VJ có “sống dễ” ở Việt Nam?

25/05/2012 07:01 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Nghề VJ (video jockey) vẫn được hiểu nôm na là nghề giới thiệu các MV (music video) trên  truyền hình, còn khá xa lạ ở Việt Nam. Cũng bởi tần suất xuất hiện của các chương trình ca nhạc trên truyền hình đã ít và thường “giữa đường đứt gánh”. Gần đây, khi các kênh truyền hình âm nhạc xuất hiện, danh từ VJ mới bắt đầu lấp lánh trở lại và đã có hẳn một cuộc thi Tìm kiếm VJ được phát động ngay trong năm nay.



Thế hệ VJ đầu tiên của MTV, được xem là những VJ đến giờ vẫn khó có thể thay thế. Từ trái sang: JJ Jackson, Nina Blackwood, Mark Goodman, Martha Quinn và Alan Hunter

Gần như tất cả các báo viết về nghề nghiệp và các forum chuyên nghề VJ trên thế giới đều đánh giá rằng VJ là một nghề rất có tương lai và ổn định ngoại trừ một vài ý kiến cho rằng  đó chỉ là một nghề tay trái kiếm thêm. Ai cũng ánh giá cao vai trò VJ nhưng chẳng ai đưa ra được con số cụ thể số tiền mà một VJ có thể kiếm được trong một năm.

Trên ask.com trả lời rằng một VJ mới vào nghề và được lên ti vi thì thường có lương khởi điểm khoảng 35 nghìn USD/1 năm, có kinh nghiệm thì vào khoảng 200 nghìn USD và nếu trở thành một VJ nổi tiếng, số tiền có thể lên đến một triệu. Nhưng trên Vjforum thì nhiều ý kiến của dân chuyên môn lại cho rằng chẳng VJ nào kiếm được cả triệu một năm cả, mức lương trung bình vào khoảng 50 đến 60 nghìn. Đó là mức lương của Viacom (công ty mẹ của MTV) trả và chỉ ký hợp đồng 5 năm một lần và có kèm phụ cấp.

Thường thì các ngôi sao VJ kiếm nhiều nhờ phụ cấp hơn. Khá ít người kiếm được trên 200 nghìn USD/1 năm. Cái này thì có ví dụ dẫn chứng khi VJ Maria Menunos từng thừa nhận trên chương trình phát thanh của Howard Stern rằng cô nhận “trên 200 nghìn một chút” khi làm cho show Entertainment Tonight.

Cần biết rằng VJ khác với một người dẫn chương trình. VJ là cái tên mà MTV khai sinh ra khi kênh âm nhạc này được thành lập vào năm 1981. Nếu DJ (disc jockey) là từ chuyên dùng cho người dẫn chương trình âm nhạc trên đài phát thanh thì VJ (video jockey) muốn nói đến những người giới thiệu các MV (music video) trên truyền hình. Càng sau này vai trò của VJ đã được mở rộng, không chỉ là một nhân vật trên sóng truyền hình nữa mà trở thành một phóng viên âm nhạc, tiếp xúc và phỏng vấn với nhiều nhân vật nổi tiếng của làng nhạc cũng như chủ trì các show truyền hình của riêng mình. Và cũng chính từ vai trò này mà sau này có khá nhiều VJ trở nên nổi tiếng và kiếm được khá nhiều tiền nhờ nghề VJ mang lại.

MTV khởi thủy năm 1981 chỉ có 5 VJ nhưng 5 VJ này được xem là những VJ huyền thoại. Trong số đó có Nina Blackwood và Martha Quinn. Nina Blackwood và Martha Quinn (được tờ Rolling Stone đánh giá là VJ giỏi nhất) sau khi thôi làm VJ  thì mở đài phát thanh riêng của mình. Nhạc họ mở toàn là những bài hát của thập niên 80 và lượng người nghe rất nhiều. Martha Quinn trả lời rằng nghề VJ mang lại cho cô quá nhiều thứ và cô có thể kiếm “tốt” bằng danh tiếng VJ của mình. Adam Curry, VJ nổi tiếng với hai chương trình trên MTV: Headbangers Ball Top 20 Countdown giờ sống ngon lành với trang giải trí trực tuyến có tên Mevio mà giá trị của nó lên đến hàng chục triệu USD. Doctor Dre, một trong những rapper nổi tiếng nhất hiện nay đồng thời cũng là nhà sản xuất âm nhạc danh tiếng, cũng có thời gian 5 năm làm VJ cho MTV.

Nhưng đó là chuyện ở những thị trường ca nhạc phát triển. Còn ở Việt Nam, hoàn toàn  không dễ!



Thế hệ VJ đầu tiên của MTV Việt Nam. Từ trái sang: Đăng Khoa, Quỳnh Chi, Anh Vũ

Danh xưng VJ lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam trên chương trình MTV Most Wanted của VTV3 năm 1998. Dạo ấy vẫn còn nhiều người gọi 2 người dẫn chương trình Thúy Hạnh – Thúy Hằng là MC và ít ai gọi đúng công việc của họ là VJ. Thúy Hạnh nhớ lại rằng công việc VJ lúc đó rất lạ lẫm với họ vì công việc này không giống một MC hay một người dẫn chương trình mà nó đòi hỏi phải có sự tương tác. Cả hai chị em vừa tự mò mẫm vừa được hướng dẫn từ ê kíp sản xuất nên mới vững tin làm việc.

Nhưng thực sự “VJ không phải là một cuộc dạo chơi”, Thúy Hạnh cho biết, “một VJ chuyên nghiệp đòi hỏi khả năng ăn nói lưu loát bằng tiếng bản ngữ và tiếng Anh, còn phải sở hữu một nền tảng kiến thức âm nhạc rộng lớn, sự am hiểu tường tận mọi tin tức, xu hướng nóng hổi nhất, một phong cách và cá tính độc đáo đủ sức trở thành một biểu tượng của giới trẻ”. Tuy vậy, Thúy Hạnh không nhớ nổi cát xê mà cô nhận được thời còn làm MTV tuy nhiên cô vẫn chắc rằng một khi nghề VJ trở nên thịnh hành thì đó là một nghề sống tốt.

Quân Rapsoul, VJ nổi tiếng kênh YanTV, người phụ trách chương trình Hey Yo!, lại nghĩ khác hơn. “Ở Việt Nam hiện nay nhiều người chưa hiểu đúng về nghề VJ lắm. Cụ thể là Phát thanh viên truyền hình trước đây, hay bây giờ là Biên tập viên truyền hình thì có phải là VJ không? Đó là điều nhiều người còn mù mờ. Các VJ là những người mang lại cái hồn cho show, họ viết kịch bản, thậm chí tự viết ra một chương trình riêng cho mình, rồi dùng phong cách của mình để thổi hồn vào show đó. Tính chủ động và tầm ảnh hưởng của một VJ đối với chương trình của mình rất cao chứ không chỉ đơn thuần là mặc đồ đẹp và đứng nói. Họ không chỉ là phát thanh viên, hay biên tập viên, mà có thể bao gồm rất nhiều công việc đòi hỏi tính sáng tạo cao. Vì nghề này chưa được hiểu đúng nên cũng chưa được đối xử đúng. Các VJ ít được giao việc về sáng tạo vì các nhà sản xuất nghĩ đó không phải việc của họ, và vô tình bỏ phí một nguồn ý tưởng cực kì phong phú, vì chính VJ là người hiểu nhất về bản thân mình và biết mình phù hợp ở mức độ nào với chương trình truyền hình mà họ sẽ làm, do đó ý tưởng của họ thường là khá tối ưu cho chương trình đó. Và khi không được giao nhiều việc thì thù lao được trả cũng ít ỏi. Và việc VJ – bộ mặt của một chương trình truyền hình lại phải nhận một mức lương như vậy cũng là một  nguyên nhân làm số người muốn làm nghề này giảm đi”.

Chẳng ai biết được mức lương hiện có của một VJ hiện nay ở Việt Nam là bao nhiêu nhưng cách đây hơn 5 năm giá tiền cho một chương trình vào khoảng 200.000-250.000 đồng, trong khi đó một DJ ở đài phát thanh được nhận khoảng 150.000 đồng/1 chương trình. Rapsoul thừa nhận rằng “mức lương hiện nay của một VJ thực sự không cao, cho nên hiếm ai chỉ sống bằng nghề này, thường thì họ sẽ làm thêm bên ngoài với nghề MC, ca sĩ,… Chính bản thân tôi cũng làm MC hoạt náo bên ngoài và rapper, sản xuất âm nhạc, quảng cáo… Nhưng có một điều là nếu bạn mặn mà với nghề VJ này và làm tốt, nổi tiếng trên truyền hình luôn là một thế mạnh thu hút những công việc khác đến với bạn. Nói đến đây không có nghĩa là tôi khuyên bạn nên xem VJ như là một bước đệm, mà là một nghề có độ phủ sóng cao, chừng nào truyền hình còn là món ăn yêu thích của người Việt”.

Hiện có khá nhiều người trở nên nổi tiếng nhờ VJ trên các kênh truyền hình âm nhạc Việt Nam. YanTV thì ngoài Rapsoul còn có Thùy Minh, Sĩ Thanh, Thiên Trang, Nam Hee... MTV có Đăng Khoa, Anh Vũ, Quỳnh Chi. Trong số này nổi nhất có Sĩ Thanh, Thiên Trang và Nam Hee giờ cũng bắt đầu có kế hoạch tấn công show biz Việt trong vai trò ca sĩ.

Sắp tới kênh MTV Việt Nam cũng bắt đầu mở cuộc thi tìm kiếm VJ và hiện theo nhà báo Hồ Trí Quyền, Phó giám đốc MTV Việt Nam đang có rất nhiều đơn nộp dự thi. Tiêu chí của MTV cũng rất rõ ràng “Đó là chàng trai hoặc cô gái có ngoại hình sáng, tính cách linh hoạt, sáng tạo, am hiểu âm nhạc, sử dụng thành thạo các thiết bị điện tử hiện đại, năng động trong cộng đồng mạng”. Trong tình hình mới VJ rõ ràng đang phải hiện đại hơn so với ngày xưa rất nhiều. Người mẫu Thúy Hạnh thêm rằng “Đặc biệt, một VJ phải có một sức hút mạnh mẽ và quan hệ rộng khắp ở các mạng xã hội như Facebook, Twitter, blog…, có nghĩa phải là một tín đồ thực sự của thế giới ảo. Nói đơn giản, họ phải là một hình mẫu đại diện cho giới trẻ”.

Còn Quân Rapsoul thì vẫn khác hơn một chút “Ngoại hình đẹp là một ưu thế, nhưng có duyên và có chất riêng là một điều hiếm có khó tìm. Những người giống bạn thì nhiều, nếu bạn tạo nên sự khác biệt về phong cách, bạn sẽ là người dẫn đầu”.

VJ có kinh nghiệm ở Mỹ thu nhập khoảng 200 nghìn USD và nếu trở thành một VJ nổi tiếng, thu nhập có thể lên đến con số triệu USD.


Nguyên Minh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm