Xung quanh ca khúc 'Ngây thơ': Tạ Quang Thắng có thể khởi kiện?

25/07/2012 10:22 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Chỉ còn ba đêm thi nữa Sao Mai – Điểm hẹn năm nay sẽ khép lại, song những “sự cố” vẫn chưa ngừng xảy ra với chương trình này, mà mới nhất là việc Tạ Quang Thắng không đồng ý cho ca sĩ Đông Hùng trình diễn ca khúc Ngây thơ trong live show tuần 7 vừa qua. Theo luật, điều này có đúng?

Sau khi Đông Hùng trình diễn ca khúc Ngây thơ (tác giả Tạ Quang Thắng) trong live show 7 SM-ĐH, trên facebook Tạ Quang Thắng đã chia sẻ: “Ban tổ chức của 1 chương trình lớn như thế hát bài hát của mình mà không có một lời xin phép. Mình tình cờ đọc được trên báo là sẽ có người hát bài của mình. Mình gọi điện cho ban tổ chức nói là mình đang có dự án âm nhạc riêng cho ca khúc đó, đầu tư rất nhiều tiền bạc, công sức, sắp tung ra và không muốn cho người khác sử dụng ca khúc của mình…”.

Với những quy định về quyền tác giả hiện nay điều đó đúng hay sai?


Ca sĩ Đông Hùng đã lên tiếng xin lỗi Tạ Quang Thắng.

* Ngây thơ không phải ca khúc độc quyền

Lật giở lại “lịch sử” của ca khúc Ngây thơ, ít nhất là đã 2 lần ca khúc này được công bố rộng rãi. Lần đầu tiên, ca khúc được chính tác giả trình diễn trên VTV1 trong chương trình “Cận cảnh: nhạc sĩ, ca sĩ trẻ Tạ Quang Thắng” phát sóng lúc 14h15 ngày 24/5/2012 và sau đó được phát lại lúc 2h10 ngày 26/5/2012 cũng trên VTV1. Nó cũng nằm trong album Country rock của Tạ Quang Thắng (Phương Nam Phim đã phát hành), trong đó không ghi là ca khúc độc quyền.

Trước sự cố nhạc sĩ Tạ Quang Thắng "tố" Đông Hùng sử dụng ca khúc Ngây thơ của anh mà không được sự cho phép, Trưởng BTC chương trình SM-ĐH - NSƯT Huyền Thanh khẳng định: "Mọi tác phẩm âm nhạc được sử dụng trên sóng truyền hình từ trước tới nay đều được trả tiền tác quyền. Tôi nghĩ ở đây là vấn đề xin phép biểu diễn. Nhưng bây giờ, chẳng lẽ mỗi khi hát bài nào lại phải đi hỏi, đi xin phép tác giả? Tiền lệ từ trước đến nay là những ca khúc đã được phát hành, những bài đã được phép lưu hành biểu diễn thì luôn được xem như ca khúc đó đã được phép phổ biến của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, trừ những bài độc quyền”.

Bà Thanh cũng cho biết, ở SM-ĐH có những thí sinh sử dụng ca khúc theo tiền lệ đó, song cũng có những thí sinh tự liên hệ với tác giả để xin phép hát nhưng cũng chỉ được phép hát tại SM-ĐH mà thôi. Còn với BTC, nếu nhận thấy ca khúc đăng kí dự thi của thí sinh không phù hợp với chương trình thì kể cả những bài đã được phát hành do thí sinh lựa chọn cũng vẫn không được sử dụng.

Trong trường hợp này, BTC cũng thừa nhận sơ suất vì không biết đây là ca khúc đang nằm trong dự án của Tạ Quang Thắng. “Chính vì vậy, rút kinh nghiệm cho những chương trình sau, BTC chúng tôi sẽ yêu cầu các thí sinh phải chủ động liên hệ với tác giả trước khi đăng kí bài thi, nhất là xin phép hát những ca khúc độc quyền và mỗi thí sinh sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này” – NSƯT Huyền Thanh nói thêm.

* Nhưng Tạ Quang Thắng vẫn có thể khởi kiện?

Theo phân tích của một số luật sư về lĩnh vực bản quyền, Điều 26 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định các đài truyền hình với đặc thù công việc của mình, có quyền sử dụng tác phẩm đã được công bố mà không phải xin phép (vẫn phải trả tiền) nhưng không được làm ảnh hưởng tới quyền khai thác bình thường của tác phẩm.

Theo điều này, BTC chương trình SM – ĐH có quyền sử dụng tác phẩm của Tạ Quang Thắng mà không cần xin phép. Tuy nhiên, nếu Tạ Quang Thắng cho rằng việc sử dụng này gây ảnh hưởng tới việc khai thác tác phẩm của mình thì anh có quyền khiếu kiện về việc làm của chương trình.

Để có cơ sở pháp lý cho khiếu kiện này, Tạ Quang Thắng phải cung cấp tư liệu rõ về việc mình đã có kế hoạch khai thác ca khúc Ngây thơ trong tương lai như thế nào, đã đầu tư kinh phí là bao nhiêu, dự án tương lai ấy sẽ đem lại nguồn lợi như thế nào... Trong trường hợp đưa ra được con số thiệt hại, Thắng có quyền yêu cầu BTC chương trình đưa ra một mức đền bù hợp lý theo thỏa thuận dân sự.

Thông thường, trong những trường hợp tương tự, các nhạc sĩ thường sử dụng con số thiệt hại để đề nghị đài truyền hình điều chỉnh và trả mức phí bản quyền hợp lý cho việc khai thác trên sóng.

Ngoài ra, do tính chất đặc thù của SM- ĐH là chương trình “giao thoa” giữa việc phát sóng với việc tổ chức biểu diễn trực tiếp, Thắng cũng có thể đòi 2 quyền sở hữu tác phẩm của mình với ca khúc Ngây thơ: Đối với việc Ngây thơ được phát sóng và đối với việc Ngây thơ được khai thác để biểu diễn trực tiếp trên sân khấu. Nếu theo cách nhìn này thì việc BTC chương trình SM-ĐH không xin phép khi sử dụng Ngây thơ để biểu diễn là sai. Thực tế, dù được phát sóng trực tiếp trên sóng truyền hình, nhiều đơn vị đứng ra tổ chức các đêm biểu diễn ca nhạc vẫn phải liên hệ để trả thù lao cho nhạc sĩ theo một hợp đồng riêng.

Thanh Tâm – không "quá lập dị"?

Thanh Tâm bị cho là “quái” chứ không phải là “lập dị”?

Thể lệ của SM-ĐH 2012 ghi rõ: Trong khi tham dự chương trình, bạn không được mặc đồ hở hang… Bạn không được có hình xăm hoặc xỏ lỗ khuyên trên mặt hoặc cánh tay, không nhuộm tóc nhiều màu hoặc để các kiểu tóc quá lập dị và phải tuân thủ yêu cầu của các chuyên viên làm tóc mà BTC đã ủy nhiệm…

Ở chương trình năm nay, Thanh Tâm cũng là một gương mặt gây chú ý ngay từ những đêm đầu tiên không chỉ bởi giọng hát đặc biệt mà lối trình diễn của anh cũng bị cho là "bản sao" của Tùng Dương. Riêng về trang phục, Thanh Tâm cũng có một phong cách "khác người" khiến cho khán giả có nhiều nhận xét trái chiều trước hình ảnh này. Thậm chí, Thanh Tâm còn tạo những kiểu tóc khá lập dị trên sân khấu.

Tuy nhiên, so với quy chế chung của SM-ĐH, theo quan điểm của NSƯT Huyền Thanh: "So với những thí sinh khác, trang phục của Thanh Tâm có thể gọi là dị biệt nhưng ngay cả ở ngoài đời, Thanh Tâm cũng đã thể hiện sự cá tính đặc biệt đó rồi. Nếu sự khác biệt của cậu ấy đến mức mặc váy ngắn lên sân khấu thì còn nói được, chứ đằng này, tôi thấy cậu ấy còn quá kín đáo là khác. Mà mặc như thế cũng không phạm vào quy chế, đặc biệt là không trái với thuần phong mỹ tục. Mỗi người một cá tính và họ có quyền thể hiện điều đó".

Ngọc Minh


Hải Long - Cúc Đường – Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm