Hà thành tầm "ngôi sao đồ cổ"

19/01/2012 10:28 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Đêm nhạc của Tuấn Vũ đã trụ vững tại "thánh đường" Nhà hát lớn Hà Nội, sau đó lại quay trở lại để càn quét thêm lần nữa, mở đường cho những cơn sóng nhạc vàng, nhạc “sến” và những "ngôi sao đồ cổ" trở về.

Mới giữa năm 2011, một nhân vật có “số má” của showbiz Hà Nội chuyên ngành nhạc “quý tộc” đã thốt lên đầy tức giận trên trang web cá nhân của mình về sự xuất hiện cái tên Tuấn Vũ trên banner treo trước Nhà hát Lớn Hà Nội, rằng cái thứ âm nhạc đó mà mang vào chốn thánh địa của nhạc chính thống thì thật là một sự xúc phạm với dân Hà Nội! Ngài “quý tộc” không thể ngờ rằng thứ nhạc mà anh cho là “bình dân” đó không những được đông đảo bà con Thủ đô hân hoan đón chào mà còn trụ vững tại “thánh đường” cả tuần, sau đó lại quay trở lại để càn quét thêm lần nữa, mở đường cho những cơn sóng nhạc vàng, nhạc “sến” - theo cách gọi dân gian - tràn ngập Thủ đô suốt cả năm với những “ngôi sao đồ cổ” từng sáng từ hơn ba chục năm trước khiến hàng chục ngàn lượt người bỏ hàng triệu đồng để sở hữu bằng được chiếc vé, điều mà bất cứ “ngôi sao” đương thời nào cũng phải mơ ước. Anh bạn “quý tộc” tức phát điên mà bất lực trong khi bà con phe vé hoan hỷ vì có việc làm.

Sau giải phóng, khi hàng loạt dàn máy Akai và Pioner là đồ cũ của Sài Gòn được luân chuyển ra miền Bắc, chuyển tải luôn theo nó những chiếc băng cối phát những thứ âm nhạc lạ lẫm với người Hà Nội, gọi là “nhạc vàng”. Thứ âm nhạc ủy mị sướt mướt, một số thậm chí còn bị cấm bởi chính quyền Sài Gòn cũ, mà lại có sức lan truyền khủng khiếp ở Hà Nội. Mặc dù có thời kỳ cũng bị cấm và thu hồi nhưng tại Hà Nội thời đó, nhạc vàng vẫn trở thành mốt, thành “đại chúng” đến mức nó tràn vào cả các đám cưới vui vẻ, tràn vào trường học, tràn vào những trang sổ học trò… Quá tương phản với “nhạc đỏ” quen thuộc, “nhạc vàng” cùng những giọng ca tiêu biểu của nó làm nhiều thế hệ người Hà Nội hát theo thuộc lòng.

Băng-rôn phấp phới tên Tuấn Vũ, Chế Linh tại Hà Nội. Hai ngôi sao cũ
bất ngờ được khán giả Thủ đô chào đón nồng nhiệt

Gần bốn mươi năm sau, 2011, kinh tế mọi nơi đều khó khăn, những trung tâm băng nhạc hải ngoại làm ăn bết bát, những show diễn đình đám như Paris By Night còn có nguy cơ bị xóa sổ. Làn sóng nghệ sĩ hải ngoại trở về ào ạt, và điểm khởi đầu thường là Hà Nội, nơi những giá trị cũ đang thành thị trường mới. Những ngôi sao thời “nhạc vàng” đã lên lão hoặc hết thời nay ngất ngây trong sự chào đón hân hoan, trong số đó có cả Chế Linh - lão danh ca người Chăm tiêu biểu của dòng nhạc ủy mị đến mức người Sài Gòn cũ gọi chệch là “lính chê” - nhưng Hà Nội không chê mà còn đổ xô đi mua vé xem “thần tượng” một thời. Chế Linh khóc vì cảm động, bầu sô cười đếm tiền.

Nhưng “nhạc vàng” dù gì cũng chỉ là thứ đồ cổ đơn giản, giá trị ngắn ngày và “sến” cho lớp trung niên bình dân thích hoài cổ, dân nghiền nhạc “sang” cũng có khối thứ đồ cổ khác để xem. Không cần làm mới về âm nhạc, không quan tâm những chiêu trò sân khấu, giới doanh nhân, cán bộ và trí thức (hoặc cả mấy thứ trong một) của Hà Nội thích hoài niệm vẫn còn một Phú Quang, người nhạc sĩ Hà Nội đã trở về từ Sài Gòn, mang theo cả những kinh nghiệm chinh chiến tích lũy được từ đây. Nắm chắc một số doanh nghiệp làm khách quen chủ lực, nhạc sĩ kiêm bầu sô Phú Quang luôn rất khéo léo trong việc lăng-xê chương trình của mình như một giá trị cao cấp, sang trọng và cổ điển để mỗi lần biểu diễn luôn đạt mức giá vé cao ngất. Trên sân khấu luôn là thứ âm nhạc cũ, dàn dựng và trang trí kiểu cũ với chiếc đàn piano không thể thay thế (mặc dù tác giả xuất thân từ nhạc công chơi kèn đồng), nhưng các chiêu PR đã bắt đầu đổi mới, những giọng ca đặc thị trường bắt đầu xuất hiện bên cạnh những tên tuổi cũ, những hình thức hút khách bên lề màu mè hơn đã được áp dụng… Ông bầu thay đổi bởi quá hiểu khán giả - khách hàng của mình. Ông biết mix lại mình và thỏa hiệp với thị trường để khán giả đến xem nhạc cũ bằng cảm xúc mới.

Những boyband quá đát như BSB hay Westlife rủ nhau kéo về Việt Nam biểu diễn, và Hà Nội là điểm đến lý tưởng nhất: khán giả háo hức, tổ chức tối giản..., nên tuy nhà thầu lỗ vốn về miếng vẫn còn được tiếng.

Nếu nhạc sĩ Phú Quang chỉ tự làm bầu cho mình thì Trần Bình làm bầu cho cả thiên hạ. Ông rất giỏi làm mới những giá trị cũ bằng cách… chẳng cần làm gì nhưng luôn rất hợp gu và hợp thời, mùa nào thức ấy, ngày kỷ niệm, lễ lạt, bốn mùa…, không phải mùa thì lại lôi hết những chủ đề cũ, nhân vật cũ “cây đa, cây đề”, lôi hết đồ cổ ra dùng lại, ca sĩ thị trường trộn với ca sĩ trẻ, chương trình luôn hoành tráng mà chẳng cần hiệu quả sân khấu phức tạp, tân tiến vì múa luôn lấp đầy sàn diễn bất kể với loại nhạc gì. Múa minh họa nhiều không phải chỉ vì ông bầu xuất thân từ dân múa mà còn là điều kiện tiên quyết để nuôi quân. Nắm trong tay đội ngũ nghệ sĩ đông đảo của bộ máy bao cấp nhưng lại rất nhạy bén với thị trường và cực khéo trong các mối quan hệ, Trần Bình chính là mẫu bầu sô tiêu biểu nhất cho showbiz Việt của thời nay. Nhờ đó đời sống văn nghệ của Hà Nội luôn được duy trì bởi hàng nội bất chấp có hàng ngoại về hay không.

Có vẻ showbiz Việt như một mô hình đèn cù khi ca sĩ Hà Nội chạy vào Sài Gòn, ca sĩ Sài Gòn qua hải ngoại kiếm ăn còn ca sĩ hải ngoại lại về Hà Nội. Không hẳn mọi trường hợp đều đúng nhưng nó cũng phản ánh được sự luân chuyển và tự điều chỉnh của thị trường âm nhạc. Nhưng vẫn có những người không những ngoại lệ khỏi quy luật trên mà còn một mình làm nên cả ba trường hợp, đó là những ca sĩ Hà Nội đã từng thành danh ở Sài Gòn, lập nghiệp tại hải ngoại rồi về lại Hà Nội biểu diễn như Việt kiều, điển hình là Thu Phương và Trần Thu Hà và có thể là Bằng Kiều trong năm tới. Thực ra họ vẫn về hát ở vài sự kiện và chương trình lẻ tẻ, nhưng chỉ đến khi xuất hiện trong chương trình Không gian âm nhạc thì mới thành đình đám, và Không gian âm nhạc cũng chính là một điểm nhấn đặc biệt trong đời sống văn hóa của Thủ đô năm qua. Hai đồng tác giả, một đạo diễn “hot”, một nhà báo “cool” quá kinh nghiệm với thị trường đã tung chiêu độc với bí quyết mini show “cặp đôi hoàn hảo” cùng sự trợ giúp tài chính từ nhà tài trợ mạnh tiền, làm không những điên đảo giới truyền thông vốn đang đói tin tử tế, mà còn thỏa mãn một số khán giả phân khúc hẹp, những khán giả kiểu Hi-end Việt Nam.

Chiêu này mới với Hà Nội nhưng thực ra là cũ với Sài Gòn vì Hồng Nhung, Quang Dũng và vài phòng trà trong thành phố đã xài trước đó nhưng chưa thành thông lệ và có một hệ thống từ địa điểm, nhân sự đến tài chính chu đáo như vậy. Tuy nhiên các cặp đôi “xịn” dùng mãi cũng hết, sự háo hức khi gặp những người cũ lâu ngày trở về cũng sẽ nhạt dần, địa điểm đẹp mà chưa chuẩn cộng với sự đầu tư về âm thanh chưa tới, biên tập căn bản dựa trên những chiêu mix mới những phong cách cũ, thiếu tác phẩm mới… sẽ là những cản trở cho Không gian âm nhạc trường thọ. Những địa điểm mới cạnh tranh với Không gian âm nhạc như Music on The Roof, Maison Sens cũng xuất hiện làm tô đậm thêm nét hoài cổ của Hà Nội với những cách biên tập âm nhạc dựa vào nhạc xưa. Cầm tay mùa Hè với Thanh Lam và Uyên Linh cũng là một thể nghiệm ghép cũ với mới và chứng tỏ có hiệu quả. Ngoài ra cũng phải kể đến những cú mix thể nghiệm như Bóng của Phó An My, Đặng Tuệ Nguyên ghép nhạc Đông với nhạc Tây… tuy có những tiếng vang nhưng về sáng tạo âm nhạc cần khẳng định bởi thời gian và khán giả. Giá trị âm nhạc thực sự vẫn chưa xuất hiện ở chân trời.

Chương trình Westlife diễn ra tại SVĐ Mỹ Đình (Hà Nội) hôm 1/10/2011

Đồ cũ nội đắt hàng, đồ cũ ngoại cũng vẫn bán được. Những boyband quá đát như BSB hay Westlife rủ nhau kéo về Việt Nam biểu diễn, và Hà Nội là điểm đến lý tưởng nhất: khán giả háo hức, tổ chức tối giản..., nên tuy nhà thầu lỗ vốn về miếng vẫn còn được tiếng. Xem rẻ, xem “chùa” cũng đành miễn là đông. Việc BSB ế khách, Westlife diễn xong ở Hà Nội là chia tay tưởng lạ nhưng không bất ngờ. Cái mới chưa có cửa tìm đến vì công nghệ biểu diễn, ý thức, và túi tiền của khán giả ta còn hạn chế, vì vậy thế hệ mới cũng vẫn phải xài tạm đồ cũ.

Đồ cổ nhưng trưng đúng cách nhất phải kể đến Điều còn mãi, chương trình hiếm hoi nơi những giá trị cũ được trình bày lại một cách trân trọng trong không gian, thời điểm, thái độ và chuyên môn âm nhạc chuẩn mực. Giá trị “cổ” thì không cần cách tân, cái mới ở đây thực ra lại là cái cũ: Một tâm thức văn hóa.

Đông Trí

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm