Khi tư nhân dám “chơi” nhạc cổ điển

09/07/2012 07:05 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Từ mấy ngày nay, đường phố Hà Nội xuất hiện băng - rôn quảng cáo Chương trình Hòa nhạc Eternal Concert - Những giai điệu cổ điển vượt thời gian (sẽ diễn ra tại NH Lớn Hà Nội vào ngày 14 -15/7). Thật hiếm hoi khi quảng cáo hòa nhạc cổ điển ra phố, và cũng thật hiếm hoi khi các đơn vị tư nhân dám đứng ra làm hòa nhạc…

Thực tế, từ trước tới nay, hầu hết dàn nhạc giao hưởng lớn trên thế giới đến VN đều trong khuôn khổ các chương trình giao lưu văn hóa có tính chất ngoại giao, hoặc được nhà nước tham gia hỗ trợ. Thông tin về ba suất diễn của Dàn nhạc danh tiếng đến từ nước Đức Berliner Symphoniker tại Hà Nội do công ty tư nhân đứng ra tổ chức hẳn khiến không ít người ngạc nhiên. 



Dàn nhạc Berliner Symphoniker chọn Vịnh Hạ Long để tham quan trước khi bắt đầu tập luyện

Liều vì… danh dự!

Ê - kíp thực hiện Những giai điệu cổ điển vượt thời gian không hề xa lạ. Tổng đạo diễn - Việt Tú đồng hành với những người bạn của anh: Giám đốc âm nhạc Bùi Công Duy và Giám đốc sản xuất Anh Tuấn. Những “cuộc chơi” âm nhạc mà đạo diễn Việt Tú hay nhà sản xuất Anh Tuấn từng tham dự chắc chưa thể khiến khán giả quên, chẳng hạn như: Không gian âm nhạc hay chuyến lưu diễn của Westlife tại VN…

Trả lời câu hỏi của TT&VH, chuyến lưu diễn của Westlife (do nhà sản xuất Anh Tuấn tổ chức) không lãi, thậm chí còn lỗ khá nặng vậy thì vì sao anh vẫn quyết định tham gia sản xuất chương trình Những giai điệu cổ điển vượt thời gian, nhà sản xuất kiêm MC này chia sẻ chân thành rằng quả thật anh rất liều. “Việc lỗ là thật, tiền mất cũng là thật, nhưng danh dự của nghệ sĩ cao hơn. Tour diễn của Westlife tại VN không mang lại cho tôi lợi nhuận nhưng cống hiến cho khán giả những màn trình diễn thăng hoa cuối cùng của ban nhạc lừng danh này trước khi tan rã quả là một kỷ niệm đẹp” - Anh Tuấn nói.

Học Nhạc viện từ năm 4 tuổi, cùng “lò” với Việt Tú và Bùi Công Duy, Anh Tuấn vẫn mong muốn góp phần phổ cập âm nhạc cổ điển đến với khán giả đại chúng. Mất hai năm để chuẩn bị cho 3 buổi diễn, song may mắn hơn cả là họ đã tìm được các nhà hảo tâm tài trợ cho chương trình này. Theo chia sẻ của đạo diễn Việt Tú thì Không gian Âm nhạc cũng do một người bạn của anh đầu tư tiền để thực hiện. Chứ thực sự, nếu không có những nhà tài trợ, những “kẻ liều lĩnh” của showbiz này không thể tham dự những “cuộc chơi” như vậy.

Bán vé nghe Berliner Symphoniker không hề dễ

Thành lập năm 1967 tại Berlin, tên tuổi của Berliner Symphoniker đã nhanh chóng vượt ra khỏi biên giới nước Đức. Chương trình lưu diễn của Berliner Symphoniker luôn đặc kín. 2 năm trước, người Việt duy nhất thuộc biên chế dàn nhạc - nghệ sĩ violin Lê Ngọc Anh Kiệt, nghệ sĩ Bùi Công Duy và ông Lior Shambadal - chỉ huy trưởng dàn nhạc - đã vô cùng hào hứng với ý tưởng đưa Berliner Symphoniker tới Việt Nam.

“Chúng tôi đã lên kịch bản cho chương trình rất công phu. Nội dung biểu diễn sẽ là những tác phẩm kinh điển được ví như “quốc ca” của các loại nhạc cụ: piano, violon hay những điệu valse, những điệu polka của Áo, Đức vẫn thường được chơi trong các ngày lễ lớn ở những nước này. Và đặc biệt, chúng tôi đặt lên hàng đầu tiêu chí… dễ nghe nên chọn những tác phẩm giao hưởng có giai điệu đẹp, hóm hỉnh, vui tươi, lãng mạn như: bản Concerto giọng đô thứ viết cho piano (Sergei Rachmaninoff), điệu valse mang tên Hoa hồng phương Nam và điệu polka Sấm và chớp của Johann Strauss II, Vũ khúc Slavonic số 2 và số 8 của Antonin Dvorak…” - Bùi Công Duy chia sẻ.

Đưa một dàn nhạc khổng lồ với 67 nhạc công chưa kể hàng chục kỹ thuật viên và nhiều tấn nhạc cụ vận chuyển bằng đường hàng không quả là một công việc không hề đơn giản. Nhưng đó chưa hẳn là thách thức cuối cùng.

Tổng đạo diễn Việt Tú chia sẻ, ê- kíp đã gặp khó khăn khi thuyết phục các nhà tài trợ đồng ý với việc bán vé chương trình do họ chi tiền đầu tư. Tuy nhiên, thực tế thì việc bán được vé lại còn khó hơn cả việc thuyết phục này. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng thực tế khá buồn là việc lấp đầy 800 chỗ nghe nhạc hòa nhạc ở Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ khó gấp nhiều lần (nếu không nói là không tưởng) so với việc bán 3.000 vé xem Chế Linh hát ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Cho tới hôm qua, theo sơ đồ vé đăng tải trên website chính thức của Những giai điệu vượt thời gian, ước tính mới có khoảng 1/3 lượng vé được bán ra.

Những giai điệu cổ điển vượt thời gian diễn ra lúc 20h ngày 14/7, 15h và 20h ngày 15/7 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) với sự tham gia trình diễn của nghệ sĩ piano hàng đầu thế giới Kun Woo Paik. Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy cũng sẽ góp mặt trong phần biểu diễn của chương trình.


    Hà Chi
  

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm