Federer bị Tomas Berdych loại: Thời oanh liệt nay còn đâu

01/07/2010 14:00 GMT+7 | Tennis

(TT&VH Online) - 6-4, 3-6, 6-1 và 6-4. Sau 155 phút so tài và 4 set đấu, Tomas Berdych buộc Federer rút lui vào lịch sử. Roger, ngày ấy đã lụi tàn. 

* Không còn một
Federer hoàn hảo

Khi anh hướng lên khán đài chào tạm biệt người hâm mộ với nụ cười lịch lãm trong lúc rời sân đấu trung tâm, những tiếng vỗ tay đã vang lên không ngớt. Thời gian như dừng lại, như không muốn tiễn biệt một huyền thoại. Nhưng lịch sử nói rằng sứ mệnh của anh phải kết thúc ở đây và những người hâm mộ banh nỉ có lẽ sẽ không bao giờ còn được thấy lại một Federer hoàn hảo của thuở ban đầu vinh quang ấy.




Nỗi buồn của Federer, Ảnh Getty

Roger không muốn tin vào điều đó. Anh có lẽ không muốn nghe tiếng gọi của cuộc chia ly. Trên mặt cỏ Wimbledon từng chứng kiến bao phút giây phát tiết của thiên tài, tay vợt Thụy Sĩ  đã "cháy" lên với tất cả những gì còn lại để bước qua lời nguyền nghiệt ngã của thời gian. Như khi anh phục sinh ở set 2 bằng chiến thắng 6-3. Như khi bản năng sinh tồn và cả bản lĩnh của nhà vô địch trong anh trỗi dậy mãnh liệt ở game 10 của set 4. Nhưng trong trận đấu khó quên của đời mình, Berdych đã đẩy Roger vào bóng tối của hào quang quá khứ. Những cú service trời giáng. Những pha bỏ nhỏ thông minh. Những cú forehand dọc dây và chéo sân không thể cản phá...Tay vợt người Cộng hòa Czech đã làm tất cả để thay đổi lịch sử của anh và...của Federer..

Sân đấu trung tâm của Wimbledon đã chứng kiến một Berdych trẻ trung và dường như không bao giờ biết đến 2 từ "sợ hãi" trong "từ điển". Những cú giao bóng "kiểu Soderling" ở tứ kết Roland Garros 2010 lại tái hiện trong bàn tay Berdych. Nó mang sức mạnh tàn phá như bom nguyên tử và trong phần lớn các trường hợp, Federer chỉ có thể đứng nhìn, hoặc trả giao bóng theo phản xạ bản năng trong tuyệt vọng. Nhưng Berdych không chỉ "tra tấn" Federer bằng những cú giao bóng, tay vợt người Cộng Hòa Czech đã chơi với khát vọng chiến thắng, tinh thần phiêu lưu và cả sự tự tin đáng khâm phục của tuổi 24. Nếu không sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy, Berdych đã không thường xuyên tung ra những cú forehand dọc dây hoặc chéo sân nhiều rủi ro đến thế. Đó là những pha xử lý đầy mạo hiểm bởi chỉ cần thiếu chính xác một chút là bóng sẽ đi ra ngoài dây. Nhưng Berdych không sợ đánh hỏng. Trái lại, anh quyết tâm đánh thật khó để hạ gục Federer.

Chiến thắng thuộc về những người dũng cảm. Những quyết định xử lý bóng táo bạo như thế của Berdych đã không ít lần giúp anh giành điểm ở trận này. Trong khá nhiều những pha bóng giằng co, tay vợt người CH Cezch cho thấy vẻ đẹp lấp lánh của pha lê bằng những cú đánh rất nặng, đưa bóng đi sâu và sát dây, khiến Federer không cách gì cứu được. Nếu như ở tứ kết Roland Garros 2010, Soderling khuất phục Roger chủ yếu bằng những cú giao bóng cực mạnh và những quả bạt nặng, đưa bóng đi sát đường baseline thì cách Berdych đưa lịch sử sang trang ở Wimbledon 2010 thậm chí còn ngoạn mục hơn khi anh kết hợp khá đa dạng các miếng đánh để buộc "Nhà vua" phải "băng hà". Giao bóng mạnh như búa bổ. Bạt dọc dây và chéo sân khá chính xác cả trong game đấu mà anh cầm giao bóng hay khi quyền giao bóng thuộc về Federer. Bỏ nhỏ bằng những cú ngắt bóng cực "ngọt" hoặc bằng một cú kê vợt đưa trái bóng chuội xuống rất thấp trên mặt cỏ. Và dĩ nhiên là cả những cú passing-shot đưa bóng ra ngoài tầm với của nhà vô địch như cách mà Berdych giành được break cực kỳ quan trọng và  ngoạn mục ở game 7 của set 4 giúp anh vượt lên dẫn trước Federer 4-3.

Federer thất bại vì Berdych đã có một trận đấu quá xuất sắc, hay vì "Tàu tốc hành" chỉ còn là cái bóng của mình trong những ngày tháng huy hoàng chưa xa? Thực tế thì câu trả lời nào cũng đúng, nhưng điều đúng nhất là vì Federer chỉ còn lại cái tên trong buổi hoàng hôn của sự nghiệp. Như khi cú backhand dọc dây của anh mắc lưới  giúp Berdych dẫn 1-0 ở set 3. Như khi cú backhand chéo sân của anh cũng mắc lưới để Berdych giành break và dẫn 2-0 ở set 3. Như khi cú forehand chéo sân quyết định của anh đi quá mạnh, để Berdych giành một break khác ở game 6 của set 3. Có quá nhiều những pha đánh lỗi cả backhand lẫn forehand như thế. Dù là dọc dây, hay chéo sân thì trái banh vẫn cứ "trêu ngươi" Roger khi nó liên tục bay ra ngoài hoặc không qua lưới. Đó là thực tế đã diễn ra không chỉ ở trận này và giải này.

* Từ Roland Garros tới Wimbledon: Sự tiếp nối của hai vực thẳm

Sau 1 thập niên bước chân vào thế giới của tennis đỉnh cao, bộ não trứ danh của Federer không hề mất đi chất xám. Cái đầu anh vẫn biết phải làm gì và làm như thế nào để trở thành kẻ thống trị vĩ đại của mọi cuộc tranh tài. Nhưng đôi chân và hai tay của anh đã không còn tuân theo ý muốn của anh nữa. Ôi, sự nghiệt ngã của thời gian.


Khi bị Nadal đánh bại ở chung kết Wimbledon 2008, Roger đã khóc. Những giọt nước mắt khổ đau và tiếc nuối sau đó mau chóng được lau khô và thế giới banh nỉ đã chứng kiến anh đứng lên đầy kiêu hãnh trong hành trình tìm lại chân giá trị của mình. Nhưng tối qua, không có giọt nước mắt nào như thế. Chỉ có những nụ cười lịch lãm trên gương mặt trầm buồn và anh rời sân đấu trung tâm trong lặng lẽ. Đó là chuyến đi không ước hẹn ngày về, hay vẫn chỉ là lời tạm biệt của một anh hùng để ngày mai trở lại? Roger, thời oanh liệt nay còn đâu!

Federer, tại sao anh không ra đi khi đã có trọn bộ Grand Slam của sự nghiệp trong túi áo?  Với 16 chiếc cúp vô địch các giải lớn, anh đã là kẻ thống trị số 1 của mọi thời. Sampras, Agassi, Nadal...tất cả đều không bao giờ ( hoặc chưa thể) sánh bằng anh được. Trong ngôi đền danh vọng của tennis đỉnh cao đã có  một chỗ cho anh. Vĩnh viễn và bất tử. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ với anh chăng, Roger? Vì anh còn vương vấn với những vinh quang mới hay vì kỷ lục chưa thể xổ đổ của Sampras  huyền thoại đã thôi thúc bước chân anh trở lại chốn này? Hay vì đã là số 1 rồi thì lúc nào cũng phải tranh đấu tới phút cuối cùng không ngừng nghỉ?

Không, đừng trách Roger. Vì vẻ đẹp của thể thao chân chính là không bao giờ dừng lại. V
ẻ đẹp của thể thao chân chính là luôn hướng về phía trước, là phải mãi mãi đi về hướng mặt trời cho dù trước mắt là đại dương cạm bẫy hay sa mạc khô cằn sự sống Vì trong "từ điển" của một nhà vô địch đích thực không bao giờ tồn tại hai tiếng "đầu hàng" hay "bỏ cuộc". Dù thắng hay thua thì anh đã là nhà vô địch số 1 rồi, Roger.  Mãi mãi. Trong trái tim người hâm mộ banh nỉ. Buồn cho anh. Tiếc cho anh. Nhưng ai cũng hiểu là mỗi người chỉ có một thời. Thời của anh đã  từng đến và đã (sắp) đi qua. Nhưng  đó là một thời để nhớ và đáng nhớ. Vì Roger đã cháy lên thật rạng rỡ và huy hoàng trong những ngày xanh ấy. 

Tháng 6 của những xót xa. Của dự cảm về những ngày bão tố phong ba. Từ Roland Garros tới Wimbledon là sự tiếp nối của hai vực thẳm. Những hố sâu mà không ai dám chắc là anh còn có thể bước lên. Như những vết thương mãi không liền da. Như lời giã biệt của một huyền thoại tài hoa. Tạm biệt, Roger. 16 chiếc cúp vô địch Grand Slam không biết bao giờ mới có người vượt qua. Nhưng Mirka Vavrinec và 2 "công chúa" nhỏ mới là những Grand Slam lớn nhất. Anh là kẻ chinh phục vĩ đại của mọi thời. Trên sân bóng và trong cuộc đời...


Federer, 6 tháng, 1 niềm vui, 10 nỗi đau

Trong 6 tháng qua kể từ đầu năm 2010, "Tàu tốc hành đã chơi tổng cộng 11 giải đấu và anh chỉ vô địch duy nhất 1 lần. Dĩ nhiên, đó là danh hiệu quán quân Australia mở rộng quan trọng. Nhưng tất cả chỉ có vậy. Còn lại là những tiếng thở dài với 2 lần rớt xuống vực sâu ở tứ kết Roland Garros 2010 và tứ kết Wimbledon 2010.

1//1/2010: Soderling-Federer 6-7, 7-6, 6-2 (Bán kết giải Abu Dhabi)

8/1/2010: Davydenko-Federer: 6-4, 6-4 (Bán kết giải Doha mở rộng)

31/1/2010: Federer-Murray: 6-3, 6-4, 7-6 (Chung kết Australia mở rộng 2010)

17/3/2010: Baghdatis-Federer: 5-7, 7-5, 7-6(4) (vòng 3 giải Indian Wells)

31/3/2010: Berdych-Federer: 6-4, 6-7, 7-6 (vòng 4 giải Miami mở rộng)

27/4/2010: Gulbis-Federer: 2-6, 6-1, 7-5 (vòng 2 giải Roma Masters 1000)

8/5/2010: Montanes-Federer: 6-2, 7-5 (Bán kết giải Estoril mở rộng)

16/5/2010: Nadal-Federer: 6-4, 7-6 (Chung kết Madrid Masters 1000)

1/6/2010: Soderling-Federer: 3-6, 6-3, 7-5, 6-4 (Tứ kết Roland Garros 2010)

13/6/2010: Hewitt-Federer: 3-6, 7-6, 6-4 (Chung kết giải Halle mở rộng)

30/6/2010: Berdych-Federer: 6-4, 3-6, 6-1, 6-4 (Tứ kết Wimbledon 2010)


HT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm