20/11/2011 10:11 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Cuối tuần) - Trả lời phỏng vấn báo Tiền phong sau đêm diễn live show Chế Linh ở Trung tâm hội nghị Quốc gia tối 12/11, ông Phạm Quang Long, người trước đó được ví như “hiện tượng Đinh La Thăng” trong giới showbiz Việt khi “dám” tước giấy phép của chương trình này vì những sai phạm trong tổ chức biểu diễn, nói rằng ông bị bất ngờ đến không tưởng tượng nổi về “sự bất thường” của nó. Còn tôi lại bất ngờ về sự bất ngờ của ông Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội.
Ngày 1/11, Sở VH,TT&DL Hà Nội ra quyết định thu hồi giấy phép biểu diễn live show ca nhạc Chế Linh tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Hà Nội ngày 12/11, quyết định do ông Phạm Quang Long, Giám đốc sở ký. Lý do được nêu rất rõ: đơn vị tổ chức biểu diễn live show - công ty TNHH giải trí Bích Ngọc đã có nhiều sai phạm trong tổ chức biểu diễn, như quảng cáo không đúng tên chương trình xin phép, treo băng-rôn không đúng quy định, chưa thực hiện bản quyền tác giả…, đã nhiều lần nhắc nhở, thậm chí xử phạt hành chính nhưng vẫn không sửa!
Tôi không bất ngờ với quyết định cứng rắn của Sở VH,TT&DL Hà Nội. Sai phạm thì chắc chắn phải bị chế tài sau khi đã nhắc nhở mà không tiếp thu, sửa chữa - sao phải bất ngờ? Bất ngờ có chăng, chỉ là bởi lâu nay hiếm thấy các cơ quan quản lý văn hóa cương quyết như thế trước những sai phạm về văn hóa. Lâu nay, những sai phạm trong lĩnh vực này, như hát bài chưa được cấp phép phổ biến, tự sửa lời hoặc tên tác giả để “qua cửa” kiểm duyệt, thời trang phản cảm, trình diễn những bộ thời trang không được cấp phép gây sự cố..., thường được luận tội rất “ầm ĩ” trên báo chí, nhưng chế tài chỉ là xử phạt dăm ba triệu - những con số là “muỗi” đối với những “dân chơi sá gì mưa rơi” này. Với giới biểu diễn, họ chỉ sợ nhất bị phạt không cho diễn, còn nộp phạt ư, xin sẵn sàng (đôi khi, thậm chí nộp phạt cũng là một cách để nổi tiếng!).
Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Phạm Quang Long (trái) và
ca sĩ Chế Linh trong cuộc họp báo trước live show
Ông Long đã đánh đúng vào nỗi sợ nhất của nhà tổ chức biểu diễn: thu hồi giấy phép biểu diễn, nói thẳng ra là cấm diễn. Ông, thậm chí còn lường hết mọi mánh lới của giới bầu sô, nên một tuần sau khi ra quyết định nói trên, Sở VH,TT&DL Hà Nội tổ chức hẳn một cuộc họp báo tái khẳng định quan điểm của mình, đồng thời cũng “rào trước”: Ngay cả nếu một đơn vị khác xin tổ chức live show Chế Linh với đúng nội dung như công ty Bích Ngọc xin cấp phép cũng không được chấp nhận!
Ấy vậy mà ông Long đánh đúng lại chưa trúng. Chỉ 2 ngày sau, chương trình bị Sở VH,TT&DL Hà Nội rút giấy phép đã có giấy phép mới, với một đơn vị tổ chức mới - Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, do Cục NTBD, cơ quan quản lý văn hóa cấp Bộ, nghĩa là vượt cấp của ông Long, ký cho phép tổ chức với thời gian, địa điểm và nội dung không thay đổi. Nhiều người bất ngờ, báo chí bất ngờ, có thể cả ông Long cũng bất ngờ. Mà thực tế thì không có gì bất ngờ cả.
Bởi lẽ, ngay sau buổi họp báo nói trên, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã mục kích vé live show Chế Linh “vẫn được bán ra từ quầy bán vé chính thức, cùng những khẳng định “chắc nịch” chẳng kém từ phía công ty Bích Ngọc, với ý rằng, cứ mua vé đi, đừng có... sợ!”. Đơn vị tổ chức biểu diễn xem chừng còn “cứng” hơn cả ông Long. Tại sao họ có thể “cứng” được như vậy vào thời điểm mà bất cứ bầu sô nào cũng lo sốt vó trừ phi họ đã biết “kiểu gì ta cũng diễn, đừng có… dọa!”.
Thực ra chiêu “đội mũ” nhà tổ chức khác để lách cơ quan quản lý văn hóa như cách mà công ty Bích Ngọc đã làm chẳng có gì lạ, cũng chẳng có gì mới. Thì chính ông Long cũng biết thế, nên đã “nắn gân” trước trong cuộc họp báo. Nhưng biết thì biết vậy chứ… làm gì được nhau? Thay cho một công ty TNHH tư nhân, chương trình Chế Linh lần này “oai” hơn khi có một đơn vị trung ương - Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc - đứng ra tổ chức. Và vì là nhà hát thuộc trung ương nên đơn vị này không cần thiết xin giấy phép của cơ quan quản lý văn hóa địa phương là Sở VH,TT&DL Hà Nội, mà xin thẳng cấp trung ương, tức Cục NTBD, Bộ VH,TT&DL. Ở đây “lệ làng” của ông Long đã thua “phép nước” của ông Biên!
Thấy trước từ lâu những phân cấp quản lý văn hóa rất chặt chẽ nhưng cũng vô cùng nhiều… “cửa thoát hiểm” như vậy nên những người nằm trong giới showbiz ở Việt Nam không ai tỏ ra bất ngờ với hai quyết định trái ngược đến liên tiếp từ hai cơ quan quản lý văn hóa cùng Bộ nhưng khác cấp này. Tất nhiên, lý do để Cục NTBD cấp giấy phép mới cho chương trình cũng đã được ông Biên giải thích rất thấu tình đạt lý là: “Nhằm đảm bảo quyền lợi cho khán giả và các ca sĩ Việt kiều về nước biểu diễn. Cần xử phạt đúng người, đúng tội”. Vì vậy không nên bất ngờ và ngạc nhiên. Có chăng, chỉ ngạc nhiên là hình như dòng nhạc của ca sĩ Chế Linh với rất nhiều tên gọi dân gian là “nhạc vàng”, “nhạc sến” có xuất phát từ phía Nam chứ không có hơi hướng liên quan gì đến “nhạc dân gian phía Bắc”, nhất là “nhạc dân gian Việt Bắc” cả. Và điều này thì chắc chắn: không phải chỉ có Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc mà cả những nhà tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp nhất thế giới cũng không thể điều hành một live show chỉ 4 ngày sau khi tiếp nhận như vậy.
Vậy thì có gì mà bất ngờ khi trong đêm diễn 12/11 vừa rồi, ông bầu bị rút giấy phép đường hoàng bước lên sân khấu đại diện cho ban tổ chức trao tặng quà? Và cũng sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu như ngày 23/11 tới đây, live show Chế Linh sẽ căng băng-rôn trước mặt tiền Nhà hát Lớn Hà Nội, đúng như tuyên bố của ông bầu này trước khán giả đêm 12/11 rằng chương trình “sẽ còn tiếp diễn” trên sân khấu Hà Nội, thậm chí còn “mời khán giả đặt mua vé theo số điện thoại cũ”, như một “thách thức” lệnh “cấm vận” 6 tháng của ông Long!
Vậy nên tôi bất ngờ lắm khi nghe nói ông giám đốc Sở bất ngờ đến không tưởng tượng nổi những bất thường trong một chương trình biểu diễn được đánh giá là tốt, không có gì sai phạm. Chuyện đương nhiên là thế, sao lại bất ngờ, thưa ông Phạm Quang Long?
G.P.S
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất