NSND Trần Hiếu: Đừng nói tôi già

30/06/2011 10:57 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Sau bài báo Vĩnh biệt NSND Quý Dương - Tan nát cõi lòng “Tam ca 3C” số ra hôm qua, 29/6, TT&VH nhận được khá nhiều phản hồi của độc giả bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn với NSND Quý Dương và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình. Không ít độc giả còn muốn biết cuộc sống hiện thời của các thành viên còn lại trong nhóm ca này: NSND Trần Hiếu và NSND Trung Kiên.

Để đáp ứng yêu cầu của độc giả, TT&VH tiếp tục giới thiệu bài viết về NSND Trần Hiếu - một trong những cánh chim đầu đàn của âm nhạc cách mạng VN.

1. NSND Trần Hiếu ra Hà Nội dịp này để đưa tang người anh ruột liền kề hưởng thọ 78 tuổi ở phố Lê Duẩn. Buổi chiều chuẩn bị tiễn anh về thế giới bên kia thì nghe tin người bạn thân và người đồng nghiệp gắn bó lâu dài nhất vừa ra đi. Nhúc nhắc bước với đôi chân bị gút đau ê ẩm, ông đến Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng viếng bạn, dù đến ngày 1/7 tới mới làm lễ tang chính thức. “Quý Dương như nằm ngủ, còn mặc nguyên quần áo bệnh viện. Cảm giác Quý Dương vẫn như những lần trước chúng tôi gặp nhau mỗi khi tôi ra Hà Nội”, ông nói trong buồn bã.


Chìm trong cảm xúc, ông thủ thỉ: “Quý Dương tài năng gần như bẩm sinh. Chính tôi học tập Quý Dương nhiều về cách thể hiện ca khúc trữ tình nhưng tôi chả bao giờ ghen tỵ vì Quý Dương hát hơn mình. Sau này, khi tôi hát giỏi ca khúc vui nhộn thì Quý Dương cũng có học tôi, nhưng Quý Dương cười bảo, “Tao cũng làm Con voi (ca khúc gắn với tên tuổi của Trần Hiếu - TT&VH), nhưng không bằng mày nên không hát (nhạc vui) nữa”... Hai ông thân thiết với nhau và hiểu nhau đến mức, sau này gặp nhau thường hỏi thăm nhau bằng cách... chửi bậy nhau cho vui. Mà nghe ông kể những lời “hỏi thăm” ấy thấy vui thật, nghệ sĩ mà. Nhưng phải thân nhau đến mức nào mới có thể suồng sã với nhau đến ngần ấy...

Trần Hiếu gật gù tâm đắc rằng, ông và NSND Quý Dương đều là những nghệ sĩ đúng chất sĩ tử Hà Nội, sống khẳng khái, giàu lòng tự trọng và không chạy theo thời cuộc. Làm theo tấm lòng của mình và hát theo trái tim mình. Việc gì đúng và thích thì làm, chưa thấy thích và thấy chưa đúng thì không làm. Nếu ai bắt làm cũng nhất quyết nói “không”...

2. Nếu như sau kháng chiến chống Mỹ, NSND Quý Dương gần như ngày càng rời xa các sân khấu biểu diễn thì tuổi thọ về nghề của NSND Trần Hiếu vẻ như dài rộng hơn. Từ những năm tháng chiến tranh, Trần Hiếu được coi như người mở đầu cho các ca khúc vui nhộn, hào hùng. Ông ngày càng khẳng định thế mạnh về các ca khúc mang âm hưởng anh hùng ca: Bài ca chiến thắng, Đàn bò của tôi, Lê Anh Nuôi, Anh quân bưu vui tính... Trong đó, Con voi trở thành bài hát khiến ông được nhiều thế hệ yêu thích, đến mức có dịp mở đài truyền hình, thấy mấy kênh sóng đều phát chương trình có Trần Hiếu với ca khúc này. Người em nhạc sĩ Trần Tiến hiểu và chiều ông anh của mình nên sáng tác khá nhiều bài hợp với “chất” của ông: Hà Nội cái gì cũng rẻ, Việt Nam... Ông nói, hát những bài này thuộc về tâm sự của lòng mình và tâm trạng của những người cùng thời, cùng tuổi mình, nên hát thấy thích lắm. Khán giả nghe đến đâu vỗ tay đến đấy. Còn bạn bè gọi vui ông là “gã hề của sân khấu ca nhạc”.

Nhìn lại sự nghiệp, ông nói hồi mới ra trường ông có vẻ chìm nhưng sau này cứ ngày một tiến dần lên. Đến giờ, 76 tuổi vẫn nhận sô đều đều, tháng nào cũng có sô, ít thì vài ba sô mà nhiều có khi đến chục sô. Hết hát ở các hội nghị, liên hoan... rồi hát trong những chương trình có nhiều khán giả lớn tuổi. Ông tự hào và tự tin có những khán giả trung thành vẫn thích nghe ông hát, không chỉ vì bài hát gắn với kỷ niệm của họ một thời mà vì trái tim người hát vẫn tràn trề và vẹn nguyên cảm xúc của ngày ấy và hồn người năm ấy... Cảm xúc mạnh đến nỗi, có lần cách đây khá lâu, trước giờ hát nghe báo tin nhà riêng bị cháy nhưng ông vẫn lên sân khấu. Hát hay hơn và còn hát sung hơn lúc bình thường. Để lúc về nhà thấy vợ con đã chạy ra ngoài, khói lửa còn nghi ngút...

Thu nhập đi hát khá hơn so với công việc chiếm phần nhiều thời gian của ông là dạy học. Ngoài giờ giảng ở Nhạc viện TP.HCM, mỗi sáng Chủ nhật, ông lên xe ô tô đón đến giảng tại Đại học Dân lập Bình Dương, rồi các ngày trong tuần kèm luyện thanh cho học trò ở nhà... Mệt hơn so với đi hát, thù lao thấp hơn, “hát một phát được mấy triệu đồng còn dạy chỉ được một vài trăm/giờ”, nhưng ông thích đi dạy có khi còn hơn đi hát. Ông cho đó là cái nghiệp đã gắn bó suốt nhiều năm nay, là nghề đào tạo con người nên thấy vinh dự và trách nhiệm khi được truyền nghề cho những người trẻ...

3. “Quý Dương chỉ có hai vợ thôi, tôi lấy ba vợ cơ, nhưng ông ấy nhiều người yêu lắm, nhiều hơn tôi”, Trần Hiếu làm phép so sánh vui. Ông nói rằng, ông có ba bà vợ nhưng là người đàn ông chung thủy và hết lòng với vợ. Cả ba người đàn bà sống với ông đều không thể phủ nhận ông là người hết sức sôi nổi và chân thành trong tình yêu, dù rằng trong ứng xử đời thường, nhiều lúc ông còn vụng về. Mà mỗi lần vụng về khác nhau, chẳng cái lỗi nào giống lỗi nào.

Có lần ông ở nhà suốt buổi sáng với vợ nhưng chả nói lời nào. Thế là bị vợ trách. Ông bảo những lần ông nhịn nói lại nảy sinh trong tâm trí nhiều ý tưởng mới lạ và thú vị về cuộc sống và âm nhạc. “Nếu mình nói nhiều thì chắc không thể phát hiện được những ý tưởng hay đến thế”. Hồi học ở Bulgaria, có lần ông thử nhịn nói cả tuần mà vẫn chịu được. Dĩ nhiên, hồi ấy ông sống một mình, với lại nhịn nói chứ chưa bao giờ ông nhịn hát. Chính vì những lần nhịn nói mà ông đúc rút được những điều tâm đắc trong hơn 100 trang đánh máy tạm đặt tên Sức mạnh của ngôn ngữ Việt Nam trong tiếng hát.

Ông bảo, ông bắt tay vào nghiên cứu những vấn đề liên quan đến âm nhạc từ nhiều năm nay. Ông là diễn giả của không ít buổi nói chuyện ở các trường đại học, các viện nghiên cứu... xung quanh những vấn đề được đúc rút từ kinh nghiệm làm nghề của chính bản thân. Có lần GS Trần Văn Khê xem những trang viết của ông, bảo đề tài có thể bảo vệ thành luận án tiến sĩ âm nhạc ở Pháp đấy. Ông chẳng ngại vốn tiếng Pháp được học từ nhỏ, nhưng biết chắc chẳng đủ tiền để sang Pháp theo đuổi con đường học vị như ông Khê gợi ý...

Tôi biết Trần Hiếu còn tỉnh táo và minh mẫn lắm, dù ông đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Tôi hiểu vì có một người phụ nữ thấy ông còn trẻ khi ông cất lời bài hát Đừng nói tôi già, bởi trong đó có câu: Chỉ một mình em biết/Anh trẻ mãi mà thôi. “Người đó là vợ của chú bây giờ đấy”, ông cười rổn rang.

Hải Đông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm