Hòa nhạc Toyota Classics 2012: Chuyến du ngoạn âm nhạc

23/10/2012 14:02 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Diễn ra một đêm duy nhất lúc 20h ngày 4/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đêm Hòa nhạc Toyota Classics 2012 sẽ đưa khán giả vào chuyến du ngoạn vòng quanh thế giới bằng âm nhạc với các nghệ sĩ danh tiếng của Dàn nhạc Thính phòng Viên (Áo), nghệ sĩ guitar Soichi Muraji, nhạc trưởng Joji Hattori (Nhật Bản) và violinist Lê Hoài Nam.



Nghệ sĩ Lê Hoài Namvà nhạc trưởng Joji Hattori

Đây là năm thứ 15, đêm nhạc cổ điển Toyota do Công ty ô tô Toyota châu Á Thái Bình Dương cùng Công ty ô tô Toyota Việt Nam tổ chức tại Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Cục NTBD - Bộ VH,TT&DL.

1. Từ 2011 cho đến nay, Toyota Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, sản xuất đã giảm 1/4 so với dự kiến, tuy nhiên bà Đặng Phan Thu Hương - Phó TGĐ Công ty Toyota Việt Nam khẳng định, Toyota không cắt giảm những cam kết đối với các tổ chức văn hóa trong bất cứ hoàn cảnh nào. “Với những sự kiện văn hóa như chương trình Hòa nhạc Toyota Classics, chúng tôi luôn mong muốn có thể thúc đẩy, tăng cường giao lưu hội nhập cho nền âm nhạc cổ điển Việt Nam với thế giới. Qua mỗi chương trình, các nghệ sĩ của Việt Nam được nâng cấp về chuyên môn còn tính phổ cập âm nhạc thì được mở rộng đến công chúng. Vì thế, chương trình sẽ luôn đảm bảo tính bền vững để phát triển âm nhạc cổ điển tại Việt Nam” - bà Hương cho biết thêm.

Đem đến một dàn nhạc thính phòng thuộc hàng đẳng cấp của châu Âu là Dàn nhạc Thính phòng Viên (Áo) với 36 thành viên cùng nghệ sĩ guitar Soichi Muraji, nhạc trưởng Joji Hattori (Nhật Bản) và violinist Lê Hoài Nam nhưng chương trình Hòa nhạc Toyota Classics 2012 lại lựa chọn những tác phẩm ngắn nhưng tinh tế, đặc sắc và chứa đựng nét tinh hoa âm nhạc trong mỗi tác phẩm để tiếp cận khán giả một cách gần gũi nhất.

Các nghệ sĩ của Hòa nhạc Toyota Classics 2012 hứa hẹn sẽ đưa khán giả bước vào một chuyến du lịch qua nhiều quốc gia bằng ngôn ngữ âm nhạc đến từ rất nhiều nơi trên thế giới: Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Mỹ Latin qua các tác phẩm của Beethoven, A.Vivaldi, P.I.Tchaikovsky, Camille Saint-Saens, J.Strauss II, Joaquin Rodrigo, Ástor Piazzolla, R.Rodgers. 

2. Là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất tham gia chương trình cùng cây đàn Raffaele ed Antonio Gagliano 1846, nghệ sĩ violin Lê Hoài Nam cho biết, anh rất vinh dự có mặt trong sự kiện này cùng các nghệ sĩ danh tiếng của thế giới là Dàn nhạc Thính phòng Áo, nhạc trưởng kiêm nghệ sĩ violin tài ba Joji Hattori (Nhật Bản). 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, ngay từ nhỏ Lê Hoài Nam đã sống trong âm nhạc qua âm thanh của rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Rồi anh cảm thụ và đến với âm nhạc rất tự nhiên theo sự chỉ dạy của cha - người thầy đầu tiên của anh, violinist Lê Hữu Nguyên (nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam) từ khi 5 tuổi. 7 tuổi chính thức theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ Võ Văn Hà. Sau 15 năm khổ luyện, anh lại tiếp tục theo học tại Hong Kong từ năm 2000 cho đến 2006, anh bắt đầu biểu diễn và trở thành thành viên của Hong Kong Sinfonetta, đồng thời là giảng viên của Học viện Biểu diễn nghệ thuật Hong Kong chuyên ngành violin và hòa tấu thính phòng. 

Mặc dù mỗi năm, Lê Hoài Nam có hơn 100 buổi biểu diễn cùng Hong Kong Sinfonetta, tham gia các chương trình hòa nhạc quốc tế từ Mỹ, Canada, Pháp, Italia nhưng anh còn hoạt động tích cực cả trong nhóm tứ tấu dây RTHK qua các hoạt động thu âm, biểu diễn cho Đài Phát thanh Truyền hình Hong Kong.

Nếu nhìn thời gian biểu của Lê Hoài Nam trong một ngày: sáng tập đàn, chiều lên lớp giảng dạy và tối lại rèn luyện chuyên môn tưởng chừng như “tẻ nhạt” nhưng cuộc sống của một nghệ sĩ thực sự đúng là như vậy. Tất cả thời gian là để luyện tập, biểu diễn, giảng dạy và luyện tập. Lê Hoài Nam nói rằng, thi thoảng, anh cũng có những khoảng nghỉ ngắn để thư giãn, nhưng thực sự ngay cả những lúc đó, anh vẫn không quên việc luyện tập của mình. “Tất nhiên, không ai có thể cứ làm việc suốt mà không có nghỉ ngơi, nhưng sự cân bằng cuộc sống của người nghệ sĩ, nó không thể diễn ra theo cách ổn định như người làm ở công sở, văn phòng được. Có lúc, tôi cũng dành thời gian để đọc sách” - Lê Hoài Nam chia sẻ. 

Cũng như nhiều nghệ sĩ sống và làm việc tại nước ngoài nhưng luôn mong muốn được đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà bằng sự trở về trong những buổi biểu diễn, Lê Hoài Nam luôn muốn được đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội và mỗi lần như vậy, “tôi luôn cảm thấy mình như đứa trẻ được trở về nơi mình sinh ra, điều thiêng liêng đó luôn khiến tôi xúc động” - nghệ sĩ bộc bạch. 

Sau điểm đến đầu tiên tại Hà Nội (4/11), “chuyến du lịch” của Toyota Classics 2012 sẽ đến Seoul (Hàn Quốc, 6/11), Kualalumpur (Malaysia, 8/11), Bandar Seribegawan (Brunei, 10/11) và dừng chân tại Manila, (Philippines, 13/11).

Lam Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm