28/03/2011 08:10 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Cuối tuần) - Một ca sĩ có thể tỏa sáng một mình trên sân khấu. Một nhạc sĩ có thể viết một bản “hit” chỉ với một cây đàn guitar. Một tập thể nhỏ có thể hoàn thành một album xuất sắc. Nhưng để có khoảng 120 phút trên sân khấu của một chương trình biểu diễn thì có khi phải huy động cả trăm con người, và những khoảnh khắc (trên sân khấu) ấy không bao giờ lặp lại. Sau những gì chúng ta - khán giả, đã được xem trong một năm qua, hãy nghe chính “đầu bếp” của những “đại tiệc âm nhạc” nói về những gì họ đã cống hiến.
>> Chuyên đề: Giải Âm nhạc Cống hiến 2010
Đạo diễn Huyền Thanh (Đạo diễn Sao Mai - Điểm hẹn): Sao Mai - Điểm hẹn không đơn thuần là một cuộc thi
Sao Mai - Điểm hẹn (SMĐH) năm nay có một số thay đổi khác biệt hẳn so với các năm trước, ví dụ như trước có 12 thí sinh giờ là 16 người, điều đó có ý nghĩa tạo điều kiện nhiều hơn cho các thí sinh được tham gia trực tiếp vào chương trình. Và cũng vì điều đó mà việc lựa chọn cũng khắc nghiệt hơn, đòi hỏi các thí sinh căng hết sức để có thể không bị loại ở tuần tiếp theo. Không như những năm trước là 5 tuần đầu thì thế nào cũng được có mặt trên sân khấu, giờ chỉ có 3 tuần thôi sẽ bị loại, mức độ rủi ro sẽ cao hơn.
Chương trình Sao Mai - Điểm hẹn. Ảnh: V.C
Đứng ở góc độ chuyên môn, tôi luôn muốn SMĐH phải chứng tỏ được chất lượng của mình ở giọng hát của các thí sinh. Ngay từ những vòng ngoài, chúng tôi đã lọc lựa rất cẩn trọng, đề cao chất lượng giọng hát và điều đó có thể thấy ở vòng trong chất lượng các ca sĩ đều tương đối ngang bằng và ổn định. Cái quan trọng hơn mà tôi thật sự mong muốn, SMĐH không chỉ đơn thuần là một cuộc thi mà còn là một bệ phóng cho những giọng ca được đi xa và thành công. Hiện tại, tôi vẫn dõi theo bước đi của các Sao mai vừa qua như Minh Chuyên, Hà Hoài Thu, Đinh Mạnh Ninh… họ rất đều show, điều đó chứng tỏ họ được quan tâm và những nhà tổ chức đều để mắt tới họ.
Đề cử Chương trình của năm 1. Điều còn mãi (Vietnamnet) 2. Ngọn lửa cao nguyên (Y Moan) 3. Sao Mai - Điểm hẹn (VTV) 4. Vietnam Idol (VTV) 5. Yêu (Thanh Lam - Tùng Dương)
(Theo th ứ tự A, B, C)
Tất nhiên chương trình nào cũng có eo sèo này kia nhưng tôi nghĩ ở SMĐH, điều này không lớn và cũng không đáng kể. Từng chương trình tiếp theo, chúng tôi cố gắng giảm thiểu những vấp váp của lần trước và nâng cao chất lượng hơn.
Được đề cử vào chương trình Cống hiến, chúng tôi, những người làm chương trình SMĐH, cảm thấy rất vui. Những tâm huyết của chúng tôi đặt vào đó và được nhìn nhận.
Họa sĩ Trần Lương (Đạo diễn Yêu): Không ngạc nhiên nếu Yêu đoạt giải Cống hiến
Với tôi, những khó khăn của Yêu khi thực hiện trong thời buổi mà ý nghĩa của 2 chữ “live show” đã bị bão hòa và công chúng phần đông không còn hứng thú là những yếu tố sau:
- Ở đây phải phân biệt ra 2 xu hướng live show giải trí và hàn lâm (dĩ nhiên trong mỗi xu hướng này vẫn có phẩm cấp và mục tiêu cao thấp khác nhau). Theo tôi thì phần lớn live show gần đây là dòng giải trí: nặng về hiệu ứng sân khấu, trang phục, múa phụ họa và cả PR… Nhưng phần trung tâm là âm nhạc và phẩm chất của ca sĩ phần lớn là yếu! Với những show theo hướng hàn lâm cũng còn bị hạn chế bởi chưa có đủ tác phẩm chất lượng cao, hoặc sáng tác có tính cách mạng trong âm nhạc. Về phía thể hiện tác phẩm thì không những cần ca sĩ và nhạc công có phẩm chất chuyên môn cao mà còn cần phải có tri thức (văn hóa) nữa. Tôi nói thế là đụng chạm rồi nhưng vẫn phải nói thêm là “sao” ở ta có tầm nhìn văn hóa ngắn quá!
Chương trình Yêu. Ảnh: Gia Tiến
Có thể nói Yêu là chương trình sạch vì mục tiêu ngay từ ban đầu của live show này là tập trung vào âm-nhạc hơn là phần trình-diễn. Tiếng vang thành công của Yêu trước hết phải kể đến ý tưởng và công lao động nghệ thuật nghiêm túc của 2 ca sĩ Thanh Lam và Tùng Dương. Sau đó là sự cộng tác của ê-kíp để có được thỏa thuận về phương hướng nghệ thuật cho show diễn. Về cơ bản chúng tôi đạt được những tiêu chí ban đầu: Từ khâu tuyển chọn tác phẩm, cách thể hiện, hướng hòa âm phối khí, trang trí sân khấu và ánh sáng… để show diễn đẹp về mặt thị giác và có chất lượng chuyên môn cao. Yêu là một tập hợp các ca khúc về tình yêu để lại dấu ấn trong tâm tưởng người nghe mấy thế hệ, được sáng tác trong hơn nửa thế kỷ qua. Chúng tôi bàn bạc và ưu tiên tuyển chọn các tác phẩm có chất lượng âm nhạc, có cấu trúc và giai điệu tinh tế và đôi khi phức tạp để ca sĩ có nhiều đất thể hiện. Tiết tấu nhanh hơn một chút để hòa nhập với tâm lý sống công nghiệp và đồng thời cũng thả lỏng nhịp với nhiều chất hàn lâm hơn, thay bằng cách giữ nhịp đều đặn của nhạc xưa bằng slow, bolero hay boston…
Tiêu chí tập trung vào âm-nhạc không có nghĩa là phần trình-diễn bị coi nhẹ mà cần phải đơn giản nhưng tinh và sâu. Phần trang trí sân khấu chỉ với 2 clip mây trôi thay đổi nhiều sắc độ. Ánh sáng không chuyển động, không chớp giật. Tuy nhiên phần thị giác (gồm ánh sáng, projection và phục trang) được nghiên cứu sâu và thiết kế riêng với cấu trúc đa năng sao cho hòa sắc phù hợp với sắc thái của giai điệu và nội dung (giàn đèn được lắp đặt lại toàn bộ theo phong cách ma trận). Và ngay cả chi tiết nhỏ nhưng cũng dễ làm nồi canh mất ngon là nhà tài trợ đồng ý cho logo xuất hiện rất khiêm tốn nên không tạo nên sự chướng mắt hoặc vênh thẩm mỹ nào cho chương trình. Tôi thầm cảm ơn và trộm nghĩ giá mà nhà tài trợ nào cũng sang trọng như vậy thì phúc cho nền nghệ thuật của ta biết mấy. Thật lòng tôi chưa thực sự thỏa mãn với Yêu vì còn một chút le lói tính mặt trận trong list bài hát, hay sự vội vàng trong hòa âm, phối khí. Sự khó khăn để tìm và mời nhân sự có chất lượng, hay phần nào hạn hẹp về kinh phí làm giảm bớt sự bay bổng của ý tưởng…
(Còn nữa)
Cung Tuy - Huyền Thơ (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất