29/02/2012 13:00 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Liên quan tới những tranh luận về Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc VN đang thu hút sự chú ý của đông đảo công luận, NSND Trần Bình – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN - cho biết, ông đã lên kế hoạch xây dựng một trung tâm bảo vệ tác quyền riêng và hoạt động độc lập. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, TT&VH có cuộc trao đổi với NSND Trần Bình.
Ông Bình cho biết:
- Thật ra, ý tưởng này chỉ được hình thành từ trước Tết 2012, nghĩa là mới cách đây vài tháng. Tuy nhiên, xin khẳng định là tôi hoàn toàn nghiêm túc và rất quyết tâm để xây dựng một trung tâm như vậy. Nếu mọi thứ thuận buồm xuôi gió, trong năm 2012 này, Trung tâm Bảo vệ tác quyền nghệ thuật biểu diễn, trực thuộc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN, sẽ ra đời.
Nói cho cùng, mọi thứ bắt nguồn từ sự bức xúc của tôi với cách thu tiền tác quyền của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc VN (VPCMC) trong nhiều năm qua. Chuyện trò cùng nhau, hóa ra nhiều nhạc sĩ trẻ như Anh Quân, Huy Tuấn, Quốc Trung, Hồng Kiên... cũng đều có tâm sự ấy, đặc biệt là những trường hợp có công ty biểu diễn riêng. Mọi người bảo: tốt nhất, anh Bình đứng ra thành lập một trung tâm riêng cho bọn em. Tôi gật đầu, nói các cậu ủng hộ thì anh sẽ làm (cười).
* Một chút phác thảo về trung tâm tác quyền này trong tương lai?
- Như tên gọi, trung tâm sẽ bảo vệ và đại diện để xử lý các vấn đề tác quyền liên quan tới nghệ thuật biểu diễn. Nghĩa là khác với VCPMC, đối tượng của chúng tôi không chỉ là các nhạc sĩ mà có cả biên đạo múa, đạo diễn sân khấu, thiết kế mỹ thuật, nhà thơ. Thậm chí, những chương trình biểu diễn có sử dụng một phần clip hoặc phim để hỗ trợ cũng sẽ được trung tâm “làm việc” để thu tác quyền cho đạo diễn phần hình ảnh. Trước mắt, đối tượng của chúng tôi là tất cả anh em văn nghệ sĩ VN có tác phẩm liên quan tới nghệ thuật biểu diễn. Tạm thời, trung tâm cũng chưa vội với tay ra quốc tế.
* Với những tác giả đã ủy thác phần thu tác quyền cho những đơn vị khác, chẳng hạn như VCPMC, các ông sẽ xử lý thế nào?
- Rất đơn giản. Hợp đồng ủy quyền như vậy thông thường được tính theo từng thời hạn, có thể là một hay vài năm. Hết hạn, nếu tự thấy hợp lý, họ có thể chuyển sang ký kết với chúng tôi. Hoặc theo như tôi biết, nếu muốn chấm dứt hợp đồng ủy quyền, tác giả chỉ cần có văn bản thông báo trước 30 hay 45 ngày.
Tôi không nghĩ quá nhiều tới chuyện cạnh tranh cùng VCPMC. Trước mắt, tôi chỉ muốn bảo vệ quyền lợi của anh em tác giả cả trên lĩnh vực sáng tạo cũng như nghệ thuật biểu diễn. Cũng khá nhiều người lên tiếng động viên tôi và hẹn sẽ lập tức cùng làm việc khi trung tâm ra đời, mà nhạc sĩ Phú Quang là điển hình.
* Vậy, cách hoạt động của trung tâm sẽ tiến hành ra sao để có hiệu quả như ông nói?
- Trước hết, việc làm thủ tục để trung tâm ra đời cần được tiến hành đàng hoàng, với đầy đủ giấy phép từ các Bộ liên quan là Bộ VH,TT&DL, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ. Việc có đủ giấy phép như vậy sẽ khiến hóa đơn của trung tâm có tính pháp lý và giúp các đơn vị biểu diễn dễ xuất trình với cơ quan thuế.
Thứ hai, chúng tôi sẽ xem xét lại mức thu tiền. Tôi không tán thành cách thu phí bản quyền theo số ghế trong nhà hát của VCPMC. Tôi thấy mô hình của Singapore hiện nay khá hợp lý để học tập. Ở Singapore, người ta quy phí bản quyền về một số mức cố định. Chẳng hạn các chương trình biểu diễn lớn thì có mức A, chương trình trung bình mức B, chương trình do các cơ quan thuộc Chính Phủ sẽ có mức C. Khi thu tiền chỉ cần “áp” theo một vài mức cơ bản ấy.
* Nhưng còn vấn đề về ý thức tuân thủ bản quyền tại VN, điều đã được giới nhạc sĩ “than thở” khá nhiều?
- Nói ngắn gọn, chúng tôi cho rằng nên thu mức phí vừa phải và hợp lý, để lấy số lượng bù chất lượng. Đơn cử, tại Singapore, họ chỉ thu ở các phòng trà mức phí trung bình là 20USD/tháng/phòng chẳng hạn, thế nhưng thực tế, số tiền thu về lại rất cao. Đơn giản, nếu bị bắt gặp đang vi phạm, người xâm phạm tác quyền sẽ bị kiện ra tòa và phạt tới 300.000 USD. Tại Việt Nam, nếu thu ít, hợp lý và sẵn sàng khởi kiện một vài vụ vi phạm ra tòa án kinh tế để làm điển hình, thì tôi nghĩ mọi chuyện sẽ nhanh đi vào khuôn khổ hơn.
* Được biết, ông tuyên bố rằng trung tâm của mình sẽ hoạt động “miễn phí” và không trừ phần trăm vào thù lao của tác giả?
- Tôi đã từng có ý định ấy, bằng việc sử dụng bộ máy nhân lực sẵn có của Nhà hát để hoạt động và giúp đỡ anh em. Tuy nhiên, nhiều nhạc sĩ khuyên tôi: mọi rắc rối thường đến cũng chỉ vì tiền. Thu phí, mọi chuyện sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn và tạo sự nhiệt tình cho cả giới tác giả cũng như người của trung tâm. Vậy, nay qua báo TT&VH, tôi cải chính lại: Trung tâm sẽ hoạt động và thu phí phần trăm từ tiền tác quyền, nhưng ở mức thấp nhất có thể. (cười). Chắc chắn sẽ chỉ dao động từ 7- 10 % là cùng.
* Xin cảm ơn ông!
Như TT&VH đã thông tin, vừa qua, VCPMC đã vận động hàng chục nhạc sĩ ký vào đơn kiến nghị sửa lại quy định về cấp phép biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên, sau khi một số nhạc sĩ cho biết đã bất ngờ vì nội dung kiến nghị quá nặng nề và VCPMC thừa nhận nhiều nhạc sĩ có tên trong đơn đã ký khống vào giấy trắng trước khi kiến nghị được soạn thảo để gửi tới Cục NTBD, nhiều người trong giới đã lên tiếng “tố” VCPMC thu - chi không rõ ràng… |
Chiêu Minh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất