02/01/2012 07:40 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Cuối tuần) - Thuộc thế hệ ca sĩ không chiêu trò, chỉ có giọng hát, vậy nhưng Cẩm Vân vẫn có thể khiến các đồng nghiệp trẻ tuổi “ghen tị” về sức bền của nghề nghiệp và độ tỏa sáng. Góp mặt trong nhiều chương trình ca nhạc lớn trong năm 2011, từ Duyên dáng Việt Nam đến Kỷ niệm 10 năm ngày mất Trịnh Công Sơn…, và sắp tới đây là đêm Hòa nhạc cuối năm đúng vào thời khắc giao thừa - khép lại một năm đáng nhớ trong hoạt động âm nhạc của Cẩm Vân.
* Dường như trong làng nhạc Việt ít ca sĩ nào có nhiều thuận lợi như Cẩm Vân trên con đường ca hát. Tôi nhớ ngày xưa nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã từng nhận xét về chị khi chị còn chưa thành danh bằng một câu rất hay: “Cẩm Vân là một viên ngọc, viên kim cương chưa được mài giũa, đánh bóng. Tôi tin rằng cháu sẽ nổi tiếng”, đến bây giờ nhìn lại chị có nghĩ rằng thời buổi này đang còn thiếu quá nhiều những câu nhận xét như vậy không?
- Tôi nghĩ là không thiếu nhưng tại chúng ta chưa có nhiều nhân tố mới thật sự. Ngày xưa con đường ca hát thì gian khổ còn bây giờ thì dễ quá. Muốn làm ca sĩ thời này thì dễ dàng, khán giả cũng dễ tính hơn. Hình như chúng ta đang đốt cháy giai đoạn quá nhanh. Tôi nghĩ trong nghệ thuật không phải cái gì mình học là mình được, mình muốn là mình có mà nó còn phải cộng thêm tài năng và trau dồi. Nhớ ngày nhỏ tôi mê hát lắm, ở nhà ba không cho đi hát nhưng tôi vẫn tập hát ở trường, đi sinh hoạt. Phải tới khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và nhạc sĩ Triều Dâng đến nhà xin phép ba cho tôi hát trên truyền hình thì lúc đó ba tôi mới đồng ý cho tôi theo nghiệp hát. Tôi nhớ lúc đó tôi 20 tuổi, năm 1980 lên ti vi hát bài Lên ngàn của nhạc sĩ Hoàng Việt và từ đó bắt đầu nổi tiếng. Tôi vẫn nhớ anh Đỗ Trung Quân từng bảo: Cẩm Vân là giọng hát mà trời cho ai nấy hưởng.
* Từ vị trí một ca sĩ đàn chị, chị có đánh giá gì về hiện tượng Uyên Linh trong năm 2011 vừa qua, nhất là ở khía cạnh một nhân tố mới, cũng rất cần những lời nhận xét của những người đi trước.
- Tôi không có ý kiến về khả năng và giọng hát của Uyên Linh hay hay dở. Tôi chỉ thấy rằng giữa khả năng của Uyên Linh và truyền thông chưa ăn khớp với nhau, phải nói là lệch một cách thô thiển và có sự can thiệp quá mạnh về công nghệ quảng cáo. Tôi e, những ca sĩ sau này sẽ dễ mất phương hướng. Công nghệ lăng-xê thật sự rất cần thiết nhưng nó cũng chính là con dao hai lưỡi.
* Nhắc lại chuyện xưa một chút, tôi vẫn nhớ như in giọng hát của chị trong ca khúc Lá thư ngày Tết của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, qua bao nhiêu thập niên tôi vẫn cứ xem đó là một trong những ca khúc về Tết hay nhất. Có vẻ ngày nay âm nhạc dành cho hương vị Tết dường như không còn nữa?
- Tôi nghĩ thời đại nào cũng có một kiểu âm nhạc đặc trưng. Thời bây giờ nghe các ca khúc nhạc Xuân, những người lớn lên thời trước thấy thiếu hẳn cái hương vị mùa Xuân. Bây giờ thì reg-gae hơn, hiphop hơn… và nó có đối tượng riêng. Tôi cũng thích vài bài bây giờ nhưng thật sự với tôi nó vẫn thiếu một chút chiều sâu, nghe qua thì hay nhưng không gợi lên được một cảm giác Xuân thật sự.
* Trong cuộc đời âm nhạc của chị có nhiều cột mốc đáng nhớ. Năm 1980, khi hát bài Lên ngàn của nhạc sĩ Hoàng Việt thành công đến nỗi sau đó chị đã trở thành ca sĩ đầu tiên của TP.HCM được biểu diễn tại Đức, Bulgaria, Liên Xô, các nước Đông Âu,... 20 năm sau, năm 2000, chị cũng là ca sĩ Việt Nam đầu tiên đi hát ở Mỹ. Tôi nghĩ rằng những cột mốc ấy thay đổi ở chị và cũng đánh dấu sự thay đổi lớn lao của làng nhạc trẻ Việt Nam, chị nghĩ sao?
- Đúng là có quá nhiều thăng trầm trong làng nhạc nhẹ Việt Nam mà tôi đã được chứng kiến. Nó liên quan đến nhiều thứ: kinh tế, đời sống tinh thần… Tôi đến với âm nhạc từ lúc cuộc sống rất khổ và đến bây giờ tôi không phải nghĩ nhiều đến chuyện cơm áo gạo tiền nữa. Nhưng trong khoảng giữa ấy có rất nhiều chuyện không thể quên được. Tôi nghĩ có một điều rất đáng để tâm là cuộc sống đang ngày một đi lên, âm nhạc Việt Nam cũng đang đi lên, các ca sĩ, nhạc sĩ có đầy đủ phương tiện kỹ thuật để hát, sáng tác nhưng tôi lại không thấy có nhiều giọng ca đẹp, nhiều sáng tác hay như ngày xưa. Có thể đời sống đi lên nhưng chất lượng âm nhạc chưa chắc đã song hành được với nó.
Âm nhạc Việt nhờ mở cửa mà có một thời kỳ đầy những ca khúc đẹp, sáng sủa nhưng đồng thời công nghệ hiện đại phát triển, tôi nghĩ, phần nào cũng làm âm nhạc mất đi tính nghệ thuật của mình. Thời cách đây 30 năm đời sống âm nhạc của những người như tôi không có công nghệ lăng-xê, không lip-sync, ti vi chỉ có mỗi một kênh trắng đen nhưng đi hát thì sướng lắm, tối nào cũng đông nghịt người, chỉ có điều là vẫn nghèo.
* Nhắc đến Cẩm Vân, người ta nhớ ngay đến những Đất nước, Bài ca không quên, Rừng chiều, Sóng về đâu… nhưng gia tài âm nhạc của Cẩm Vân đâu chỉ có vậy?
- Vâng, nhưng tôi nghĩ những gì đã thuộc về trí nhớ công chúng thì tôi luôn đặc biệt trân trọng. Như ca khúc Bài ca không quên tôi cho rằng đó không còn là của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn hay ca sĩ Cẩm Vân nữa mà nó đã thuộc về công chúng. Tôi đã hát ca khúc này hơn 20 năm và đến tận bây giờ vẫn tiếp tục hát theo yêu cầu của khán giả... Tận đáy lòng mình tôi vẫn mang ơn ca khúc này và nó mãi mãi là ca khúc mang dấu ấn đậm nhất trong sự nghiệp. Đúng như nhận xét, tôi may mắn có được nhiều bài tủ, với một ca sĩ chỉ cần có một bài là hạnh phúc lắm! Tôi có thể ứng biến tình hình tùy theo khán giả, tôi nghĩ cũng xứng đáng cho tôi, vì khi tôi chọn một ca khúc để trình làng thì tôi phải tập thật kỹ và tìm ra được cái thu hút nhất của từng bài hát để thể hiện nó.
* Nhắc đến ngày xưa tôi lại nhớ tới cái tên Họa Mi, một ca sĩ khá nổi tiếng trước đây. Năm 2009 Họa Mi có trở về và hát ở Duyên dáng Việt Nam 21 chung với chị. Nhắc đến Họa Mi là vì chợt nhớ ra rằng con đường âm nhạc của chị và Họa Mi có thời kỳ khá giống nhau nhưng sau đó thì hoàn toàn khác. Bây giờ chị Họa Mi ở Pháp và có một hiệu bánh nhỏ, ít đi hát trong khi Cẩm Vân vẫn là một trong những giọng ca được yêu thích nhất tại Việt Nam. Có phải vì ở một thời kỳ âm nhạc không nuôi sống được bản thân nên mới có những hướng rẽ khác nhau như vậy?
- Tôi chẳng nghĩ lớn lao gì cả bởi đơn giản tôi thích sống ở đây, tôi chẳng thể sống ở đâu được ngoài Sài Gòn. Những lúc đi nước ngoài lưu diễn có những lời đề nghị ở lại nhưng tôi đều từ chối, tôi thích cái không khí ở thành phố mà tôi đang sống cho dù có những lúc nó rất khó khăn. Nhiều khi đi diễn ở tỉnh tôi cũng cảm thấy nhớ Sài Gòn và chỉ muốn về thật nhanh.
Ở mỗi thời kỳ đều có những khác biệt. Tôi không dám nói chuyện của chị Họa Mi là đúng hay là sai, mỗi người một hoàn cảnh.
Lần đầu tiên Cẩm Vân hát chung với Tuấn Ngọc
Chương trình Hòa nhạc cuối năm với sự góp mặt của giọng hát đẳng cấp Tuấn Ngọc, những ngôi sao trong làng nhạc Việt như Cẩm Vân, Quang Linh, Lệ Quyên, Nguyên Thảo, Lê Hiếu cùng các giọng ca trẻ đầy triển vọng Quốc Thiên, Thùy Chi, Anh Khang, sẽ diễn ra từ 20h30 ngày 31/12/2011 đến 0h00 ngày 1/1/2012 tại Nhà hát TP.HCM. Đêm nhạc có sự đầu tư công phu về âm nhạc với sự tham gia của Dàn nhạc giao hưởng TP.HCM. Đây cũng là lần đầu tiên hai ngôi sao hàng đầu Tuấn Ngọc, Cẩm Vân đứng chung trên một sân khấu và hát cùng dàn nhạc lớn.
* Tôi có để ý thấy rằng, ngoài những mối quan hệ với các đồng nghiệp trong nước chị cũng rất thân thiết với nhiều nghệ sĩ hải ngoại, cá nhân chị cũng rất yêu mến ca sĩ Anh Tú. Theo chị qua bao năm tháng chất lượng âm nhạc ở trong nước và ở hải ngoại đã xích gần đến với nhau chưa?
- Cá nhân tôi rất thích nghe nhạc hải ngoại thập niên 1990. Sau năm 2000 thì âm nhạc hải ngoại có vẻ chững và nhạc trong nước phát triển hơn. Tôi nghĩ những ca sĩ đã có tên tuổi ở hải ngoại thì họ vẫn là những giọng ca được yêu thích và khó ai có thể thay thế được họ. Còn những giọng ca mới thì có lẽ chưa có được một chỗ đứng tốt như các đàn anh đàn chị đi trước. Nếu như trước đây nói đến khái niệm nhạc trẻ thì công chúng thường nói về nhạc hải ngoại còn bây giờ tôi ra nước ngoài lại thấy công chúng toàn nghe nhạc trong nước.
* Nếu như Sóng về đâu vinh danh chị rất lâu trên Làn sóng xanh thì theo chị dường như những giải thưởng âm nhạc ngày nay không còn mang tính khích lệ nhiều như 15 năm trước?
- Những giải thưởng như Làn sóng xanh lúc mới ra đời có ý nghĩa cực kỳ to lớn với sự phát triển của âm nhạc Việt. Năm 2000 khi sang Mỹ đi hát ở đâu tôi cũng nhận yêu cầu hát hai bài Sóng về đâu và Hà Nội mùa vắng những cơn mưa. Giá trị của những giải thưởng âm nhạc đó lớn lắm. Nhưng bây giờ cứ mở ti vi lên là tôi lại thấy giải thưởng âm nhạc này nọ và điều đó làm cho mọi thứ bão hòa và những giá trị được nêu lên không còn lớn như ngày xưa nữa.
* Cảm ơn chị.
Cung Tuy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất