F1 khai mạc mùa giải 2009: Bước đệm cho những đổi thay

27/03/2009 19:20 GMT+7 | Tốc độ

(TT&VH Cuối tuần) -  Mùa giải 2009 không có nhiều biến động đáng kể, song có thể coi đây là một giai đoạn bản lề cho những thay đổi đáng chú ý trong tương lai. F1 đang vận động để tồn tại và phát triển và cần phải có thời gian chuyển tiếp như thế này.

Một tuần tranh cãi

Ngày 15/3 dường như đã đánh dấu một cột mốc trong lịch sử F1 bởi một sự thay đổi căn bản về thể thức. FIA đã đưa ra một quyết định mang tính cách mạng khi khẳng định rằng tay đua vô địch thế giới sẽ là người thắng chặng nhiều nhất, chứ không phải có tổng số điểm cao nhất. Điểm chỉ được dùng làm chỉ số phụ để quyết định chức vô địch khi các tay đua ngang nhau về số lần thắng chặng, cũng như xác định các vị trí còn lại. Đây là một quyết định xuất phát từ ý tưởng trao huy chương vàng, bạc, đồng sau mỗi chặng do ông trùm Bernie Ecclestone đề xuất hồi năm ngoái.

Nếu cách tính này được áp dụng từ năm ngoái thì nhà vô địch F1 2008 chính là Felipe Massa chứ không phải Lewis Hamilton. Tay lái người Brazil đã vô địch chặng nhiều hơn Hamilton (6-5) nhưng lại giành ít điểm hơn (97-98). Người ta cũng thống kê rằng kể từ năm 1950 tới nay, có tới 13 trường hợp chức vô địch có thể đổi chủ nếu như thay bằng điều luật mới. Theo FIA, thay đổi này sẽ tăng cường sự hấp dẫn ở mỗi chặng đua vì các tay đua sẽ gắng hết sức để thắng chặng. Ngược lại, nếu theo hệ thống tính điểm cũ (được áp dụng từ năm 1950), khi đã đạt được điểm số nhất dịnh, nhiều tay đua sẽ chọn giải pháp an toàn.
 
Tay đua F1 nổi tiếng Lewis Hamilton

Nhưng có lẽ FIA không lường trước được rằng họ có thể gặp phải sự chống trả quyết liệt, nhất là từ phía các tay đua và đội đua hàng đầu. Ngay sau khi quy định trên được đưa ra, Hiệp hội các đội đua F1 (FOTA) thẳng thừng phản đối “FIA đã quá gấp gáp trong việc áp dụng quy đinh, nhất là khi không nhận được sự nhất trí của các đội”. Trước đó, FOTA từng đề nghị cách tính điểm mới với số điểm 12-9-7 thay vì 10-8-6 như hiện tại nhưng đã bị FIA gạt đi.

ĐKVĐ Lewis Hamilton cũng phản đối dữ dội vì theo anh nhà vô địch cần là người có phong độ tốt trong cả mùa, chứ không nên phụ thuộc vào số lần vô địch chặng. Tay lái người Anh dĩ nhiên muốn khẳng định chức vô địch của mình là hoàn toàn thuyết phục. Và anh cũng nhận được sự đồng tình của cựu hoàng Alonso, bởi tay lái người TBN cũng nổi tiếng về sự an toàn và đầy tính toán về điểm số, trái với phong cách mạo hiểm và quyết liệt của những Raikkonen hay Pablo Montoya. Ngay cả huyền thoại Michael Schumacher, người từng 7 lần VĐTG cũng không thể tưởng tượng nổi kịch bản một nhà vô địch mà lại kiếm được ít điểm hơn người xếp thứ nhì”.

Lịch trình mùa giải 2009

Grand Prix Thượng Hải sẽ không còn đứng áp chót nữa mà được đẩy lên thứ 3, sau GP Australia và Malaysia. Khi đó GP Bahrain sẽ bị đẩy lùi 1 tuần xuống ngày 26/4. Thay đổi đáng chú ý nhất là sự xuất hiện lần đầu tiên của đường đua Abu Dhabi tại UAE. Đây cũng là chặng đua kết thúc mùa giải, chứ không phải Grand Prix Brazil nữa. Một thay đổi nữa trong mùa giải mới là việc, hai chặng đua đầu tiên của mùa giải tại Australia và Malaysia sẽ diễn ra vào lúc 17h00, giờ địa phương nhằm phù hợp hơn với lịch phát sóng tại châu Âu.

Ngày  Grand Prix  Đường đua
29/03  Australia       Melbourne
05/04  Malaysia       Sepang
19/04  Trung Quốc   Thượng Hải
26/04  Bahrain         Sakhir
10/05  Tây Ban Nha  Barcelona
24/05  Monaco         Monte Carlo
07/06  Thổ Nhĩ Kỳ    Istanbul
21/06  Anh              Silverstone
12/07  Đức              Nuerburgring
26/07  Hungary        Budapest
23/08  Châu Âu       Valencia
30/08  Bỉ                 Spa-Francorchamps
13/09  Italia             Monza
27/09  Singapore     Singapore
04/10  Nhật Bản      Suzuka
18/10  Brazil           Interlagos
01/11  Saudi Arabia Abu Dhabi

Không thể chịu đựng được sức ép, FIA đã phải nhượng bộ. Chỉ một tuần sau, họ đã tuyên bố sẽ hoãn việc áp dụng quy định mới đến mùa giải 2010 để cho các đội đua, cũng như những tay lái có thời gian để chuẩn bị cho sự cách mạng về thể thức này.

Cú áp phe của Ross Brawn

Mùa giải 2009 không có nhiều biến đổi về mặt nhân sự khi các tay lái hàng đầu đều hài lòng với vị trí của mình. Đáng kể nhất chỉ có vụ tài năng trẻ Sebastian Vettel chuyển từ Toro Rosso sang Red Bull, nhường lại vị trí cho tay đua mới toanh Buemi. Lão tướng David Coulthard, dù vẫn đua thử cho Red Bull, nhưng đã chuyển sang làm cố vấn, cũng như bình luận cho hãng BBC.

Và vì thế, sự xuất hiện của Brawn GP chính là tâm điểm của mọi sự chú ý. Về bản chất, đó chính là đội đua Honda, với hai tay lái chủ lực Jenson Button và Barrichello. Cuối mùa trước, Honda đã tuyên bố rút lui khỏi F1 vì lý do tài chính nhưng đến phút chót, họ đã được giải cứu bởi chính người lãnh đạo cũ của mình, Ross Brawn. Đội đua này sẽ tham dự mùa giải mới với động cơ của Mercedes-Benz và chiếc xe mới BGP 001.

Trong sự nghiệp của mình, Brawn là một chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật khi từng 7 lần đưa Michael Schumacher VĐTG từ Bennetton cho tới Ferrari, nhưng sau 2 năm làm Giám đốc điều hành ở Honda, ông còn cho thấy tư chất của một ông chủ. Động thái mua lại Honda vào phút chót cho thấy sự khôn ngoan của người đàn ông 54 tuổi này. Ở thời điểm hiện tại, nghiễm nhiên Brawn được xem như một vị cứu tinh, dù số tiền ông bỏ ra để có được đội đua này không nhiều (do đã bị dìm giá). Hơn thế việc Honda thuộc về một “người cũ” như Brawn, rõ ràng khiến các fan cũng như toàn bộ nhân viên và các tay lái thoải mái. Và chỉ riêng cái tên Brawn GP xuất hiện trên bản đồ F1 thế giới cũng đủ nâng tầm của Ross Brawn lên một bậc

Trong những cuộc đua thử ở Catalunya, cả Button lẫn lão tướng Barrichello đều cán đích đầu tiên trong sự ngạc nhiên của rất nhiều đối thủ. Trong một phát biểu mới nhất, Felipe Massa khẳng định rằng Brawn GP sẽ là một đối thủ cực kỳ đáng gờm. Họ là đội đua tỏ ra thích ứng nhất đối với loại lốp trơn mới được tái áp dụng ở mùa giải này. Trong khi ấy, nhiệm vụ bảo vệ vương miện của Hamilton sẽ không hề dễ dàng. Tay lái này phàn nàn rằng MP4-24 quá chậm và cần phải cải tiến hệ thống khí động học nếu không muốn thụt lùi so với các kình địch.
 

Hồi ức Albert Park

Một năm về trước, những khán giả tại Albert Park đã chứng kiến một cuộc đua độc nhất vô nhị về mức độ khốc liệt. Trong số 22 tay đua tham dự thì chỉ có 7 người về đến đích, do hậu quả của những vụ va chạm. Thậm chí sau khi con số ấy chỉ còn là 6, vì lão tướng Barrichello bị loại. Trong lịch sử Australia Grand Prix chưa bao giờ có một chặng đua nào kỳ lạ như thế. Trong bối cảnh ấy, tài năng trẻ Hamilton đã tận dụng cực tốt lợi thế xuất phát, khôn khéo tránh các vụ va chạm để cán đích đầu tiên. Và một điều khá hài hước là những tay đua không hoàn thành hết chặng đua như Bourdais (thứ 7) hay Raikkonen (8) vẫn được nhận điểm.

Đường đua Albert Park

Tham sự F1 thế giới: Từ 17/3/1996

Số Grand Prix đã tổ chức: 13

Chiều dài đường đua: 5,303 km

Số vòng đua: 58 (tổng chiều dài 307,574 km)

Số góc cua: 16 (10 phải, 6 trái)

Sức chứa tối đa của trường đua: 80.000 khán giả

Thời gian chạy một vòng nhanh nhất (Best lap) 1’24”215 – Michael Schumacher, Ferrari (2004)

Kỷ lục giành pole xuất phát: 1’24”408 – Michael Schumacher, Ferrari (2004)

Thành tích năm 2008 (Podium)

1.Hamilton (McLaren)

2. Heidfeld (BMW)

3.Nico Rosberg (Williams)

Phương Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm