Ca sĩ Tùng Dương: Không dễ dãi với bước đi của mình

18/01/2010 08:46 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Từng kêu chán trên báo chí, nhưng gặp Tùng Dương lúc này chẳng thấy anh có vẻ chán chường nào cả. Anh diện áo mới, xuất hiện liên tục trong các show lớn ở TP.HCM lẫn Hà Nội và có khá nhiều những dự định âm nhạc mới mẻ sẽ thực hiện trong năm 2010.

Không đánh giá cao những người ăn may

* Gần ba năm sau Những ô màu khối lập phương - Album của năm, giải Cống hiến năm 2007 của báo Thể thao & Văn hóa - hình như Tùng Dương mải kiếm sống mà tạm quên đi các dự án nghệ thuật?

- Không phải vậy. Vấn đề là thời gian. Tháng 3/2010, tôi sẽ sang Đức thu âm album với nhạc sĩ trẻ Nguyễn Công Phương Nam. Album đánh dấu nhiều cái mới, sáng tác mới hay một số bài hát được biết đến qua chương trình Bài hát Việt thì cũng được phối mới và nhạc công là người nước ngoài chơi. Đây sẽ là album thể nghiệm tiếp sau Những ô màu khối lập phương, nhưng không phải là album ý tưởng mà mang tính thể loại nhiều hơn, thể loại electronic music (nhạc điện tử - PV). Thể nghiệm này không quá mạnh bạo, vẫn chủ yếu trên nền phiêu linh của giọng hát Tùng Dương. Người cầm lái của dự án này là người Việt Nam nên vẫn rất hiểu “gu” của người Việt và muốn mang đến cho công chúng sự văn minh về âm thanh.

Bên cạnh đó, tôi và ca sĩ Thanh Lam đang lên kế hoạch chọn những ca khúc mà chúng tôi yêu thích nhất để đưa vào một CD. Đó sẽ là sự giao cảm giữa các thế hệ nhạc sĩ từ Thuận Yến, Dương Thụ, Trần Tiến… tới Giáng Son, Đỗ Bảo… Nói rằng, những tên tuổi này sẽ đảm bảo cho chất lượng album cũng đúng thôi, vì chúng tôi muốn đến gần hơn với công chúng. Một mini show của Thanh Lam - Tùng Dương đã được tổ chức tại Hà Nội như một phép thử. Chúng tôi có nhiều điểm rất chung ở thẩm mỹ âm nhạc, trong cách biểu cảm cũng như giọng hát mộc trên nền acoustic. Bản thân chị Thanh Lam là ngôi sao thần tượng của giới trẻ. Một giọng mezzo-alto như chị là hiếm ở Việt Nam. Ở chị luôn luôn là một ngọn lửa cháy. Trong nhiều show diễn, hai chị em tung hứng, từ nhưng bài hát mang tính ca trù, như Chiều Phủ Tây Hồ, hay những ca khúc nhạc xưa: Tình nghệ sĩ, Gửi người em gái miền Nam, hay các bài hát mới: Buồn, hay Chia tay hoàng hôn được phối mới… Tôi không song ca vì chạy theo xu hướng mà đơn giản bởi thích nhau trong âm nhạc. Hồi nhỏ nghe chị hát, thì mơ có một lúc nào đó được song ca với chị. Giờ giấc mơ song ca với thần tượng đã thành hiện thực.

* Nhiều dự án âm nhạc gần đây có sự xuất hiện của các thành phần sáng tạo “ngoại”. Anh phải sang tận Đức để thu âm album mới và mời nhạc công nước ngoài tham gia cũng là theo xu hướng đó?

 - Những nhạc công sẽ chơi trong album của tôi là người giỏi. Họ chơi nhạc cho mình, nhưng người “cầm lái” dự án vẫn là người Việt Nam. Không biết đó có phải là xu hướng không, nhưng một điều đáng buồn là kỹ sư âm thanh ở Việt Nam gần như không có. Nói gần như là bởi họ còn lờ mờ lắm. Họ học theo cách cóp nhặt, cảm tính và rất máy móc chứ không được chuyên sâu. Phòng thu ở trong nước không đạt kỹ thuật theo chuẩn quốc tế dù phương tiện máy móc đều mua ở nước ngoài về. Bởi vì người chỉnh mới là quan trọng. Đó là một trong những vấn đề về âm thanh ở trong nước. Kể cả khi diễn live thì tôi cũng chưa bao giờ thỏa mãn với hệ thống âm thanh… Hơn nữa dòng electronic tôi chọn mạnh hơn ở nước ngoài. Và ngoài ra, nếu thu ở nước ngoài, biết đâu cảm xúc lại mới và khác so với khi tôi hát ở quê nhà…

Có thể tôi giống những người khác ở chỗ đều mong muốn album của mình đạt chất lượng tốt nhất khi thực hiện ở nước ngoài chăng? Còn chất lượng sản phẩm tốt đến đâu thì còn chờ khi nó ra đời có được giới chuyên môn, báo chí và công luận đánh giá cao hay không. Tôi không tự PR bằng những tuyên bố rầm rộ…


* Nếu cho rằng Tùng Dương quá khôn ngoan khi chọn cho mình những ê – kíp sáng tạo trong những thời điểm khác nhau, điều đó có đúng?

 
- Tôi theo thể loại independent - độc lập. Tôi không thích ai chỉ đạo mình phải đi con đường như thế nào. Theo tôi, đó là điều tối kỵ với người làm nghệ thuật. Góp ý chân thành thì tôi nhận, nhưng không ai có thể góp ý cho mình từ A đến Z. Tôi vẫn đang phát triển trên cái nền của tôi, chứ không hát cái gì không phải Tùng Dương. Tôi giữ cá tính của mình. Nhưng quan trọng, tôi đón được thời điểm thăng hoa nhất của người sáng tác. Như trường hợp anh Đỗ Bảo, tôi đã cộng tác cùng anh đúng thời điểm anh dồi dào tư duy sáng tạo. Hay với nhạc sĩ Lưu Hà An cũng là lúc anh cho ra đời Con cò… Tôi nghĩ là mình không quá dễ dãi với những bước đi của mình. Nói thật thành công chỉ dựa vào may mắn thì tôi không phục. Ca sĩ phải có tư duy và chính kiến của mình. Tôi không đánh giá cao những người ăn may.

 Chán nản với thị trường âm nhạc quá nhiều bất ổn

 * Anh có nghĩ âm nhạc cũng đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế?

 - Có lẽ cũng phải có lúc “down” một chút để nghệ sĩ lấy lại năng lượng cho những bước sáng tạo sau này. Thời kỳ ca sĩ ra album để thu bộn tiền hoàn toàn không có. Thế giới cũng thế. Download nhạc ở mạng internet trong tình trạng không thể kiểm soát. Nghệ sĩ tài năng thế giới dùng nhiều chiêu thức PR để người ta phải mua CD của mình, nhưng có vẻ tất cả đều vô ích.

 * Anh nhận xét gì về đời sống âm nhạc Việt năm qua?

 - Năm qua, chất lượng CD theo đánh giá của tôi là èo uột. Nhiều sự kiện âm nhạc lớn được tiếp thị rầm rộ cùng với tuyên ngôn gây sốc của những người làm nghề, nhưng show diễn có chất lượng hiếm. Cái được là ở ta đã có công nghệ lăng - xê ca sĩ hẳn hoi, nhưng đáng buồn là những tuyên ngôn lại quá so với những gì họ làm khiến việc đánh bóng tên tuổi trở nên không hay tí nào. Ví dụ như chuyện một ca sĩ cứ mãi kể về chuyện riêng tư trên báo mà không thấy có hoạt động nghệ thuật gì… Tôi nghĩ, chia sẻ cũng tốt thôi, nhưng phải biết đúng cách và biết điểm dừng.

Đó cũng chính là những lý do gây ra cho những nghệ sĩ chúng tôi tâm lý chán nản. Không phải chán bản thân, mà chán cho thị trường âm nhạc quá nhiều bất ổn. Thực tế, người ta có thể bỏ ra 50.000 đồng ăn một bát phở chứ không bỏ ra số tiền ấy để mua một CD xịn. Món ăn tinh thần là quan trọng, nhưng thị trường âm nhạc đang bão hòa. Số ca sĩ tự phong nhan nhản. Vào Sài Gòn, những người chẳng có tiếng tăm và cũng không hề được học hành bài bản gì về thanh nhạc cũng gắn mác ca sĩ. Nghe nhiều bài hát, tôi phát khóc vì… ca từ, kinh khủng quá. Vì thế, thật đáng buồn, những ca sĩ nghệ thuật, những người làm nhạc đương đại đang bị lép vế.

Điều đó khiến những người làm nghề không thể không suy nghĩ. Trước đây, tôi cho rằng không có bức tường ngăn giữa thị trường và nghệ thuật. Nhưng tôi cho rằng, chính thẩm mỹ dễ dãi của một bộ phận giới trẻ đã tạo ra sự phân cách giữa dòng nhạc thị trường và nghệ thuật.

* Những đồng nghiệp, bạn bè của anh có chung suy nghĩ ấy không?

- Tôi biết, nhiều người đang chán. Họ muốn cống hiến nhiều, nhưng thấy không được đền đáp xứng đáng nên nản lòng. Chị có thể thấy nhiều ca sĩ tên tuổi vài năm rồi không ra đĩa. Nhiều người ra cũng chỉ để ra, không quảng cáo rầm rộ vì thị trường thực sự bão hòa quá rồi. Càng ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt mới, nhưng tài năng thực sự thì ít, người nọ giống người kia.

* Còn anh, Tùng Dương hiện nay dường như cũng khác nhiều so với Tùng Dương ”cực đoan” ngày mới xuất hiện ở Sao mai Điểm hẹn, cũng chịu khó hát nhạc tiền chiến cơ đấy...

- Thời tôi cực đoan chỉ muốn làm cái mình thích đã qua rồi. Hậu Sao mai điểm hẹn 2004, tôi chỉ hát những bài tôi thích. Nhiều nhạc sĩ đưa bài tôi thẳng thắn từ chối. Không phải tôi chảnh. Nhưng tôi theo đuổi đam mê của riêng mình. Giờ tôi thấy nên nhìn vào thực tế một chút. Hình ảnh trước kia của tôi cũng quá là cực đoan. Tóc tai thì bờm xờm, rất bản năng. Với giọng hát của tôi, nhiều người thích thì rất thích, nhưng có người không thích có thể tắt tivi ngay. Bởi vậy mà tôi chọn những bài hát phù hợp với tai người nghe, nhưng vẫn trưng trổ được kỹ năng. Bản thân Những ô màu khối lập phương - một album nặng ý tưởng - cũng phải bật đúng không gian, thời gian. Đi hát một thời gian, tôi thấy mình biết tiết chế hơn. Hình ảnh bây giờ cũng tốt hơn trước.

* Tức là anh cũng đã trở nên thực tế rồi. Đeo đuổi con đường nghệ thuật giờ đây cũng phải giải cả bài toán kinh tế?

- Tôi không muốn nói tới điều đó, nhưng chuyện đó là có thật. Nói trắng ra, chuyện cơm áo gạo tiền là hiển nhiên trong cuộc sống. Nếu không nghĩ tới thì thiệt thòi cho mình. Hãy nhìn giải Grammy của thế giới ngày càng nhường chỗ cho những ngôi sao giải trí như Beyonce. Những năm trước không thế, toàn là nghệ sĩ độc lập, khó nghe, mang tính sáng tạo lớn… Ngày nay, giải thưởng danh giá nhất còn cân bằng được. Một ca sĩ ở dòng nhạc giải trí cũng quá tài năng chứ. Họ là những ngôi sao bốc lửa, nhảy đẹp, hát hay. Để có những giọng hát đẹp như Whitney Houston, Marial Carrey đến giờ là hiếm. Nhân nói về các giải thưởng, tôi cho rằng Cống hiến là giải được giới trong nghề công nhận bên cạnh nhiều giải thưởng cũng có những chuyện thế nọ, thế kia. Nó thể hiện được bộ mặt của showbiz có cả những gương mặt giải trí và những người lao động nghệ thuật thực sự. Có sự tồn tại song song như thế mới là đời sống. Tôi cũng cho rằng, có năm không thể tìm ra album xuất sắc nhất. Tôi nghĩ ta phải chấp nhận thực tế đó, chứ không nên cố để trao cho một album hay một gương mặt nào đó.


* Nếu là người được chấm chọn, anh sẽ bỏ phiếu cho ai?

- Nhìn ở mặt bằng năm nay, tôi không thấy album nào tốt cả. Sự kiện, live show thì nhiều nhưng chỉ là đêm nhạc mang tính tổng kết, chứ không mang tính ảnh hưởng và không được giới trong nghề công nhận.

Tùng Dương yêu là cưới

* Trong tình hình khó khăn hiện nay, nhiều cái trước ca sĩ nói “không”, giờ chuyển sang nói “có”. Tùng Dương giờ có… dễ tính hơn khi nhận show?

- Ai chả muốn kiếm được nhiều tiền. Với tôi kiếm tiền là để làm cái mình thích. Có nhiều người kiếm tiền để mua nhà, mua xe, chơi hàng hiệu… Tôi không phải là người dư dả giàu có như người khác. Có những bạn ca sĩ xuất phát điểm cùng tôi giờ có cả Mercedes, trong khi mình vẫn đi taxi, xe ôm. Tôi sống rất giản dị, để tính những cái lớn, không quan trọng chuyện hình thức.

Bây giờ tôi cũng kén show hơn vì có kinh nghiệm hơn nhiều. Dàn ca sĩ Sao mai điểm hẹn chúng tôi trước kia ít kinh nghiệm “chinh chiến” mà lại hay cả nể. Ít show bị quỵt tiền, nhưng không phải không có chuyện cát-xê bỗng dưng xuống còn một nửa. Có lần đi tỉnh, lên tận Yên Bái, hát ở ba nơi xong, bầu show trốn luôn không trả tiền. Thế mà đành chịu, kiện ai bây giờ. May là tôi chưa bị nhiều. Vụ ẩu đả ở Thái Nguyên chị nhớ chứ? Có người bạn tôi phải chui vào gầm bàn tránh nạn.

Hơn nữa, giọng tôi không phải chỗ nào hay lúc nào cũng hát được. Đứng vào một chương trình không phải khán giả của mình, chắc chắn không bao giờ nhận lời. Chương trình tiệc có ăn uống tôi thường không nhận mà nếu nhận thì điều kiện phải là hát xong mới đến phần tiệc… vì nhạc của tôi hát để nghe chứ không phải để nhìn mà phục vụ cho quý vị ngồi dưới ăn.

* Kế hoạch trong tương lai gần của anh?

- Tôi sẽ làm mini show với Thanh Lam, sau đó là live concert Thanh Lam - Tùng Dương và tiếp theo là live show của riêng mình. Tôi hy vọng không để khán giả chờ lâu hơn nữa. 5 năm một lần mở ra hướng đi mới, phù hợp với tư duy của thời điểm đó và live show này sẽ đánh dấu bước chuyển quan trọng đó.

* Lâu không nghe Tùng Dương nhắc tới mối tình với một nhà thơ nữ xinh đẹp?

- Tôi yêu ghét rõ ràng. Nhưng tình yêu là cái gì đó mong manh, chưa thực sự như mong muốn của tôi là cả hai đến với nhau phải… nảy lửa. Nếu nói rằng, đến hiện giờ vẫn một mình, có khi nhiều người không tin. Nhưng tôi muốn gặp một người sâu sắc, chia sẻ sâu sắc chứ không phải đến rồi đi mà không có mục đích gì. Tôi quan niệm yêu thì tiến đến hôn nhân, hoặc gắn bó lâu dài.

* Tùng Dương cũng từng bị đồn nhiều về giới tính, nhưng hình như anh ít phản ứng trước những tin đồn như vậy?

- Tôi thực sự không để tâm lắm. Đến giờ, tôi không quá quan trọng tin đồn vì có nhiều việc để làm. Một ngày của tôi rất bận rộn, có khi chỉ gặp ba mẹ vào bữa cơm, nhưng bữa có bữa không.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Thu Hằng (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm