Bài hát "không được phép quên"!

13/11/2009 16:48 GMT+7 | Bạn đọc viết

[Viết tặng các em sinh viên K51, Khoa Lịch sử - Trường ĐHKHXH NV Hà Nội]

(TT&VH) - 1. Năm nay, như mọi năm, tôi lại có giờ dạy chuyên đề cho sinh viên chuyên ngành Văn hóa học. Nhìn nét mặt các em hồ hởi, những chàng trai cô gái thế hệ 8X tràn đầy nhựa sống mà thấy phấn chấn. Các em đã được lớn lên trong thời đổi mới, khác hẳn lứa sinh viên yếu ớt, suy dinh dưỡng sinh ra trong thời bao cấp thuở trước.


 Bác Hồ bắt nhịp bài "Kết đoàn".
Ảnh: Lâm Hồng Long, TTXVN

Trong giờ giảng, tôi đặt câu hỏi: “Có bài nào cả lớp ta cùng hát được không”?


Một bạn đề nghị “Bài hạt gạo làng ta” ạ ! Thế là cả lớp vừa vỗ tay vừa hát bài “Hạt gạo làng ta”, bài hát phổ nhạc theo thơ của Trần Đăng Khoa mà các em đều được học từ khi còn ở cấp một. Thời buổi hòa bình, kinh tế thị trường nên chắc mọi người chỉ chú ý đến cơm áo gạo tiền nên em nào cũng thuộc bài ca ngợi hạt gạo, cây lúa. Bài này quả thật tôi mới nghe lần đầu.

Tôi chợt nảy ra một câu hỏi: Các em có thuộc bài “Kết đoàn” không? Cả lớp tròn mắt nghe câu hỏi lạ tai vì hình như nhiều em chưa bao giờ được nghe bài này.

Một bạn nhiều tuổi nhất lớp đứng dậy, trả lời:

- Thưa thầy, em có nhớ tên bài này trong bài hát của nhạc sỹ Cao Việt Bách “Từ thành phố này Người đã ra đi” trong đó có câu “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” ạ!

Tôi sững người . Thì ra quả là nhiều em chưa bao giờ được nghe bài hát này.

2. Bồi hồi nhớ lại khi chúng tôi còn trẻ hơn các em bây giờ, cứ mỗi dịp được đi mít tinh chào mừng ngày Tết Độc lập 2 tháng 9, lũ thiếu nhi chúng tôi cổ quàng khăn đỏ trong đoàn diễu hành cờ hoa hướng về Bác trên quảng trường Ba Đình. Bao giờ kết thúc mít tinh, Bác cũng hỏi “Các cháu thích hát bài hát nào bây giờ”. Cả ngàn vạn người đều tranh nhau reo vang: Kết đoàn ạ! Kết đoàn ạ! Thế rồi quân nhạc nổi lên hùng tráng. Bác bắt nhịp, ngàn vạn người vỗ tay hát theo:

“Kết đoàn, chúng ta là sức mạnh
Kết đoàn, chúng ta là sắt gang.
Đoàn kết, ta bền vững
Dù sắt hay là gang
Mà sắt với gang còn kém bền vững...”


Nhưng sau này, bài hát lịch sử ấy dần dần ít được hát rộng rãi, chỉ còn lại trong kí ức của chúng tôi. Những thế hệ cao tuổi, những cựu chiến binh thỉnh thoảng gặp nhau vui vẻ triền miên sau đó kéo nhau đi hát để nhớ lại một thời oanh liệt thường gọi những bài hát xưa như “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” để nhớ lại những ngày cùng mắc võng dưới mưa rừng Trường Sơn, những bữa sốt rét run người mà bụng đói meo không còn một viên thuốc, những ngày đói rau “hết rau rồi anh có lấy măng không?”... Cao hứng có bác còn đề nghị cả nhóm đứng lên hát thật to “Anh em trong đoàn quân du kích, cùng vác súng lên nào! Xung phong! Xung phong”, thật hào hùng, đầy khí thế.

Nhưng lạ thật! Cả trong danh mục các bài hát “đỏ” trong các đĩa nhạc dành cho karaoke mà cánh trí thức chúng tôi tôi yêu thích cũng không thấy có bài Kết đoàn nổi tiếng.

3. Tôi kể lại những kỉ niệm về Bác Hồ với thế hệ chúng tôi, về bài ca “Kết đoàn” mà Bác vẫn thường bắt nhịp, rồi hát lại cả bài cho các em nghe.

Tôi giải thích: Bài hát này hình như có xuất xứ từ nước ngoài. Nhưng vấn đề không phải bài hát của tác giả nào mà cái hay chính là nội dung kêu gọi sức mạnh đoàn kết mà Bác Hồ thì suốt đời kêu gọi và thực hiện đoàn kết tòan dân nên chúng ta mới giành được độc lập và toàn vẹn núi sông. Cái giai điệu của bài hát có thể vì thế mà nó hơi lạ tai với các em và có thể vì thế mà ít người nhớ chăng?

Tôi đề nghị cả lớp cùng tôi hát thuộc bài hát này để lỡ ai có quên thì thầy trò tôi còn nhớ mà ghi lại cho đời sau.

Từ hôm ấy, cứ trước giờ lên lớp, thầy trò chúng tôi lại cùng nhau ôn lại “bài hát của một thời” mà chúng tôi bảo nhau: Hãy xếp vào danh mục “những bài hát không thể nào quên và không được phép quên” trong lịch sử Văn hóa Việt Nam.

Thầy trò chúng tôi cùng nhau vang ca:

“ Kết đoàn chúng ta là sức mạnh....
... Tiến tiến mau mau kìa tự do đang reo
Bừng trong ánh dương xây đời mới
Trong dân chủ mới!”


TS. Vũ Thế Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm