Cổ nhạc lên mạng xã hội (Bài 2)

08/06/2011 07:23 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Tách tách tách, tiếng bàn phím vang lên nhẹ mà chắc như tiếng gõ phách. Màn hình hiện dần lên dòng chữ: “Hi, chị Huệ ơi, tuần này em có thể nghe hát vào hôm nào ạ?”. Chủ nickname Thành Thịnh vươn vai sau khi “gửi lời hỏi thăm” trên trang mạng Facebook. Chắc chắn, cậu sẽ nhận được câu trả lời về thời gian, địa điểm buổi biểu diễn tới của nhóm ca trù Thăng Long. Ca trù Thăng Long hiện đang nhờ mạng xã hội để thu hẹp khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả.

>> Chuyên đề: PR cho cổ nhạc

Bạn của bạn cũng là bạn

Khi số bạn trên trang Facebook của nhóm ca trù Thăng Long vượt quá con số 5.000, đào nương Nguyễn Thị Huệ đã phải tính đến chuyện mở trang Facebook thứ hai của nhóm. “Mỗi trang Facebook chỉ cho phép có 5.000 bạn. Do đó, chúng tôi “dư ra” hơn 1.000 người muốn kết bạn. Vì thế, tôi quyết định mở thêm trang để mở rộng mối quan hệ trên mạng xã hội này”, người đứng đầu nhóm ca trù Thăng Long cho biết.

Một người bạn nước ngoài comment bên dưới ảnh trò chuyện với ca nương Phạm Thị Huệ được đăng trên mạng xã hội Facebook của câu lạc bộ ca trù Thăng Long. (Ảnh chụp màn hình).

Thực tế, Facebook đã mang đến cho ca trù Thăng Long nhiều khán giả. Trong số đó, có những khán giả khiến chị Huệ nhớ mãi. “Chúng tôi không quen biết nhau cho đến khi họ gửi câu hỏi và tôi trả lời qua Facebook. Phần lớn hỏi về địa điểm sinh hoạt và lịch hoạt động. Rồi họ tới. Có người khi gửi câu hỏi còn đang ngồi trước màn hình một máy tính ở TP.HCM. Rồi tuần sau, người ấy đã có mặt tại Hà Nội để xem nhóm hát”, chị Huệ nói.

Mạng xã hội còn giúp ca trù Thăng Long liên kết với những người bạn ngoại quốc. Qua Facebook, một giáo sư đàn piano người Singapore sang thăm Việt Nam đã chia sẻ đường link bài viết về cảm xúc của ông khi nghe nhóm ca trù của chị Huệ biểu diễn. Thậm chí, một người bạn ngoại quốc đã đặt mua CD ca trù mới phát hành của Huệ ngay trên trang nhà của chị.

Tương tự với trường hợp của ca trù Thăng Long, nhóm Tiếng hát quê hương của nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng cũng hoạt động khá hiệu quả trên mạng xã hội Multiply của mình. Nhiều nhất là các video, hình ảnh các buổi sinh hoạt đều được cập nhật đầy đủ. Tuy không sôi động như Facebook, nhưng trang của Hải Phượng cũng thu hút được khá nhiều bạn. Những trao đổi về thông tin khóa học, học phí của nhóm đều được trao đổi tại đây. GS Trần Văn Khê cũng không ít lần vào đây comment. Kéo theo ông là rất nhiều bạn hải ngoại yêu nhạc truyền thống Việt Nam. Thực tế, bên cạnh Multiply, nhóm Tiếng hát quê hương đều có địa chỉ trao đổi trên Facebook, YouTube song hành cùng website chính của mình.

Hiếm hoi mới có một du khách nước ngoài tìm tới  canh quan họ làng Đặng Xá. Ảnh: Bùi Trọng Hiền.


Đâu chỉ là lời tự sự

Nhưng không phải câu chuyện Facebook của chị Huệ lúc nào cũng suôn sẻ. “Thời kỳ đầu mới quảng bá nhóm trên mạng, tôi dùng Yahoo 360. Tôi vẫn nhớ ngày đầu khởi tạo trang là một đêm Thu. Tôi còn hát bài Cảm Thu Tiễn Thu của Tản Đà. Lập trang xong là “add” (viết bài) ầm ầm. Ngày nào tôi cũng viết bài thay cho nhật ký, cứ thế mà tự sự”, chị Huệ chia sẻ.

Nếu viết blog đơn thuần là tự sự thì khi lập Facebook với mục đích quảng bá, chị Huệ gặp nhiều khó khăn. Từng có lần trên trang của chị diễn ra tranh luận nảy lửa về việc đưa hay không đưa một vài đường dẫn bài lên. Chưa kể, việc có tới hai trang mạng Facebook cũng không vì thế khiến số bạn trên đó liên kết tốt với nhau. “Tôi hiện đang loay hoay không biết làm thế nào để kết nối số bạn của cả hai trang đó. Một mình lo cả, sự việc ngốn quá nhiều sức tôi”, chị Huệ cho biết.

Theo PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, mạng xã hội đóng một vai trò rất lớn trong phát triển quan hệ của các cá nhân, tạo các liên kết nhóm trong xã hội hiện đại. Lớn hơn nữa, nó còn giúp kết nối con người với các thế giới khác nhau. Và bởi nguyên lý bạn của bạn cũng là bạn nên với Facebook số lượng bạn bè sẽ tăng theo cấp số nhân.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, truyền thông trên mạng xã hội chỉ thực sự hiệu quả nếu bản thân chủ thể là người năng động và có kiến thức cơ bản về Internet. “Cái khó là đa số nghệ nhân cổ nhạc đều là những người lớn tuổi chỉ quen với việc cầm ca và không hề biết đến cái gọi là “kỹ năng truyền thông”, ông phân tích. Nếu có được những lớp học truyền thông dành cho những người làm cổ nhạc thì quý biết bao, ông Quang ước ao…

Điệp Trần


GS Trần Văn Khê - một kênh PR

Trong khi sử dụng mạng xã hội để quảng bá, các nghệ sĩ đã sử dụng thêm một nguồn lực khác. Đó chính là những nghệ nhân, nhà nghiên cứu nổi tiếng. Uy tín, hiểu biết, cách thức vận hành công việc quảng bá của họ khiến việc truyền thông đạt hiệu quả cao.

GS Trần Văn Khê không phải cái tên xa lạ với cổ nhạc Việt Nam. Ông chính là người đã truyền bá cổ nhạc Việt Nam bằng những buổi biểu diễn có thuyết trình ở nhiều nước trên thế giới. Với mạng xã hội, ông cũng “hút” khách bằng những câu chuyện của đời mình.

Chẳng hạn, với trang của nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, người xem làm sao quên được những đoạn văn như: “… Họ (khán giả Pháp thưởng thức ca trù - NV) đến bảo với tôi rằng, tuy họ là người ngoại đạo, không hiểu rõ về ca trù như người Việt, nhưng qua tiếng trống chầu họ cũng biết được rằng đâu là cái đẹp, cái hay. Họ biết khi quan viên cầm chầu nghe cô đầu hát mà điểm hai tiếng trống nghĩa là hai giọt nước mắt rớt xuống (song châu), điểm liên hồi có nghĩa là cô đầu hát hay quá, rúng động tâm thần rồi thì nước mắt chảy liên hồi để diễn tả sự tán thưởng (liên châu). Hát một câu làm bồi hồi trong tâm khảm, thì là cách phê trống xuyên tâm… Người Pháp mới nghe mà thưởng thức được như vậy, người Việt còn tinh tế đến đâu?”.

Không chỉ có thế, cách thức truyền thông của ông về cổ nhạc qua những quán ăn cũng rất thú vị. Hồi những năm 1959, 1960 ông đã tham gia tổ chức loại hình này cho một quán ăn của ông Phạm Văn Mười tại Pháp. Ông Mười khi đó muốn tổ chức một quán ăn Việt đúng nghĩa, từ trang trí đến thức ăn và âm nhạc góp vui. Chương trình giới thiệu âm nhạc Việt Nam khi ấy chỉ dài 15 phút.

Ngoài ra, GS Trần Văn Khê khi ấy còn nghĩ ra trò chơi kết hợp âm nhạc có tên “Công cử thượng quan”. Ai rút trúng bài sẽ được làm thượng quan. Khi ông xướng “tấn y phục”, lễ phục được người mặc áo thụng như học trò lễ, đi theo nhịp trống bưng tới… Sau đó là tấn tửu với chén rượu nhỏ xíu, khi uống phát ra tiếng líu ríu như chim kêu; tấn lễ vật với sợi dây chuyền có chữ Phước hoặc Thọ… Văn hóa Việt qua cách “tổ chức PR” của ông đã trở thành niềm vui, thu hút lượng lớn người xem. Sau này, nhà hàng còn tổ chức cả câu lạc bộ những người đã làm thượng quan…

Nhìn những cách thức tổ chức giới thiệu văn hóa, cổ nhạc Việt của GS Khê để càng thấy rõ chúng ta cần những người có chuyên môn, khả năng tiếp cận thế giới trên lĩnh vực này như thế nào.

K.T

Bài kết: Người tài tử làm web tài tử

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm