Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra (Bài 2)

29/04/2009 13:27 GMT+7 | Thế giới

Ghi chép của Việt Thường

Bài 2: Quân Anh Cả Đỏ Mỹ đụng độ Lính Mũ Sắt Hà Nội

4. Anh Ngọc kể: các cậu biết không, trước mỗi trận chống càn, nghe tiếng cánh quạt trực thăng lạch phạch bay lấm chấm như ruồi trên đường chân trời dội tới, hoặc tiếng pháo bầy rít trong gió, tim tớ như thắt lại. Xe tăng đi sau, xe ủi đi trước, bao nhiêu mìn chống tăng bọn tớ cài đều bị ủi tung lên cả. Loại mìn này phải đủ trọng lượng đè lên thì mới nổ, không thì phải dùng kíp. Còn loại mìn định hướng DH 10 mà tớ mất toi con mắt trái, ông mãnh đi cùng tớ để dây cháy chậm dài quá, đã thế lại chôn cách hầm có 2m, tớ thụp xuống đếm đúng đến 5 thì chồm dậy quạt AK, ai ngờ 2 giây sau mới nổ, thổi bay cả trung đội địch phía trước nhưng dội mảnh về sau toi luôn cả con mắt trái của tớ.

>>> Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra (Bài 1)

“Tập kết” thông tin sau khi chia nhau tìm kiếm


Nghe tiếng nghiến của xích sắt, nhìn lính lố nhố đi sau, bộ binh có, bắt tỉa thi thoảng cũng có, mười trận cái cảm giác sợ ban đầu ấy giống như nhau cả mười. Nhưng khi đạn bắt đầu nổ thì tớ bình tĩnh lại, đầu hoàn toàn trống rỗng. Đánh địch vận động, mình cứ nổ súng xong là trực thăng nó ùa tới. Anh em túm tụm chạy một đường, còn tớ thì chạy một đường. Bao giờ nó chả đuổi theo đám đông? Không biết có phải thế mà tớ sống sót không? Lỡ có lạc, tớ phải kiếm chỗ nào ngủ phát cho tỉnh táo đã, rồi 1h chiều bắt đầu đổ bóng mặt trời tớ cứ cắt hướng Tây mà về, là tới đơn vị. Đi giữa trưa, la bàn không có thì chỉ có lạc thôi. Chống càn chính mắt tớ trông thấy anh em có đứa bị sập hầm, xe tăng của nó biết bên dưới có lính mình, cứ chà đi chà lại trên nóc. Bây giờ thi thoảng bố nó lại đến hỏi tớ, cậu có tin gì về em nó không? Tớ toàn phải trốn, không dám gặp. Hòa bình rồi mà tớ vẫn còn phải nghe tiếng súng đấy. Dạo tớ mới ra quân, đi câu cá trộm, bị một chú bắn chỉ thiên. Đòm được một phát thì thấy chú ta loay hoay loạch xoạch. Tớ đứng bên này hồ cười to: bị kẹt đạn là khổ lắm em gì ơi. Anh Đồng nói: bọn mình có đi như thế này mới hiểu về nỗi ám ảnh chiến tranh của các cựu binh.

Anh Vĩnh kể: Hồi bọn mình nhập ngũ phiên hiệu đơn vị là C5, D7, E209, F312, nhưng vào đến chiến trường thì đổi tên thành Công trường 320, Nông trường 1. Công trường là tiếng lóng của cấp Trung đoàn, Nông trường là của Sư đoàn. Tớ nằm trong đại đội hỏa lực B41, nhưng ban đầu chỉ được phân công vác tòng teng mỗi ba quả đạn cùng mấy trái lựu đạn và thủ pháo. B41 bắn khiếp thật, tầm bắn 500 – 600m trên mặt đất, nóng tới 4.000 – 4.5000C. Các con giời bên kia cứ nghe tiếng B41 là biết ngay đang ở gần các Anh Hai Bắc Kỳ. Đoành tiếng nổ đầu nòng, rồi không cần nhìn, chỉ cần nghe bùng một phát là trúng rồi. Cứ mỗi lần bóp cò xong là một lần bị lộ vị trí, pháo của nó dập tới như mưa, bọn tớ toàn phải đặt súng lên cái chạc rồi buộc giây vào cò giật nổ, rồi chui ngay vào hầm. Vãn tiếng pháo lại chui lên làm phát nữa. Không biết có phải vì thế mà tớ còn sống không, chứ bom đạn mù trời có tránh mình thì tránh chứ mình làm sao mà tránh được? Nó không tránh thì giờ cũng xanh cỏ cả rồi.

Mỹ đổ quân chỉ có thể ở nơi này


5. Lại anh Vĩnh kể: Bọn tớ vào Kon Tum đợt ấy là được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm Kleng – một trung tâm huấn luyện biệt kích, thám báo của Việt Nam Cộng Hòa. Không hiểu trong lúc hành quân để lại nhiều dấu chân hay có ông nào đánh rơi vỏ bao thuốc lá Bắc gì đó khi bò vào trinh sát hay không, nhưng bị lộ. Mỹ lập tức pháo kích, điều B52 ném bom rải thảm vào những chỗ nghi bọn tớ ém quân, rồi khoảng 10h sáng nhảy ra tạo một cứ điểm chặn đường tấn công. Đó chính là Chư tan Kra. Chúng thả chất độc hóa học trên các đỉnh núi xung quanh, còn cứ điểm chính thì ném bom phát quang trước để đào công sự và ném bom cháy để không bị rừng cây rậm rịt hạn chế tầm nhìn. Sau đó, chúng cho cần cẩu bay CH 47 Chinook trước hết cẩu máy ủi tới, rồi cẩu pháo tới lập trận địa, sau đó là dây thép gai và cả lô cốt di động đúc sẵn. Chỉ trong hai ngày, cứ điểm đã xong, chót vót trên đỉnh núi khoảng 1 tiểu đoàn lố nhố cả da trắng lẫn da đen. Bọn tớ nấp trên sườn đồi bên này còn nghe rõ tiếng xì xồ của công binh Mỹ. Buổi chiều, trực thăng mang nước tới, cả tiểu đoàn Mỹ thay nhau trần như nhộng tắm dưới nước thả từ trên không xuống. Rất ngạo mạn. Về sau này mới biết, đó là lính của Sư đoàn Anh Cả Đỏ Mỹ. Bọn tớ lính mới, trang bị tới tận chân răng, dọc đường hành quân thương binh chuyển ngược ra Bắc ai cũng bảo, các ông không đi nhanh thì vào Sài Gòn nhặt ông bơ à, nhìn thế nóng máu lắm.

Thời điểm này Mỹ thường xông ra tiền tuyến để “làm gương” cho lính Việt Nam Cộng Hòa. Tiểu đoàn 7 xin nổ súng vì nhận định rằng, nếu không đánh Chư tan Kra sẽ không thể đánh được Kleng, và nếu không đánh sớm thì đỉnh núi này sẽ ngày càng kiên cố hơn, hàng rào dây thép gai mỗi lúc một bò xuống sát chân núi hơn. Càng đánh sớm, càng bớt xương máu. Trên cho phép 3 đại đội của tiểu đoàn 7 mật tập, công kiên vào Chư tan Kra. Anh Đồng nói: nguyên tắc công kiên – tấn công trận địa kiên cố - là lực lượng phải từ 3 đến 5, thậm chí là 10 đánh 1. Vậy mà lính mũ sắt Hà Nội xin đánh một tiểu đoàn Mỹ trong lô cốt, chiến hào, công sự. Dám “chơi” như thế cơ mà! Có lẽ sau Tết Mậu Thân, truyền thông Mỹ thổi phồng việc Việt Cộng đã kiệt quệ trên mọi chiến trường, nên cũng không ngờ có thể bị đánh một trận vỗ mặt như vậy.

6. Đó là đêm 25/3/1968. Các đơn vị của tiểu đoàn 7 im lìm nằm phục trên các triền đồi của đỉnh Chư tan Kra, hướng lên phía cứ điểm Mỹ trên cao. Trong tay là súng, trước ngực là cơ số đạn cá nhân, thắt lưng là lựu đạn, buộc chéo trên vai là chiếc võng dù bất ly thân, chiếc “áo quan di động” sẽ được quấn quanh người nếu chẳng may chủ nhân nằm xuống. Thời gian như dài cả trăm năm. Cỏ Chư tan Kra mọc trên đất đỏ thật sắc, nhưng đọt cỏ vẫn ngọt và mềm. Chỉ có tiếng súng bắn cầm canh hú họa từ lô cốt, và vài quả đạn pháo từ hướng sân bay Kleng vu vơ bay tới. Khoảng 2h sáng ngày 26/3/1968, một phát pháo hiệu của chỉ huy trận đánh bay vụt lên bầu trời đêm, ngay sau đó vang lên tiếng kèn xung phong, đúng như bài tập. Lập tức tiếng mìn DH10 dựng chếch để thổi tung hàng rào dây thép gai thi nhau nổ. Cửa mở. Đồng loạt những tiếng thét xung phong vang lên bốn phía. Tiếng cối 60, cối 82 thi nhau rót vào cao điểm, tiểu liên AK nổ đanh gọn từng loạt ngắn, tiếng đại liên bắn lên như xé vải, tiếng lựu đạn, rồi tiếng thủ pháo chuyên dùng để diệt hầm ngầm thi nhau nổ. B41 bắt trượt lô cốt phụt thẳng lên trời, súng phun lửa tạo nên các quầng sáng chói mắt, chạy loằng ngoằng trong công sự. Xung phong, lớp nọ đến lớp kia.

Đường rừng


Tiểu đoàn Mỹ trên Chư tan Kra hỗn loạn. Tiếng hét, tiếng tiểu liên cực nhanh AR15, tiếng các ụ đại liên khai hỏa. Pháo dù bắn tứ tung bốn phía sáng như ban ngày, mìn định hướng Claymore thổi ngược xuống chân núi. Chỉ ít phút sau pháo bầy ùa tới dập xuống khắp bốn phía chân cao điểm, rồi máy bay tiêm kích Mỹ lao tới cắt bom. Một chiếc máy bay vận tải C130 chở súng máy có tốc độ bắn 6.000 phát/phút được điều tới, điên cuồng vãi đạn xuống xung quanh Chư tan Kra theo hình xoáy trôn ốc, càng lúc càng thu dần lên đỉnh. Ai đó ở tiểu đoàn đã chĩa thẳng đại liên lên trời bắn C130 mà không biết rằng không bắn tới.

Ròng rã tới khi trời hửng sáng, cả tiểu đoàn Mỹ giờ chỉ còn co cụm lại duy nhất trong chiếc lô cốt mẹ trên đỉnh Chư tan Kra. Trực thăng Mỹ bắt đầu ùa tới đổ thêm quân, tái chiếm cao điểm. Pháo bầy vẫn không ngừng bắn, thêm cả bom B52 rải rung chuyển các hẻm núi xung quanh.

Buổi sáng ngày 26/3 năm ấy, mấy người lính anh nuôi bầy cơm nắm ra la liệt mà chẳng thấy mấy người về ăn, hu hu khóc: “Chúng mày ơi, đi đâu hết cả rồi?” 70% lính mũ sắt Hà Nội tham gia trận đánh đầu đời đã không trở về nơi dấu quân, một số người đã chết trong bệnh xá tiền phương, còn tuyệt đại đa số họ, hơn 200 người đã nằm lại đỉnh Chư tan Kra trước lúc bình minh lên.

Một sỹ quan của huyện đội Sa Thầy, Kon Tum khẳng định, Chư tan Kra ở đây chứ không thể ở huyện nào khác cả. Bản đồ quân sự tuyệt mật được mở ra để cùng nhau xác định lại cao điểm mà, Mỹ đã từng đổ quân chặn hướng tấn công. Hóa ra Chư tan Kra hùng vĩ dài tới gần chục km, và có tới 7 đỉnh núi lớn. Chiến trường xưa ở chỗ nào? Huyện cắt cử hai trung úy và hai binh nhất vừa để dẫn đường vừa mang vác hộ đồ đạc tới bất cứ nơi nào mà các anh muốn tới. Dốc ngược. 5 người thương binh dè sẻn từng bước một. Nắng gắt, xói đỏ những phần da thịt để trần. Ngày 25/3/2009, chúng tôi chia nhau thành hai hướng, lang thang trên triền Chư tan Kra, đi qua hết cơn mồ hôi này đến cơn mồ hôi khác. Các ký ức được lục soát, mọi giác quan được đánh thức. Hồi ấy tớ chuyên lấy góc phương vị cho cối 82 từ dưới chân ngắm lên đỉnh, sau trận này tớ còn đi vòng quanh nã hơn trăm phát vào cứ điểm trả thù, tớ nhớ thế này; tớ đi điều nghiên trinh sát tớ nhớ thế này; hôm ấy tớ là liên lạc cho thủ trưởng đại đội, tớ nhớ thế này… Có phải đây không, giữa vùng đất bạt ngàn cổ thụ ngày nào giờ chỉ còn là một thung lũng hoang tàn đất đỏ. Chỉ còn 24h nữa thôi, phải tìm cho được, ngày mai đã là cái giỗ đầu tiên sau 41 năm hiu quạnh của “tụi nó” rồi.

Trên một con dốc, tôi quay lại thấy anh Ngọc đứng thở dốc và lẩm bẩm với một con châu chấu voi đang giã gạo trên tay: Châu chấu voi ơi, mày có biết đồng đội tao nằm ở nơi nào không? Sóng di động chập chờn. Anh Đồng gọi: hẻm bên này dân sơn tràng bảo từng nhặt được hàng trăm mũ sắt, chắc chắn là nơi bọn mình đã ém quân. Cuối chiều, anh Vĩnh gọi về từ một mỏm núi: tớ tìm thấy công sự của Mỹ rồi.

(Còn nữa)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm