Ca sĩ Kiều Hưng mong về chốn bình yên

05/12/2011 13:16 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Vậy là đã tròn 20 năm kể từ ngày ca sĩ Kiều Hưng ra đi và trở thành một người con lưu lạc nơi đất khách. Lần trở về này là lần thứ 3 của ông kể từ chuyến đi định mệnh ấy (lần đầu tiên là vào năm 1995 và lần thứ hai là năm 2005). Ở tuổi 74, sau bao nhiêu biến cố và những khúc quanh của số phận, giờ đây nghệ sĩ từng được biết đến với cụm từ “tài hoa và lưu lạc” mong muốn được đón một cái Tết đầm ấm ở quê nhà. Về nước, gặp lại người thân, bạn bè, học trò - với nghệ sĩ Kiều Hưng là về lại chốn bình yên...

Ca sĩ Kiều Hưng về Hà Nội đã nửa tháng nay, nhưng ông khá kín tiếng khiến không nhiều người biết. Ông có liên lạc với một số người thân, nhưng lại không biết rằng đầu số điện thoại ở trong nước đã thêm số “3” vào sau mã vùng, nên gọi mãi không được. Nhưng được tin “thầy” về, một số học trò thân thiết của ông vội vã đến thăm ngay, bởi họ đều biết trước đó ít lâu ông mới trải qua một cơn đột quỵ, tưởng rằng nguy hiểm đến tính mạng và phải trải qua đợt điều trị dài ngày. Vậy mà ông còn về được đến quê nhà để chữa bệnh và ăn Tết, còn nhớ và gọi được điện thoại cho người thân, học trò chẳng phải là một điều đáng mừng lắm sao?

Trở về sau cơn bạo bệnh…

Nhờ sự chỉ dẫn của ca sĩ Đức Chính, tôi đã tìm đến ngôi nhà của ca sĩ Kiều Hưng ở một con ngõ của phố Hào Nam, đã thấy có một số học trò của ông đang ở chơi, mừng mừng tủi tủi. Ngoài ca sĩ Đức Chính, Tiến Hỷ là học trò còn có ca sĩ Ngọc Khang, Trường Bắc... những người tuy không được “thầy” giảng dạy trực tiếp, nhưng lúc nào cũng coi ông như một người thầy đáng kính. Nhiều năm xa cách, cũng không làm thứ tình cảm thầy - trò ấy nhạt phai.

Họ cùng nhau nhắc lại kỷ niệm với thầy, về người mẹ sớm hôm tần tảo của ca sĩ Kiều Hưng - người mà mỗi lần nhắc đến ông đều rớm rớm nước mắt... Nghệ sĩ Kiều Hưng xúc động, đôi mắt ông cứ chớp liên hồi như để ngăn những giọt lệ có thể trào dâng trong đôi mắt đượm buồn ấy. Nhưng có lẽ, người xúc động hơn là vợ ông - bà Việt Bắc - người đã cùng với ông vượt qua bao sóng gió của cuộc sống, của bệnh tật để đưa ông về tới quê nhà như hôm nay. Bà Bắc lật đật chạy đi chạy lại, pha nước, lấy cái nọ, cái kia, rồi chụp ảnh ghi lại những khoảnh khắc đáng quý ấy... Còn ca sĩ Kiều Hưng đứng dậy đi lại trong nhà để cho các học trò thấy rằng sức khỏe của ông vẫn khá lắm. Và ông cất tiếng, hát bài Nhớ quê - một bài hát do ông sáng tác từ năm 1991 (phỏng ý thơ của Thái Công Khanh) khi mới rời nhà sang Nga trong nỗi nhớ nhung da diết về mảnh đất quê hương ruột thịt...

Đó là giọng hát của con người tài hoa một thuở, giọng hát từng ghi dấu ấn không thể phai nhòa với lứa khán giả sinh ra và lớn lên trước những năm 1990. Tên tuổi Kiều Hưng gắn với những bài hát đi cùng năm tháng như Bài ca trên núi, Trước ngày hội bắn, Chiếc khăn piêu, Rặng trâm bầu, Du kích sông Thao, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Anh ở đầu sông em cuối sông, Về thăm mẹ, Tiếng đàn bầu... Tuổi tác cùng với việc trải qua cơn bạo bệnh nên đến nay giọng hát đã không thể nào được như xưa. Việc phát âm của ông thi thoảng bị vấp và đôi khi ông cũng bị quên lời... Chỉ có niềm đam mê ca hát là vẫn chưa hề nguôi quên.

Mấy chục năm xa xứ, ông cũng đã sáng tác được khoảng 30 bài hát, trong đó có những bài trở nên khá phổ biến như bài Nhớ quê, Tiếng ru, Lá quê hương... Ca sĩ Kiều Hưng ngậm ngùi tâm sự: “Riêng bài Nhớ quê, hầu như trong bất kỳ buổi biểu diễn nào tôi cũng hát. Bài hát ấy như nói thay lòng tôi. Tôi muốn nói rằng, dù ở đâu, làm gì lòng tôi cũng luôn hướng về đất mẹ và tha thiết mong ngày trở lại. Và khi tôi hát xong, cũng có những người Việt xa xứ như tôi chạy lên ôm tôi và khóc...”.

Ca sĩ Kiều Hưng ở tuổi 74

Họa mi chưa thể ngừng hót!

“Lá rụng về cội” - đó chính là tâm tư của Kiều Hưng cũng như của nhiều người con xa xứ. Và có lẽ, ở cái tuổi “cổ lai hy”, lại vừa trải qua cơn bạo bệnh nên ca sĩ Kiều Hưng lại càng tha thiết mong được trở lại quê nhà hơn bao giờ hết. Về lần này, ông ở lại Việt Nam 3 tháng. Đầu tiên là để chữa bệnh bằng phương pháp đông y kết hợp với xoa bóp, bấm huyệt của các bác sĩ ở Bệnh viện Y học dân tộc Quân đội. Sau là để đón một cái Tết hương vị quê nhà đầu tiên sau 20 năm kể từ ngày ra đi. Ca sĩ chia sẻ: “Trong tâm khảm tôi luôn muốn được sống nốt phần đời còn lại ở quê nhà - nơi tôi được sinh ra, lớn lên, tỏa sáng trên con đường nghệ thuật, nơi là tất cả phần đời trai trẻ đẹp đẽ không thể nào quên của tôi. Quê nhà với tôi là chốn thật bình yên...”.

Trong buổi chiều hôm ấy, những người thân, bạn bè của ca sĩ Kiều Hưng nhắc nhiều đến hai từ “số phận”. Là cái số của Kiều Hưng nó thế, long đong lận đận từ thời trẻ, đến tuổi biết được mệnh trời thì lại lang thang phiêu bạt xứ người và cũng có những ngày tháng thật buồn. Nhưng ngay cả khi phải làm nhiều nghề để kiếm sống, ca sĩ Kiều Hưng tâm sự rằng, ông chưa bao giờ ngưng hát. Ông hát ở bất cứ nơi đâu, trong nhà máy nơi ông làm việc, hội sở, quán ăn, nhà hàng và sẵn sàng hát không cần cát-xê. Chỉ cần được hát mà thôi. Bởi ông quan niệm rằng, trời cho mình tiếng hát, mình phải hát phục vụ mọi người. Và dường như, với ông, hát còn là để thỏa lòng mong nhớ.

Ông thường tâm sự với người thân rằng: “Đời ca sĩ như con chim họa mi. Khi họa mi ngừng tiếng hót, có nghĩa là nó đã chết...”. Có lẽ bởi thế mà trong trái tim ca sĩ Kiều Hưng, có lẽ tiếng hát chưa bao giờ ngừng nghỉ. Ông có người con trai là Kiều Hải cũng theo nghiệp cha, là một tên tuổi được biết đến nhiều trong cộng đồng người Việt ở Đức. Kiều Hải đã hòa âm phối khí sẵn cho cha mấy chục bài hát từ trước khi ông bị tai biến (tháng 4/2009). Và điều này quả thực là một may mắn lớn với ông.

Lần trở về này, ông muốn xin phép để ra album cá nhân với mong muốn lưu lại và phổ biến giọng hát của mình với khán giả trong nước vốn luôn dành cho giọng hát Kiều Hưng nhiều tình cảm yêu mến. Đồng thời, ông cũng muốn xin phép xuất bản một tập sách nhạc tập hợp những bài hát do ông sáng tác trong những năm tháng xa quê hương. (Ở lần trở về trước, nghệ sĩ Kiều Hưng đã đến Cục Bản quyền tác giả để đăng kỳ bản quyền đối với hơn 20 tác phẩm âm nhạc của mình- PV). Với ca sĩ, có lẽ, bây giờ đó là cách tốt nhất để ông tái ngộ với khán giả trong nước, bởi với tình trạng sức khỏe như hiện nay, thật khó khăn để ca sĩ tài danh một thuở ấy thể hiện mình, tái ngộ với khán giả một cách hoàn hảo trên  sân khấu lớn.

Sẽ “về hẳn” quê hương?

Ca sĩ Kiều Hưng ngồi đó trầm tư, dáng người nhỏ bé, gương mặt đôn hậu hiền hòa, nhưng trong lòng ông những con sóng chắc hẳn chưa ngừng. Chỉ khi nào được “về hẳn”, có lẽ lòng ông mới có lại những giây phút bình yên. Ông cũng dành cho người vợ của mình – bà Việt Bắc những lời trân trọng, ân tình: “Không có bà ấy chăm sóc, thì lần bệnh vừa rồi cũng nguy mất!”. Từ lâu, họ đã mua một ngôi nhà ngay ở phố Hào Nam như một sự chuẩn bị âm thầm cho ngày trở lại. Căn nhà ấy, lúc họ đi vắng lâu ngày, không ai ở nên cho thuê như để có người trông nhà. Gần đây, nó được sơn sửa thật khang trang, đẹp đẽ, trên tường còn có những bức tranh đẹp, cho thấy gia chủ đã chuẩn bị cho mình một đời sống tinh thần phong phú, dài lâu.

Ca sĩ Kiều Hưng bộc bạch: “Mới có 6 năm kể từ lần về trước mà Hà Nội đã thay đổi nhiều. Nhà cửa đường xá, con người đều như đẹp lên, nhưng giao thông thì quá đông đúc nên tôi vẫn chưa quen lắm. Về Hà Nội đã nửa tháng rồi mà vẫn chưa đi thăm thú đâu... Để thư thư vài bữa nữa đã...”. Có lẽ cũng là bởi, trong lòng ông vẫn còn vấn vương đôi chút ngần ngại chưa tiện nói ra.

Tôi ra về trong lòng dâng lên một nỗi niềm khó tả. Tôi vui vì trong đời mình không ngờ còn được gặp gỡ, trò chuyện với ca sĩ mà tôi thầm ngưỡng mộ từ lâu. Tôi bị ám ảnh bởi lời tâm sự quá đỗi thành thật, chân thành của bà Việt Bắc, nhân lúc tôi nói về giao thông ở Hà Nội: “Mỗi con người sống trong dòng chảy cuộc đời cũng giống như đang tham gia giao thông. Mà đã tham gia giao thông thì có va quệt. Ai không may mắn trong dòng người ấy thì bị tai nạn, trong đó có người bị thương nhẹ, có người bị thương nặng, có người mất cả cuộc đời...”. Và tôi biết rằng, hồ sơ đề nghị phong tặng NSND năm 1991 của ca sĩ Kiều Hưng có chữ ký của NSND Chu Thúy Quỳnh - Giám đốc Nhà hát Ca múa Nhạc Trung ương lúc bấy giờ - vẫn còn nguyên ở trên gác của ngôi nhà. Bởi vì, đó cũng chính là thời điểm ca sĩ Kiều Hưng ra đi và lưu lạc từ đó đến nay...

Hà Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm