Nhạc Việt một thời xa vắng: Ngày ấy, Hà Nội trong mắt ai...

05/06/2012 17:14 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Đã nhiều năm qua rồi…

Kể từ lúc Mỹ Linh,tóc dài, cầm cành bằng lăng tím, lướt qua  máy quay tại một góc Hồ Gươm, hát Hà Nội đêm trở gió. Những nữ sinh trong đoạn phim “áo học trò xanh những hàng me…”  thuở ấy, đã lớn lên đến gần hai thế hệ.

Cuộc sống quá va đập và bộn bề, làm cho chúng tôi không mấy khi được nhớ ,khoảng thời gian thực hiện những băng hình về Hà Nội, dù đã nhiều lần ngược xuôi, đi về Hà Nội…

Chúng tôi cũng quên mất ,đã có một thời, những bài hát về Hà Nội làm dậy sóng thị trường ca nhạc, vẽ nên một chân dung văn nghệ thật độc đáo, có thể nói là…độc nhất, hy hữu nhất, tráng lệ nhất, “cổ tích” nhất.

Bạn muốn hiểu vì sao?


Bạn có tin rằng tình yêu Hà Nội của người Sài Gòn đủ để làm nên những sản phẩm âm nhạc đậm sâu như vậy?

Ngày ấy, chúng tôi, những biên tập viên, đạo diễn, quay phim …xuất thân từ nhiều nguồn khác nhau nhưng gặp nhau ở Sài Gòn. Ký ức và kỉ niệm về Hà Nội của mọi người cũng đậm nhạt khác nhau. Đinh Anh Dũng  đã học mấy năm về điện ảnh tại Hà Nội. Cảm nhận về Hà Nội của nhà quay phim người miền Nam này là những khung hình thiên nhiên đẹp như mơ, là lãng đãng, là tĩnh lặng, là Văn Cao, là mái nhà phố Phái, là đám bạn hữu Hà Nội thỉnh thoảng hay í ới gọi ra làm phim...Hà Nội của Phạm Hoàng Nam là tuổi thơ với tàu điện và xe đạp, của chiều hồ Tây và phố  phường…Nam cũng vừa trở về sau mấy năm học điện ảnh ở Nga, rất háo hức và hăm hở… Còn với Hãng Phim Trẻ, nhà sản xuất đang ăn nên làm ra, nổi tiếng vì dám khai phá và mạo hiểm, Hà Nội là một ẩn số về khán giả và thị trường. Sau thành công của loạt video ca nhạc về các tác giả (1), sau Mưa Bụi(2), dẫn dắt mọi người với cảnh đẹp quê hương …, chúng tôi có ngay ý tưởng mới mẻ: làm video ca nhạc về các vùng miền, mà bàn nhau nên bắt đầu từ …Hà Nội. Vì Hà Nội là… thủ đô, Hà Nội…đẹp tự nhiên, Hà Nội có một kho bài hát tuyệt vời, (rất nhiều lí do hay ho cho những người nhiệt huyết, lãng mạn và mộng mơ thời đó), kể cả vì Hà Nội có nhiều người quen biết… v.v..


Lúc đó, chúng tôi hoàn toàn không hình dung nổi sức lan tỏa và thành công của những chương trình này.

Chúng tôi biên tập cũng…cảm tính lắm. Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp) làm bài hát mở đầu. Hồng Nhung đứng trong studio ở Sài Gòn, mà..tóc bay tơi bời ! Hồng Nhung đã làm cho bài hát u hoài một nỗi nhớ rất dễ chịu, đây cũng là một trong những ca khúc làm nên “thương hiệu” Hồng Nhung sau này. Sau đó chúng tôi bắt đầu “cuộc hành quân” đúng nghĩa, “đổ bộ” ra Hà Nộivới toàn lực của một đơn vị làm băng nhạc hăm hở, đúng chất “người Sài Gòn” : nói là làm, vừa làm vừa nghĩ cách để… làm tiếp. Bạn bè trong giới ở Hà Nộicứ băn khoăn về ý định của chúng tôi, bảo rằng : “Hàng chục năm nay,chưa có ai ở Hà Nội nghĩ đến điều này, thật lạ, làm băng nhạc về Hà Nội bán được không, Hà Nội cũ kỹ quá, có thể vì chúng tôi là ngườiHà Nội nên không thấy “ quý” Hà Nội chăng?...”

Chúng tôi đã lăn lóc, đã nếm trải,  cầu kì phác họa dần dần chân dung Hà Nội bằng sự giúp sức chí tình của những người bạn ấy. Cả đoàn phim kiên nhẫn, chực chờ để có thể chớp được ánh nắng cuối cùng ở Hồ Tây, giọt sương hiếm hoi trên cây lộc vừng Hồ Gươm, lênh đênh trên bờ bãi sông Hồng, thu vào ống kính cho bằng được tiếng còi tàu qua phố Phùng Hưng, lang thang trong từng ngõ ngách, leo lên tận cột thu lôi của Nhà hát lớn để lấy cảnh phố Tràng Tiền, trải nghiệm và nếm thử những món ăn Hà Nội, ngồi hàng giờ để quay ... một bông hoa loa kèn và bức mành thấp thoáng…- những câu chuyện nghề nghiệp và đam mê mà thời buổi bây giờ khó ai có thể làm được như vậy nữa! Trong cuộc  “trường chinh” gian khổ ấy, tôi còn nhớ hình ảnh của Trinh Hoan và Lâm Lê  Dũng, máy quay cầm tay chạy bộ băng băng từ Ba Đình về tận Hồ Hoàn Kiếm, để bám theo đoàn xe hoa diễu hành dịp Quốc khánh. Nhờ vậy sau này chúng ta còn giữ được những cảnh hóa trang lịch sử  rất hoành tráng của Hà Nội vào mùa thu năm 1995, có cả hoạt cảnh trả gươm cho rùa thần ở hồ Hoàn Kiếm…

Quay phim, đạo diễn Đinh Anh Dũng trong lần tác nghiệp thời Hà Nội trong mắt ai

Chúng tôi bắt đầu “vỡ bài”, khi tìm ra tầng tầng lớp lớp những bài hát về Hà Nội. Nhiều, phong phú hơn chúng tôi nghĩ. Mọi người bắt đầu thấy hiểu đươc một chút chiều sâu của Hà Nội, thấy việc mình đang làm đầy ý nghĩa, đáng để “dấn thân”quá.

Chúng tôi chọn những bài quen, đã được nghe nhiều nhưng chưa bao giờ ghi hình, những Em ơi, Hà  Nội phố, Hướng về Hà Nội, Hoa sữa... đậm đặc niềm vui và nỗi buồn Hà Nội, với những cảnh quay êm mượt, với những phố xưa nhà cổ, Văn Miếu và Ba Đình .v.v..( đến hôm nay thì thấy cũng thường, nhưng thời đó là cả những tuyệt phẩm và kì công). Ngồi xem lại, tôi tiếc những chi tiết chưa hoàn hảo, như sao lúc đó để Ánh Tuyết mặc chiếc áo dài rực rỡ quá, để những cận cảnh của Lê Dung chưa đủ lay động... Đặc biệt với Hoa sữa, sẵn dịp Thanh Lam (lúc ấy đang có mang), chúng tôi vẽ nên một câu chuyện tình yêu Hà Nội rất dung dị. Lam diễn rất” phiêu”, đẹp nhẹ nhàng, trắng trong, rất… hoa sữa.


Những bài hát mới (đối với chúng tôi) làm chúng tôi háo hức hơn cả. Có thể nói, chúng tôi đã nâng niu, chăm chút cho những Chị tôi, Hà Nội, mùa vắng những cơn mưa, Làng lúa làng hoa, Hà Nội đêm trở gió, Hà Nội và tôi,… bằng tất cả “tâm hồn nghệ sĩ” của mình. Lúc đó chúng tôi chưa nghĩ đến khái niệm “lăng xê” gì hết. Tôi còn nhớ Cẩm Vân nhận hát Hà Nội, mùa vắng những cơn mưa rất dè dặt, chúng tôi phải thuyết phục Vân, cam kết sẽ quay cho cô ấy đẹp… tuyệt vời. Thật vậy, Vân và những hình ảnh về Hà  Nội của một thời gian khó đã làm cho bài hát này bay bổng, lãng mạn đến… mê say. Bài hát trở thành “hit của hit” lẫy lừng ngay sau khi băng video vừa được phát hành.

Với Chị tôi chúng tôi có đôi “ngọc nữ” Hà thành. Mỹ Linh và Lê Khanh hóa thân thành những người đẹp của Tô Ngọc Vân, kiêu sa và quý phái, làm sáng rực cả chương trinh. Chị tôi cũng “hit” không kém, lại cùng lúc có bộ phim truyền hình Người Hà Nội  đã đẩy bài hát đến mức thăng hoa nhất.

Hà Nội đêm trở gió cũng vậy, bản hòa âm sang trọng đã trở thành nhạc hiệu của cả loạt chương trình. Còn nhớ, lúc ấy, một số thành viên người “Sài Gòn ngơ ngác” (trong đoàn phim) mới được hiểu thế nào khái niệm “trở gió”. Cứ thế, chúng tôi thấm dần, “đi” vào Hà Nội dần dần, khám phá dần dần… những sắc độ màu xanh trên mặt nước Hồ Gươm, những cung bậc âm thanh phố phường Hà Nội, những cách gọi, cách hiểu, cách nhìn…


Nhớ về Hà Nội (đạo diễn Đinh Anh Dũng), Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (đạo diễn Phạm Hoàng Nam), hai chương trình video ca nhạc chủ đề Hà Nội, là chân dung Hà Nội được làm bằng cảm xúc khó tìm lại của chúng tôi. Cảm ơn những người bạn Hà Nội, những c tên tuổi , những người lặng lẽ, đã giúp chúng tôi diễn tả Hà Nội kiêu hãnh, Hà Nội đảm đang, cùng chúng tôi tìm thấy Hà Nội, cả êm đềm và bão táp.

Đây là chương trình ca nhạc quy tụ nhiều ngôi sao nhất của thời ấy.Điều lạ lùng, là chưa có dự án nào được đồng lòng như vậy, chúng tôi làm việc đúng nghĩa mỗi người một tay, xắn tay áo vào làm. Nhiều người  hãnh diện vì được tham gia. Điểm lại, đã thấy vắng bóng khá nhiều , những bậc tiền bối đã đi xa : Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Trần Lê Văn, Ngọc Bảo,…  rồi chị Lê Dung, anh Trần Kiên, anh Bảo Phúc, … May mắn, hình ảnh và dấu vết của họ vẫn được lưu lại, công sức của họ là một nét son trong cuộc hành trình mở mang nhạc Việt.

Hãng Phim Trẻ và đối tác là nhà xuất bản Âm nhạc  (DIHAVINA) “bội thu”. Băng cassette, băng hình video được bán ra với số lượng choáng ngợp. Chúng tôi chứng kiến ngày ngày số thưcủa khán giả đổ về,các cửa hàng băng đĩa chỉ phát toàn  ca khúc Hà Nội, hiệu ứng lan tỏa ,trở thành hiện tượng “ca sĩ Hà Nội và bài hát Hà Nội”… lẫy lừng, làm nên nên sức sống cho một loạt bài hát về Hà Nội ( khoảng 1995-1998)… và dự báo gần đến thời điểm của Làn sóng xanh.

Đó là thời kì đáng yêu, đáng nhớ nhất, thịnh vượng nhất của ngành băng đĩa nhạc Việt Nam.Thừa thắng xông lên, chúng tôi bắt đầu phát hành sản phẩm ghi âm dưới dạng CD. Băng cassette và video dần lùi bước, thời kỳ huy hoàng của công nghiệp CD  và cũng là thời kì “huy hoàng” của đĩa chép, đĩa lậu,… bắt đầu.(3)

Chia sẻ

Tôi đã kể lại phần nào những câu chuyện thành công đẹp như mơ của nhạc Việt. Những chuyện có thật, được làm nên trong bối cảnh những cuộc khai phá, mở mang, mạo hiểm, tình yêu âm nhạc và sự đồng lòng của nhiều đội ngũ, kể cả đội ngũ kỹ thuật viên và dàn máy quay ngựa chiến M2 ,Panasonic đã cùng chúng tôi “ra trận”.

Sau “Hà Nội”, chúng tôi làm tiếp bộ video ca nhạc Nhớ Huế, cũng rất ăn khách và cũng… đẹp như mơ.

Trong Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, có một nghệ nhân làm tò he, những em bé Hà Nội, và văng vẳng… bài thơ Hà Nội của Trần Đăng Khoa:

Hà Nội có tàu điện
Đi về kêu leng keng…

Hà Nội có chong chóng
Cứ tự xoay trong nhà
Không cần trời nổi gió…
Và :
Hà Nội có bông hoa
Buộc từng chùm cẩn thận
Chú bộ đội mua hoa
Tươi cười ra mặt trận…

Chúng tôi đã yêu Hà Nội đến vậy. Nhưng sâu thẳm nhận ra, chúng tôi yêu Hà Nội chỉ vì… yêu Sài Gòn. Ngày ấy, hẹn nhau, sau “Hà Nội,” sẽ có một chương trình thật hay để Sài Gòn không thua kém.

----------------------

(1). Câu chuyện thứ hai “Ở đâu đó, có giấc mơ một đời người”
(2) Câu chuyện thứ ba:  “Con đường mưa bụi”
(3) Số lượng băng đĩa bán lúc đó lên đến cả trăm nghìn bản.

4 câu chuyện mới chỉ hé mở một phần nhỏ của quãng đường 15 năm đáng nhớ của nhạc Việt. Để “thay đổi không khí” cho mục Góc khuất, chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại với loạt bài mới về Nhạc Việt một thời xa vắng trong thời gian tới. TT&VH Cuối tuần

Thiên Thanh



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm