Ca sĩ Tùng Dương: Kẻ "điên" kiến tạo thế giới?

27/12/2010 08:28 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Phải mất gần một năm trời những hạt Li ti mới ráp nhau trở thành một album hoàn chỉnh. Nó lấy đi của chủ nhân và những người-thợ-thêu một thời gian khá dài cặm cụi. Album Li Ti là một bản dệt đẹp và lần đầu tiên người nghe được chiêm ngưỡng Con cò ngày nào giờ được bay bằng đôi cánh… điện tử.

* Định trình làng album này từ tháng 6/2010, điều gì khiến anh giữ nó lại đến bây giờ?

- Lý do đầu tiên và quan trọng nhất là tôi muốn mọi thứ thật sự hoàn hảo với album này. Bản thân tôi cũng là một người cẩn trọng và người sản xuất album này (Nguyễn Công Phương Nam) còn cẩn trọng hơn rất nhiều. Phối dàn giây với âm thanh điện tử ra sao, mix từng âm thanh như thế nào là một việc rất phức tạp. Đây là một dự án lấy của tôi rất nhiều công sức và cuối cùng nó cũng đã được trình làng.

* Như vậy trong năm nay công chúng được chứng kiến hai Tùng Dương: một của dòng nhạc tiền chiến (album nhạc xưa với các sáng tác của Ngô Thụy Miên, Lam Phương…) và một của nhạc điện tử đương đại. Vậy nửa nào thật sự là Tùng Dương?

- Tất nhiên, cái sau mới thật sự là bộ mặt âm nhạc của tôi vì con đường tôi đang đi được gắn liền với electronica (nhạc điện tử) và tôi luôn muốn truyền nó đến với mọi người. Nhưng ở một góc khuất khác, vẫn có gì đó của một Tùng Dương ngày xưa. Đôi lúc tôi vẫn đi hát những ca khúc tiền chiến, một phần muốn tri ân khán giả, phần khác tôi vẫn thấy mình còn rất thích hát những bản nhạc ấy.

* Có lẽ vì thế mà có lần tôi vừa thấy anh phiêu diêu lả lướt trong đêm nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh bỗng lột xác trong chương trình Cầu âm thanh của Đào Anh Khánh. Có phải sự giằng co ít nhiều giữa hai thể loại này mà năm 2010 chứng kiến một Tùng Dương bớt “điên” hơn?

- Thật ra, tôi luôn “nhập” vào mọi thể loại âm nhạc một cách rất tự nhiên và “điên” là bản chất tự nhiên của tôi trong âm nhạc. Nhưng đúng là dạo gần đây tôi muốn “lắng” nhiều hơn. Trong thế giới electronica, tôi muốn tạo cho mình một không gian âm nhạc riêng, ở đó tôi thỏa sức vẫy vùng nhưng không có nghĩa theo hướng thể hiện thái quá.

* Electronica riêng của Tùng Dương được hiểu như thế nào, có giống với cách mà Hà Trần, Quốc Trung đang theo đuổi?

- Electronica đơn giản là một vương quốc mà ở đó anh được tùy sức chọn bất cứ một nàng công chúa nào hợp với mình. Nhưng anh khó có thể chọn được nhiều lần. Sức ám ảnh của electro là ở chỗ, một khi anh đã yêu nó, anh quyết định trang trí nó như thế nào thì sau này anh vẫn yêu nó như mối tình đầu. Nhạc sĩ Quốc Trung theo đuổi world music, Hà Trần theo kiểu electro-pop. Tôi không chọn techno, trance, house (nhạc sàn) mà chọn ambient, electro-pop kết hợp với giao hưởng. Tôi không dám tự nhận thể loại mình là duy nhất. Electro là dòng lớn, tuy nhiên mọi thể loại đều có chủ, tức đều đã có người tiên phong hết cả. Nước Đức được xem như là cái nôi của điện tử châu Âu, trong địa hạt electronica có hẳn một thể loại lấy tên là Berlin school với những đại diện như Klaus Schulze, Tangerine Dream hay Ashra, toàn những tên tuổi đáng ngả mũ, vậy mà công chúng còn rất ít ỏi. Nói thế để thấy rằng, electronic có mặt tại Việt Nam là một chuyện không dễ dàng và các nghệ sĩ đi theo nhiều dòng khác nhau là một tín hiệu mừng vì sự đa dạng ấy sẽ đem đến cho công chúng nhiều món ngon không giống nhau.

* Đang có sự thay đổi về bản chất âm nhạc của Tùng Dương: nếu Những ô màu khối lập phương mang màu sắc new age với không gian dàn trải, cao rộng thì ở Li ti, mọi thứ như đã định sẵn theo kiểu điện tử của người Đức: câu chữ ngắn gọn; âm nhạc, giai điệu, phối âm nghe chính xác, rành mạch, rõ ràng nhưng đủ sức lôi người nghe phải bật dậy. Điều gì khiến anh thay đổi như thế?

- Thật ra, tôi quyết định làm album này ở Đức là vì hai lí do. Thứ nhất, đó là một trong những cái nôi của nhạc điện tử châu Âu, môi trường âm nhạc ở đấy chắc chắn sẽ có nhiều chất liệu tốt cho dự án của tôi. Thứ hai, ở đó có Nguyễn Công Phương Nam, người mà tôi rất trân trọng. Anh Nam vốn là dân jazz nhưng màu sắc điện tử trong thế giới âm nhạc của anh lại rất dồi dào. Những kỹ thuật, chất liệu, phối âm của anh rất chắc tay. Anh ấy còn là người kỹ tính, kỹ từ cách chọn người đánh trống, chơi cello cho đến những bản mix phức tạp.

Sự thay đổi trong âm nhạc của tôi thật ra chẳng thay đổi mấy. Đó đúng ra là logic hóa con đường tôi đang đi. Bốn năm trước, Những ô màu khối lập phương đã vẽ ra một thế giới âm nhạc đa diện mà trong đó tôi được bay. Còn bây giờ tôi vẫn bay nhưng bằng chất liệu điện tử nhiều hơn. Vẫn không gian ấy nhưng đường bay lại có những ánh đèn, những ánh sáng trừu tượng, sự bí ẩn dẫn dắt. Bên cạnh đó, tôi rất yêu âm nhạc của Bjork, Massive Attack, Portishead…, những chất liệu điện tử thể nghiệm của họ là một thế giới khó có thể cưỡng lại. Họ là niềm cảm hứng xuyên suốt trên con đường âm nhạc của tôi.

* Các thần tượng anh nhắc tới đều là những nghệ sĩ tiên phong trong dòng electronica, âm nhạc của họ luôn gây ngỡ ngàng với công chúng. Anh có hy vọng mình sẽ làm được điều ấy ở Việt Nam?

- Người tiên phong luôn mang những trách nhiệm nặng nề. Tiên phong đi liền với sáng tạo. Tôi không dám nhận mình là người tiên phong nhưng tôi luôn thích sáng tạo. Tôi luôn thích câu “Kẻ điên kiến tạo thế giới”. Tất nhiên, tôi chẳng thể kiến tạo thế giới nhưng những người đi trước đã cho tôi thấy rằng, anh phải có con đường đi riêng của mình và nếu kiên trì lúc nào đó anh sẽ thành công. Tôi luôn “điên” trong âm nhạc, tất nhiên cái điên đó phải xuất phát từ học hành đàng hoàng, nghiên cứu kỹ càng và sẵn sàng đột phá. Có thể không ra nhiều album nhưng tôi nghĩ mỗi album của mình sẽ là một sáng tạo tốt nhất mà tôi có thể đem tới cho công chúng.

* Liệu công chúng có đón nhận điều ấy, hay nhạc điện tử sẽ vẫn “lơ ngơ” trong thị trường nhạc Việt hôm nay?

- Tôi không nghỉ thế bởi thị trường bây giờ nhiều phân khúc đã xuất hiện. Người nghe bây giờ đa dạng lắm và trên các diễn đàn, nhiều khán giả đã viết nhiều bài rất hay về những dòng nhạc kén người nghe. Công chúng của electronica tôi nghĩ là những người thích âm thanh, thích lạ hay rộng hơn, thích cái gì bất thường một chút. Electronica là dòng nhạc ra đời sau, khi con người đã no đủ. Chính vì đã no đủ nên công chúng sẽ khắt khe hơn với dòng nhạc này. Nhưng một khi đã thích thì tôi nghĩ sức quyến rũ của nhạc điện tử là không thể lường hết được. Tôi hy vọng album Li ti sẽ đem lại cảm giác đa chiều cho người nghe.

Album Li ti của ca sĩ Tùng Dương, vừa có mặt trên thị trường, gồm 8 bài, sáng tác của 4 nhạc sĩ trẻ: Sa Huỳnh, Nguyễn Xinh Xô, Lưu Hà An và Nguyễn Công Phương Nam. Tinh thần chính của album là sự hòa quyện giữa âm thanh điện tử với các nhạc cụ giao hưởng, tạo ra một không gian âm nhạc khá ảo, kích thích sự tưởng tượng của người nghe.

Thị trường băng đĩa những ngày này như để bù lại cho gần một năm buồn tẻ đã liên tục xuất hiện những album đáng chú ý. Trước Li ti, là Bây giờ biển mùa đông của Đức Tuấn (nhạc Dương Thụ), Nào ai có biết của Phương Thanh (nhạc Đức Trí). Sắp tới, sẽ là Đoan Trang, Hà Anh Tuấn và Hồ Quỳnh Hương. Một cuộc đua thú vị và công chúng sẽ là người hưởng lợi. Điều này cũng kéo theo một sự cạnh tranh đáng chờ đợi vào giải Cống Hiến 2010.

Cung Tuy (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm