20/12/2011 07:00 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Cuối tuần) - Sau sự xuất hiện của series Không gian âm nhạc, Âm nhạc trên tầng thượng (Music On The Rooftop), sắp tới đây, sân khấu Hà Nội sẽ có thêm một series chương trình ca nhạc khác, mở đầu bằng Riêng một góc trời với giọng ca Tuấn Ngọc diễn ra vào các ngày 2, 3, 4/1/2012 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ông bầu, nhà tổ chức không gian âm nhạc mới này là Hồng Kiên, cây saxo quen thuộc trong ban nhạc Anh Em nhưng là cái tên mới toe trong làng tổ chức biểu diễn. Trong cuộc đối thoại với TT&VH Cuối tuần, Hồng Kiên bày tỏ lý do quyết định “xung trận” thế giới showbiz khá bất ngờ của anh.
Sẽ làm cả hài kịch, nhạc kịch
* Trước giờ anh vẫn âm thầm làm nghề với những dự án chung của ban nhạc Anh Em, tại sao đến nay, khi một thành viên khác của Anh Em là Huy Tuấn đã có riêng series ca nhạc Âm nhạc trên tầng thượng và chương trình Không gian âm nhạc đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người yêu nhạc Hà Nội, anh còn làm một series khác?
- Tôi nung nấu việc này lâu rồi, nhưng một mình thì không làm được, phải có anh em cùng chí hướng. Tôi cùng với công ty Mỹ Thanh của anh Tùng John, người không xa lạ với làng văn nghệ, cố gắng xây dựng thêm một địa chỉ thứ ba về âm nhạc ở Hà Nội. Chúng tôi không dại gì đấu đá với nhau mà cùng tạo ra thị trường, để cùng cạnh tranh với những thứ “rác” đang xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống ca nhạc cả nước trong vài năm trở lại đây. Việc này cũng xuất phát từ quan sát của tôi về tình hình số lượng và chất lượng âm nhạc trong các show diễn thời gian gần đây giảm đi nhiều quá. Và tôi cảm thấy mình không thể ngồi mãi để bình phẩm hay chán nản mà thiết thực nhất là nên làm và làm cho tốt.
* Mở đầu với Tuấn Ngọc, một nhân vật đã xuất hiện ở Không gian âm nhạc những số đầu tiên và với cái tên nghe chẳng có gì mới mẻ, Riêng một góc trời, cái mới anh mang đến là gì?
- Chúng tôi muốn xây dựng chương trình mà ca sĩ tự kể chuyện về quãng đời họ đã đi qua, nói về thời gian sắp tới, để họ tự làm chủ sân khấu đó với những câu chuyện về âm nhạc. Với Tuấn Ngọc, từ khi mới về nước, làm việc chung với nhau vài show, anh nói rằng ước mơ làm một chương trình của riêng anh ở Hà Nội. Dù đến bây giờ anh ấy cũng diễn ở Hà Nội nhiều lần rồi nhưng vẫn không như ý anh muốn, cũng chỉ như anh vẫn diễn ở phòng trà. Còn về cái tên Riêng một góc trời, đúng là có cả ngàn chương trình tên như thế cả ở trong nước và hải ngoại, nhưng chúng tôi lấy cái tên đó với ý nghĩa nó không chỉ là ca khúc gắn liền với tên tuổi Tuấn Ngọc mà thật sự anh ấy là một tượng đài trong dòng nhạc anh ấy theo đuổi, anh có góc riêng của mình, anh là người đam mê, chỉn chu trong đó và là hình mẫu của nhiều ca sĩ thế hệ sau này. Với chương trình này, Tuấn Ngọc sẽ tự nói về cuộc đời mình với tâm điểm là giai đoạn anh về Việt Nam sống và được đón nhận như thế nào. Chương trình có sự tham gia của ban nhạc Anh Em và Mỹ Linh, cô sẽ song ca với Tuấn Ngọc 2 bài và hát riêng 2 bài.
* Thị trường ca nhạc Việt lâu nay chỉ có bấy nhiêu tên tuổi, Không gian âm nhạc cũng sắp cạn nguồn ca sĩ, anh sẽ làm thế nào để có “vốn” dồi dào?
- Điều quan trọng là chúng tôi muốn làm những việc đúng như mình nghĩ, để đưa ra cho khán giả thứ âm nhạc đích thực nhất chứ không tham vọng làm được những cái lớn lao, cao xa, ảo tưởng. Chuyện có xây dựng thành series hay không không quan trọng bằng điều đó. Tôi không tự bó buộc vào thời gian hay tính định kỳ của các chương trình, có thể vài tháng mới có một show và có thể có show một tháng diễn 2 lần, và có thể thay đổi cả về thể loại nghệ thuật lẫn địa điểm biểu diễn. Có thể chúng tôi sẽ làm cả hài kịch, nhạc kịch chứ không chỉ ca nhạc đơn thuần. Hoặc có thể là cùng một ca sĩ, một chương trình nhưng diễn trường kỳ như ở Las Vegas chẳng hạn. Điều này có thể khác với tình hình hiện nay các show diễn ở Việt Nam cứ phải thay đổi chóng mặt, cứ nhất thiết show này phải là người này, show kia là người khác.
* Sau Tuấn Ngọc sẽ là…
- Sau Tuấn Ngọc dự định sẽ là show quy tụ toàn những tài năng trẻ như Uyên Linh, Văn Mai Hương, Đinh Mạnh Ninh… vào tháng 3; tiếp đến là show toàn những nghệ sĩ gạo cội… Và tùy vào tính chất của chương trình mà địa điểm có thể là Hà Nội, TP.HCM hoặc Đà Nẵng…
Hồng Kiên (ngoài cùng, bên trái) cùng ban nhạc Anh Em và
ca sĩ Mỹ Linh trong một chuyến lưu diễn châu Âu
Tốt nhất là không bàn, không nói…
* Lần đầu tiên đứng ra tổ chức chương trình, anh thấy công việc này ra sao?
- Tôi bỡ ngỡ với những vấn đề về tổ chức lắm, chẳng hạn như thuê nhà hát, xin giấy phép, tài trợ… Thật sự là rất nhiều thứ lằng nhằng. Làm nhạc công vẫn là sướng nhất.
* Chỉ mới đây thôi, các nhạc công mới xuất hiện trở lại trên sân khấu ca nhạc, còn trước đó, trong một thời gian không ngắn, sân khấu chỉ có ca sĩ, vũ đoàn và âm nhạc là playback. Nhưng người trong nghề nói rằng giờ các ban nhạc có nghề của cả nước chỉ đếm được trên đầu ngón của một bàn tay. Là một nhạc công lâu năm, anh nhận xét gì về điều này?
- Đúng là như thế đấy. Bây giờ thiếu nhạc công lắm, thế hệ mới có rất ít. Tôi mãi vẫn cứ đi làm thế này, tre già mà chẳng thấy măng mọc. Nhiều năm trở lại đây ít người học chơi nhạc cụ lắm, người ta toàn đổ xô đi học hát. Vì học xong họ cũng không có việc để làm. Hồi người ta mải hát bằng nhạc đĩa, tôi tuy vẫn sống bình thường nhưng bằng sáng tác, phối khí, dạy học chứ đánh nhạc ít lắm. Chắc vì phải làm nhiều việc quá nên đến giờ tôi mới tính chuyện đi làm show. Chứ ở một môi trường mà nhạc công có đất để sống, để phát triển thì thật sự tôi chỉ thích làm nhạc công thôi, làm như thế sướng lắm, lúc nào cũng bay bổng.
* Thị trường ca nhạc đang trăm hoa đua nở với rất nhiều gương mặt mới, cá nhân anh thấy sự đua nở ấy ra sao?
- Ca sĩ ở Việt Nam hầu như nổi tiếng đều là may mắn. Cần sự may mắn là đúng nhưng phải có nền tảng thì khi cộng thêm may mắn mới tốt, chứ từ dưới mức nền mà vẫn đi lên được thì không được. Vì thiếu nền tảng nên ca sĩ thường bị xáo trộn nhiều, vừa ngồi với người này nói chuyện, họ thấy cần phải làm ngay việc này nhưng lát sau qua nói chuyện với người khác họ, lại bảo thế thôi không làm nữa. Tôi từng làm đĩa cho một số ca sĩ, thấy họ làm việc vất vả nhưng chỉ một người chê là họ thấy sản phẩm của mình chán ngay, mặc dù bản thân cũng không biết chán ở chỗ nào, hay ở chỗ nào. Ngược lại, cũng có những ca sĩ “có gốc” thật đấy, thì lại hay thích nhảy cả vào công việc của nhạc công, nhạc sĩ.
Nhìn từ góc độ của tôi, tôi thấy ca sĩ sống vất vả hơn nhạc công. Tôi nói về vấn đề suy nghĩ ấy, họ phải tính toán nhiều, phải nghĩ ra chiêu trò, nhìn người này nhìn người kia để làm. Điều đó không tốt cho họ, làm âm nhạc phải thoải mái tinh thần chứ cứ suốt ngày tính toán thì làm sao hát hay được. Ca sĩ bây giờ đầu tư nhiều cho những thứ phụ trợ nhưng không hiểu rằng thực lực của bản thân, nền tảng tốt là thứ quan trọng hơn cả, để biết mình làm gì, để không a dua. Ca sĩ nước ngoài cả đời đi được một con đường là thành công lắm rồi, ca sĩ mình cứ thay đổi xoành xoạch. Chính việc những người có khả năng cứ thay đổi phong cách, dòng nhạc liên tục như thế nên những kẻ không có khả năng mới có đất sống. Như thế chính người có khả năng là kẻ lỗi đấy. Nhà báo cũng vậy, họ suốt ngày hỏi nghệ sĩ là anh/chị dạo này có gì mới không? Làm sao mà mới được, làm cái cũ còn chưa xong, lấy đâu ra mới! Điều đáng buồn là tôi nhìn thấy những người tài năng đang rất nản, có người còn ước mơ rằng biết thế mình không học cái nghề này nữa. Một môi trường âm nhạc mà những người có tâm nhất cứ bỏ dần thì sẽ thành cái chợ. Bây giờ đang là cái chợ và những người không là gì cả lại đang tưởng mình là cái gì. Không có chuẩn nào để đánh giá, không ai nói được ai.
* Anh có bi quan quá không?
- Nói thế thôi chứ âm nhạc thế giới cũng đang đi xuống, các ngôi sao giờ đã đến tuổi, và chưa thấy người mới. Nhưng quan trọng là họ có thị trường tốt nên họ vẫn sống được. Còn ở mình không có thị trường tốt, ngôi sao sống bằng scandal. Như thế cũng đúng thôi, âm nhạc là giải trí mà. Nhưng muốn giải trí lành mạnh thì phải làm được việc định hướng, ở mình chưa định hướng gì được, toàn cái nhố nhăng được lăng-xê. Định hướng không phải chỉ là chuyện học trong trường lớp, mà quan trọng là có môi trường tốt. Giống như đi mua nhà, cái nhà không thật sự quan trọng bằng môi trường, cảnh quan xung quanh. Mọi cái nhà xây đều như nhau, cái làm nên giá trị là khung cảnh, môi trường, bởi nếu chỉ là cái nhà thì xây ở khu 1 tỷ với khu 100 triệu như nhau.
* Anh nói âm nhạc là giải trí, vậy anh đánh giá thế nào về những thứ âm nhạc đang được gắn mác “giải trí” ở ta hiện nay?
- Thật sự là tôi không thích chia nhạc ra thành giải trí hay gì khác vì âm nhạc chính là giải trí. Còn giải trí theo nghĩa mà bạn đang nghĩ, cũng như cả thị trường âm nhạc đang gán cho từ này thì là do nhiều cái sai cộng lại. Còn đánh giá về nó à? Tôi chẳng có gì để đánh giá. Thật sự là như thế, nếu không nhìn nhận nó, không đánh giá nó thì nó là vô hình, chứ còn đánh giá thì nó hữu hình và càng chọc vào nó càng nổi tiếng. Tôi nghĩ cần có chiến lược tẩy chay bằng cách không bàn, không nói, để nó không được tung hê trên báo. Chứ bây giờ càng bị chê càng dễ nổi tiếng. Vả lại không đánh giá thì dễ hơn là đánh giá đấy. (Cười).
* Cảm ơn anh.
Dường Vân Anh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất