05/03/2012 11:15 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Hôm qua (4/3), tạp chí Nghệ thuật Biểu diễn điện tử (thuộc Cục Nghệ thuật Biểu diễn) đăng tải ý kiến của luật sư -TS Trần Đình Triển cho rằng cần nhanh chóng thu hồi giấy phép hoạt động của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam vì theo luật sư này, việc thành lập Trung tâm là trái pháp luật.
Những “xung đột” giữa Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) kéo dài suốt hai tuần qua kể từ sau khi VCPMC gửi đơn “tố” Cục NTBD “tiếp tay” cho 90% các bầu show và đơn vị tổ chức biểu diễn “quỵt” tiền tác quyền của giới nhạc sĩ. Được biết, Cục NTBD cũng đã liên hệ với Bộ Nội vụ để làm rõ pháp nhân và quy trình hoạt động của VCPMC.
* Luật sư Trần Đình Triển: Thu hồi ngay giấy phép của VCPMC
Luật sư Trần Đình Triển
Luật sư -TS Trần Đình Triển bày tỏ trên tạp chí Nghệ thuật Biểu diễn điện tử: “Tôi vẫn nhắc lại, tôi bác bỏ việc thành lập VCPMC, đó là trái pháp luật, VCPMC không thể có tư cách pháp nhân khi không có ý kiến đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ. Nếu hai Bộ này cùng có văn bản cho phép VCPMC ra đời thì Điều lệ hoạt động phải phù hợp với pháp luật hiện hành; nếu Điều lệ không phù hợp thì không thể chấp nhận pháp nhân này thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam; kể cả đã có Điều lệ mà chưa sửa đổi, bổ sung theo Luật thì cũng không thể chấp nhận được.
VCPMC là một bộ phận nằm trong Hội Nhạc sĩ nhưng lại đi khiếu nại, kiến nghị khắp các nơi mà không thông qua Hội là vượt thẩm quyền; nếu điều tra trở lại cần phải thanh tra làm rõ và phải thu hồi hoạt động của VCPMC. Không thể để một tổ chức lợi dụng Hội để đi khiếu nại, gõ cửa khắp nơi làm ảnh hưởng đến sự ổn định chung của xã hội. Đồng thời cũng phải kiểm tra lại, không thể để tổ chức qua mặt các nhạc sĩ rồi ép các ca sĩ và các tổ chức khác phải thông qua mình như một cơ quan có quyền uy rồi ăn chia không rõ ràng, để những kẻ lợi dụng vào đây làm giàu bất chính, phải xử lý theo quy định của pháp luật nếu cần thiết”.
Luật sư này còn nhấn mạnh, những tố cáo của các nhạc sĩ về VCPMC thời gian qua nếu thấy cần thiết, phải được chuyển lên Cục Cảnh sát Điều tra Phòng chống tội phạm về Kinh tế và Chức vụ của Bộ Công an để điều tra làm rõ. “Đặc biệt là Cơ quan thuế cần phải tổ chức kiểm tra. Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Bộ Nội vụ cũng phải kiểm tra. Tôi đề nghị phải thu hồi ngay giấy phép hoạt động của VCPMC nếu không để thế này sẽ gây bức xúc cho xã hội” - ông Triển nói thêm.
* Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Không muốn “đổ thêm dầu vào lửa”
Nhạc sĩ Phó Đức Phương
Trước đề nghị quyết liệt của luật sư -TS Trần Đình Triển, để rộng đường dư luận, TT&VH đã liên lạc với nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC - trao đổi về quan điểm của ông trước vấn đề này.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho hay: “Tháng 2/2000, Hội Nhạc sĩ VN nhận được hai công văn của Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội. Trước đó, hai cơ quan này đều đã nhận được đơn kiến nghị khẩn cấp của 200 nhạc sĩ đề nghị xem xét tình trạng xâm hại tác quyền âm nhạc ngày càng diễn biến nghiêm trọng và phát tác những hậu quả tiêu cực trong đời sống âm nhạc. Hai công văn nói trên yêu cầu Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) phối hợp với Hội Nhạc sĩ VN tìm giải pháp khắc phục tình trạng trên để báo cáo Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội. Ngay sau đó, ban trù bị gồm đại diện của: Hội Nhạc sĩ VN, Ủy ban Liên hiệp VHNT VN, Bộ VH-TT, Cục Bản quyền, Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (sau này là Bộ Nội vụ) và đại diện Ủy ban Đối Ngoại Quốc hội với một người rất nhiệt tâm là ông Vũ Mão. Ban trù bị này tiến hành gần 10 cuộc họp kéo dài trong vòng hơn một năm với cả sự tham gia của các luật sư trong và ngoài nước. Kết quả các cuộc họp này là cần thành lập ngay một tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như pháp luật VN. Vì thế, Trung tâm ra đời được xem như là giải pháp đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề vướng mắc về tác quyền.
Sau đó, theo ý kiến của nhạc sĩ Trần Hoàn và ông Vũ Mão, tạm thời trong điều kiện ở VN, để đỡ mất nhiều đầu mối, việc thành lập trung tâm sẽ do Hội Nhạc sĩ VN ra quyết định. Trung tâm được Bộ Nội vụ duyệt về Điều lệ. Hoạt động từ đó đến giờ, Trung tâm liên tục được Bộ Văn hóa- Thông tin (cũ) cũng như Bộ Văn hóa,Thể thao & Du lịch và Cục Bản quyền quan tâm. Trung tâm được xem là điển hình của VN cũng như của Bộ Văn hóa,Thể thao & Du lịch về thành công trong thực thi chính sách sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền tác giả. VCPMC hiện có 42 hợp đồng với các tổ chức quốc tế, có phạm vi điều chỉnh ở hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ”. Vì thế, theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Trung tâm thành lập hoàn toàn đúng thủ tục. “Luật sư Trần Đình Triển nói như vậy là thiếu trách nhiệm, tùy tiện”- ông nói thêm.
Nhạc sĩ của Trên đỉnh Phù Vân chia sẻ, ông không muốn “đổ thêm dầu vào lửa”, song sắp tới, chắc chắn VCPMC sẽ “đối thoại” với các bên liên quan để cùng hiểu đúng hơn vấn đề.
Hà Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất