Khi kịch nói “se duyên” với cải lương

06/03/2012 13:23 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - Chuyện tình Lương - Chúc (tác giả, đạo diễn: Trương Văn Trí), vở diễn mới nhất của sân khấu kịch Thanh niên, vừa ra mắt khán giả vào ngày 4/3 tại rạp Công Nhân (Q.1, TP.HCM) đã nhận được những phản hồi tích cực từ công chúng lẫn báo chí.

Có ý kiến nhận xét: “Các nghệ sĩ vẫn chịu ảnh hưởng của diễn xuất trên sân khấu cải lương. Nếu tiết chế hơn nữa, tâm lý nhân vật sẽ được khắc họa sâu sắc hơn. Dường như đạo diễn vẫn lấn cấn giữa khuynh hướng “nghệ thuật” và “thị trường” nên các lớp tấu hài được đưa vào nhiều và không cần thiết, nó làm loãng mạch kịch, cũng như giảm hẳn chất lượng vở diễn…”.

Tâm lý phức tạp hay tâm lý đồng tính?

Chuyện kịch xảy ra ở một gánh hát nghèo với tất cả những xung đột, xô bồ của nó: chuyện cô đào chánh mắc “bệnh ngôi sao” bê trễ tập tuồng, đòi bỏ vai; chuyện kèn cựa, đấu đá lẫn nhau giữa những “ngôi sao”; cảnh “hậu trường” nhếch nhác với những “tụ năm, tụ ba” “tán” đủ chuyện trên trời dưới đất… Vở diễn như đưa khán giả trở lại một thời chưa xa khi hình ảnh những gánh hát sống đời “gạo chợ nước sông”, “ăn đình, ngủ chợ” vẫn còn quen thuộc, và cũng gợi nhớ rằng rất nhiều tài danh đã đi lên từ những đoàn hát tỉnh lẻ như thế.

Trên bối cảnh đó, câu chuyện về mối quan hệ phức tạp của hai anh kép hát Ngọc Tuấn (Võ Minh Lâm) và Phi Long (Vũ Luân) được mở ra. Khi cô đào chánh Yến Phương (Thy Trang) giận dỗi bỏ đi, đẩy đoàn vào cơn khốn khó thì anh nhắc tuồng Phi Long đã tình nguyện… giả gái thế vai Chúc Anh Đài hát cùng Lương Sơn Bá - Ngọc Tuấn. Vốn có ngoại hình nhỏ nhắn, gương mặt thanh tú, lại thuộc làu các lớp diễn, Phi Long nhập vai xuất thần rồi trở thành… đào chánh, bạn diễn ăn ý của Ngọc Tuấn.

Cảnh trong vở Chuyện tình Lương - Chúc: Phi Long - nghệ sĩ Vũ Luân (bìa phải)
giả gái vào vai Chúc Anh Đài

Và rắc rối cũng từ đây khi Ngọc Tuấn vốn luôn đắm đuối với các vai diễn, yêu nhân vật mãnh liệt và chỉ muốn sống mãi những khoảnh khắc thăng hoa trên sân khấu. Không thoát khỏi vai diễn, lẫn lộn giữa cuộc đời và sân khấu, Ngọc Tuấn nảy sinh một tình cảm khác lạ với Phi Long mà ngay chính bản thân anh cũng không trả lời được rằng anh yêu Phi Long hay yêu những hóa thân trên sân khấu của Phi Long. Ở chiều ngược lại, Phi Long lại luôn phải dằn lòng, buộc mình phải “tỉnh táo” trước tình cảm của Ngọc Tuấn.

Tác giả và đạo diễn của vở diễn Trương Văn Trí cho biết anh đã ấp ủ ý tưởng kịch bản từ năm học thứ hai lớp đạo diễn (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), viết thành kịch ngắn, rồi kịch dài, từng lớp diễn được phát triển qua mỗi học kỳ để rồi hoàn chỉnh thành bài thi tốt nghiệp sau hơn hai năm và phải hơn một năm sau mới đủ sức đưa vở lên sàn diễn chuyên nghiệp. “Lúc đó, tôi nhận được nhiều lời nhận xét là vở có nhiều nét tương đồng với Bá vương biệt Cơ (bộ phim về đề tài đồng tính nổi tiếng của đạo diễn Trần Khải Ca, sản xuất năm 1993). Tôi chưa hề biết bộ phim này nên cũng hơi hoang mang. Sau đó tìm xem thì cũng đỡ lo vì mô típ kịch trong kịch, lấy bối cảnh một đoàn hát là rất phổ biến trong tác phẩm nghệ thuật. Và tôi cũng không muốn kể một chuyện tình đồng giới mà chủ yếu lấy cảm hứng từ tâm tư của người nghệ sĩ, chuyện người nghệ sĩ bị cuốn vào vai diễn, thực sự “sống” cùng nhân vật, khó thoát khỏi nhân vật không phải là hiếm…”, Trí chia sẻ.

Một cách “làm mới” cải lương

Mặc dù đang hồi khốn khó nhưng cải lương lại là “gia vị” khó quên mà các sân khấu kịch thường xuyên thêm vào cho đúng “mốt”. Khai thác đề tài về đời sống của một gánh hát, Chuyện tình Lương- Chúc dành rất nhiều đất diễn cho cải lương, chiếm đến hơn 50% thời lượng. Tuy nhiên, các lớp diễn kịch - cải lương được đan xen hợp lý và vẫn giữ được tính chất của một vở kịch về cải lương chứ không phải một vở cải lương thiếu bài ca.

Xuất thân là một diễn viên của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Trương Văn Trí vẫn rất nặng lòng với bộ môn nghệ thuật đặc sắc của đất phương Nam: “Với Chuyện tình Lương - Chúc tôi hướng chủ yếu đến lớp khán giả kịch nói trẻ tuổi. Họ đến xem kịch và thưởng thức được những lớp diễn cải lương hay biết đâu sẽ lại thích cải lương. Còn những khán giả cải lương lâu năm cũng được “đổi món” khi xem những nghệ sĩ mình yêu mến lần đầu diễn kịch”. Việc mời những nghệ sĩ cải lương tên tuổi: Vũ Luân, Võ Minh Lâm, Thy Trang, Lê Hồng Thắm đảm nhận tuyến chính của vở là một lựa chọn hợp lý vì với các lớp diễn cải lương dày đặc như thế đòi hỏi diễn viên phải thực sự “có nghề”. Tuy nhiên đây rất có thể sẽ là “con dao hai lưỡi” khi khán giả kịch thường ngại ngần đến với một vở diễn quá đậm chất cải lương. Đặc biệt, sau vai Lý Huệ Tông (vở cải lương Dấu ấn giao thời) thì nghệ sĩ trẻ Võ Minh Lâm đã lại có một vai diễn “nặng ký” khi thể hiện khá tốt tâm lý phức tạp của anh kép hát Ngọc Tuấn luôn mơ hồ giữa sàn diễn và cuộc đời. Với Ngọc Tuấn, có vẻ Lâm đã cởi bỏ được “gánh nặng” của một “chuông vàng tuổi teen” (Lâm đoạt “chuông vàng” năm 2006 ở tuổi 16) mà tự tin hơn trên con đường nghệ thuật.

Suất diễn đầu tiên mặc dù diễn ra lúc 15h nhưng đã thu hút khá đông khán giả - điều không dễ có ở các sân khấu kịch uy tín như IDECAF, Hồng Vân... Mặc dù kéo dài đến gần 3 giờ đồng hồ nhưng nhìn chung phản ứng của người xem là khá tích cực. Và trước xu hướng tái dựng những vở cũ thời gian qua, đời sống sân khấu TP.HCM rất cần được khuấy động bởi những vở diễn “lạ” như Chuyện tình Lương - Chúc!

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm