm lại chiến trường xưa trên dãy  Chư tan Kra


Trung uý Mỹ cho biết, anh đã dẫn đầu một nhóm chiến sĩ đi tìm mộ tại Chư tan Kra, và cách tiến hành là khai quật tại những nơi người dân ở đây đi tìm kim loại phế liệu đã từng thấy súng AK, mũ sắt. Trong ngày hôm qua 24/05, tại hai hố khai quật đã tìm thấy 5 bộ hài cốt liệt sĩ, một hố thấy 3 người, một hố thấy 2 người. Các hố đào đều không sâu lắm, có hố đào 1m, hố đào chỉ 0,5m. Anh Mỹ mô tả qua điện thoại rằng, xương của các liệt sĩ lẫn vào nhau, xương dưới trồi lên xương trên. Bên cạnh xương cốt các anh vẫn còn mảnh dép cao su, vỏ đạn 12 ly 7, cần kim loại của lưu đạn. Điều kỳ lạ là không thấy xương sọ, chỉ còn khớp đầu gối, khớp khuỷu tay, và tất cả đều đã từng bị đốt cháy. Anh Mỹ cho rằng, có thể xương sọ mỏng hơn xương khớp nên đã không còn lại được đến bây giờ. Trước thông tin đặc biệt này, BCH quân sự huyện Sa Thầy đã tăng cường đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ lên tới con số 10 người, và ý định ban đầu tìm kiếm trong một tuần nay đã có lệnh kéo dài không thời hạn. Đêm qua, 10 người lính huyện Sa Thầy đã ngủ lại trên đỉnh Chư tan Kra cùng với 5 liệt sĩ. Một lán dã chiến đã được dựng lên, trong đó có một cái sạp làm bằng gỗ tạp, và tất cả 5 liệt sĩ đều được khói hương chu đáo, di cốt của họ được bọc cẩn thận bằng cờ tổ quốc. Vị trí tìm thấy các hài cốt cách nơi chúng tôi đã tới thắp hương nhân 41 năm ngày giỗ - ngày xảy ra trận đánh Mỹ tại đây, không xa.

Sau khi TT&VH đăng tải loạt bài “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra” về trận đánh Mỹ năm 1968 tại cao điểm 995, trong đó ta tiêu diệt hơn 200 lính Mỹ nhưng cũng chừng ấy quân giải phóng nằm lại tại đây cho đến mãi ngày nay, nhiều cán bộ quân đội và thân nhân liệt sĩ đã vào cuộc. Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên Uỷ viên TƯ Đảng, nguyên GĐ Học viện Quốc phòng đã thay mặt cựu chiến binh trung đoàn 209 gửi thư kiến nghị tới Thành uỷ Hà Nội, UBND - UBMTTQ Tp. Hà Nội… để đề nghị xem xét việc đầu tư xây dựng khu tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại dãy núi Chư tan Kra - Kon Tum.

TT&VH được biết, anh Trương Công Dũng, hiện ở số nhà 219 phố Khâm Thiên, phường Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội, em của hai liệt sĩ hy sinh tại trận đánh này cũng đã có đơn gửi các cơ quan chức năng. Anh Dũng viết: “Kính thưa các Ban ngành đoàn thể, các cơ quan chức năng! Theo các tư liệu và nhân chứng, gần như toàn bộ trung đoàn 209 thời đó là những con em ưu tú của Hà Nội tình nguyện nhập ngũ chiến đấu, quyết tâm dù hy sinh vẫn sẵn sàng chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 26/3/1968, trung đoàn đã đánh trận đầu tiên tại Chư tan Kra (mật danh M2), là căn cứ quân sự vững chắc của Mỹ. Trung đoàn đã chiến đấu thắng lợi lớn, nhưng hơn 200 chiến sĩ con em Hà Nội đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Đã 41 năm qua đi, các gia đình có thân nhân hy sinh trong trận đánh Chư tan Kra vẫn mong mỏi tìm được hài cốt thân nhân mình. Đảng và Nhà nước đã quy tập các liệt sĩ cả ở Lào và Campuchia về quê hương. Nay qua những tư liệu có thật và những con người thật, được biết các anh tôi và đồng đội vẫn nằm đó, hiu quạnh mấy chục năm trời. Đất nước đã thống nhất, dân ta đã no ấm, thế mà nhìn lại, những người con Hà Nội hy sinh tại chiến trường năm xưa chưa có một nơi thắp nhang, chưa được chôn cất tử tế. Chúng tôi, những gia đình có thân nhân đã mất lòng đau khôn xiết. Khẩn cầu các cơ quan chức năng tổ chức quy tập hài cốt liệt sĩ, có nơi tưởng niệm để chúng tôi thăm viếng người thân nằm lại ở nơi này. Người sống thì được thắp nén nhang tưởng nhớ, người chết cũng được an ủi phần nào”.

Vừa qua, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị cũng đã làm việc với Bộ Tư lệnh Thủ đô về việc tổ chức tìm kiếm, quy tập liệt sĩ và tạo điều kiện cho thân nhân được một lần vào chiến trường xưa thăm viếng và cũng như xây dựng khu tưởng niệm chung tại Chư tan Kra. Được biết, Bộ Tư lệnh Thủ đô đang soạn thảo văn bản chi tiết để trình Thành uỷ, UBND Tp. Hà Nội về vấn đề này.

V. Thường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm