14/01/2011 14:17 GMT+7 | Âm nhạc
Họ cho rằng hát nhạc bình dân, trữ tình cần mộc mạc, rõ lời ca, phải hiểu rõ nội dung bài hát mới có thể diễn đạt cảm xúc để chạm được trái tim người nghe và nhất là không được... quên lời (vì lời còn quên thì làm sao cảm được cái nội dung sâu xa thâm thúy của nó để chuyển tải tới người nghe). Nhưng xem ra các nhà phê bình đã... nhầm to.
Nữ hoàng rock Mỹ Như
Cái cô ca sĩ Mỹ Như vừa nổi lên ở SMĐH 2010 khá ấn tượng với giọng rock “rừng rú” hừng hực, nhưng đêm 9/1 cô hát bài Biển nhớ của Trịnh Công Sơn. Thay vì lời ca là “đường phố nghe mưa tủi hờn” thì cô hát thành “... yêu thương ngập ngừng”, còn khi hát lần hai (sau giang tấu) thì cô sáng tạo câu này thành “đèn vẫn ngân nga gọi buồn” và còn một số chỗ khác nữa... Nhưng không hề chi, bởi cô có “giọng ca thiên phú” nên bài hát được cô diễn đạt rất sáng tạo và hiệu quả - như sự nhạt nhòa chìm vào trong một chiều mưa trên bãi biển. Quý vị thấy không, hát sai lời thì ăn thua gì.
Diva Mỹ Linh “chết” “bên nàng”?
Với bài Dư âm, có quá nhiều sáng tạo trong lời ca: “đẹp bao giấc mơ” được hát thành “đẹp như giấc mơ”; “gieo muôn ý thơ” được hát thành “soi bao ý thơ”... Tôi còn nhớ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã một lần chia sẻ trên báo là nhiều người thường hát sai đi một chữ làm lời ca của ông vốn phiêu bồng lãng mạn trở thành tầm thường. Mở đầu bài hát với lời ca: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ”, nên câu kết phải là “Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên đàn” (“bên đàn” chứ không phải “bên nàng”). Điều này chắc Mỹ Linh dư sức biết (tôi nghĩ thế) nhưng cô đã hát là “bên nàng” và “đưa anh” được hát thành “đưa em”, nguyên câu Mỹ Linh hát như sau: “Đưa em tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng”! Nếu nói cô không nghiên cứu kỹ lời của bài hát thì không đúng, mà có lẽ đây là sự sáng tạo, bởi hát trong một chương trình nhân danh nhạc “sến” thì sáng tạo như vậy cho nó bình dân. Quá đúng đi chứ! Sau khi cô hát xong khán giả vỗ tay rào rào đã nói lên điều đó.
Ông hoàng nhạc trữ tình Quang Dũng mất tập trung bởi MC?
Hát trong chương trình mà MC là một hoa hậu xinh đẹp, ban đầu tôi cứ nghĩ rằng vì lý do đó nên Quang Dũng mất tập trung và dẫn đến... quên lời bài hát. Nhưng xem ra không đúng, Quang Dũng được xem là giọng ca thượng thặng “chuyên trị” nhạc trữ tình, cái bài Lá đổ muôn chiều này có lẽ anh hát như “cháo” trong sự nghiệp biểu diễn của mình, làm sao mà quên lời được. Nếu nói quên lời thì quên một, hai chữ thôi chứ, đằng này lại quên nguyên cả câu. “Thuyền rời xa bến vắng người ơi” được anh sáng tạo bằng cách ghép phần đầu của câu hát trước đó với phần đuôi của câu hát này: “Cầm bằng như không biết người ơi”, hoặc câu kết “Còn nhớ phương nào hoa đã rơi” được hát thành “Còn nhớ hôm nào hoa đã rơi”. Các bạn thấy “kinh” không? Chỉ có năng lực sáng tạo dữ dội mới dám làm những điều đó...
Hương Lan bình dân hóa “nhạc sang”?
Công chúng TP.HCM ai mà không biết giọng ca Hương Lan, một ca sĩ cựu trào với giọng hát ngọt ngào, da diết, đặc biệt là những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam bộ. Có thể nói chị là chuyên gia hát nhạc bình dân cũng chẳng sai. Cho nên trong bài Đàn chim Việt của Văn Cao (mà tôi nghe nói người ta xếp bài này vào “nhạc sang”), câu “Mờ mờ trong nắng ven trời” chị đã hát hoàn toàn khác: “Hồn còn vương vấn trời xa”, không phải vì chị quên lời mà theo tôi đây là sự “bình dân hóa” chăng, bởi chị đã quen với ca từ mộc mạc như trong các bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè, Còn thương góc bếp chái hè... mà chị từng chinh phục khán giả? Và vì sáng tạo lời ca nên có nốt nhạc được sáng tạo luôn để phù hợp với lời ca!
Còn nhiều trường hợp nữa nhưng tôi không thể nêu hết ra đây và khi nêu những trường hợp như trên, hoàn toàn tôi không có ý phê bình các ca sĩ như các nhà phê bình, nhận định âm nhạc thường “trảm” một cách thô thiển những người hát sai lời. Bởi họ chẳng phải là ca sĩ mới như Lân Nhã, Uyên Linh (cùng biểu diễn trong đêm 9/1) mà là những diva, ông hoàng, chuyên gia, hoặc mới mẻ như Mỹ Như cũng được phong là nữ hoàng, giọng ca thiên phú. Còn các bài hát mà họ hát có phải mới rợi như... Bài hát Việt đâu mà chưa thuộc lời, nó đã có hàng nửa thế kỷ rồi.
Tôi nêu lên những dẫn chứng “hùng hồn” này để muốn nói với các nhà phê bình rằng, các vị phải... thực tiễn, bởi làm gì đi nữa thì cái đích cuối cùng của người ca sĩ là chinh phục người nghe. Các vị có chứng kiến sau mỗi tiết mục của những ca sĩ nói trên, khán giả vỗ tay rào rào như... mưa rào đó không? Nên cái “định luật” hát sai lời mà các vị đã và đang áp dụng để đánh giá ca sĩ là lỗi thời rồi, cần phải xem lại. Với một đẳng cấp nhất định thì việc hát không đúng lời phải được xem là sáng tạo chứ!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất