Lê Cát Trọng Lý: Em thèm điên!

06/06/2010 11:25 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Lê Cát Trọng Lý, cô gái vụt sáng lên với giải “Bài hát của năm” của Bài hát Việt 2008, hiện đang ở Huế và cô sẽ tham gia 5 buổi biểu diễn trong khuôn khổ Fesitval Huế năm nay. Sau đó, cô trở ra Hà Nội và tiếp tục tham gia 2 đêm diễn ngày 21, 22/6 tới tại L’Espace. Lý “hot” đến nỗi mà cả hai đêm diễn này tới nay đều đã bán hết sạch vé và L’Espace phải quyết định tổ chức thêm một đêm diễn đặc biệt nữa vào ngày tiếp theo, 23/6.

1.
“Em thèm làm người điên”! Lê Cát Trọng Lý cất tiếng trong trẻo làm rợn da nhiều người tối mồng 4/3 ở Trung tâm văn hóa Pháp. Bài hát mang tựa đề Nghe tôi kể này do chính cô sáng tác. Khuôn mặt thiên thần trên cơ thể mảnh mai trong bộ đồ đen bí ẩn.


Lý “điên”! Sự điên của tuổi trẻ, của sáng tạo, của khám phá. Và trên hết là cái điên bắt nguồn từ máu huyết người nghệ sĩ. Hàng xóm nhà tôi, bác sĩ Pháp đã thốt lên: Cô ấy điên thật, một nghệ sĩ đích thực! Dù bà chẳng hiểu tiếng Việt để nghe Lý hát lời Lý viết: Em thèm điên!

Phải chăng cái làm nên sự đặc biệt cho người nghệ sĩ là sự điên? Phải chăng vì thế rất nhiều ca sĩ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ... đang dùng trăm chiêu ngàn kế để người ta nghĩ rằng mình điên? Van Gogh tự cắt tai mình. Beethoven điếc. Lev Tolstoi bỏ học giữa chừng, say sưa cờ bạc rượu chè phụ nữ... Họ khác biệt và họ là thiên tài. Sự khác biệt từ trong trứng. Sự khác biệt không thể bắt chước. Cái khéo của cô ca sĩ nổi tiếng kia suy cho cùng cũng là muốn tạo nên sự khác biệt với đại đa phần sự buông tuồng, hỗn loạn của giới showbiz. Tuy nhiên, đã trở thành phản cảm vì thái quá.

2. Trở lại trường hợp của Lý. Tháng 12 năm ngoái, tôi gặp Lý tại Sài Gòn lần đầu tiên. Lý ngồi xinh đẹp, im lặng, nhỏ thó, lọt thỏm giữa mấy họa sĩ, nhà văn “lão thành”.

Tôi từng nghe Chênh vênh, nên khi gặp Lý ngoài đời, không khỏi ngạc nhiên. Triết lý đậm đặc của ngôn từ, nhạc tính thảnh thơi, giọng hát bải hoải, tôi đã hình dung khác về em. Lý quá xinh đẹp, quá ngây thơ, và quá trẻ! Song lúc em nói, nhìn đôi mắt trong vắt của em cựa quậy, tôi hiểu em vô cùng đặc biệt. Em mang máu huyết nghệ sĩ tràn đầy trong mỗi mạch máu. Em điên từ chính sự ngây thơ, trong trẻo của giọng hát cất lên lời hoài nghi, thở than, trăn trở của một kiếp sầu.

Em viết và hát về sự sống sự chết hồn nhiên: “Sau vườn nhà em ngàn bầy giun mới sinh. Bên cạnh nhà em hai người sắp qua đời...”. Nghe tê tái.

Mọi người đều biết có bầy giun trong vườn, biết có hai người đang hấp hối, nhưng mấy ai hát thành nhạc, viết thành thơ làm người khác tái tê? Lý nói: “Ban đêm em thường mơ những chuyện lạ kỳ”. Tôi tin điều em nói. Em điên trong từng tế bào. Em khác người, cái khác tự nhiên, cái khác của một trí óc 40 bên trong thân hình 20 đang tìm cách dung hòa.


Nữ nghệ sĩ Lê Cát Trọng Lý
3. Nhiều người sẽ thắc mắc: Cứ điên mới sáng tạo được? Tôi trả lời: Chắc chắn.

Song cần làm rõ hai từ điên và sáng tạo. Điên trong sáng tạo khác tâm thần. Điên ở đây chỉ sự khác người, khả năng linh cảm, “nhập đồng” và hết mình khi vẽ, viết văn, làm thơ, viết nhạc, biểu diễn. Sáng tạo tức làm ra cái mới, hay, lạ lay động tâm hồn người thưởng thức.

Như thế, xem ra cũng không nhiều văn nghệ sĩ thực sự điên trong sáng tạo ở Việt Nam. Nhiều người gặp “ông hoàng truyện ngắn” Nguyễn Huy Thiệp đều cho rằng con người ông không đặc biệt như truyện của ông. Tôi không cho là thế. Ông đặc biệt ở chỗ có khả năng xét đoán người mới gặp hết sức tinh vi như thầy bói. Và cái chính ông đã nhập đồng, gần như trở thành người khác khi nghĩ và dựng nên những hình tượng văn học có một không hai. Cái điên, cái khác người nơi ông là trí tưởng tượng lạ lùng và triết lý sâu sắc từ những điều hết sức bình thường. Cái điên của ông tiềm ẩn bên trong, như Lê Cát Trọng Lý bây giờ, khác cái điên “lộ thiên” của Đào Anh Khánh.

Hiểu rằng điên đóng vai trò quan trọng trong sáng tạo, nhiều văn nghệ sĩ đang cố hết sức thành điên. Không đồng tính cũng giả vờ chỉ yêu người đồng giới, chịu đau đớn thân xác để xỏ khuyên vòng, xăm trổ khắp cơ thể, thỉnh thoảng phát ngôn vài câu làm thiên hạ té ngửa, thỉnh thoảng giở chiêu chê bai, cạnh khóe đồng nghiệp... Tất cả chỉ là tạo vỏ bên ngoài, mà quên tu luyện để thay đổi bên trong. Thành ra làm trò cho thiên hạ cười.

Bùi Giáng năm xưa áo rách miệng cười lang thang hầu khắp ngõ phố Sài Gòn đọc những vần thơ, nhưng ai cũng kính trọng, cũng hiểu đấy là một thi sĩ tài năng. Thế mới biết, cái điên của người nghệ sĩ thực thụ là không thể ngụy tạo. Hay đạo diễn Lê Hoàng, người ta nói Hoàng đanh đá, chua ngoa... Nhưng không ai phủ nhận được sự thông minh, hài hước, tinh ranh của anh. Hoàng giả vờ điên trên nền tảng điên thật của Hoàng. Và sau mỗi cơn điên, Hoàng ngồi gặm nỗi cô đơn hoang hoác trước sau.
 
Đã là kẻ điên sáng tạo, thường cô đơn. Càng cô đơn, lại càng điên. Nhiều tác phẩm bất hủ ra đời từ... điên. Nếu anh giả vờ điên, cái vòng quay trên không xảy ra, sáng tạo sẽ chỉ “vừa tầm” mà thôi. Công chúng ngày nay dễ dàng nhận ra những chiêu bài giả điên, giả quái của văn nghệ sĩ. Và khi quá lạm dụng chiêu bài ấy, trang sức kim cương hóa hàng mĩ ký.
 
* * *

Lại nói về Lý. Em đã điên rồi, em vẫn “thèm điên”. Phải chăng em chưa vừa lòng với những gì mình làm, em muốn những gì em viết ra và hát lên không chỉ làm tê tái người nghe mà còn làm người ta nhớ, người ta say đến điêu đứng? Tôi tin em làm được. Lý còn cả một tương lai dài rộng, thênh thang.

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm