Dư âm Wimbledon 2009: Tàu tốc hành không dừng lại

07/07/2009 10:26 GMT+7 | Tennis

(TT&VH) - Michael Schumacher đã phải mất hơn 1 thập kỷ để lập kỷ lục giành 7 chức VĐTG đua xe Công thức 1. Lance Armstrong cũng phải đợi đến năm 33 tuổi để trở thành một huyền thoại của Tour de France, Pete Sampras cần tới 12 năm để đạt tới cột mốc 14 Grand Slam. Còn Federer đã trở thành một huyền thoại sống chỉ sau 6 năm. Xin nhắc lại, chỉ 6 năm mà thôi!

Từ trên khán đài danh dự của Wimbledon, Pete Sampras chứng kiến trận chung kết Wimbledon 2009 với đôi kính đen và một thái độ khá lạnh lùng. Nhưng trong thâm tâm của huyền thoại này, người ta thừa hiểu anh cổ vũ cho ai. Dù rất hy vọng người đồng hương Roddick có thể tạo nên một bất ngờ, huyền thoại này đã lường trước được rằng danh hiệu Tay vợt xuất sắc nhất mọi thời đại mà anh từng được tôn vinh đã đến lúc phải chuyển giao.

Sampras, tay vợt từng 7 lần đăng quang ở Wimbledon, rõ ràng không thể nghĩ rằng kỷ lục 14 Grand Slam của mình lại bị vượt qua sớm đến thế. “Anh ấy đã giành mọi danh hiệu cao quý, Giờ là 15 Grand Slam, nhưng chắc chắn con số ấy sẽ không dừng lại”, huyền thoại này thừa nhận sau khi trận chung kết marathon giữa Federer và Roddick kết thúc. Có thể việc so sánh các tay vợt khác thế hệ với nhau, chẳng hạn như Rod Laver và Bill Tilden, vẫn là một vấn đề phải tranh cãi, nhưng có một điều không thể phủ nhận: Federer đã làm được những chiến tích phi thường khi còn khá trẻ. Nên nhớ đến tháng Tám này, anh mới bước sang tuổi 28.

 
Federer với cúp VĐ Grand Slam thứ 15 trong sự nghiệp

Việc phá kỷ lục của Sampras ở chính mặt sân cỏ Wimbledon là một chiến tích đặc biệt của Federer. Anh đã đánh bại thần tượng của mình trong lần chạm trán đầu tiên và duy nhất trên chính mặt sân này (hè 2001). Hè năm 2003, London cũng là nơi Federer giành được Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp và mở ra một thời đại huy hoàng. Ở Wimbledon, anh đang độc chiếm kỷ lục chơi 7 trận chung kết liên tiếp (thắng 6, thua 1) và đang cùng với Bjorn Borg giữ kỷ lục 5 chức vô địch liên tiếp (2003-07).

Thử làm một phép so sánh giữa Pete Sampras và Federer, bất cứ ai cũng nhận thấy rằng tay vợt người Thụy Sĩ ăn đứt bậc tiền bối không chỉ ở số danh hiệu lớn giành được. Sampras đã đoạt 14 Grand Slam trong giai đoạn 1990-2002, và phải trải qua 45 giải đấu. Còn Federer đã vượt mặt đàn anh, dù chỉ cần có 6 năm (2003-09) và 25 giải Grand Slam. Và trong khi Sampras có mơ cũng không thể vô địch ở Roland Garros, thì Federer đã làm được điều ấy, một chiến tích mà người ta gọi là “Grand Slam sự nghiệp”.

“Tôi vẫn có cảm giác chúng tôi cùng giữ một kỷ lục, vì anh ấy là một nhà vô địch quá tuyệt vời”, Federer tỏ ra nhã nhặn – một phong cách đặc trưng của anh – khi nói về bậc tiền bối Sampras. Thực tế, nếu xét riêng ở Wimbledon thì tay vợt người Thụy Sĩ vẫn có điều cần chứng tỏ. Chỉ cần một chức vô địch nữa, anh sẽ sánh ngang với Sampras và William Renshaw về số lần đăng quang tại giải đấu này (cùng 7). Federer năm nay mới 27 tuổi, và theo như Sampras thì anh hoàn toàn có thể giành tới 18, 19 Grand Slam nữa. Tất nhiên trong trường hợp giữ được phong độ, cũng như không dính phải những chấn thương quái ác.

Sự trở lại hoàn hảo

Tháng Tám năm ngoái, Federer đã đánh mất ngôi vị số một thế giới vào tay Nadal sau 237 tuần liên tiếp nắm giữ. Và đã có rất nhiều thời điểm bản thân anh cũng không nghĩ rằng mình có thể giành lại nó. Khi Federer gạt những giọt nước mắt sau khi thua Nadal ở chung kết Australia mở rộng, không ít người đã cho rằng thời của anh thế là đã hết. Trước khi lên ngôi ở Roland Garros, Federer đã trải qua những thời điểm cực kỳ khó khăn trong sự nghiệp khi gục ngã liên tiếp trước Djokovic (2 lần), Murray, và thậm chí là đàn em Wawrinka. Nhưng bây giờ, anh là tay vợt thứ 3 kể từ kỷ nguyên Open (1968) giành cú đúp Roland Garros-Wimbledon trong cùng một mùa, sau Borg và Nadal. Và sau 11 tháng, cuối cùng thì ngai vàng ATP đã trở lại với Federer.

Khi Federer lên xe hoa cùng người bạn gái lâu năm Mirka Vavrinec, và chuẩn bị đón đứa con đầu lòng, người ta đã nghĩ rằng đó là những dấu hiệu cho thấy anh chuẩn bị cho cuộc sống không quần vợt. Những thất bại liên tiếp ở Monte Carlo và Roma càng khẳng định điều đó. Nhưng Federer đã trả lời tất cả bằng phong độ trên sân quần, rằng gia đình không hề là một cản trở cho sự nghiệp, mà còn là một điểm tựa tinh thần vào những lúc anh cảm thấy khó khăn nhất.

Từ khi Nadal xuất hiện, anh ngay lập tức trở thành một khắc tinh của Federer. Thực tế tay vợt này cũng đã hạ Federer tới 5 trong số 7 trận chung kết Grand Slam. Và trong vòng một năm qua, việc Murray liên tiếp đánh bại Federer đã khiến anh gặp phải một khắc tinh nữa. Nhưng bây giờ, Nadal vẫn đang chấn thương, và đã sa sút đi rất nhiều, trong khi ấy, Murray vẫn chưa thể trở thành một tay vợt lớn thực sự vì không biết cách vượt qua sức ép ở những thời điểm quan trọng.

Vậy ai sẽ là trở lực của Federer? Roddick đã có một trận chung kết Grand Slam để đời (dù thua) nhưng trở lại là một quyền lực thì vẫn còn rất lâu (thậm chí là chẳng bao giờ).Djokovic hay Del Potro? Rất khó tin vào điều đó.

Những kỷ lục của Federer

Giành nhiều Grand Slam nhất: 15

Chơi nhiều trận chung kết Grand Slam nhất: 20

Chuỗi trận CK Grand Slam liên tiếp dài nhất: 10

Chuỗi trận BK Grand Slam liên tiếp dài nhất: 21

Chuỗi trận CK liên tiếp Wimbledon dài nhất: 7

Chuỗi vô địch Mỹ mở rộng dài nhất: 5

Quãng thời gian ở ngôi số một lâu nhất: 237 tuần
 
Phương Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm