30 năm Thể thao & Văn hóa: Nhớ một thời

01/08/2012 14:25 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH Cuối tuần) - Sau đợt tin nhanh ESPANA ‘82, vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới thu hút đông đảo bạn đọc từ Bắc đến Nam, Bộ Biên tập TTXVN thấy nên cho ra đời một tờ báo, tờ Văn hóa thể thao quốc tế.

Kết thúc thắng lợi những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cả nước náo nức đi vào thời kỳ xây dựng kinh tế và dần dần hội nhập với thế giới, yêu cầu mở mang đời sống tinh thần, đời sống văn hóa thể thao của nhân dân ngày một tăng. TT&VH ra đời vừa hợp thời vừa đúng lúc này được đông đảo quần chúng hoan nghênh. Ngày ấy chúng tôi còn nói đùa với nhau, đây là báo chui vì đã có giấy phép chính thức đâu. Mãi đến hơn một năm sau, đầu năm 1984, tờ báo mới chính thức có giấy khai sinh, nhưng lại mang tên mới: Thể thao & Văn hóa. Tuy không được giải thích vì sao lại phải đổi tên, chúng tôi tự hiểu là bây giờ phải coi trọng cả đời sống thể thao văn hóa ở trong nước và thế giới và văn hóa có khá nhiều vấn đề nhạy cảm dễ dẫn tới sai lầm về quan điểm, đường lối thì để sau chứ sao!

Chúng tôi, bộ ba Hữu Vinh, Hà Vinh và Đỗ Chuyên được giao làm nhiệm vụ tòa soạn TT&VH. Hữu Vinh, Hà Vinh “trấn” ở miền Bắc và Đỗ Chuyên lo bài vở ở miền Nam. Mấy năm đầu gặp khó khăn về in ấn ở Hà Nội, TT&VH phải in ở TP.HCM và hàng tuần gửi ra miền Bắc bằng đường hàng không. Thế là cứ vào chiều thứ Bảy, hàng trăm người tụ tập đông kín trước trụ sở TTXVN số 5 Lý Thường Kiệt đợi những tờ báo TT&VH từ nhà in Sài Gòn gửi thẳng ra Hà Nội còn thơm mùi mực.

Tuy mỗi số báo chỉ có 16 trang, nhưng số tin bài từ Hà Nội gửi vào thường phải dôi ra vì sợ có những thay đổi vào giờ chót. Để làm những bài báo hay hấp dẫn cần phải có nguồn tin, tài liệu phong phú, lại phải có những biên tập viên giỏi và yêu nghề.

Ngày ấy chưa có internet, có được một tờ báo nước ngoài chuyên về nghệ thuật, thể thao không phải là dễ. Chúng tôi đã phải tận dụng từng mẩu tin nhỏ qua nguồn tin telex của các hãng thông tấn AP, UPI (Mỹ), Reuters (Anh), AFP (Pháp)... Lại còn phải cậy nhờ người vào Thư viện Quốc gia mượn báo nước ngoài. Nhờ đó mà có loạt bài về nghệ thuật hội họa rất có giá trị của Veronique Prat đăng trên Figaro Magazine.

Và trước hết không thể không kể đến những cộng tác viên tin cậy, rất nhiệt tình cộng tác. Ngày ấy, TT&VH phải dựa vào những tay viết sắc sảo khắp từ Bắc tới Nam. Ở TP.HCM, TT&VH kéo được tay viết đáo để là Lê Hoàng (Lê Thị Liên Hoan) và nhà văn trẻ Phan Thị Vàng Anh (Thảo Hảo)… Ở Hà Nội, TT&VH có sự hợp tác tích cực của hai nhà nghiên cứu phê bình văn học Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, nhà thơ Anh Ngọc, nhà thơ - dịch giả Dương Tường, nhà báo - viết - văn Trần Chiến… Mảng nghệ thuật hội họa, TT&VH có bàn tay tài hoa của họa sĩ Nguyễn Quân... TT&VH còn có những cộng tác viên thân thiết gần gũi như người nhà, bền bỉ cộng tác với báo hàng chục năm nay như các anh Phan Cẩm Thượng, Lý Trực Dũng, Vũ Đình Bình... Từ Đức trở về, kiến trúc sư Lý Trực Dũng đã góp phần làm cho bộ mặt của TT&VH sinh động hấp dẫn hơn nhờ mảng tranh biếm họa. Anh còn là người có ý tưởng hay về các cuộc thi vẽ biếm họa trên TT&VH. Suốt từ ngày ra đời đến nay, TT&VH có một chuyên mục trụ vững là Nụ cười bốn phương do anh Vũ Đình Bình đảm nhiệm dưới bút danh Anh Vũ.

Bao năm tháng đã qua, sau thế hệ những Hữu Vinh, Hà Vinh, Đỗ Chuyên, Bùi Ngọc Hải... về hưu đã có sự tiếp nối sắc sảo của Ngô Hà Thái và nay là đương kim Tổng biên tập Trương Lê Kim Hoa. Ngày Kim Hoa mới về TT&VH còn chưa lấy chồng, nay con gái nàng đã học cấp 3. Thời gian như có cánh!

Hữu Vinh (nhà báo, nguyên TBT báo TT&VH từ năm 1990-1998)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm